(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong bối cảnh tài nguyên năng lượng đang dần cạn kiệt và môi trường đang bị ô nhiễm, việc sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả không những giúp gia đình, đơn vị, doanh nghiệp... giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động mà còn giảm phát thải khí nhà kính, kiến tạo một môi trường sống xanh và bền vững.

Tiết kiệm năng lượng – hình thành lối sống xanh: Câu chuyện tiết kiệm

Trong bối cảnh tài nguyên năng lượng đang dần cạn kiệt và môi trường đang bị ô nhiễm, việc sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả không những giúp gia đình, đơn vị, doanh nghiệp... giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động mà còn giảm phát thải khí nhà kính, kiến tạo một môi trường sống xanh và bền vững.

Tiết kiệm năng lượng – hình thành lối sống xanh: Câu chuyện tiết kiệmHệ thống đèn năng lượng mặt trời tại đền thờ Lê Văn Hưu (xã Thiệu Trung, Thiệu Hóa).

Việc lắp hệ thống điện đường chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời tại thôn Ngọc Trung (xã Xuân Minh, Thọ Xuân) gặp vấn đề do đường giao thông nội thôn rộng khoảng 3m, nếu chôn chân cột đèn ngoài đường sẽ cản trở giao thông và gây mất mĩ quan, nên cần phải họp dân để bàn bạc. Trong cuộc họp đa phần ý kiến đều đồng tình với chủ trương lắp đèn năng lượng mặt trời để thực hiện tiết kiệm điện, giảm chi phí cho dân, đồng thời 100% người có mặt đều đồng ý lắp đặt chân cột đèn trong khu đất nhà mình. Cuộc họp kết thúc nhanh chóng với sự nhất trí về chủ trương và biện pháp của người dân trong thôn.

“Vừa tiết kiệm điện, mang lại lợi ích cho người dân, vừa là hoạt động bảo vệ môi trường thiết thực, thế tại sao lại không triển khai mà làm?” là câu trả lời của ông Võ Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Xuân Minh cho câu hỏi “Nguyên nhân nào khiến Xuân Minh là xã đầu tiên của huyện Thọ Xuân triển khai lắp đèn đường bằng năng lượng mặt trời?”. Bắt đầu từ năm 2021, khi Xuân Minh tiến hành làm trục đường tại trung tâm xã, đã lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời. Đến nay, sau gần 4 năm triển khai, hệ thống đèn vẫn sáng rực mỗi đêm, ngoài chi phí ban đầu hằng tháng xã không mất thêm khoản phí nào. “Việc sử dụng đèn chiếu sáng ứng dụng công nghệ led, năng lượng mặt trời mang lại hiệu quả tiết kiệm điện cao, tuổi thọ và độ bền thiết bị cũng tăng lên so với các hệ thống chiếu sáng đang dùng. Từ đó, tiết kiệm chi phí sử dụng điện từ 60% - 70% do tự động điều chỉnh độ sáng, thời gian chiếu sáng theo môi trường và khu vực. Việc lắp đặt hệ thống này cũng không quá phức tạp, giảm nhân công vận hành hệ thống đèn chiếu sáng vì khả năng tự động vận hành và nhất là đối với đèn năng lượng mặt trời thì phí sử dụng điện là bằng 0”, ông Võ Văn Quang cho biết thêm. Đến nay, toàn xã đã xây lắp được 400 chân cột, với 150 đèn năng lượng mặt trời, trong đó có hàng chục chân cột được lắp đặt trong đất nhà dân. Số đèn năng lượng còn lại sẽ được chính quyền và người dân phối hợp hoàn thiện trong thời gian gần nhất để cùng chung tay tiết kiệm điện và hưởng lợi từ nguồn năng lượng xanh.

Gia đình bà Lê Thị Thúy (thôn 4, xã Thiệu Trung, Thiệu Hóa) vừa dùng xong bữa cơm tối thì mất điện, bà không thấy phiền lòng và trong thôn cũng không một lời than vãn. Lịch cắt điện đã được thông báo từ mấy ngày trước nên bà Thúy và mọi người đều đã chủ động công việc xong trước khi bị cắt điện. Khoảng 1 tiếng sau, hệ thống đèn đường bằng năng lượng mặt trời bừng sáng, bà Thúy và xóm làng tay xách ghế, tay cầm quạt nan ra đường ngồi hóng mát. Bọn trẻ thì đã ra đường tập thiếu nhi từ trước. Bà Thúy cho hay, “Nếu không mất điện thì cứ tối lại, tôi và các ông các bà đều tắt hết điện trong nhà rồi ra đây hưởng trăng thanh gió mát, tận hưởng cái mát mẻ tự nhiên thay vì ngồi trong nhà mở quạt máy”. Nhoẻn miệng cười bà nói tiếp: “Đấy cô nhìn xem, điện đường mà sáng tận vào sân nhà. Không cần bật điện thì nhà vẫn sáng trưng. Hơn nữa, đi làm cả ngày, tối mọi người ra đây ngồi chơi, trò chuyện, hỏi han nhau khiến tình làng nghĩa xóm thêm gắn kết ấy chứ”. Mỗi buổi tối, chỉ tính riêng ngõ xóm hàng chục hộ dân như nhà bà Thúy, chỉ cần tắt các bóng điện, không dùng quạt trong vòng mấy tiếng thì số điện năng được bảo toàn không hề nhỏ. Vừa tiết kiệm điện vừa gia tăng tinh thần cố kết cộng đồng.

