(vhds.baothanhhoa.vn) - Chiến tranh đã lùi xa, tên tuổi của các thế hệ thanh niên xung phong (TNXP) một thời cũng lặng thầm theo năm tháng. Nhưng, chuyện về cuộc sống của nữ cựu TNXP đơn thân vẫn vẹn nguyên tính thời sự. Câu chuyện của các chị hôm nay, không phải là bản anh hùng ca về một thời kiên cường, gan dạ, mà là những phận buồn cảnh sống đơn thân và những niềm đau riêng không dễ sẻ chia.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trở về...

Chiến tranh đã lùi xa, tên tuổi của các thế hệ thanh niên xung phong (TNXP) một thời cũng lặng thầm theo năm tháng. Nhưng, chuyện về cuộc sống của nữ cựu TNXP đơn thân vẫn vẹn nguyên tính thời sự. Câu chuyện của các chị hôm nay, không phải là bản anh hùng ca về một thời kiên cường, gan dạ, mà là những phận buồn cảnh sống đơn thân và những niềm đau riêng không dễ sẻ chia.

Trở về...

Xuất ngũ, nhưng không thể xuất giá

Dáng người nhỏ nhắn, lưng còng xuống vì ngoài gánh nặng thời gian, bà Hoàng Thị Sáng, sinh năm 1948, ở thị trấn Hậu Lộc (Hậu Lộc) còn gánh thêm di chứng do ảnh hưởng của trận bom dằn khi bà còn đang là cô gái TNXP ở mặt trận Quảng Bình. Lưng của bà gồ lên, to như chiếc rá úp khiến việc đứng lên, ngồi xuống, đi lại khó khăn, nặng nhọc hơn. Bà Sáng nói: Thú thật với cháu, bây giờ tuổi già, cộng thêm di chứng thời chiến tranh nên sức khỏe xuống dốc không phanh. Ốm đau liên miên, nhất là những hôm trái gió trở trời là toàn thân đau nhức... nhưng phải cố chịu đựng vì biết kêu ai bây giờ...!.

Bà kể: Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, năm 1972, bà xuất ngũ về quê khi tròn 24 tuổi. Vào thời điểm đó, với độ tuổi ấy ở quê, tìm được một người để nương tựa suốt cuộc đời... không phải là chuyện dễ. Hơn nữa, bà nghĩ: Khi đang ở chiến trường, mình bị bom dằn, ảnh hưởng đến cột sống, nếu xây dựng gia đình, sẽ không đem lại tương lai, hạnh phúc mà còn là gánh nặng cho gia đình chồng. Và bà Sáng ở vậy cho đến tận bây giờ.

Đã bước sang tuổi xế bóng nhưng trên gương mặt bà Lê Thị Sim, sinh năm 1952, ở xã Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa) vẫn đọng lại nét đẹp của thời con gái với nước da trắng và đôi mắt to tròn. Tuy nhiên, bà vẫn sống lầm lũi, không chồng, con. Kể về cuộc đời của mình, bà Sim cho biết: Năm 1972, tôi tình nguyện tham gia TNXP khi ấy vừa tròn 20 tuổi. Hết nghĩa vụ 3 năm, tôi về quê được thời gian ngắn, rồi lại xung phong đi tiếp lần 2. Đến năm 1981, tôi mới về và ở nhà hẳn cho đến nay. Thú thật với cô, bao nhiêu năm, tuổi trẻ rong ruổi. Lúc san lấp hố bom khi cầu Hàm Rồng bị máy bay Mỹ đánh phá lần 2. Khi lại tham gia làm đường giao thông trên tuyến Quốc lộ 217 nối sang Lào. Có thời điểm lại tham gia làm công trình thủy lợi hồ sông Mực (Nông Cống). Hơn 10 năm chinh chiến, tham gia TNXP, năm 1983, tôi về quê và tuổi đã gần 30. Lứa tuổi này ở quê vào thời điểm ấy, chuyện chồng con không hề dễ, nhất là điều kiện của gia đình lúc đó neo người, kinh tế rất khó khăn. Bố mất sớm, anh trai hy sinh, chỉ còn mỗi mẹ già.

Không chỉ có bà Sáng, hay bà Sim mà hiện trên địa bàn tỉnh, theo thống kê của Hội Cựu TNXP tỉnh, có đến 1.200 nữ TNXP sau khi hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc, trở về quê, họ đã ở vào tuổi “quá lứa, lỡ thì”, đành chấp nhận sống đơn thân.

