(vhds.baothanhhoa.vn) - Tháng Bảy - tháng của lòng tri ân và biết ơn, tham gia cùng đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hóa về lại vùng đất Vị Xuyên (Hà Giang) một thời mưa bom, bão đạn, dâng nén hương thơm viếng các Anh hùng đã ngã xuống vùng đất này trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, mới cảm nhận hết sự hy sinh lớn tới chừng nào.

Về nơi “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”

Tháng Bảy - tháng của lòng tri ân và biết ơn, tham gia cùng đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hóa về lại vùng đất Vị Xuyên (Hà Giang) một thời mưa bom, bão đạn, dâng nén hương thơm viếng các Anh hùng đã ngã xuống vùng đất này trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, mới cảm nhận hết sự hy sinh lớn tới chừng nào.

Về nơi “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên - nơi yên nghỉ của gần 2.000 liệt sĩ quê ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước.

“Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”

Vị Xuyên mưa không ngớt. Nhưng như một cơ duyên, khi đoàn chúng tôi bắt đầu thực hiện nghi lễ dâng hoa, dâng hương viếng các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên thì mưa tạnh, nắng chiều cũng bắt đầu chiếu xuống dòng sông Lô hiền hòa.

Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên là nơi yên nghỉ của gần 2.000 liệt sĩ quê ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, có 1 ngôi mộ liệt sĩ tập thể; hơn 1.600 ngội mộ của các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh tại mặt trận Vị Xuyên từ năm 1979 - 1989. Trong tổng số này, hiện nay còn trên 346 ngôi mộ của các Anh hùng liệt sĩ vẫn chưa xác định được thông tin.

Cũng tại đây có 179 liệt sĩ quê Thanh Hoá đang yên nghỉ.

Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc đã khép lại và lùi dần vào quá khứ, song những ký ức về những người con đất Việt anh dũng, kiên cường đã chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc là “bất tử”, như chính lời thề khắc trên báng súng “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử” của Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh, người dân tộc Mường, quê ở xã Minh Hòa, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ.

Về nơi “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”

Lời thề khắc trên báng súng “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử” của Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh, người dân tộc Mường, quê ở xã Minh Hòa, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ.

Nơi chúng tôi đến dâng hương tiếp theo là Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên, nằm trên điểm cao 468, thuộc thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, cách TP Hà Giang hơn 20 km. Trong chiến tranh biên giới, điểm cao 468 được xem là vị trí trung tâm của mặt trận Vị Xuyên. Ngày 28-4-1984, lần thứ 2 quân đội Trung Quốc quay trở lại Vị Xuyên và bắt đầu chiến dịch xâm lấn. Mặt trận Vị Xuyên trở thành vùng chiến sự ác liệt nhất trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Từ năm 1984 đến năm 1989, ở vùng đất linh thiêng địa đầu Tổ quốc này, đã diễn ra hơn 400 trận đánh lớn nhỏ. Có những trận đánh diễn ra 3 ngày liên tục, cao điểm có những ngày mảnh đất Vị Xuyên hứng chịu hơn 1.000 quả pháo đạn của địch.

Về nơi “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”

Đồi Yên Ngựa, thôn Nậm Ngặt, huyện Vị Xuyên - một địa danh lịch sử trên mặt trận Vị Xuyên.

Hướng tay về các dãy núi phía trước Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyện, chị Mai Thị Anh - cán bộ văn hóa xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên với giọng nói nhẹ nhàng, nói: “Các điểm cao 1509, 772 - “đồi thịt băm”, 233, 685 - “lò vôi thế kỷ”, đồi Cô Ích... giờ đã phủ màu xanh của lúa, ngô và những cây trồng khác. Nhưng 37 năm về trước những địa danh đó, bộ đội ta đã chiến đấu vô cùng dũng cảm, giành giật với kẻ thù giữ từng tấc đất, từng mỏm đá. Trong sâu thẳm trong trái tim họ luôn đặt Tổ quốc là trên hết, Tổ quốc là tất cả. Chỉ riêng ngày 12-7-1984, ngày khốc liệt nhất của cuộc chiến, hơn 1.000 người lính đã ngã xuống tại điểm cao 772. Từ đây, ngày 12-7 được chọn làm ngày giỗ của các Anh hùng liệt sĩ hy sinh trên mặt trận Vị Xuyên hay còn được gọi là ngày giỗ trận”.

Về nơi “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”

Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên, nằm trên điểm cao 468, thuộc thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên.

Giữa không gian tĩnh lặng của núi rừng Vị Xuyên, giọng thuyết minh của chị Mai Thị Anh như nghẹn lại: “Trong suốt 10 năm của cuộc chiến tranh biên giới tại mặt trận Vị Xuyên, chúng ta đã hy sinh hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ. Hiện nay còn gần 1.200 hài cốt liệt sĩ vẫn đang nằm tại các điểm cao, khe sâu, thung sâu, hộc núi của mặt trận Vị Xuyên. Các anh, các chú vẫn chưa được về với gia đình, về với đồng đội ở Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên. Nhiều cựu chiến binh khi về thăm lại trường xưa đã gọi mặt trận Vị Xuyên là nghĩa trang “không nấm mồ”.

Những khóe mắt rưng rưng trong làn hương thơm của lòng tri ân, bởi chúng tôi hiểu rằng, có thể dưới chân đồi Yên Ngựa, suối Thanh Thủy, hay trong hộc đá của “lò vôi thế kỷ”, “đồi băm thịt”... các chú, các anh vẫn đang nằm đó. Như những câu thơ xúc động của cựu chiến binh Phạm Ngọc An, khi về thăm lại mặt trận Vị Xuyên sau 3 năm chiến tranh biên giới kết thúc:

“Nhẹ nhàng thôi đừng làm rung cây lá

Trên đỉnh đồi, dưới hang đá, khe sâu

Bạn tôi nằm sau nhiều ngày chiến đấu

Giấc ngủ ngon lành sâu thẳm với thời gian”.

