(vhds.baothanhhoa.vn) - Tuy không phải là chiến sĩ của Đội Du kích Ngọc Trạo, không trực tiếp sống và chiến đấu trong những ngày Ngọc Trạo anh hùng ấy nhưng cụ Tôn Viết Năng (75 tuổi, Chủ tịch Hội cựu giáo chức xã Ngọc Trạo) có mối liên hệ đặc biệt, sống gần gũi, thân tình với đồng chí Bùi Oanh, Bí thư Chi bộ Ngọc Trạo lúc bấy giờ nên thông tỏ nhiều điều.

Ngọc Trạo anh hùng trong trái tim của người cựu giáo chức

Tuy không phải là chiến sĩ của Đội Du kích Ngọc Trạo, không trực tiếp sống và chiến đấu trong những ngày Ngọc Trạo anh hùng ấy nhưng cụ Tôn Viết Năng (75 tuổi, Chủ tịch Hội cựu giáo chức xã Ngọc Trạo) có mối liên hệ đặc biệt, sống gần gũi, thân tình với đồng chí Bùi Oanh, Bí thư Chi bộ Ngọc Trạo lúc bấy giờ nên thông tỏ nhiều điều.

Ngọc Trạo anh hùng trong trái tim của người cựu giáo chức

Tại Khu di tích, ông Tôn Viết Năng cùng lãnh đạo xã Ngọc Trạo ôn lại lịch sử hình thành Chiến khu Du kích Ngọc Trạo.

Biết bao năm qua, cụ Năng vẫn hăng say kể chuyện làng, chuyện xã, chuyện Ngọc Trạo anh hùng bằng tất cả tình yêu, niềm tự hào sâu sắc về lịch sử - văn hoá, truyền thống cách mạng của quê hương.

Chúng tôi tìm gặp cụ Tôn trong những ngày kỷ niệm 80 năm thành lập Chiến khu Du kích Ngọc Trạo (19-9-1941 - 19-9-2021). Người cựu giáo chức niềm nở đón khách bằng nhiều lời hỏi thăm ân cần. Khoảng cách giữa chúng tôi như ngày càng ngắn lại, ngày càng gần gũi, thân thiết bởi những câu chuyện kể về Ngọc Trạo anh hùng, về Đội du kích, Chiến khu du kích Ngọc Trạo. Sự say mê, niềm tự hào, tâm huyết của cụ Năng trong từng lời kể khiến người nghe như được sống cùng lịch sử, truyền thống cách mạng nơi đây.

Ngọc Trạo những năm tiền khởi nghĩa

Ngọc Trạo vốn là tên gọi một bản dân tộc Mường thuộc tổng Trạc Nhật, địa bàn sinh sống của khoảng hơn 30 nóc nhà, 200 dân đinh (khẩu) ở 4 dòng họ: Quách Công, Quách Văn, Bùi, Tôn. Tuy là bản nghèo nhưng Ngọc Trạo nằm ở vùng rừng núi, cách xa tỉnh lị, nhưng lại tiếp giáp với nhiều huyện như Vĩnh Lộc, Hà Trung, Ninh Bình... thuận lợi cho việc liên lạc với các vùng khác trong, ngoài tỉnh. Hơn nữa, Nhân dân nơi đây vốn có truyền thống yêu nước, tinh thần, ý chí cách mạng kiên cường. Vì lẽ đó, Ngọc Trạo sớm được dìu dắt, giác ngộ cách mạng.

Cụ Năng vanh vách kể, trong cách nói chuyện không giấu được niềm tự hào: Ngày ấy, thầy giáo Ngô Đức Mậu về mở lớp dạy chữ quốc ngữ cho bà con, tuyên truyền sách báo quốc ngữ tại nhà ông Tôn Viết Chứng. Cùng với đó, ông Nguyễn Văn Huệ - người phụ trách phong trào mặt trận dân chủ 1936 - 1939 của hai huyện là Hà Trung và Nga Sơn đã bắt liên lạc với ông Bùi Oanh (Lý Oanh) - người xã Ngọc Trạo nhằm mục đích tuyên truyền, giác ngộ cách mạng, kết nạp ông Oanh làm thành viên của Mặt trận dân chủ.

