(vhds.baothanhhoa.vn) - Đây là thời cơ, nếu cố gắng chúng ta hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu đã đề ra. Chúng ta cần có niềm tin chắc chắn vì Thanh Hóa có đủ điều kiện để hoàn thành tốt Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thanh Hóa có đủ điều kiện để thực hiện tốt Nghị quyết số 58

Đây là thời cơ, nếu cố gắng chúng ta hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu đã đề ra. Chúng ta cần có niềm tin chắc chắn vì Thanh Hóa có đủ điều kiện để hoàn thành tốt Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị.

Đồng chí Nguyễn Văn Lợi - Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa:

Thanh Hóa có đủ điều kiện để thực hiện tốt Nghị quyết số 58

Nghị quyết số 58 NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Nghị quyết 58) ra đời thể hiện sự quan tâm rất lớn của Bộ Chính trị đối với sự phát triển của Thanh Hóa. Thanh Hóa là vùng đất quan trọng về địa kinh tế, có cảng nước sâu, có cảng hàng không, có đường bộ Bắc Nam kết nối vùng đồng bằng Sông Hồng, Tây Bắc với Bắc Trung Bộ. Nếu không có sự quan tâm và các cơ chế chính sách của Bộ Chính trị, của Chính phủ thì Thanh Hóa cũng không thể phát triển vượt bậc như hôm nay. Mặc dù trong những năm vừa qua, sự cố gắng của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh là rất lớn.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, XII; các nghị quyết của Trung ương; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và XVIII; Thanh Hoá đã khai thác và phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế cho phát triển, kinh tế tăng trưởng cao, đạt mức bình quân hơn 10%/năm, đứng đầu các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và thuộc nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Năm 2019, quy mô nền kinh tế tăng 3,9 lần so với năm 2010; tổng sản phẩm bình quân đầu người (GRDP) đạt mức 2.325 USD, tăng 2,9 lần so với năm 2010; từng bước trở thành một cực tăng trưởng mới của vùng Bắc Trung Bộ. Là một trong những tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số lượng xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới lớn nhất cả nước... Đó là kết quả của rất nhiều sự tích lũy, lo toan của nhiều thế hệ đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Tuy vậy, đến thời điểm này Thanh Hóa dù là tỉnh đứng thứ 3 về dân số, đứng thứ 5 về diện tích nhưng lại chỉ đứng thứ 7 về quy mô kinh tế.

Với diện tích miền núi lớn, chiếm hơn 70% diện tích toàn tỉnh, có dân số trên 1 triệu người, riêng các dân tộc ít người là trên 60 vạn, để san sẻ được giữa miền xuôi và miền núi, và để miền núi phát triển lên là điều không đơn giản. Vì thế nhiều người gọi Thanh Hóa là tỉnh miền núi có đồng bằng. Trong bối cảnh đó, sự ra đời của Nghị quyết 58 là sự quan tâm rất lớn của Trung ương và Bộ Chính trị. Theo tôi, nếu những quyết sách của Bộ Chính trị mà được cụ thể hóa thì Thanh Hóa với những tiềm năng thế mạnh của mình có thể bứt phá đi lên.

Để biến sự quan tâm của Bộ Chính trị thành căn cứ và nguồn lực để phát triển, Thanh Hóa phải chủ động trong việc tuyên truyền đến các cấp ngành và người dân; đồng thời lựa chọn việc trọng tâm, trọng điểm để có thể kiến nghị với Chính phủ, với các bộ, các ngành quan tâm bằng các chương trình, các dự án.

Nghị quyết 58 ra đời lúc này là thời điểm phù hợp, thuận lợi. Chúng ta đang tiến tới Đại hộiĐại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, căn cứ vào Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa sẽ cụ thể hóa hành động trong Báo cáo Chính trị và Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 từ phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp và các chương trình trọng điểm là những vấn đề gì.

Nghị quyết 58 đề cập đến một giai đoạn rất dài, không phải là một nhiệm kỳ, mà là xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hoá thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Vì thế, phải có sự hoạch định và những quyết sách cái gì làm trước cái gì làm sau. Để làm được điều đó, tập thể lãnh đạo phải có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rất cao. Những đường hướng phát triển của tỉnh phải được cụ thể hóa thành chương trình hành động, thành hành động cách mạng xuống địa phương cơ sở, đến người dân tạo nên sự thống nhất chung.

Trong quá trình chuẩn bị đề án để trình Bộ Chính trị có sự tham gia của các chuyên gia các cấp các ngành, đã có những cân nhắc về những thuận lợi và khó khăn không chỉ trong tỉnh, trong nước mà còn lường trước những bối cảnh quốc tế diễn biến. Tất nhiên yêu cầu của Bộ Chính trị là đòi hỏi Thanh Hóa phải có quyết tâm chính trị cao, nhưng cũng không phải là vượt quá tầm. Điều kiện của chúng ta đã khác trước rất nhiều, cùng với sự cố gắng của tỉnh, và các địa phương trong tỉnh, sự gắn bó chặt chẽ với các bộ, các ngành là điều kiện quan trọng để có được sự quan tâm và hỗ trợ của Chính phủ. Tôi cho đây là thời cơ, nếu cố gắng chúng ta hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu đã đề ra. Chúng ta cần có niềm tin chắc chắn vì Thanh Hóa có đủ điều kiện để hoàn thành tốt Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị.

Kiều Huyền (thực hiện)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]