(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Lễ đón nhận trò Xuân Phả là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia (tối ngày 6/3) không chỉ là niềm vui khôn xiết của người dân Thọ Xuân nói riêng mà còn là niềm vinh dự, tự hào chung của toàn thể nhân dân Thanh Hóa. Đây là di sản phi vật thể đầu tiên của tỉnh được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trò Xuân Phả được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Niềm tự hào và trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị di sản

(VH&ĐS) Lễ đón nhận trò Xuân Phả là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia (tối ngày 6/3) không chỉ là niềm vui khôn xiết của người dân Thọ Xuân nói riêng mà còn là niềm vinh dự, tự hào chung của toàn thể nhân dân Thanh Hóa. Đây là di sản phi vật thể đầu tiên của tỉnh được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Đồng chí Đỗ Minh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy trao chứng nhận trò Xuân Phả là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thọ Xuân.

Niềm vui và trách nhiệm!

Thọ Xuân là huyện nằm ở phía Tây tỉnh Thanh Hóa, không chỉ được biết đến là một vùng đất cổ, có truyền thống lịch sử, văn hoá lâu đời, phong phú, đa dạng mà còn tự hào là vùng đất địa linh - Nơi phát tích của hai triều vua: tiền Lê và hậu Lê. Trên nền tảng lịch sử văn hoá lâu đời, Thọ Xuân là nơi sản sinh và hội tụ nhiều văn hoá vật thể, phi vật thể phong phú, đa dạng, được cả nước và thế giới biết đến như Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, đền thờ Lê Hoàn, cùng nhiều lễ hội, trò diễn dân gian, điệu hát, nghề thủ công truyền thống... Trò Xuân Phả - một trò diễn thể hiện tài năng sáng tạo nghệ thuật đặc sắc của những người nông dân trên vùng đất ven sông Chu.

Theo truyền thuyết, vào thế kỷ thứ X, vị thần Thành hoàng làng Xuân Phả đã có công giúp vua dẹp giặc ngoại xâm. Để báo đáp công ơn của vị thần, nhà vua đã mở hội ăn mừng tại miếu thờ thần Hoàng làng Xuân Phả. Trong lễ hội ăn mừng các nước lân cận đã đến dâng lễ và các điệu múa chúc mừng. Cũng từ đó, nhà vua ban cho làng Xuân Phả 5 điệu múa (gồm Hoa Lang, Chiêm Thành, Ai Lao, Ngô Quốc, Tú Huần). Đó là những kết tinh của các động tác tinh xảo, điêu luyện từ các nghệ nhân qua 5 trò diễn, vẽ nên một bức tranh tổng thể, sống động, diễn tả quyền uy, sức mạnh của thể chế phong kiến Việt Nam. Bên cạnh đó, trò diễn còn diễn tả cuộc sống, sinh hoạt, lao động; cảnh trù phú và cuộc sống thanh bình của những cư dân lúa nước Việt Nam lúc bấy giờ.

Từ lâu trò diễn Xuân Phả đã vượt khỏi không gian của một làng quê đến với nhiều vùng đất khác nhau của Tổ quốc. Năm 1935 trò Xuân Phả đã được trình diễn tại Hội chợ nông sản huyện, có sự tham gia của quan đầu tỉnh và những người Pháp. Năm 1936, trò Xuân Phả được trình diễn tại kinh đô Huế, Sài Gòn và Hà Nội. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trò Xuân Phả được biểu diễn để phục vụ nhân dân trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Khi đất nước thống nhất, trò Xuân Phả vinh dự được tham gia biểu diễn nhiều lần trong các ngày hội lớn của đất nước như: Festival Huế, Nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; Lễ hội Lam Kinh... Còn đối với nhân dân Xuân Phả, hằng năm, cứ vào các ngày 9 - 10/2 âm lịch, dân làng Xuân Phả lại mở hội, tổ chức các trò diễn. Với những giá trị đặc sắc của trò Xuân Phả, ngày 16/9/2016, Bộ VH,TT&DL đã ký quyết định công nhận, trò Xuân Phả là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Tại buổi lễ, đồng chí Phạm Đăng Quyền - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Trò Xuân Phả trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia, là sự kiện có ý nghĩa quan trọng và là niềm vinh dự, tự hào của nhân dân huyện Thọ Xuân và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa. Là di sản phi vật thể đầu tiên của Thanh Hóa được công nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đồng chí cũng nhấn mạnh vai trò của lãnh đạo huyện Thọ Xuân trong việc quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho bà con nhân dân giữ gìn và phát huy giá trị di sản Trò Xuân Phả. Đảng bộ và chính quyền địa phương cần phát huy nội lực tăng cường quản lý, tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức trách nhiệm và phát huy tốt công tác xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Phải chú trọng công tác giáo dục truyền thống, lịch sử, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu văn hóa tín ngưỡng và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân. Sở VH,TT&DL cần có trách nhiệm phối hợp, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi để huyện Thọ Xuân, xã Xuân Trường, bà con nhân dântiếp tục gìn giữ, phát huy tốt nhất Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia trò Xuân Phả, đồng thời tiếp tục nghiên cứu khai thác để bảo tồn, phát huy giá trị của những trò chơi, trò diễn dân gian khác. Từ đó, góp phần vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Độc đáo các trò diễn Xuân Phả.