Máu thịt các chú, các anh đã hòa vào đất mẹ, hòa vào dòng sông Lô hiền hòa. Đó cũng là điều luyến tiếc của mỗi chúng ta, khi không biết chính xác vị trí của Anh hùng liệt sĩ đang nằm để quy tập về với gia đình, đồng đội. Hiện nay, cấp ủy đảng, chính quyền là lực lượng quân đội tỉnh Hà Giang vẫn đang tiếp tục thực hiện việc rà phá bom, mìn đi đôi với việc tìm kiếm, quy tập hài cốt các liệt lĩ trong những trận chiến bảo vệ biên giới năm xưa.

Người con xứ Thanh cắm cờ trên đỉnh “lò vôi thế kỷ”

Như Nhà văn Nguyễn Khải đã viết: “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những hy sinh gian khổ”, sức sống trên vùng đất Vị Xuyên lửa đạn năm xưa đã hồi sinh từ biết bao hy sinh, mất mát của các chiến sĩ và đồng bào các dân tộc nơi đây. Trong đó, có Anh hùng liệt sĩ Lê Trần Mãn, quê ở xã Hoằng Phú (Hoằng Hóa) đã vượt “mưa bom, bão đạn” hiên ngang cắm cờ Tổ quốc trên đỉnh E5 thuộc điểm cao 685 - “lò vôi thế kỷ” để đánh dấu chủ quyền lãnh thổ Quốc gia.

Về nơi “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”

Đỉnh E5 thuộc điểm cao 685 - “lò vôi thế kỷ”, nơi Anh hùng liệt sĩ Lê Trần Mãn, quê ở xã Hoằng Phú (Hoằng Hóa) đã vượt “mưa bom, bão đạn” hiên ngang cắm cờ Tổ quốc đánh dấu chủ quyền lãnh thổ Quốc gia.

Với niềm tự hào của người con quê hương Thanh Hóa, chị Mai Thị Anh kể cho chúng tôi nghe về Anh hùng liệt sĩ Lê Trần Mãn. Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tháng 3-1979 anh Lê Trần Mãn đã lên đường nhập ngũ, làm y tá Đại đội 7, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 153, Sư đoàn 356, Quân khu 2. Trong đợt chiến đấu bảo vệ điểm cao 685 diễn ra từ ngày 14 đến ngày 18-1-1985, quân Trung Quốc liên tục bắn hàng nghìn quả pháo và tổ chức nhiều đợt tiến công vào trận địa phòng ngự của Đại đội 7. Thời điểm đó, đơn vị anh bị thương vong quá lớn, y tá Lê Trần Mãn là người mệt mỏi nhất, vất vả nhất. Những ngày chiến đấu liên tục anh phải di chuyển khắp 3 cụm hầm, khe đá dưới làn đạn giặc để sơ cứu, băng bó vết thương cho đồng đội, cõng thương binh, tử sĩ vào hầm trú ẩn, động viên anh em chiến đấu. Anh vừa là một y tá, vừa là một chiến sĩ gan dạ, hiên ngang, bình tĩnh trên chiến hào. Các anh em Đại đội 7 luôn coi anh như một chỉ huy và là chỗ dựa vững chắc về mọi mặt để chiến đấu.

Về nơi “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”

Đồng chí Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa thắp nén hương thơm viếng các Anh hùng liệt sĩ trên mặt trận Vị Xuyên.

Vào ngày 16-1-1985, quân địch tập trung hỏa lực bắn phá ác liệt, tấn công lên chốt, chỉ huy Đại đội 7 đã hy sinh, ngay lập tức anh Lê Trần Mãn lên thay thế chỉ huy đơn vị chiến đấu giành giật với địch từng đoạn giao thông hào, ụ súng và đẩy lùi nhiều đợt tiến công của địch, giữ vững trận địa phòng ngự. Đến 17 giờ cùng ngày do quân địch quá đông, chúng tiếp tục tràn lên căn cứ, lúc này quân ta chỉ còn lại 3 người, trong đó có 2 chiến sĩ bị thương rất nặng. Trong lúc anh Lê Trần Mãn đang cố gắng sơ cứu giành giật lại sự sống cho đồng đội thì phát hiện quân địch ở rất gần và đang cắm cờ của chúng lên điểm chốt E4. Quên mình trong lửa đạn, anh đã xông lên giật bỏ lá cờ của địch và cắm cờ Tổ quốc trên đỉnh E5, thuộc điểm cao 685 - “lò vôi thế kỷ” để đánh dấu chủ quyền lãnh thổ Quốc gia. Trận đánh đó y tá Lê Trần Mãn và đồng đội đã hy sinh. Máu thịt của các anh đã hòa vào đất mẹ. Anh Lê Trần Mãn đã được tặng thưởng Huân chương chiến công. Ngày 29-8-1985, liệt sĩ Lê Trần Mãn được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.

Về nơi “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”

Bức tranh đá về những người lính Vị Xuyên cùng đồng bào các dân tộc nơi đây đang chiến đấu bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.

Lịch sử được ghi lại trên giấy, nhưng những chiến thắng trên chiến trường Vị Xuyên khốc liệt được viết nên từ máu và xương của những chiến sĩ đã dành cả tuổi thanh xuân hy sinh vì sự vẹn toàn lãnh thổ Quốc gia. Các anh mãi mãi “bất tử” cùng non sông, đất nước, như chính lời thề khắc trên báng súng “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử” của Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh.

Trần Thanh


Trần Thanh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]