(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Với những người may mắn được gặp Bác, được phục vụ Bác Hồ, những ngày này, ký ức lại trở về làm ấm áp trong lòng họ. Đó không chỉ là niềm vinh dự, tự hào, mà còn là động lực lớn để họ tiếp tục vươn lên đóng góp xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sống mãi những ký ức về Bác

(VH&ĐS) Với những người may mắn được gặp Bác, được phục vụ Bác Hồ, những ngày này, ký ức lại trở về làm ấm áp trong lòng họ. Đó không chỉ là niềm vinh dự, tự hào, mà còn là động lực lớn để họ tiếp tục vươn lên đóng góp xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Bác Hồ về thăm Hợp tác xã Thành Công (ảnh tư liệu).

Nguyên vẹn cảm xúc ngày gặp Bác

Chúng tôi tìm đến nhà ông Lê Đức Nghi ở số nhà 8/58, phố Tô Vĩnh Diện, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa để nghe ông kể về kỷ niệm lần đầu tiên Bác Hồ về thăm Thanh Hóa. Ông Nghi đã bước sang tuổi 88 nhưng vẫn còn minh mẫn lắm. Nhắc về Người, mắt ông rưng rưng. Ông bảo mỗi lần nhớ lại những giây phút đó ông vẫn còn nguyên cảm giác hạnh phúc, một vinh dự lớn lao đến 2 lần trong cuộc đời của mình.

Ông Lê Đức Nghi, hiện là Chi hội trưởng, Chi hội Khoa học Lịch sử TP Thanh Hóa.

Lần thứ nhất ông gặp Bác vào tối ngày 20/2/1947, sau khi biết tin Bác Hồ đến nói chuyện với người dân Thanh Hóa tại nhà Bác Cổ (nay là Hiệu sách Nhân dân TP Thanh Hóa). Ông đã cố gắng đến rất sớm để nhìn và nghe Bác nói chuyện. Hôm đó, đô thị mất điện, hai bên sảnh nhà treo cặp đèn măng xông và Bác nói qua loa cầm tay. Bác Hồ nói với đồng bào những lời thân mật, trao đổi, khẳng định quyết chống Pháp xâm lược, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, quan tâm giúp đỡ đồng bào tản cư, chung sức xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu. Buổi nói chuyện kết thúc khoảng 20h cùng ngày, đồng bào rất vui, nguyện làm theo lời Bác.

Lần thứ hai ông có vinh dự gặp Bác Hồ là năm 1961 tại hội nghị phổ biến Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965). Khi đó ông đang làm cán bộ xóa mù chữ của Ty Giáo dục.

Từng là Chủ nhiệm HTX Cơ khí Thành Công, ông Phạm Xuân Khang đã 5 lần vinh dự được gặp Bác. Vừa nói chuyện, ông Khang vừa chỉ cho chúng tôi xem những bức hình chụp chung với Bác. Những bức hình đen trắng đã ngả màu thời gian nhưng vẫn được ông nâng niu, giữ như báu vật quý giá. Ông tự hào nói “Mỗi lần gặp Bác là một kỷ niệm lớn trong cuộc đời tôi. Dù thời gian trôi qua, nhưng ký ức về những lần được gặp Bác mãi nguyên vẹn trong tim. Bác để lại tình thương vô hạn không chỉ trong tôi mà trong lòng cả dân tộc Việt Nam hôm qua, hôm nay và mai sau”.

Ông Phạm Xuân Khang bồi hồi nhớ lại kỷ niệm được gặp Bác Hồ.

Ông Khang xúc động kể: “Lần đầu tiên tôi được vinh dự gặp Bác, đó là vào khoảng 10h, ngày 11/12/1961, tôi nhận được điện báo có đoàn đại biểu Trung ương về thăm HTX. Vừa nhấc điện thoại xuống, tôi đã như vỡ òa niềm cảm xúc khi được nhìn thấy Bác Hồ. Bác đi vào và hỏi: “Chú nào là Phạm Xuân Khang”, tôi đứng gần chỗ Bác và dõng dạc thưa: “Thưa Bác, con ạ”. Sau đó, ông Khang được Bác Hồ giao nhiệm vụ trực tiếp dẫn đi thăm các phân xưởng đúc gang, đúc mũi cày, làm xe cải tiến. Bác ân cần thăm hỏi và động viên bà con xã viên và căn dặn “sản xuất phải nhanh, nhiều, tốt, rẻ” để phục vụ nông nghiệp, nông dân rồi bắt nhịp bài ca “Kết đoàn”. Cuộc gặp gỡ này thực sự để lại trong ông ấn tượng sâu đậm nhất.

