(vhds.baothanhhoa.vn) - Sinh ra ở đất làng Bất Căng, phủ Tĩnh Gia xưa (nay thuộc xã Dân Lý, huyện Triệu Sơn), tướng quân Đào Xuân Điền là niềm tự hào của dòng họ, của vùng đất này.

Tướng quân Ðào Xuân Ðiền

Sinh ra ở đất làng Bất Căng, phủ Tĩnh Gia xưa (nay thuộc xã Dân Lý, huyện Triệu Sơn), tướng quân Đào Xuân Điền là niềm tự hào của dòng họ, của vùng đất này.

Tướng quân Ðào Xuân ÐiềnSắc phong ban năm Cảnh Hưng thứ 28 (1767), tài liệu duy nhất còn lại ghi công trạng của tướng quân Đào Xuân Điền.

Nằm bên bờ sông Hoàng, đất Dân Lý có bề dày lịch sử cả về kiến tạo địa chất lẫn văn hóa. Cho đến nay, không có tài liệu nào khẳng định chính xác thời điểm cư dân đến vùng đất Dân Lý sinh sống từ bao giờ. Tuy nhiên, căn cứ vào các địa danh trong vùng, các dòng chữ còn trên bi kí, các hiện vật ở đền thờ, miếu mạo đã cho thấy, khoảng thế kỷ thứ X, thời Đinh Bộ Lĩnh vùng đất này đã có cư dân. Sau này, tên làng Bất Căng, tổng Đô Xá, huyện Nông Cống, phủ Tĩnh Gia đã được các sách “Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX”, “Đồng Khánh địa dư chí” (1885-1888) ghi chép.

Những năm đầu thế kỷ XX, ngôi làng này tụ họp nhiều người đến sinh sống. Bởi, ở đây, men theo sông Hoàng là cảnh sắc non nước hữu tình, đất đai màu mỡ. Trong đó, các dòng họ như Lê Văn, Đào Xuân, Đào Khả, Nguyễn Văn, Trương Văn, Cù Văn... quây quần bên nhau, quan hệ thân thiết nội ngoại, thông gia, làng xóm, láng giềng, tối lửa tắt đèn...

Đến năm 1965, làng Bất Căng được đổi tên thành làng Bản Thiện. Theo sách “Lịch sử Đảng bộ và phong trào cách mạng xã Dân Lý” (1930-2015), thời bấy giờ trấn Thanh Hoa có 3 địa danh cùng tên là Bất Căng, gồm: động Bất Căng thuộc châu Quan, phủ Thanh Đô; làng Bất Căng thuộc tổng Nam Lai, huyện Lôi Dương, phủ Thiệu Thiên và làng Bất Căng của tổng Đô Xá, huyện Nông Cống, phủ Tĩnh Gia. Trong đó, làng Bất Căng thuộc huyện Lôi Dương thường đứng lên chống lại cường quyền, áp bức. Do trùng tên mà làng Bất Căng của phủ Tĩnh Gia đã bị triều đình phong kiến và thực dân đàn áp; lý trưởng, hương kiểm của làng bị bắt; dân làng phải góp tiền cho các cụ bô lão trình quan trên để minh oan. Sau sự kiện đó, làng làm tờ trình xin được đổi tên là Bản Thiện để tránh nhầm lẫn, đồng thời hàm ý lấy việc thiện làm gốc..

Làng Bản Thiện khá nổi tiếng trong vùng, vì nơi này hội đủ các công trình văn hóa đình, chùa, đền, miếu. Tiêu biểu là ngôi đình 5 gian thờ thành hoàng là Thượng tướng Trần Khát Chân. Ngoài ra, trong làng còn có đền thờ danh tướng Nguyễn Xí, khai quốc công thần thời Hậu Lê; phủ thờ mẫu Liễu Hạnh và tướng quân Đào Xuân Điền.

Cùng với thời gian và sự phát triển của cộng đồng dân cư, địa giới hành chính đã thay đổi theo từng giai đoạn của lịch sử. Tuy nhiên, cũng dễ dàng nhận thấy cộng đồng dân cư nơi đây có sự phát triển liên tục, từ một nhóm dân cư mở đất lập nghiệp, mỗi ngày người dân càng tụ hội đông hơn, tạo nên một vùng quê trù phú.

