Trăn trở chuyện dạy thêm, học thêm
Dạy thêm, học thêm là một hiện tượng xã hội đã và đang diễn ra phổ biến ở Việt Nam. Tuy nhiên vì sao phải dạy thêm và tại sao phải học thêm, có nên cấm hoạt động này trong xã hội hay không và nếu quản lý thì quản lý bằng cách nào? Đây là vấn đề nóng, luôn được dư luận xã hội quan tâm và vẫn là bài toán khó cho các nhà quản lí giáo dục nước ta.
Ảnh minh hoạ.
Nhiều năm trở lại đây hoạt động dạy thêm và học thêm đã trở thành nhu cầu bức thiết của xã hội. Dạy thêm và học thêm được diễn ra ở nhiều cấp học từ mẫu giáo cho đến đại học; được tổ chức tại các nhà trường, các trung tâm cơ sở giáo dục hay ở ngay tại gia đình của các giáo viên. Nhu cầu dạy thêm của nhiều giáo viên hoặc các sinh viên vừa để tận dụng kiến thức, nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm nghề nghiệp và tăng thêm thu nhập. Cùng với đó nhiều bậc phụ huynh và các em học sinh cũng có nhu cầu học thêm nhằm củng cố, nâng cao kiến thức. Đây là nhu cầu chính đáng của cả người dạy và người học được xã hội quan tâm ủng hộ.
Tuy nhiên trên thực tế hoạt động dạy thêm và học thêm dường như vẫn chứa đựng những hạt sạn gây băn khoăn, lo lắng thậm chí có những ý kiến trái chiều của các bậc phụ huynh và học sinh gây ra tâm lý hoang mang, tạo dư luận xã hội không tốt. Không ít phụ huynh suy nghĩ, nếu không cho con đi học thêm thì kết quả kiểm tra hoặc thi sẽ không cao. Một số người còn cho rằng, một số ít giáo viên dạy học trên lớp chưa thật sự toàn tâm, toàn ý thậm chí còn sao nhãng, để buộc học sinh phải học thêm với mình; những học sinh “chăm học thêm” tại nhà của các giáo viên thì đến lớp được ưu ái hơn, kiểm tra bài điểm số thường cao hơn và ngược lại học sinh không đi học thêm có thể sẽ bị “thiệt thòi”... Như vậy, chúng ta có thể thấy ở một góc độ nào đó việc cho con em mình đi học thêm đã ít nhiều sai với mục đích, bản chất là củng cố, nâng cao kiến thức. Thậm chí nếu hoạt động này bị lạm dụng một cách quá mức, không những sẽ tạo ra nhiều áp lực đối với học sinh và các bậc phụ huynh. Bên cạnh đó còn để lại những hình ảnh thiếu thiện cảm với nghề cao quý nhất, gây ra những hệ lụy không đáng có trong mục tiêu “trồng người” mà chúng ta đang hướng tới.
Đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, đào tạo nên nhiều thế hệ anh hùng, hào kiệt... dựng nên nền văn hiến Việt Nam. Trong thành quả quý giá ấy, sự đóng góp của những người thầy là rất lớn. Chính vì vậy người thầy luôn được cả xã hội quan tâm, trân trọng: “Không thầy đố mày làm nên”. Câu tục ngữ của người xưa để lại không chỉ nói lên vai trò hết sức quan trọng, gần như quyết định đến sự trưởng thành của mỗi con người đó chính là những người thầy, không có thầy thì không nên người.
Bên cạnh đó còn thể hiện nét đẹp truyền thống quý báu của dân tộc ta về tôn sư trọng đạo và lòng biết ơn đối với người thầy đã dày công dạy dỗ bản thân mình. Nếu như không có người thầy định hướng, bảo ban đúng đắn cho mỗi người trong từng lời ăn tiếng nói, từng nét chữ nết người... thì mỗi người trong chúng ta sẽ không thành công. Đó như một quy luật hiển nhiên và lẽ đương nhiên là phải có cả công sức, tâm huyết của những người thầy đã dày công trao truyền cho các thế hệ học trò trong những buổi dạy thêm, học thêm.
