(vhds.baothanhhoa.vn) - Vườn Quốc gia (VQG) Xuân Liên có vị trí thuận lợi về giao thông, có đường tỉnh kết nối đường Hồ Chí Minh và cách Cảng Hàng không Thọ Xuân 28km. Với tiềm năng về đa dạng sinh học (ĐDSH), các hệ sinh thái đặc trưng và các vùng cảnh quan đẹp, các làng bản của cộng đồng địa phương với văn hóa truyền thống, kiến trúc độc đáo, VQG Xuân Liên hội tụ nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch ít nơi nào có được.

“Từ khu bảo tồn... đến Vườn quốc gia Xuân Liên” (Bài 2): “Mỏ vàng” phát triển du lịch

Vườn Quốc gia (VQG) Xuân Liên có vị trí thuận lợi về giao thông, có đường tỉnh kết nối đường Hồ Chí Minh và cách Cảng Hàng không Thọ Xuân 28km. Với tiềm năng về đa dạng sinh học (ĐDSH), các hệ sinh thái đặc trưng và các vùng cảnh quan đẹp, các làng bản của cộng đồng địa phương với văn hóa truyền thống, kiến trúc độc đáo, VQG Xuân Liên hội tụ nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch ít nơi nào có được.

“Từ khu bảo tồn... đến Vườn quốc gia Xuân Liên” (Bài 2): “Mỏ vàng” phát triển du lịch

Đến với VQG Xuân Liên, du khách được trải nghiệm các tour trekking khám phá vẻ đẹp của đại ngàn.

Cảnh quan tự nhiên tại VQG Xuân Liên có nhiều giá trị nổi bật, hòa quyện vào nhau tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình, vừa có sự khoáng đạt, hùng vĩ của núi non, hang động, thác nước vừa có nét trữ tình, mênh mang của sông, hồ...

Với những người ưa thích khám phá, mạo hiểm, VQG Xuân Liên là một lựa chọn lý tưởng, đầy kích thích. Hãy hình dung về hành trình chinh phục những đỉnh núi cao như đỉnh Pù Gió bốn mùa mây phủ. Đứng trên đỉnh Pù Gió, du khách có thể nhìn bao quát được hết núi rừng Xuân Liên hùng vĩ, cảm nhận được hơi ẩm của mây trời vờn quanh. Đây là một tuyến du lịch hoạt động quanh năm, nhưng đối với những du khách thích săn mây thì đi vào thời điểm mùa xuân và mùa đông là tuyệt vời nhất. Tại đây, du khách có thể được chiêm ngưỡng cảnh quan thơ mộng của rừng nguyên sinh, thu trọn tầm mắt khung cảnh hồ Cửa Đạt, ngắm hoa Đỗ Quyên rộ bung cánh trắng và tham quan dấu tích chiến địa pháo phòng không của quân và dân ta trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

Len lỏi trong những cánh rừng Xuân Liên không chỉ có muôn loài động, thực vật quý hiếm mà còn có nhiều thác nước đẹp đổ từ trên các ngọn núi xuống tựa hồ như mái tóc của những cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại. Thác Hón Yên (lòng hồ Cửa Đạt), thác Thiên Thủy (xã Vạn Xuân)..., đó là những món quà vô giá của thiên nhiên ban tặng cho nơi này. Trong tiếng nước reo vui, giữa không gian núi rừng, ta như nghe con thác Thiên Thủy đang thủ thỉ kể câu chuyện tín ngưỡng của đồng bào người Thái bản địa liên quan đến sự hình thành của con thác này. Dòng thác Hón Yên chảy xuống từ đỉnh Pù Gió có độ cao hơn 1.600m so với mực nước biển. Thác Yên có nước chảy quanh năm, mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông. Một điểm đặc biệt tạo nên sự khác biệt của thác Yên so với các dòng thác khác của Thanh Hóa là có rất nhiều tảng đá với kích thước khác nhau chắn ngang dòng nước. Tại các điểm thác nước đổ xuống tiếp xúc với mặt tảng đá tạo nên lớp bọt nước trắng xóa bắn ra tứ phía, hình thành một không gian mát mẻ...