Giá trị trường tồn của di sản

Được hình thành và phát triển qua hàng nghìn năm, trò Xuân Phả là một tổ hợp múa dân gian đặc sắc, là đỉnh cao của nghệ thuật múa cung đình. Theo NNƯT Bùi Văn Hùng: Từ lâu người dân làng Xuân Phả đã có ý thức bảo tồn các trò diễn này bằng việc truyền dạy cho con cháu. Cuối thập niên 60 - 70 của thế kỷ XX do điều kiện đất nước chiến tranh, kinh tế khó khăn nên việc duy trì tổ chức trò diễn không được phát triển, chủ yếu là do các làng, xã tự tổ chức. Đến năm 1990, mặc dù địa phương đưa ra chủ trương khôi phục. Tuy nhiên, do số lượng người còn biết múa, biết diễn rất ít, kinh phí đầu tư hạn chế nên chất lượng trò diễn cũng như sự lan rộng chưa cao. Trò Xuân Phả chỉ thực sự được sống lại từ sau khi có tinh thần của Nghị quyết TƯ 5 khoá VIII, Kết luận của Nghị quyết TƯ 10 khoá IX về tiếp tục bảo tồn và phát triển văn hóa thì mới được quan tâm, phát huy.

Trong bối cảnh hiện nay, nhiều giá trị văn hóa dân gian, truyền thống của dân tộc đang dần bị mai một vì không được thế hệ trẻ tiếp nhận. Thế nhưng, với những nét đặc sắc của trò Xuân Phả, nhiều năm qua chính quyền các địa phương trên địa bàn huyện Thọ Xuân đã tích cực trau dồi, phát huy giá trị bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Đưa các trò diễn lồng ghép vào các sự kiện văn hóa, văn nghệ của địa phương; vào nhà trường để giáo dục, truyền thụ cho thế hệ trẻ... Kết quả thiết thực khi trò Xuân Phả đã thực sự lan tỏa thành một phong trào sâu rộng, từ già đến trẻ ai cũng thuộc cho mình 1 đến 2 trò diễn. Ông Lê Đình Hải - Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân vui mừng khi giá trị di sản đã thực sự được phát huy, tăng tình đoàn kết, gắn bó trong nhân dân; thúc đẩy phát triển sản xuất... Để tiếp tục nâng cao, phát huy giá trị di sản, chính quyền huyện Thọ Xuân sẽ nỗ lực hơn nữa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các phòng, ngành, các đơn vị chức năng nghiên cứu, sưu tầm phát huy giá trị di sản.

Khẳng định một lần nữa về giá trị trường tồn của di sản, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đăng Quyền nhấn mạnh: “Để gìn giữ, phát huy giá trị di sản phi vật thể Quốc gia, trò Xuân Phả trong thời gian tới từ những giá trị của di sản hôm nay, các cấp, ngành chức năng tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm nâng cao giá trị của di sản, khi đủ điều kiện, báo cáo các cấp thẩm quyền đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.

Đình Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]