Lần thứ hai, ông được gặp Bác tại nhà số 8, Chu Văn An - Hà Nội để báo cáo điển hình HTX tiểu thủ công nghiệp và những bài học kinh nghiệm xây dựng HTX. Lần thứ 3, ông gặp Bác tại Đại hội anh hùng chiến sỹ thi đua lần thứ 3 vào ngày 1/5/1962, ông đã được nhận Huân chương Lao động hạng Nhì, chiến sỹ thi đua toàn quốc, đơn vị HTX Cơ khí Thành Công được tuyên dương là Lá cờ đầu ngành tiểu thủ công nghiệp toàn miền Bắc. Lần thứ 4, ông Khang được gặp Bác Hồ tại hội nghị chính trị đặc biệt và lần thứ 5 tại hội nghị 4 tốt toàn miền Bắc.

Cũng chung niềm vui được gặp Bác, ông Lê Xuân Thanh - nguyên tiểu đoàn phó, Trung đoàn 228, Đại đội 4, tham gia chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng, không khỏi bồi hồi xúc động, nhớ lại: Vào lúc 7h30 phút ngày 20/7/1968, đoàn do Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Sông Hào làm trưởng đoàn đã đưa mọi người vào phủ Chủ tịch gặp Người. Trước khi gặp Bác, một người cận vệ của Bác đến căn dặn mọi người trong đoàn “Bác đang rất mệt, mọi người chỉ được bắt tay không được ôm Bác”. Từ nhà sàn, Bác xuất hiện trong bộ quần áo lụa, đi đôi dép cao su, tay chống gậy được Thủ tướng Phạm Văn Đồng đưa xuống cùng một người nữa. Nhìn thấy Bác, tất cả mọi người đều đồng thanh: “Bác Hồ, Bác Hồ”. Bác vẫy tay ra hiệu chúng tôi ngồi xuống và theo lời Bác bảo, trong đoàn ai cũng cầm một chiếc kẹo để trước mặt nhưng không dám ăn chỉ mong được nhìn và nghe Bác nói chuyện thật lâu.

Ông Lê Xuân Thanh kể lại kỷ niệm ngày gặp Bác Hồ.

Và cũng như nhiều đồng chí khác, Bác hỏi tôi quê quán, tuổi và Bác cười nói: “Cháu còn trẻ nhưng phải giữ gìn sức khỏe vì cuộc chiến còn dài”. Sau đó, Bác hỏi tiếp: “Thế các cháu chiến đấu ở Hàm Rồng thế nào”. Tôi đáp lời: Dạ, thưa Bác, Hàm Rồng đã bắn rơi 99 chiếc...”. Lúc này, Bác đang ngồi ở ghế và đứng dậy giơ một ngón tay lênrồi nói: “Cháu về nói với quân dân Hàm Rồng, khi nào bắn rơi chiếc thứ 100 thì nhất định Bác vào thăm”. Khi nghe Bác nói vậy, tôi mừng lắm, dõng dạc thưa: “Dạ, thưa Bác, cháu xin hứa sẽ về báo quân dân Hàm Rồng quyết tâm bảo vệ cầu Hàm Rồng cho đến ngày giải phóng đất nước, để Bác đáp chuyến tàu đầu tiên qua cầu Hàm Rồng vào thăm miền Nam”.

Trong câu chuyện với những người chúng tôi đã gặp, họ đều có niềm hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời là được gặp Bác. Điều đó không chỉ vì Bác là vị lãnh tụ vĩ đại mà còn vì chất nhân văn toát ra từ tấm lòng yêu nước, thương dân của Bác. Không chỉ riêng ông Nghi, ông Khang, ông Thanh mà tất cả người dân Thanh Hóa được gặp Bác đều có chung cảm nhận ấy.

Giản dị giữa đời thường

Chính những lần gặp Bác, được nghe Bác nói, Bác ân cần nhắc nhở, thấy những cử chỉ dù nhỏ nhất của Bác, đó chính là kim chỉ nam trong cả cuộc đời hoạt động của họ. Dù ở bất cứ đâu, bất cứ cương vị nào, họ luôn nỗ lực phấn đấu học và làm theo lời Bác, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Được vinh dự gặp Bác Hồ không chỉ là những kỷ niệm, ký ức đẹp, mà còn là động lực, là niềm tin để họ sống và cống hiến hết mình cho dân, cho nước. Qua trò chuyện với các ông, được biết: Ở trên mỗi lĩnh vực, cương vị khác nhau, nhưng các ông luôn lấy việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc làm thường xuyên trong quá trình công tác và rèn luyện của mình. Chính vì vậy, khi còn đang công tác, bản thân mỗi người đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Khi về hưu, các ông tiếp tục có nhiều đóng góp vì sự phát triển của quê hương, đất nước, bản thân các ông được tặng nhiều Bằng khen của Trung ương và của tỉnh.

Mọi người luôn thực hiện tốt việc “sống vui, sống khỏe, sống có ích”, thực sự là chỗ dựa tinh thần cho các con, các cháu noi theo. Những câu chuyện được các ông kể đã truyền thêm ngọn lửa cho thế hệ hôm nay và mai sau không ngừng đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phấn đấu xây dựng Thanh Hóa sớm trở thành kiểu mẫu như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.

Trung Hiếu



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]