Trong số các di tích còn lại trên địa bàn làng Bản Thiện, nay là thôn 2, xã Dân Lý, đáng kể nhất là nhà thờ họ Đào Xuân thờ tướng quân Đào Xuân Điền.

Giới thiệu với chúng tôi, ông Đào Xuân Nhật, trưởng tộc Đào Xuân cho biết: Không phải ngẫu nhiên mà các làng ở Dân Lý nói chung, làng Bản Thiện nói riêng đều thờ các danh tướng. Đó là đặc trưng của làng tôi, là truyền thống yêu nước có từ hàng trăm năm nay.

Tướng quân Ðào Xuân ÐiềnDi tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh, nhà thờ họ Đào Xuân (xã Dân Lý, huyện Triệu Sơn).

Theo gia phả bằng chữ Hán còn lưu giữ tại nhà thờ họ Đào Xuân được soạn ngày 15-3-1804 ghi lại: Trước đây, trưởng tộc họ Đào ở xã Bất Căng, huyện Nông Cống, phủ Tĩnh Gia, đã có lập chúc thư ghi rõ mộ phần ngày sinh ngày mất của tổ tiên nhưng bị thất lạc. Sau này con cháu tìm lại và lấy ngày mùng 3 tháng 5 âm lịch hằng năm làm ngày lễ kỵ.

Cũng trong gia phả dòng họ ghi rất rõ tướng quân Đào Xuân Điền thuộc đời thứ 3. Ông làm quan kiêm thống lĩnh, có công đánh tan hai đạo quân ở Thanh Hoa và Sơn Tây bắt sống tướng giặc. Nhờ công lao ấy, năm Cảnh Hưng thứ 28 (năm 1767), vua Lê Hiển Tông đã ban sắc phong cho tướng quân Đào Xuân Điền thăng ông làm tri phủ huyện Kim Sơn, đồng thời ban lộc điền cho cháu con.

“Tiếc là thông tin về cụ Đào Xuân Điền khá ít ỏi, gần như chỉ có vài dòng còn trong sắc phong. Song chỉ chừng ấy thôi cũng đủ để lớp con cháu chúng tôi rất tự hào”, ông Đào Xuân Nhật, hậu duệ đời thứ 11, khẳng định.

Giới thiệu với chúng tôi nhà thờ tướng quân Đào Xuân Điền, công chức văn hóa xã hội xã Dân Lý, Đào Văn Kiên cho biết: Từ năm 2011, nhà thờ này đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Dù qua nhiều lần trùng tu nhưng nhà thờ vẫn giữ được khá nguyên vẹn kiến trúc nghệ thuật gỗ với nhiều mảng chạm khắc tinh xảo, chủ yếu là hình hoa mai, đào, trúc... thể hiện đời sống con người và lòng tôn kính của con cháu đối với các vị tiên tổ.

Ông Nhật khẳng định: Tính từ lần đại trùng tu năm 1911 đến nay, nhà thờ tồn tại gần 115 năm, chứng kiến sự phát triển của dòng tộc và quê hương đất nước. Đến nay, nhà thờ vẫn trầm mặc, vững chãi. Đặc biệt, chính trên mảnh đất này, tướng quân Đào Xuân Điền sinh sống, tham gia quân đội triều đình và cũng mất tại đây.

Trên đất xã Dân Lý, dòng họ Đào Xuân chiếm dân số khá đông và đặc biệt là tiếp nối truyền thống văn hóa của các bậc tiền nhân, lớp con cháu đã dũng cảm tham gia các cuộc kháng chiến, kiến quốc. Trong thời bình họ góp phần không nhỏ để dựng xây Dân Lý trở thành xã NTM nâng cao.

(Bài viết có sử dụng tài liệu sách Lịch sử Đảng bộ và phong trào cách mạng xã Dân Lý (1930-2015), NXB Thanh Hóa, 2015).

Bài và ảnh: CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]