Nét đẹp làng Mỹ Lý Thượng
Nằm trên đất Kẻ Neo (nay là xã Thọ Long), vốn là vùng cư dân cổ, được hình thành và phát triển đến nay khoảng một ngàn năm, thôn Mỹ Lý Thượng (còn gọi là Mỹ Thượng) dù hình thành sau nhưng lại được thừa hưởng đậm đặc truyền thống văn hóa.
Có Quốc lộ 47 chạy qua nên làng Mỹ Lý Thượng được thừa hưởng hệ thống đường giao thông rộng, thoáng.
Một nét văn hóa
Theo thần tích ghi lại, làng Mỹ Lý Thượng (Mỹ Thượng) được hình thành vào đầu thời Lý. Cụ thể, thời điểm ấy, có dòng họ Lê Đình từ Hoằng Hóa đến sinh cơ lập nghiệp. Tiếp theo đó, vào thế kỷ XV có họ Trịnh Khắc, thế kỷ XVI có họ Trịnh Đình đến trấn nhậm huyện Lôi Dương. Và sau đó là các dòng họ Lê Ích, Lê Văn... đã tụ cư nơi này để lập nên các trại, các giáp, các xóm gồm: xóm trại trên, xóm trại dưới, xóm Quằng, xóm Me, xóm Đà, xóm Tu...
Sự tụ hội ấy còn bởi, nơi đây xưa là phủ lỵ của huyện Lôi Dương, đồng thời là vùng đất phên dậu của nhà Lê. Vì thế, sau khi công cuộc Trung hưng nhà Lê thành công, thế kỷ XVII, Thanh Đô Vương Trịnh Tráng đã cho con trai của mình là Trịnh Đình Dương về trấn nhậm vùng đất này.
Vốn là vùng đất thuần nông, người dân Mỹ Lý Thượng gắn liền với 13 xứ đồng như: đồng Hà, đồng Cúc Bái, đồng Bờ Nan, đồng Lưỡi Mác... đất đai phần lớn là đất sét pha cát do phù sa sông Chu bồi đắp nên có nhiều cánh đồng xanh tươi trù phú. Câu nói của người xưa: “Đến cánh đồng Neo, nhìn nheo cả mắt” để giới thiệu về đồng Neo, một trong những cánh đồng lớn của xứ Thanh.
Chuyên trồng lúa, rau màu, chăn nuôi gia cầm, gia súc, người dân Mỹ Lý Thượng còn có nghề phụ truyền thống là mây tre đan thừng chảo, rèn, mộc, may mặc và buôn bán hàng lâm sản. Thương hiệu nghề đan lát thừng chảo làng Neo nổi tiếng một thời ấy là điều kiện để người dân có thêm thu nhập.
Có thuận lợi là trung tâm chính trị, làng Mỹ Lý Thượng rất phát triển về kinh tế, văn hóa. Nhiều người đã lập nghiệp bằng con đường khoa bảng như: Hương cống Lê Bảo, đỗ khoa thi Nhâm Ngọ (1702) đời vua Lê Hy Tông, làm quan đến chức Lang Trung Bộ Lễ; Cử nhân Lê Ích Công đỗ kỳ thi hương khoa Bính Ngọ (1906) tại trường thi Thanh Hóa, làm quan Huấn Đạo huyện Yên Định. Ngoài ra, trong làng có nhiều người đỗ tú tài. Họ có thể không làm quan mà lựa chọn làm thầy đồ dạy học, làm thầy thuốc giúp đời.
Nhắc về lịch sử làng, ông Trịnh Khắc Giáp, trưởng làng cho biết: Là cư dân nông nghiệp, nhưng Mỹ Lý Thượng phát triển hơn các làng quê khác, vì có hai tuyến giao thông đường thủy quan trọng là sông Chu và sông Nông giang, tấp nập người mua - kẻ bán.
Có đời sống kinh tế không quá khó khăn, người dân muốn hưởng thụ các giá trị văn hóa. Chịu ảnh hưởng đa thần giáo, thờ Thần, thờ Phật, thờ Mẫu và thờ Tổ tiên, nơi đây từ xa xưa đã có nhiều công trình văn hóa tâm linh.
Hầu như người dân Mỹ Lý Thượng khi nói về những công trình văn hóa tâm linh họ thường nhắc đến chùa Vĩnh Hưng, được xây dựng vào năm Quý Sửu (1793). Với kiến trúc hình chữ Đinh, chùa nằm giữa làng như một nét vẽ vừa dịu dàng mà thâm trầm. Song, do hoàn cảnh đất nước có chiến tranh và những nhận thức chưa đầy đủ về văn hóa, chùa bị phá dỡ, hiện giờ chỉ còn lại bia chùa bằng đá.
