(vhds.baothanhhoa.vn) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu luôn dành cho Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa niềm tin, sự quan tâm đặc biệt và tình cảm sâu nặng. Trong điều kiện chiến tranh, lại thêm bộn bề việc nước, nhưng từ năm 1947 đến năm 1961, Bác đã 4 lần về thăm Thanh Hóa. Những lời căn dặn sâu sắc và mang tầm chiến lược của Người đã trở thành kim chỉ nam soi đường để Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa vượt qua muôn vàn khó khăn, phấn đấu trở thành tỉnh kiểu mẫu.

Xứ Thanh vọng mãi lời Người

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu luôn dành cho Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa niềm tin, sự quan tâm đặc biệt và tình cảm sâu nặng. Trong điều kiện chiến tranh, lại thêm bộn bề việc nước, nhưng từ năm 1947 đến năm 1961, Bác đã 4 lần về thăm Thanh Hóa. Những lời căn dặn sâu sắc và mang tầm chiến lược của Người đã trở thành kim chỉ nam soi đường để Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa vượt qua muôn vàn khó khăn, phấn đấu trở thành tỉnh kiểu mẫu.

Xứ Thanh vọng mãi lời Người

Khoảng 300 ảnh, tư liệu, pa-nô, băng rôn, hộp ảnh... đã được trưng bày tại triển lãm ảnh “Bác Hồ với Thanh Hóa - Thanh Hóa làm theo lời Bác” tại Khu Di tích địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông (Đông Sơn).

Trong tiết Xuân Nhâm Dần 2022 đẹp tươi này, người dân xứ Thanh không thể không nhớ đến những câu chuyện, tình cảm thiêng liêng, sâu nặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lần đầu tiên Người về thăm Thanh Hóa cách đây 75 năm (ngày 20-2-1947).

Ngày 14-2-1947, Bác thảo điện mật gửi Thanh Hóa về chủ trương “vào Thanh kinh lý”. Bức điện nêu 5 điểm, lưu ý đồng chí Đặng Việt Châu lúc đó là đặc phái viên Bộ Nội vụ tại Thanh Hóa chuẩn bị báo cáo các việc; chuẩn bị chỗ khai hội xa thành phố và giữ bí mật; đoàn đi đêm, chuẩn bị địa điểm đón. Đáng chú ý là thành phần dự mít tinh: “Mời các ủy ban tản cư, tăng gia, các điền chủ, đại thương gia, nhà giàu, những người danh vọng, các lãnh tụ dân tộc thiểu số, các cán bộ hành chính và mặt trận các huyện, đại biểu quốc dân liên hiệp, đại biểu công giáo”.

Về Thanh Hóa trước khi cùng cơ quan đầu não lên chiến khu Việt Bắc để chỉ huy cuộc kháng chiến trong bộn bề công việc. Đó là lý do sau khi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Bác chọn gặp gỡ cán bộ và đại biểu các tầng lớp Nhân dân. Nói chuyện với các cán bộ địa phương, Bác đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của người cán bộ và nêu cụ thể những đức tính cần thiết của người cán bộ đối với bản thân, với đồng chí, với công việc, với Nhân dân và với đoàn thể. Gặp gỡ đại biểu các tầng lớp Nhân dân, Bác góp ý kiến cụ thể về các mặt quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa để xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu.

Khi giao nhiệm vụ cho Thanh Hóa phải xây dựng thành tỉnh kiểu mẫu, ngay trong bài nói chuyện với cán bộ, thân sĩ, trí thức, phú hào, các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh ngày 20-2-1947, cũng như trong bài “Thanh Hóa kiểu mẫu” Người đã viết sau chuyến về thăm Thanh Hóa lần đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra những chỉ dẫn rất rõ về mục đích của việc xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu là phải: “Làm cho người nghèo thì đủ ăn. Người đủ ăn thì khá giàu. Người khá giàu thì giàu thêm”. Đồng thời, Người cũng nêu rõ phương châm: “...phải làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự, phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu”... Người cũng đặt ra cách làm cụ thể: “Đem tài dân, sức dân, của dân, làm lợi cho dân. Không phải Chính phủ xuất tiền ra làm. Chính phủ chỉ giúp kế hoạch cổ động. Vì vậy, những kế hoạch địa phương có thể tự thực hành được, cứ giúp cho đồng bào làm giàu dần, như hợp tác xã... Việc gì cũng phải từ việc dễ đến việc khó, từ việc gấp đến việc hoãn, từ việc ít tốn tiền đến việc tốn nhiều tiền. Nói tóm lại: Kế hoạch phải thiết thực, phải làm được. Chớ làm kế hoạch đẹp mắt, to tát, kể hàng triệu nhưng không thực hiện được"...

Chia tay trong lần gặp ấy, Bác đã nhắn gửi tha thiết với lời hẹn ngày trở lại: “Đồng bào trong tỉnh hãy xắn tay áo làm đi, lần sau về đây tôi sẽ thấy mỗi người là một người kiểu mẫu”.

Những lời chỉ bảo sâu sắc, mang tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Thanh Hóa lần đầu đã soi đường, chỉ lối để Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa, trong suốt 75 năm qua luôn nỗ lực, hào hứng và quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc, bảo vệ và phát triển quê hương.

Ông Lê Đức Nghi, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Thanh Hóa dù đã 92 tuổi, nhưng vẫn nhớ hình ảnh Bác Hồ trong lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa. Hình ảnh ấy là động lực để ông dành thời gian và tâm huyết nghiên cứu về lịch sử thị xã Thanh Hóa (nay là TP Thanh Hóa). Ông chia sẻ: "Hồ Chủ tịch vào Thanh Hóa khi Người 57 tuổi, nhưng Nhân dân Thanh Hóa đã gọi là Cụ Hồ. Tình cảm, sự gần gũi ấy khiến ai chỉ một lần được gặp Bác dù xa hay gần, trực tiếp hay gián tiếp cũng đều tự hào và mãn nguyện”. Trong 3 cuốn sách ông tham gia biên soạn gồm: Thành phố Thanh Hóa từ 1804 đến 1947, Thành phố Thanh Hóa 1947 - 1994, Lịch sử Đảng bộ Thành phố Thanh Hóa từ 1945 đến 2010 có rất nhiều trang viết về Bác Hồ. Dù cao tuổi, nhưng khi được hỏi những tư liệu về Hồ Chủ tịch, ông Lê Đức Nghi đều rành rẽ từng chi tiết.

Đưa chúng tôi qua 252 bậc đá để lên Đài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đỉnh núi trong Khu Di tích địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông, chị Nguyễn Phương Thúy, hướng dẫn viên của Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện Đông Sơn, cho biết: “Tôi đã giới thiệu với khách tham quan không biết bao nhiêu lần về địa điểm Rừng Thông, nơi vinh dự được đón Bác về thăm Thanh Hóa lần đầu tiên. Lần nào tôi cũng rất xúc động. Tôi vẫn nghĩ, bất kể người dân nào khi nói về Bác Hồ cũng với một thái độ trân trọng và tự hào”.

Phòng truyền thống thuộc Khu Di tích địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông là nơi lưu giữ các hình ảnh, hiện vật, tư liệu quý về quá trình hình thành, phát triển của vùng đất, con người Đông Sơn. Ngay trong khu di tích, triển lãm “Bác Hồ với Thanh Hóa, Thanh Hóa làm theo lời Bác” đã mở cửa đón khách tham quan từ ngày 28-1 đến 22-2. Bà Nguyễn Thị Ly, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện Đông Sơn, Trưởng Ban quản lý Khu Di tích địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông, cho biết: “Thực hiện Nghị quyết số 09 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (khóa XXIV) về phát huy những giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa, xây dựng con người Đông Sơn năng động - sáng tạo - thân thiện, huyện Đông Sơn luôn quan tâm đến việc trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di tích, đặc biệt là đối với di tích mang nhiều giá trị như địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông, để nơi đây thực sự là địa chỉ đỏ hấp dẫn không chỉ Nhân dân trong huyện mà còn cả du khách thập phương. Mặc dù tình hình COVID-19 còn nhiều phức tạp, nhưng khu di tích luôn là địa chỉ để người dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan, dâng hương, vãn cảnh”.

75 mùa xuân qua đi, xứ Thanh ngày hôm nay đã phát triển vượt bậc về kinh tế, văn hóa, song những căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm nào vẫn luôn được các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân khắc ghi. Đó không chỉ là động lực, là niềm tin mà còn là lời hiệu triệu gắng sức, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thanh Hóa.

Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn sách “Bác Hồ với Thanh Hóa - Thanh Hóa với Bác Hồ”. (NXB Thanh Hóa, 2017)

Huyền Chi


Huyền Chi

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]