(vhds.baothanhhoa.vn) - Trời nhập nhoạng tối. Con ngõ nhộn nhịp người qua lại. Chiếc ô tô con đột nhiên bẻ lái sang bên kia phần đường. Hóa ra anh tài xế ô tô tránh chiếc xe ba gác của một phụ nữ đang chở những thùng hàng cao ngất. Do hàng cao quá đầu người nên việc quan sát của chị gặp khó khăn, thành ra chị cứ đi mà không biết phía trước có gì. Con ngõ chật hẹp bỗng dưng ách tắc vì sự cố đối đầu của chiếc ô tô con và chiếc xe ba gác cao.

Tìm giải pháp vẹn cả đôi đường

Trời nhập nhoạng tối. Con ngõ nhộn nhịp người qua lại. Chiếc ô tô con đột nhiên bẻ lái sang bên kia phần đường. Hóa ra anh tài xế ô tô tránh chiếc xe ba gác của một phụ nữ đang chở những thùng hàng cao ngất. Do hàng cao quá đầu người nên việc quan sát của chị gặp khó khăn, thành ra chị cứ đi mà không biết phía trước có gì. Con ngõ chật hẹp bỗng dưng ách tắc vì sự cố đối đầu của chiếc ô tô con và chiếc xe ba gác cao.

Không phải lần này, tôi mới bắt gặp tình huống ấy trên đường phố. Hầu hết các tuyến đường phố, khu vực bến xe, chợ... đều có tình trạng các loại phương tiện xe thô sơ, xe cơ giới ba, bốn bánh chuyên chở các loại hàng quá khổ, cồng kềnh, không che chắn lưu thông trên đường; thậm chí chạy vào đường cấm, vượt đèn đỏ,... phần nào gây nguy hiểm, mất an toàn giao thông. Có hôm đến giờ đưa con đi học, suýt nữa thì con gái muộn học vì xe ô tô đi đến nửa đường thì gặp chiếc xa ba gác đang dừng bốc hàng với những thùng mì tôm cao chất ngất.

Để tránh những trường hợp xe thô sơ, xe ba, bốn bánh... chuyên chở hàng hóa cồng kềnh, quá khổ trên đường, Luật Giao thông đường bộ và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đã quy định rõ các mức phạt để răn đe và giảm bớt tình trạng vi phạm nhưng tình trạng trên vẫn diễn ra hàng ngày, nguyên nhân là bởi ý thức của một số người dân chưa cao, việc xử lý vi phạm vẫn còn nhiều bất cập. Trên thực tế, đã có nhiều vụ tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra liên quan đến loại phương tiện này.

Mới đây, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch đến năm 2025 sẽ “khai tử” các loại xe thô sơ, xe tự chế, xe cà tàng. Thông tin này đã nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều xoay quanh việc sẽ “khai tử” hay tìm phương án tối ưu. Nhiều ý kiến đồng tình với việc “khai tử” các loại xe cà tàng, xe tự chế vì phương tiện này không bảo đảm an toàn kỹ thuật, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng việc “khai tử” các loại phương tiện này khó thực hiện được bởi gắn với những chiếc xe cà tàng, xe tự chế 3, 4 bánh là cuộc sống mưu sinh của rất nhiều gia đình khó khăn. Đồng thời, nhu cầu sử dụng xe cơ giới 3 bánh và xe thô sơ 3, 4 bánh là có thật, do tính cơ động cao và thuận tiện trong việc vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng... trên các tuyến đường nhỏ, đường hẻm, đường cấm ô tô tải lưu thông... Có ý kiến cho rằng, thay vì cấm không cho sử dụng thì nên cấm chạy vào giờ cao điểm. Nếu tiếp tục cho hoạt động thì cần đặt ra lộ trình cụ thể để thay đổi phương tiện mới, hợp quy, hợp pháp, nhất là sử dụng nhiên liệu sạch thì các loại phương tiện này hoàn toàn có thể tồn tại lâu dài giữa một đô thị văn minh. Qua đó, vừa đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa vừa bảo đảm sinh kế cho người dân. Kế hoạch đến năm 2025 TP Hồ Chí Minh sẽ “khai tử” các loại xe thô sơ, xe tự chế, xe cà tàng vẫn chưa được thực hiện, thành phố vẫn đang tìm giải pháp tối ưu nhằm vẹn cả đôi đường.

Câu chuyện thực tế xoay quanh vấn đề sử dụng phương tiện xe thô sơ, xe cơ giới 3, 4 bánh không chỉ riêng của TP Hồ Chí Minh hay thành phố nơi tôi sinh sống mà hầu hết các địa phương, các loại xe này đều được sử dụng khá nhiều. Thiết nghĩ, bên cạnh việc tiếp tục tuyên truyền, lực lượng chức năng cần tăng cường công tác chỉ đạo, bố trí lực lượng cảnh sát giao thông thường xuyên tuần tra kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn; kiên quyết thu hồi các phương tiện không có giấy phép. Ngoài ra, các địa phương cần xử lý nghiêm, rút giấy phép các cơ sở tự đóng, lắp ráp loại xe 3-4 bánh này. Mục đích nhằm chấn chỉnh hoạt động của các loại xe tự chế hoạt động gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường. Đồng thời, nên khuyến khích, yêu cầu người dân chuyển đổi phương tiện bằng các chính sách hỗ trợ vốn hoặc lãi vay, như vậy mới thay đổi bộ mặt đô thị, văn minh cho thành phố.

Thảo Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]