Bên cạnh chùa, làng Mỹ Lý Thượng có đến 3 ngôi đình. Đình ông Công “Hội hiển Giáp” được xây dựng ở xóm Trại trên, thờ ông Lê Văn Hoán, người có công khai phá xây dựng nên làng Mỹ Thượng và cũng là người có công xây dựng đình. Đình Trung, thờ Công chúa Trịnh Uyển, được nhà vua sắc phong “Dực bảo Trung hưng linh phù tôn thần”. Và đình Giữa, thờ thổ công (Thần đất), cũng là nơi hội họp của dân làng, nơi làm việc của các vị chức sắc nên còn gọi là đình họp. Năm 1947, là nơi giam giữ tù binh nên còn gọi là nhà lao Công Lý.
Dẫn chúng tôi thăm nghè Mỹ Lý Thượng thờ tam vị Thành hoàng làng, ông thủ từ Lê Đình Chung hào hứng giới thiệu: Các vị thành hoàng làng tôi đều được vua Lê ban sắc Thượng đẳng phúc thần đại vương. Sách “Thanh Hóa chư thần lục” của Bộ Lễ triều Nguyễn biên soạn vào năm Thành Thái thứ XV (1903) ghi rất rõ điều này. Vì thế, hằng năm vào ngày 3 tháng 3 âm lịch, Nhân dân trong làng tề tựu đông đủ về nghè để dâng hương cúng lễ.
Và tinh thần yêu nước
Nằm trong vùng đất địa linh nhân kiệt của xứ Thanh, Nhân dân làng Mỹ Lý Thượng vốn có truyền thống yêu nước. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, ở làng có ông Trịnh Khắc Phương, đỗ Cử nhân làm quan ở tỉnh Hải Dương (nay là TP Hải Phòng) tham gia nghĩa quân, sau bị thực dân Pháp bắt đày đi nhà tù Lao Bảo.
Di tích kiến trúc nghệ thuật nghè Mỹ Lý Thượng.
Từ khi Đảng ta ra đời lãnh đạo Nhân dân đấu tranh đánh đổ thực dân phong kiến. Bất chấp tù đày gông xiềng, tra tấn, Nhân dân Mỹ Lý Thượng một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Trong 15 năm đấu tranh giải phóng dân tộc (1930-1945), làng đã có 9 người bị chính quyền thực dân phong kiến kết án tù đày gồm các ông: Trịnh Khắc Cầu, Trịnh Khắc Tuyên, Trịnh Khắc Khớt, Lê Đức Ty, Nguyễn Văn Ty, Đào Xuân Hứa, Trịnh Khắc Tơm, Lê Văn Chớp, Lê Sỹ Cộng...
Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, người dân làng Mỹ Lý Thượng có phong trào cấp dưỡng gạo, thực phẩm cho bộ đội ăn no đánh thắng. Chỉ tính trong giai đoạn 1954-1960, Nhân dân Mỹ Lý Thượng đã đón tiếp, nhường nhà cho bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc ở để thành lập Sư đoàn bộ binh 330. Từ năm 1970, Mỹ Lý Thượng cũng là một trong những điểm vinh dự được đón tiếp và nuôi dưỡng thương binh của Đoàn 585.
Trong kháng chiến chống Mỹ, làng Mỹ Thượng có 108 người vào bộ đội, 20 người là thanh niên xung phong, 17 người tham gia dân công hỏa tuyến. Người ở hậu phương tích cực lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, thực hiện khẩu hiệu “lương không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.
Trải qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ Tổ quốc, làng Mỹ Lý Thượng có 2 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 1 người có công với nước, 30 liệt sĩ, 36 thương bệnh binh và 10 người bị ảnh hưởng chất độc da cam.
“Chính truyền thống văn hóa người Kẻ Neo là động lực để mỗi người dân làng dù đi đâu cũng phải nỗ lực sống tốt, làm người có ích vì chính cuộc sống của mình, đồng thời góp phần dựng xây quê hương đẹp tươi như ngày nay”, ông Trịnh Khắc Giáp, trưởng làng khẳng định.
Bài và ảnh: Bảo Anh
{name} - {time}
-
2025-07-18 14:46:00
“Cá mập trắng” làng golf thế giới chính thức “nhậm chức” Đại sứ Du lịch Việt Nam
-
2025-07-18 08:43:00
Những cung đường đẹp nhất thế giới - hành trình của những giấc mơ
-
2025-07-16 15:01:00
Hàn Quốc là quốc gia đăng cai kỳ họp Ủy ban Di sản Thế giới năm 2026
Travel+Leisure: Hội An là 1 trong 10 thành phố tốt nhất thế giới năm 2025
7 thác nước tuyệt đẹp của Việt Nam bạn nên trải nghiệm ít nhất một lần trong đời
9 Di sản Thế giới ở Việt Nam được UNESCO vinh danh
UNESCO phê duyệt điều chỉnh ranh giới Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng