Tín dụng đen và cuộc “tấn công” nhà giáo
Giáo viên vay tiền và bị lừa, không dừng ở đây nhiều người quen của họ còn phải hứng chịu sự “khủng bố” của các app (ứng dụng) “Tín dụng đen”. Sự xuất hiện của những app này không khác những cái “bẫy giăng mồi”...
Khách hàng dễ “sập bẫy” bởi những chiêu trò của app “tín dụng đen”.
Cười trước, khóc sau...
Với thủ tục đơn giản: không tài sản thế chấp, chỉ cần chụp căn cước công dân, chụp chân dung, cung cấp số điện thoại và cho quyền truy cập vào danh bạ thì số tiền vay nhanh chóng được giải ngân vào tài khoản. Đây được xem là “dịp may” hiếm có khiến nhiều đối tượng “chớp” cơ hội nhằm giải quyết trước mắt những khó khăn về tài chính. Không cần biết tổ chức tín dụng ấy thực, giả ra sao nhưng với cách vay tiền nhanh, hiệu quả qua các trang app trên mạng xã hội đã tạo sức hút lớn với nhiều đối tượng khách hàng, trong đó có giáo viên.
Khoản vay càng dễ dàng càng ẩn chứa những bất ổn hay nói đúng hơn sẽ có những hiểm nguy. Tuy nhiên, người vay đã không có những dự cảm. Vậy nên, đã có nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra. Một giáo viên mầm non ở tỉnh Đồng Nai đã từng vay “nóng” 65 triệu đồng của một tổ chức tín dụng trên app và chỉ trong một thời gian ngắn, số tiền cả gốc và lãi lên tới 200 triệu đồng. Hoặc một giáo viên ở tỉnh Quảng Ngãi, đăng ký vay 80 triệu đồng qua mạng và bị lừa 180 triệu đồng...
Lãi cao, dẫn đến khó trả hoặc thậm chí đã trả hết vẫn bị đòi, nghiêm trọng hơn không chỉ đòi tiền người trong cuộc mà còn làm phiền tới những người ngoài cuộc đó có thể là đồng nghiệp, bạn bè...
Không vay vẫn bị “khủng bố”
Tại tỉnh Hà Tĩnh, cán bộ và nhiều giáo viên, nhân viên một trường học ở địa phương này dù không vay tiền qua app nhưng vẫn bị “khủng bố” đòi tiền bởi các cuộc gọi lạ với lời lẽ xúc phạm, đe dọa thậm chí bôi nhọ danh dự của họ trên trang mạng xã hội... Nguyên nhân, một giáo viên trong trường vay tiền qua tổ chức tín dụng trên mạng, do lãi suất cao gấp nhiều lần so với lúc làm hồ sơ, đến hạn trả nợ không thể thanh toán nên bên vay đã tìm cách “cảnh cáo” tập thể nhà trường. Hoặc một giáo viên ở tỉnh Nghệ An, từng vay tiền của một tổ chức tín dụng, đã trả xong gốc và lãi nhưng vài năm sau vẫn bị tổ chức tín dụng này đòi nợ và cũng “khủng bố” đến đồng nghiệp thậm chí gọi điện cho cả lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh.
Những dòng tin nhắn thông báo trên zalo của nguyên trưởng phòng giáo dục và đào tạo ở một địa phương tại Thanh Hóa.
Còn tại Thanh Hóa, nguyên lãnh đạo của phòng giáo dục và đào tạo một thị xã đã từng đăng lên trang cá nhân zalo với nội dung thông báo về sự việc vay tiền qua app trên điện thoại của một giáo viên trên địa bàn. Nguyên vị lãnh đạo này đã bị tổ chức tín dụng xếp bà vào danh sách những người có liên quan và có trách nhiệm phải đốc thúc giáo viên vay trả nợ. Nhớ lại sự việc xảy ra, bà nói: “Tôi không hiểu vì sao tổ chức tín dụng đấy lại có số điện thoại của tôi, thậm chí có cả số của người thân... Họ gọi điện đề nghị, đe dọa chúng tôi và hơn thế còn gọi điện cho cả chủ tịch thị xã, với mục đích dồn trách nhiệm lên chúng tôi, tạo áp lực, ép buộc người vay phải trả nợ. Tôi đã ít nhất bị “khủng bố” bởi 3 trường hợp giáo viên, nhân viên vay tiền qua app”.
Nguyên vị lãnh đạo cho biết thêm, các giáo viên, nhân viên vay tiền qua mạng với hình thức trả góp trong 30 tháng. Trong quá trình vay, dù trả gốc và lãi luôn đúng định kỳ, tuy nhiên khi gần kết thúc hợp đồng với số tiền nợ còn lại rất ít thì bên cho vay thông báo, tiền nợ đã tăng gấp nhiều lần so với thực tế. Quá vô lý với số tiền nợ “khống”, người vay nhất định không trả. Do đó, đã xảy ra mâu thuẫn và đỉnh điểm của sự việc là tín dụng đen đã tìm cách “khủng bố” tới nhiều người...
“Hãy cảnh giác với việc vay tiền qua app”. Đó là cảnh báo của cơ quan công an. App “tín dụng đen” với các chiêu trò lừa đảo được thể hiện qua các “tiêu chí”: lãi suất thấp, giải ngân nhanh, thủ tục đơn giản nhưng với yêu cầu cho truy cập vào danh bạ... Nếu cho truy cập vào danh bạ cũng đồng nghĩa, các tổ chức “tín dụng đen” sẽ “điểm mặt gọi tên” những người có trong danh bạ với mục đích phải có trách nhiệm tạo áp lực để người vay trả nợ, thậm chí phải trả nợ thay...
Khó khăn về tài chính, ắt sẽ phải nghĩ đến chuyện vay tiền. Trong điều kiện vay dễ dàng qua app trên điện thoại sẽ dễ để lại nhiều hệ lụy nếu như app đó chưa có sự kiểm chứng về nguồn gốc... Luôn tồn tại sự lừa đảo ở các trang app tài chính không chính thống, vì vậy rất cần sự tỉnh táo để bản thân không là nạn nhân, không biến người thân, đồng nghiệp, bạn bè thành những “con nợ”, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín...
Bài và ảnh: Ninh Nghi
{name} - {time}
-
2025-01-05 10:18:00
Xu hướng tặng quà sức khỏe ngày tết
-
2025-01-05 07:58:00
Tết ấm cho em: Chung tay mang tết về cho trẻ em
-
2024-12-28 07:30:00
Dự báo thời tiết 28/12: Bắc Bộ rét đậm, người dân lưu ý bảo vệ sức khỏe trước thời tiết cực đoan
“Gõ cửa” nhà mới: “Cầm” cơ hội trên tay...
Bản tin Tài chính 28/12: Giá vàng tiếp đà tăng cực mạnh
Tình biển ngày đông
Dự báo thời tiết 27/12: Không khí lạnh tăng cường, Bắc Bộ rét đậm
“Gõ cửa” nhà mới: Không chỉ là giấc mơ
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc tổ chức bắn pháo hoa dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ
Bản tin Tài chính 27/12: Giá vàng bật tăng trở lại nhưng vẫn dưới ngưỡng 8,5 triệu đồng
Tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Thường Xuân
Tội phạm mạng biến hóa khôn lường