Tôn sư trọng đạo vừa là vấn đề đạo đức và cũng là một truyền thống văn hóa tốt đẹp của cả dân tộc Việt Nam đã luôn được trân trọng, nối truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác như những gì thiêng liêng cao quý nhất. Điều đó luôn nhắc nhở các thế hệ người dân Việt Nam ta luôn tôn trọng, nhớ về công ơn người thầy: “Muốn sang thì bắc cầu Kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Từ đó khi nhìn nhận về hoạt động dạy thêm và học thêm chúng ta phải có thái độ khách quan, toàn diện. Thấy được cả mặt tích và tiêu cực của hoạt động này. Cần hết sức cảnh giác với những hành động a dua, té nước theo mưa trên mạng xã hội, chỉ nhìn hiện tượng mà quy chụp thành bản chất, để rồi phủ định sạch trơn những thành quả của ngành giáo dục nói chung, công sức của giáo viên nói riêng và những tâm huyết, mong muốn của các bậc phụ huynh học sinh đã mang lại.
Trở lại với hoạt động dạy thêm và học thêm hiện nay, chúng ta thấy nhu cầu học thêm là có thật, đang tồn tại như một quy luật khách quan, có cầu ắt sẽ có cung. Tuy nhiên làm thế nào để nhận diện hoạt động dạy thêm thực sự đàng hoàng, đúng tôn chỉ mục đích được xã hội quan tâm ủng hộ hay hoạt động dạy thêm sai với bản chất, không mang ý nghĩa nhân văn cao cả bị xã hội lên án, kể cả việc tìm ra những “con sâu làm rầu nồi canh” để có các biện pháp xử lý đích đáng, nhằm hạn chế tới mức thấp nhất những hậu quả. Đây là việc làm hết sức cần thiết, đang đặt ra trách nhiệm cho các cấp, các ngành, cho các bậc phụ huynh học sinh và nhất là ngành giáo dục.
Thiết nghĩ nhu cầu dạy thêm và học thêm là nhu cầu thực tế, không thể cấm hoàn toàn, mà phải có các quy định và các biện pháp cụ thể của ngành giáo dục, nhằm quản lý chặt chẽ, đảm bảo công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu thiết thực của học sinh và vì quyền lợi chính đáng của học sinh. Cùng với việc thực hiện đầy đủ các quy định trong công tác quản lý đối với giáo viên tham gia dạy thêm cả trong và ngoài nhà trường chấp hành nghiêm các quy định trong dạy thêm, học thêm do Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra. Cần coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức và nhân cách nghề nghiệp, tinh thần thượng tôn pháp luật của đội ngũ nhà giáo. Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, phản biện xã hội, cùng với đó cần phải có các chế tài xử lý nghiêm minh. Trong đó, thường xuyên chủ động việc kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm. Chú trọng việc phát huy vai trò trách nhiệm quản lý ngay từ cơ sở của việc dạy thêm, học thêm, nhất là cấp ủy Đảng và hiệu trưởng các nhà trường...
Bên cạnh đó phải quan tâm thiết thực đến việc nâng cao đời sống cả vật chất và tinh thần cho đội ngũ giáo viên. Đây được xem là giải pháp mang tính căn cơ lâu dài và quan trọng nhất nhằm giúp cho giáo viên thật sự toàn tâm toàn ý trong sự nghiệp “trồng người”, hơn thế nữa còn là biện pháp nhằm thu hút, tuyển chọn những giáo viên giỏi, sinh viên có tài năng gắn bó với ngành sư phạm.
Lê Xuân Bính (CTV)
- 2024-10-11 15:01:00
Hiệu quả từ nguồn vốn vay “tiếp sức”
- 2024-10-10 16:04:00
Hiệu quả mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”
- 2024-09-26 13:55:00
Sổ liên lạc điện tử có cần thiết?
Định hướng nghề nghiệp cho đoàn viên, thanh niên
Khắc phục khó khăn, nỗ lực đưa học sinh ra lớp
Phát triển kỹ năng “mềm” cho học sinh thông qua các câu lạc bộ, đội, nhóm sở thích
Khó đảm bảo quy định sĩ số học sinh tiểu học
Tín hiệu tích cực từ triển khai thí điểm học bạ số
Phát động cuộc thi viết Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường 2024
Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền pháp luật trong trường học
Chương trình ngoại khóa ở Trường PTDT nội trú THCS huyện Bá Thước
Ổn định việc học sau lũ tại các điểm trường lẻ