Khi đã hăm hở với rừng, du khách có thể thư giãn, thỏa sức đắm chìm vào khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, trữ tình theo hành trình “ngược dòng sông Chu” hay thong dong trên mặt hồ Cửa Đạt rộng lớn, tựa như “con mắt xanh” chốn đại ngàn. Giữa đôi bờ rừng xanh bát ngát bốn mùa hoa, nghe giới thiệu về các địa danh của mảnh đất “địa linh nhân kiệt” - Quế Ngọc Châu Thường, nơi gắn với chiến công hiển tích của danh nhân Cầm Bá Thước, của vị Anh hùng dân tộc Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn. Một vùng Nhân Trầm – Cửa Đặt dội về từ lịch sử.

Ngoài cảnh sắc thiên nhiên, VQG Xuân Liên ôm ấp trong lòng biết bao giá trị lịch sử, lắng đọng biết bao trầm tích văn hóa độc đáo. Tài nguyên văn hóa phi vật thể hiện diện trong kiến trúc nhà sàn, văn hóa ẩm thực, trang phục, nghề truyền thống, kho tàng văn hóa - văn nghệ dân gian của cư dân bản địa góp phần tạo nên các sản phẩm du lịch đặc trưng như: Hội thề Lũng Nhai, lễ hội Nàng Han (Lùm Nưa và Kang Khèn, xã Vạn Xuân), lễ hội Sắc Bùa của dân tộc Mường ở các xã Xuân Cẩm, Lương Sơn; tục lệ Cẳm Đỏi (Tày Mường/Dọ), tục lệ Lau Kha, lễ tục Ế Xa, lễ tục Xẳng Khản, xã Vạn Xuân...

Tài nguyên văn hóa vật thể có: Đền thờ Danh nhân Cầm Bá Thước và đền Bà Chúa Thượng Ngàn tại xã Vạn Xuân, đền Cô hay đền Trình là nơi thờ Cô Ba (Cô Bơ); đền thờ Trời của người Thái tọa lạc trên đỉnh đồi Pú Pen, thôn Lùm Nưa, xã Vạn Xuân. Ngoài ra còn có các đền như đền Mường (Sớn Mướng) vị thần cai quản mường (Cải Sớn) theo tín ngưỡng dân tộc Thái; đền Bản Pà cầu vị thần cai trông nom bản (Cải Ban) theo tín ngưỡng dân tộc Thái tại xã Xuân Lộc; đền Cây Thị, Chùa Thứng (Phúc Thắng Tự) thờ Phật; đình làng Hồ...

Với nguồn tài nguyên du lịch vô cùng độc đáo và phong phú, các mô hình du lịch có tiềm năng phát triển tại VQG Xuân Liên bao gồm: Du lịch sinh thái khám phá thiên nhiên (du lịch hoạt động khám phá thiên nhiên tại khu vực thác Thiên Thủy, thác Yên, đỉnh Pù Gió, khu rừng nguyên sinh, tham quan cây pơ mu, sa mu, hệ sinh thái, các loại động, thực vật quý hiếm, đặc hữu, các loài chim); du lịch du thuyền ngắm cảnh (du lịch du thuyền trên lòng hồ Cửa Đạt, du thuyền ngược dòng sông Chu); du lịch tâm linh (tham quan và dâng hương đền Bà Chúa Thượng Ngàn, đền Cầm Bá Thước, đền Cô, hội thề Lũng Nhai xã Ngọc Phụng)...

