(vhds.baothanhhoa.vn) - Đánh giá những thời cơ và thách thức của Thanh Hóa khi Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị ra đời, PV Báo VH&ĐS đã có cuộc trò chuyện với đồng chí Vương Văn Việt - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, hiện là Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thời cơ, vận hội để Thanh Hóa tăng tốc và phát triển

Đánh giá những thời cơ và thách thức của Thanh Hóa khi Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị ra đời, PV Báo VH&ĐS đã có cuộc trò chuyện với đồng chí Vương Văn Việt - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, hiện là Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh.

PV: Trong Hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị, đồng chí Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã chỉ rõ: Thanh Hóa cần có chương trình triển khai nghị quyết trên cơ sở tập trung trí tuệ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, vừa là người thực hiện, vừa là người giám sát để thật sự trở thành trung tâm thụ hưởng những thành quả mà nghị quyết mang lại. Xin đồng chí cho biết những cơ hội và thời cơ mà Thanh Hóa có được khi Nghị quyết 58 ra đời?

Đồng chí Vương Văn Việt: Rất vui mừng, tự hào, thật vinh dự, và cũng là trách nhiệm lớn khi chúng ta có được Nghị quyết số 58 ngày 5/8 của Bộ Chính trị. Tôi nhớ ngày 5/8 cách đây 56 năm, đã diễn ra sự kiện đánh trả máy bay địch, bắn rơi 2 máy bay giặc Mỹ, bắn bị thương 2 chiếc khác ở Lạch Trường. Dù có thể là sự ngẫu nhiên trong sự lựa chọn ngày ban hành và số của nghị quyết, nhưng là sự khẳng định tiềm năng, thế mạnh, truyền thống văn hóa lịch sử tỉnh Thanh Hóa. Vùng đất này có vị trí đặc biệt quan trọng trong đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc đổi mới và phát triển của đất nước. Những thành tựu mà Thanh Hóa đạt được trong mười năm gần đây cũng như trong công cuộc đổi mới phải khẳng định tầm nhìn của Trung ương và nỗ lực cố gắng của Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa.

Đây là thời cơ, vận hội để Thanh Hóa tăng tốc và phát triển, hướng tới những mục tiêu, sự mong đợi của cả nước, sự tin tưởng giao trách nhiệm của Đảng và Nhà nước. Nghị quyết đặt ra 5 quan điểm, 9 mục tiêu, giải pháp rõ ràng cụ thể đòi hỏi với chúng ta có một quyết tâm rất cao, sự nỗ lực và đồng thuận xã hội mãnh liệt trong quá trình thực hiện. Nghị quyết đề cập tới vấn đề tổ chức thực hiện, xác định rất rõ trách nhiệm của Trung ương và tỉnh Thanh Hóa cũng như một số tỉnh lân cận. Đặc biệt, Chính phủ giao Ban cán sự Đảng chỉ đạo để ban hành được chương trình hành động Nghị quyết 58 và cơ chế chính sách đầu tư, phân cấp về quản lý đặc thù cho Thanh Hóa, và trình Quốc hội ban hành.

Thực hiện nghị quyết là trách nhiệm không chỉ của Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa mà là của cả nước. Tôi tin rằng, nghị quyết sẽ tạo ra động lực, sinh khí mới, cổ vũ động viên, khích lệ Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Thanh Hóa nói riêng, những người con đất xứ Thanh và nhân dân các tỉnh đồng lòng chung tay, chung sức xây dựng Thanh Hóa thành một cực tăng trưởng, một trong những đỉnh của tứ giác phát triển của các tỉnh khu vực phía Bắc.

PV: Là người theo sát và có nhiều năm quản lý công tác văn hóa, đặc biệt là giáo dục và đào tạo, đồng chí đánh giá những khó khăn và thuận lợi khi nghị quyết đặt ra việc xây dựng để GD&ĐT Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước?

Đồng chí Vương Văn Việt: Người xưa cũng như bây giờ luôn khẳng định Thanh Hóa có vị trí đặc biệt quan trọng, có truyền thống lịch sử văn hóa, và là đất học. Thanh Hóa đã sinh ra rất nhiều anh hùng, rất nhiều hào kiệt, rất nhiều danh nho, danh sĩ... Trong thời kỳ Đảng lãnh đạo, từ năm 1945, giáo dục của Thanh Hóa dẫn đầu trong việc thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ diệt giặc dốt. Sau 1954, giáo dục Thanh Hóa vẫn đi đầu trong nền giáo dục miền Bắc xã hội chủ nghĩa, trong đó điển hình là “ngọn cờ Hải Nhân trống Bắc Lý”. Và sau đổi mới, Thanh Hóa là tỉnh sớm phát triển mạng lưới giáo dục, hoàn thiện từ mầm non đến đại học. ĐH Hồng Đức là trường ĐH đầu tiên của Thanh Hóa và cũng là mô hình trường đại học địa phương đầu tiên của cả nước. Thanh Hóa cũng là tỉnh luôn dẫn đầu cả nước về giáo dục mũi nhọn, với bề dày lịch sử của Trường THPT chuyên Lam Sơn.

Tuy vậy, Thanh Hóa có 3 vùng, vùng biển, đồng bằng và miền núi, đây chính là nỗi băn khoăn và đầy thách thức trong việc xây dựng giáo dục toàn diện, đồng đều. Giáo dục mũi nhọn và chất lượng giáo dục của Thanh Hóa vẫn có sự chênh lệch, thậm chí càng ngày càng tạo khoảng cách lớn giữa miền núi và đồng bằng đô thị. Vì thế Nghị quyết 58 chú ý đến quy hoạch và phát triển 3 vùng, trong đấy phải có cơ chế đặc thù để phát triển KT-XH ở miền núi, giảm khoảng cách, sự chênh lệch so với miền xuôi. Để giải quyết bài toán về khoảng cách vùng miền luôn luôn là câu hỏi lớn đặt ra với các thế hệ lãnh đạo ở Thanh Hóa. Đây cũng là việc thể hiện sự gắn kết hữu cơ giữa kinh tế, văn hóa trong đó có giáo dục. Khi phát triển kinh tế, đòi hỏi sự phát triển hạ tầng, mà chủ yếu là hạ tầng giao thông, hạ tầng thông tin. Giải quyết tốt được vấn đề này, cùng với việc quy hoạch sắp xếp lại mạng lưới trường học, đầu tư cơ sở trường lớp, Thanh Hóa đã ra nhiều nghị quyết và có những cơ chế chính sách về phát triển KT-XH với các huyện miền núi. Nhưng đó vẫn chỉ là ngọn chứ chưa phải là gốc, gốc là đầu tư hạ tầng đảm bảo thiết chế giáo dục để vận hành thực sự có chất lượng.

Muốn nâng cao chất lượng thì không thể nói nơi nào có dân thì nơi đó có trường lớp, mà trường lớp cố gắng đưa về khu vực trung tâm, giảm điểm lẻ, lớp ghép, thầy cô không phải bám bản nữa, và được tạo điều kiện sống tốt hơn để họ toàn tâm toàn ý dạy tốt.

Đây là thách thức lớn, một đòi hỏi cao về cơ chế chính sách đầu tư, đãi ngộ, khuyến khích, động viên giáo viên và học sinh tập trung vào việc dạy và học nâng cao chất lượng.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Kiều Huyền (thực hiện)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]