Nỗi niềm của các chị khi tuổi đã xế chiều

Trong ngôi nhà tình nghĩa được Tập đoàn Vingroup hỗ trợ xây mới năm 2014, bà Lê Thị Sim phấn khởi cho biết: Nhờ các cấp chính quyền và doanh nghiệp quan tâm, tạo điều kiện nên phần đời còn lại, tôi được sống trong ngôi nhà của riêng mình. Rồi bà giãi bày: Hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc, tôi về quê sống cùng mẹ già và làm nghề bán rượu. Hàng ngày, tôi lấy rượu ở quê đem lên thị xã Thanh Hóa (nay là TP Thanh Hóa) bán kiếm lời. Từ khi mẹ mất (năm 1983), tôi ít về quê và không bán rượu nữa. Do ít về quê, ngôi nhà của gia đình tôi bị người bác bán lấy tiền rồi cả nhà đi vào Nam làm ăn lúc nào, tôi cũng không biết. Tôi trở thành người không nhà cửa nên chỗ ở của tôi là các bến xe, ga tàu và ai thuê gì, tôi làm việc nấy để kiếm kế sinh nhai. Không thể ở mãi thị xã được, năm 2004, tôi về quê làm nghề quét chợ ngay tại địa phương và chợ là ngôi nhà tá túc của tôi.

Trở về...

Gần 30 năm coi bến xe, ga tàu, chợ là nhà, nay bà Lê Thị Sim (xã Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa) được sống trong ngôi nhà tình nghĩa do Tập đoàn Vingroup hỗ trợ.

Gần 30 năm sống trong cảnh không nhà, không cửa và lấy bến xe, ga tàu, chợ là chỗ tá túc qua ngày, năm 2014, bà được chính quyền xã quan tâm, tìm và cấp đất ở, các tổ chức chính trị xã hội, Nhân dân và doanh nghiệp hảo tâm giúp tiền, ngày công xây căn nhà tình nghĩa. Vậy là..., bà đã có được một ngôi nhà vững chãi, không chỉ giúp tránh nắng, tránh mưa, rét, sống bình an những ngày cuối đời mà còn giúp bà có chỗ để nhang khói cho bố, mẹ và người anh. “Điều mà bấy lâu nay tôi không thể làm được. Tôi mãn nguyện lắm. Tuy nhiên, tôi buồn... mai này khi tôi về với tổ tiên, không có ai thay tôi thắp nhang cho bố, mẹ và anh trai. Giọng bà trùng xuống và ánh mắt nhìn xa xăm”.

Cùng cảnh đơn thân nhưng bà Lường Thị Can, cựu TNXP của xã Hoằng Lưu (Hoằng Hóa) đã kịp tìm cho mình một chỗ nương tựa khi bước vào tuổi “mãn chiều, xế bóng”. Gần 10 năm nay, bà tình nguyện là người quét dọn ở chùa Trào Âm - ngôi chùa nằm ngay trên địa bàn xã, chiều tối bà mới về tá túc bên ngôi nhà tình nghĩa do CIENCO 5 xây tặng cách đây hàng chục năm. Trong ngôi nhà, giờ đã xuống cấp, một bên tường nhà bị nứt, bà kể cho tôi quãng đường gần 50 năm khi bà hoàn thành nghĩa vụ trở về. Giọng trầm buồn, bà cho biết: Trở về khi tuổi 22, tôi đã sớm tìm cho mình một tổ ấm. Tưởng rằng..., hạnh phúc sẽ theo tôi đến suốt cuộc đời, nhất là khi cả 2 đã có với nhau được 1 con trai kháu khỉnh. Nhưng người chồng đã phản bội 2 mẹ con tôi. Đằng đẵng nuôi con lúc ấy mới tròn 1 tuổi với hy vọng: Con sẽ là chỗ dựa, an ủi, động viên tôi suốt quãng đường còn lại. Ai ngờ... con cũng bỏ tôi khi cháu mới 15 tuổi vì bị xuất huyết não. Kéo vạt áo, lau vội dòng nước mắt đang chạy dài trên khuôn mặt sạm đen có nhiều nếp nhăn, giọng bà trở nên phấn chấn hơn: Từ ngày có sư thầy về chùa, tôi xin và làm chân quét dọn trong chùa nên đã phần nào giúp khuây khỏa nỗi buồn, trống vắng. Rồi bà cho biết: Tôi đã đề đạt tâm nguyện và được nhà chùa đồng ý sẽ nương nhờ cửa chùa cho đến hết cuộc đời và cả khi đã về với tổ tiên.

Trên đây chỉ là 3 trong số hơn 1.000 nữ cựu TNXP đơn thân mà tôi đã được gặp. Dù mỗi người mang theo một số phận, cảnh đời khác nhau nhưng họ đều là những người thiếu thốn về vật chất và tinh thần. Làm gì để giúp những nữ cựu TNXP đơn thân có cuộc sống tốt hơn khi tuổi đã xế chiều là bài toán đặt ra với các cấp, ngành và xã hội.

Bài và ảnh: Minh Xuyên


Bài và ảnh: Minh Xuyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]