(vhds.baothanhhoa.vn) - Dù là một hoạt động văn hóa có quy mô lớn nhất trong năm, gắn với đời sống, sinh hoạt tín ngưỡng của rất nhiều người dân, nhưng đứng trước lựa chọn sinh tồn, hoạt động lễ hội cần phải được xem xét một cách nghiêm túc.

Thận trọng trong tổ chức các hoạt động tín ngưỡng dịp đón Xuân Nhâm Dần

Dù là một hoạt động văn hóa có quy mô lớn nhất trong năm, gắn với đời sống, sinh hoạt tín ngưỡng của rất nhiều người dân, nhưng đứng trước lựa chọn sinh tồn, hoạt động lễ hội cần phải được xem xét một cách nghiêm túc.

Thận trọng trong tổ chức các hoạt động tín ngưỡng dịp đón Xuân Nhâm Dần

(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Chuẩn bị đón xuân Nhâm Dân 2022, như thường lệ, từ cuối tháng 1 âm lịch, nhiều địa phương, ban quản lý di tích đã chuẩn bị cho việc tổ chức lễ hội mùa xuân. Đây là dịp hoạt động tâm linh diễn ra quy mô trên diện rộng, được xem là có tính chất quan trọng trong năm; một thói quen sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng đã ngấm vào màu thịt nhiều người. Thế nhưng trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, thì đây là vấn đề cần phải được các địa phương cân nhắc, nếu tổ chức thực hiện phải đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch bệnh hiện hành.

Bởi một khi tổ chức lễ hội chắc chắn sẽ có nhiều người tham gia. Chỉ một ca F0 xuất hiện ở lễ hội sẽ đem đến nhiều nguy cơ. Riêng chi phí cho điều tra, truy vết, cách ly, điều trị đã gây phiền phức và tốn kém lắm rồi, chưa nói đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Vậy thì tại sao chúng ta không chủ động để ngăn chặn nguy cơ ấy bằng việc thay đổi thói quen sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng. Chủ động dừng lại một lễ hội là chủ động bớt đi những nguy cơ.

Chuẩn bị đón năm mới 2022, khi cả thế giới đang vật lộn với đại dịch COVID-19, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra quan điểm: “Hủy một lễ hội sẽ tốt hơn là một cuộc sống bị hủy bỏ”. Theo người đứng đầu WHO, đã đến lúc phải suy nghĩ lại việc tổ chức lễ hội dịp đầu năm 2022, vì biến thể Omicron đang bùng nổ theo cấp số nhân trên toàn thế giới.

Theo Tổng Giám đốc WHO, chủng mới Omicron đang lây lan nhanh hơn so với biến thể Delta. Nhiều khả năng những người đã được tiêm chủng hoặc khỏi bệnh COVID-19 đều có thể bị nhiễm và tái nhiễm.

Người đứng đầu WHO khuyên nên hủy bỏ lễ hội ngay bây giờ và ăn mừng sau, hơn là ăn mừng bây giờ và đau buồn sau này.

Theo thông tin báo chí, dịp đón Giáng sinh và năm mới 2022 nhiều quốc gia đã xác nhận hủy bỏ hoạt động có sự tham gia đông người mà họ đã chuẩn bị trước đó. Họ sẽ chờ một dịp khác.

Việt Nam được mệnh danh là đất nước của lễ hội, nhiều nhất là lễ hội mùa xuân. Sinh hoạt lễ hội dù đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người dân Việt đi chăng nữa. Việc tổ chức lễ hội chừng mực nào đó đem lại lợi ích cho địa phương có lễ hội, thì đứng trước lợi ích sinh tồn cũng nên tính toán, để mạnh dạn gác lại hoặc tổ chức ở quy mô phù hợp, đề cao công tác kiểm soát đối với người tham dự.

Để đón năm mới 2022 và Tết Nhâm Dần an toàn, tiết kiệm, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị nêu rõ yêu cầu, nhiệm vụ trong việc tổ chức các hoạt động trong dịp đón tết, vui xuân. Trong Chỉ thị số 07-CT/TU, ngày 17-12-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về tổ chức Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 cũng nêu: Tăng cường quản lý các hoạt động lễ hội, vui xuân, đón tết, kỷ niệm ngày truyền thống, sinh hoạt tôn giáo, đám cưới, gặp mặt, mừng thọ, đám tang… theo đúng quy định phòng, chống dịch COVID-19; Tăng cường quản lý, giám sát và xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, sử dụng thời gian trong ngày làm việc đi du xuân, lễ hội, đền, chùa.

Kế hoạch số 289/KH-UBND ngày 23-12-2021 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, cũng quy định rất rõ đối với các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự. Theo đó, khuyến khích thực hiện các hoạt động trực tuyến, trong trường hợp thực hiện bằng hình thức trực tiếp cần tuân thủ điều kiện: Không tập trung quá 20 người trong cùng một thời điểm; trường hợp đặc biệt, nếu tổ chức hoạt động với số lượng trên 20 người, phải báo cáo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh quyết định; 100% người tham dự đã được tiêm đủ liều vắc xin từ 14 ngày trở lên hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 và có xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trong vòng 72 giờ; tuân thủ nghiêm 5K. Những người thuộc diện cách ly/theo dõi sức khỏe/có triệu chứng nghi ngờ COVID-19 không tham gia hoạt động trực tiếp.

Quy định đã rất rõ ràng, mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, công chức, viên chức và từng người dân cần chấp hành nghiêm, để niềm vui xuân được trọn vẹn. Đặc biệt nên xem xét việc tổ chức lễ hội thế nào cho phù hợp. Tốt nhất là nên tạm dừng tổ chức lễ hội một năm để đảm bảo sự an toàn.

Lam Vũ


Lam Vũ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]