Tại các vùng đệm VQG Xuân Liên, du khách được trải nghiệm, tham gia các phong tục, tập quán văn hóa của đồng bào Thái, Mường hiện đang sinh sống xung quanh khu vực, hình thành nhiều điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách xa gần như: bản Mạ (thị trấn Thường Xuân), bản Vịn (xã Bát Mọt)... Những nếp nhà sàn thấp thoáng giữa màu xanh cây lá cất cao lời mời gọi du khách sải nhanh bước chân ghé đến chơi nhà, cùng khám phá những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào và cùng thả hồn ngất ngây trong men say rượu cần, trong tình người nồng ấm...

Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế và sự ĐDSH, những năm qua Ban Quản lý VQG Xuân Liên đã chủ động, tích cực đẩy mạnh hoạt động thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí. Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (trước đây) là một trong những đơn vị đầu tiên hoàn thành Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng đến năm 2030, được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tại Quyết định số 5126/QĐ-UBND ngày 30/11/2020. Trước đó, năm 2019, nơi này đã được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh.

Thực hiện Đề án, Ban Quản lý VQG Xuân Liên đã đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá giá trị, tiềm năng; thúc đẩy hoạt động quảng bá, thu hút đầu tư phát triển du lịch sinh thái; hoàn thiện xây dựng các tua, tuyến du lịch hiện có. Cuối năm 2024, nhằm mang lại đột phá cho ngành du lịch khu vực miền núi, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã tổ chức lễ công bố 12 tuyến du lịch đi bộ trong rừng (trekking tour). Trong đó có 5 tuyến trekking nằm trong khu vực VQG Xuân Liên là: đỉnh Pù Gió; cây di sản pơ mu, sa mu; ngắm voọc xám và vượn đen má trắng; ngắm voọc xám, vượn đen má trắng và thăm cây di sản pơ mu, sa mu; đỉnh Pù Xèo - thác 7 tầng - Di tích lịch sử Hội thề Lũng Nhai. Thời gian qua, VQG Xuân Liên đã hỗ trợ và thúc đẩy phát triển các mô hình du lịch cộng đồng tại bản Mạ, bản Vịn, giúp kinh tế - xã hội của địa phương có bước phát triển. Thống kê từ Ban Quản lý VQG Xuân Liên, trung bình mỗi năm đơn vị đón khoảng hơn 1.000 lượt khách đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Đến nay, VQG Xuân Liên đã có một số nhà đầu tư tiềm năng quan tâm, đến khảo sát, nghiên cứu lập dự án đầu tư phát triển du lịch sinh thái.

Dẫu có nhiều nỗ lực, cố gắng, song thực tế cho thấy: Những kết quả đạt được trong phát triển du lịch trong thời gian qua tại VQG Xuân Liên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Ông Ngô Xuân Thắng, Phó Giám đốc VQG Xuân Liên chia sẻ về những khó khăn, thách thức đã và đang trở thành “rào cản”, “điểm nghẽn” khiến tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch tại đây chưa thể “cất cánh”: “Khó khăn, vướng mắc lớn nhất trong việc phát triển du lịch tại VQG Xuân Liên là một số quy định pháp lý về thu hút đầu tư các dự án cho thuê môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng. Các vấn đề về hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất phục vụ du lịch cũng chưa đảm bảo nên khó thu hút khách, nhất là khách quốc tế”.

VQG Xuân Liên giờ đây đã không còn là “nàng công chúa” nằm im chờ người tình đến đánh thức. Tuy nhiên, để khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế cho phát triển du lịch tại VQG Xuân Liên cần sự quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa của các cấp, các ngành và sự nỗ lực, quyết tâm của tập thể cán bộ, nhân viên ban quản lý. Ông Ngô Xuân Thắng, Phó Giám đốc VQG Xuân Liên, cho biết: “Từ những kết quả bước đầu, đơn vị đang tích cực tăng cường các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư phát triển du lịch sinh thái theo đề án được duyệt, tập trung xây dựng và khai thác các sản phẩm du lịch đặc trưng”.

Bài và ảnh: Xuân Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]