Từ đó, Ngọc Trạo diễn ra nhiều hoạt động cách mạng sôi nổi, dưới nhiều hình thức khác nhau như: Mở lớp dạy học cho thanh niên trai, gái trong vùng do thầy giáo Tôn Viết Nghiệm trực tiếp đứng lớp tại nhà ông Bùi Văn Nguyên (chú ruột ông Bùi Oanh) nhằm hợp pháp hoá việc tuyên truyền cách mạng; xây dựng các hội tương tế ái hữu, giúp đỡ nhau vượt khó khăn do ông Tôn Viết Minh (người xã Ngọc Trạo) phụ trách. Ông Bùi Oanh, ông Tôn Viết Nghiệm là hai người có nhiều đóng góp quan trọng cho phong trào cách mạng ở Ngọc Trạo nói riêng, huyện Thạch Thành nói chung.

Giữa năm 1940, khi Đảng bộ Thanh Hoá bắt được liên lạc với xứ uỷ Bắc Kỳ, Trung Kỳ và được tiếp thu tinh thần Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ VI (tháng 11 - 1939), Tỉnh uỷ Thanh Hoá đã kịp thời chỉ đạo việc xây dựng các đoàn thể phản đế cứu quốc ở Ngọc Trạo. Đầu năm 1941, các đoàn thể phản đế cứu quốc được củng cố và phát triển đều khắp, trên cơ sở ấy mà lực lượng tự vệ cứu quốc được thành lập. Từ cơ sở Ngọc Trạo, phong trào phản đế cứu quốc ở huyện Thạch Thành đã phát triển lên một bước mới. Tháng 3 năm 1941, mặt trận phản đế cứu quốc huyện Thạch Thành được thành lập và tổ chức được nhiều cuộc đấu tranh có hiệu quả.

Chiến khu Du kích Ngọc Trạo: Vang mãi bản anh hùng ca

Tháng 6-1941, tại làng Phúc Tĩnh (Yên Định) diễn ra Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng bàn giải pháp xây dựng căn cứ địa cách mạng tại khu vực phía Tây Thanh Hóa. Tỉnh ủy đã chọn vùng đất Thạch Thành để xây dựng cơ sở cách mạng của tỉnh. Ngay sau hội nghị, đoàn cán bộ gồm các đồng chí Trần Tiến Quân, Đặng Văn Hỷ, Đặng Châu Tuệ đã đến khu vực Ngọc Trạo (Thạch Thành), xây dựng cơ sở cách mạng làm chỗ dựa cho việc hình thành căn cứ cách mạng của tỉnh.

Ngày 10-7-1941, thực hiện chỉ thị của Tỉnh ủy Thanh Hóa, 11 đội viên du kích đầu tiên được bí mật đưa lên Ngọc Trạo xây dựng cơ sở. Ban lãnh đạo chiến khu du kích gồm 3 đồng chí: Đặng Châu Tuệ, Trịnh Huy Lãn, Đặng Văn Hỷ, do đồng chí Đặng Châu Tuệ phụ trách.

Ngọc Trạo anh hùng trong trái tim của người cựu giáo chức

Sự kiện thành lập Chiến khu du kích Ngọc Trạo mãi là dấu son, niềm tự hào trên hành trình xây dựng và phát triển của quê hương Ngọc Trạo anh hùng.

Người cựu giáo chức càng nói như càng say mê, hăng hái, câu chuyện về Ngọc Trạo giai đoạn thành lập Chiến ku Du kích như thước phim quay chậm, tái hiện sinh động, sắc nét: Người dân Ngọc Trạo tích cực tham gia, đóng góp sức người, sức của góp phần xây dựng chiến khu, thành lập 2 tổ tự vệ: Tổ tự vệ nam do ông Tôn Viết Minh làm tổ trưởng có nhiệm vụ canh gác, bảo vệ chiến khu ở vòng ngoài; Tổ tự vệ nữ, gồm 8 người, do bà Phăn - người làng Ngọc Trạo làm tổ trưởng có nhiệm vụ tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác phục vụ chiến khu.

Ngày 18-9-1941, trước nguy cơ chiến khu bị lộ, ban chỉ huy quyết định chuyển toàn bộ về hang Treo.

