(vhds.baothanhhoa.vn) - Hạnh phúc là điều mà hàng ngàn đời nay, mỗi con người luôn mong muốn trong cuộc đời. Đó cũng là mục tiêu sống, mục tiêu hành động của mọi người trong cuộc sống. Do đó, việc mang lại hạnh phúc cho người học là nhân tố quan trọng trong quá trình giáo dục. Chính vì vậy, xây dựng “Trường học hạnh phúc” đang là xu hướng tất yếu trong quá trình đổi mới giáo dục.

Trường học hạnh phúc

Hạnh phúc là điều mà hàng ngàn đời nay, mỗi con người luôn mong muốn trong cuộc đời. Đó cũng là mục tiêu sống, mục tiêu hành động của mọi người trong cuộc sống. Do đó, việc mang lại hạnh phúc cho người học là nhân tố quan trọng trong quá trình giáo dục. Chính vì vậy, xây dựng “Trường học hạnh phúc” đang là xu hướng tất yếu trong quá trình đổi mới giáo dục.

Trường học hạnh phúcMột hoạt động học của cô, trò Trường Mầm non Hưng Lộc (Hậu Lộc).

Ngay sau khi ngành giáo dục phát động xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” năm 2021, cùng với các trường khác trong tỉnh, thầy, trò Trường THPT Ngọc Lặc đã đồng lòng, quyết tâm xây dựng thành công mô hình gắn với thông điệp “nhà trường, thầy, cô giáo thay đổi để hướng đến một môi trường sư phạm văn minh, thân thiện, an toàn”.

Theo chia sẻ từ lãnh đạo Trường THPT Ngọc Lặc, để triển khai hiệu quả mô hình “Trường học hạnh phúc”, nhiệm vụ đầu tiên được nhà trường tập trung thực hiện là xây dựng môi trường sư phạm xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện, khang trang và hiện đại. Tiếp đến là xây dựng văn hóa ứng xử trong nhà trường. Cách làm của Trường THPT Ngọc Lặc trong nhiệm vụ này đó là phát huy tính dân chủ, tinh thần tự giác, tự nguyện mà cán bộ, giáo viên nhà trường vẫn gọi đó là mệnh lệnh từ trái tim để hướng hành động của giáo viên và học sinh (HS) đến với nội quy của ngành, của cơ quan, chứ không phải bằng những mệnh lệnh khô khan, cứng nhắc.

Trong quá trình dạy và học, nhà trường luôn coi trọng công tác giáo dục kỹ năng sống cho HS và phát huy nét đặc sắc của địa phương. Sau mỗi giờ học, giáo viên và HS có những giây phút thoải mái để chơi các môn thể thao mà mình yêu thích để thêm gắn kết, chia sẻ và hiểu nhau nhiều hơn. Từ những giải pháp và cách làm thiết thực này, trường đã thu về những “quả ngọt” ban đầu trong xây dựng “Trường học hạnh phúc”. Mỗi giáo viên và HS đều cố gắng để biết cách cân bằng cảm xúc tạo mối quan hệ đồng chí, đồng nghiệp, mối quan hệ thầy - trò thân thiện, tích cực, biết lan tỏa yêu thương đến những người xung quanh mình để tạo môi trường học đường thân thiện.

Tại Trường Mầm non Hoằng Quỳ (Hoằng Hóa), mục tiêu xây dựng “Trường học hạnh phúc” được bắt đầu từ những “Lớp học hạnh phúc”. Ở đó mỗi giáo viên luôn gần gũi, yêu thương trẻ; động viên khích lệ trẻ, tôn trọng trẻ để trẻ hứng thú, vui vẻ tham gia vào các hoạt động khi đến trường, đến lớp.

“Quan điểm và yêu cầu đặt ra của ban giám hiệu nhà trường là dù có nhiều áp lực trong công việc, đôi khi căng thẳng, mệt mỏi, nhưng mỗi giáo viên phải luôn dành cho trẻ những nụ cười và tình yêu thương để trẻ cảm thấy “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Chỉ khi cô, trò đều có tâm lý thoải mái, trẻ thích đến trường, cán bộ, giáo viên đoàn kết, chân thành, tôn trọng nhau thì trường học chắc chắn sẽ hạnh phúc”, cô giáo Trịnh Thị Dương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoằng Quỳ chia sẻ.

Trường học hạnh phúcHoạt động trải nghiệm của cô, trò Trường Mầm non Hưng Lộc (Hậu Lộc).

Theo Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục Thanh Hóa Trần Văn Bình, những tác động của cả yếu tố chủ quan và khách quan, nhất là những tác động xấu của mặt trái kinh tế thị trường, của mạng xã hội... đã ảnh hưởng đến tâm lý lứa tuổi học trò khiến nhiều học sinh, thậm chí có cả giáo viên có những suy nghĩ, hành động lệch với những chuẩn mực đạo đức, văn hóa của xã hội. Điều đó buộc chúng ta phải thay đổi để xây dựng “Trường học hạnh phúc” - nơi không có bạo lực học đường, không có hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, không có những hành xử xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể nhà giáo và HS; nơi thầy, cô và HS được tiếp nhận tri thức, sẻ chia, cảm thông và yêu thương nhau.

Khi nói đến “Trường học hạnh phúc”, đó phải là nơi thầy, cô giáo, các em HS cũng như phụ huynh đều cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy và học. Đó là nơi tình yêu thương giữa các nhà giáo với nhau, giữa thầy và trò, giữa trò với trò được trân trọng và bồi đắp hằng ngày. “Trường học hạnh phúc” phải là nơi an toàn cho các hoạt động dạy và học, không tồn tại cách hành xử bạo lực, không diễn ra các hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, không có sự xúc phạm danh dự, nhân phẩm, tính mạng nhà giáo và HS. “Trường học hạnh phúc” không chỉ lưu tâm truyền thụ kiến thức, kỹ năng, thái độ cho HS, mà còn chú trọng giáo dục cảm xúc cho các em. Mọi xúc cảm riêng biệt, cá tính sáng tạo của thầy và trò đều được tôn trọng, chứ không bị áp đặt một cách máy móc, rập khuôn theo phương cách giáo dục lỗi thời, lạc hậu...

Với ý nghĩa đó, Công đoàn ngành giáo dục và toàn ngành giáo dục Thanh Hóa xác định xây dựng “Trường học hạnh phúc” là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm cả trước mắt và lâu dài trong chặng đường đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bùi Thị Thanh, để xây dựng thành công “Trường học hạnh phúc” cần nêu cao tinh thần dân chủ; không áp đặt, rập khuôn, một chiều; không nhồi nhét kiến thức; không chạy theo hình thức, hư danh. Trong môi trường này cần những không gian, chân trời của sự sáng tạo với những tri thức, tư duy mới không ngừng được khai phóng cùng tình yêu thương, sẻ chia.

Để xây dựng thành công “Trường học hạnh phúc”, trước hết phải xây dựng môi trường hạnh phúc, giáo viên hạnh phúc. Nếu giáo viên cảm thấy hạnh phúc, họ sẽ lan tỏa năng lượng này đến HS. Thầy, cô hạnh phúc, HS hạnh phúc sẽ tạo nên lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc. Khi ấy, niềm hạnh phúc không chỉ bó hẹp trong môi trường học đường mà sẽ lan tỏa đến gia đình hạnh phúc, xã hội hạnh phúc.

Bài và ảnh: Lê Phong



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]