Không riêng gì nhà bà Thúy, ý thức tiết kiệm điện được người dân trong xã ủng hộ với những hành động thiết thực. Ông Trương Trọng Tâm (thôn 2), cho biết "Trước đây, mỗi tháng gia đình phải chi khoảng 8 trăm nghìn đồng tiền điện vào cao điểm hè, một con số khá lớn đối với gia đình tôi. Tuy nhiên, sau một thời gian tiếp cận với các giải pháp tiết kiệm điện mà tôi tìm hiểu và được nhân viên ngành điện hướng dẫn, gia đình tôi đã thay mới hoàn toàn bóng đèn sợi đốt bằng bóng đèn LED cũng như thực hiện các biện pháp tiết kiệm khác trong quá trình sinh hoạt. Giờ đây trung bình mỗi tháng chỉ còn chi cho tiền điện khoảng 6 trăm nghìn đồng, tiết kiệm được 2 trăm nghìn đồng, tuy không quá lớn nhưng cũng đỡ phần nào".

Cùng chung tay tiết kiệm điện, xã Thiệu Trung xuất hiện nhiều mô hình tiết kiệm điện được người dân hưởng ứng. Trong xã, hầu như còn rất ít các hộ dân sử dụng bóng đèn sợi đốt, đèn tuýp T10, chấn lưu sắt từ mà đã thay bằng đèn compact, đèn pin mặt trời, đèn LED... để giảm chi phí và tiết kiệm năng lượng.

Ông Lê Tiến Hải, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Thiệu Trung, cho biết “Hiện tại, trên địa bàn xã đã lắp đặt được gần 200 đèn năng lượng mặt trời phục vụ cho chiếu sáng công cộng, 550 hộ dân lắp đặt trong nhà, sân vườn tấm pin năng lượng. Hệ thống chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại, sinh hoạt của người dân mà còn đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông. Đây là một trong những hoạt động thiết thực để tiết kiệm điện năng, bảo vệ môi trường do vậy, xã đã tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng điện bằng năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, giá thành của hệ thống chiếu sáng sử dụng điện năng lượng mặt trời cao hơn hệ thống chiếu sáng thông thường rất nhiều. Do vậy, để thay thế với quy mô lớn thì cần sự chung tay hỗ trợ, giúp đỡ từ các nguồn xã hội hóa”.

“Tiết kiệm điện thành thói quen” đã không còn là khẩu hiệu của người dân Thanh Hóa mà trở thành hành động thiết thực. Thực tế, tại các hộ gia đình, văn phòng, cơ quan, nhiều thiết bị gia dụng thông minh cũng đang được ứng dụng mạnh mẽ để góp phần tiết kiệm điện. Đó là các sản phẩm, hệ thống chiếu sáng, tưới cây, rèm cửa, điều hòa không khí, máy bơm... có tính năng cảm ứng, hẹn giờ và điều khiển từ xa thông qua máy tính, điện thoại. Đơn cử, với hệ thống đèn cảm ứng có thể tự tắt khi không có người sử dụng, hoặc khi đi làm mà quên không tắt điều hòa, bình nóng lạnh ở nhà có thể dùng điện thoại để tắt... Các thiết bị cảm ứng còn có tính năng đo điện năng tiêu thụ và có thể cảnh báo thiết bị hoạt động vượt tải.

Ông Hoàng Xuân Phong, Giám đốc Trung tâm khuyến công và tiết kiệm năng lượng Thanh Hóa khẳng định: “Hành động tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng của mỗi người dân, mỗi hộ gia đình, doanh nghiệp sẽ góp phần giảm mức tiêu thụ điện, năng lượng, qua đó giảm chi phí và giảm ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, để có thể tiết kiệm hiệu quả, ngoài ý thức của mỗi người thì cũng rất cần những giải pháp, kỹ thuật, vật liệu mới đó là điện gió, điện năng lượng mặt trời...".

Bài và ảnh: Phan Thị



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]