Hang Treo, đêm 19-9-1941, dưới ánh đuốc bập bùng cháy sáng, Đội du kích Ngọc Trạo, tiền thân của lực lượng vũ trang cách mạng tỉnh Thanh Hóa ra đời gồm 21 đội viên tuyên thệ sẵn sàng hy sinh, chiến đấu đến cùng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Sự ra đời của Đội du kích Ngọc Trạo đánh dấu bước trưởng thành mới của phong trào cách mạng Thanh Hóa. Từ đây, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã có một lực lượng vũ trang thoát ly đầu tiên, làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang sau này. Ngọc Trạo trở thành cái nôi sinh thành và nuôi dưỡng chiến khu du kích hoạt động.

Mặc dù được thành lập, hoạt động trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn nhưng Chiến khu du kích không ngừng lớn mạnh cả về quy mô, cơ cấu tổ chức… Hơn hết, Chiến khu có một điểm tựa vững chắc, đó là sự yêu thương, tin tưởng, hết lòng chở che, đùm bọc của quần chúng Nhân dân Ngọc Trạo.

Sau một thời gian hoạt động, Chiến khu du kích Ngọc Trạo bị địch “đánh hơi”, lần ra dấu vết. Địch huy động binh lính và mật thám của nhiều tỉnh tập trung về Thanh Hóa để chuẩn bị một cuộc vây ráp, khủng bố lớn. Từ đầu tháng 9-1941, địch đã tập trung lực lượng o ép nhiều vùng trong các huyện Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Yên Định. Các cuộc đánh tháo giải vây nổ ra liên tục. Ngày 7-10-1941, một trận đấu quyết liệt đã diễn ra ở Đa Ngọc (nơi tập kết của tự vệ Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Yên Định lên đường đi chiến khu). Đến ngày 16-10-1941, Chiến khu Ngọc Trạo bị phong tỏa. Thời điểm này, ở Ngọc Trạo xảy ra mưa lớn, lụt lội. Đường tiếp tế bị địch ngăn chặn, đội du kích phải ấn náu trong điều kiện thiếu thốn, khó khăn vô cùng.

Sáng sớm ngày 19-10-1941, quân địch đã huy động một bộ phận không nhỏ binh lính chia làm các mũi tấn công vào chiến khu. Mặc dù, tương quan lực lượng lớn, quân địch đông, nhưng với tinh thần chiến đấu dũng cảm ngoan cường, đội du kích đã đánh lui nhiều đợt tiến công của địch. Các chiến sĩ của đội du kích đã chiến đấu kiên cường, dũng cảm; một số đồng chí đã hy sinh oanh liệt cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Tối cùng ngày, Đội Du kích Ngọc Trạo được lệnh rút về làng Cẩm Bào (xã Vĩnh Long, Vĩnh Lộc), sau đó phân tán nhỏ lực lượng về các vùng trong tỉnh nhằm xây dựng, củng cố, phát triển phong trào phù hợp với tình hình mới.

Đâu chỉ có Chiến khu Du kích với cuộc kháng chiến chống Pháp, ở thời kỳ nào, Ngọc Trạo vẫn anh dũng, kiên cường, sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Những danh hiệu, kỷ niệm chương, bằng khen mà Đảng, Nhà nước dành tặng cho Ngọc Trạo như: “Làng có công với nước”, “Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân thời kỳ chống Pháp”… vẫn mãi là dấu son trên hành trình xây dựng và phát triển. Không chỉ có tập thể anh hùng, qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, Ngọc Trạo tự hào có những cá nhân anh hùng như: Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Mai Ngọc Thoảng, 59 liệt sĩ, 14 cá nhân được công nhận là cán bộ lão thành cách mạng…

“Sinh ra và lớn lên trên quê hương Ngọc Trạo anh hùng, trên mỗi bước đường đi tới, tôi vẫn luôn khắc ghi trong tim lịch sử vẻ vang, truyền thống quý báu của quê hương. Tôi vẫn luôn dành sự cảm phục sâu sắc với bậc tiền bối, cha ông với “gan sắt dạ vàng”, một lòng theo Đảng, phụng sự Tổ quốc, hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Từ đó, mỗi thế hệ hôm nay biết trân trọng, nỗ lực phấn đấu để xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ đi trước”, ông Năng nói trong niềm xúc động.

Hoàng Linh


Hoàng Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]