Trần Lựu - "Công ghi Pha Lũy lưỡi gươm hùng”
Trần Lựu, còn được chép là Lê Lựu, tham gia khởi nghĩa Lam Sơn từ những ngày đầu. Vì thế ông được giao trọng trách chỉ huy đội quân Thiết Đột, hoạt động ở Nghệ An, nổi tiếng với nhiều trận đánh lớn.
Di tích lịch sử cấp tỉnh, đền thờ Trần Lựu ở xã Thiệu Quang (Thiệu Hóa).
Chính sử không ghi chép rõ thân thế cũng như năm sinh và năm mất của tướng quân Trần Lựu. Một số nhà nghiên cứu cho rằng bố của Trần Lựu cũng là một nghĩa sĩ đời Hậu Trần, từng theo phò vua Trần Trùng Quang chống quân Minh và hy sinh. Ông quê ở làng Lỗ Tự, huyện Thượng Nguyên (nay thuộc xã Thiệu Quang, huyện Thiệu Hóa).
Lớn lên trong cảnh triều Trần suy yếu, rồi đất nước bị giặc Minh xâm lược, các phong trào khởi nghĩa nổ ra ở nhiều nơi. Trần Lựu mang theo một số quân, hiệp với nghĩa quân Lam Sơn, vì thế mà được Lê Lợi trọng dụng ngay từ đầu: “Người về Lam Sơn, nghìn đời hưng thịnh/ Công ở Pha Lũy một kiếm oai hùng”.
Hậu duệ đời thứ 22, ông Trần Quang Đạt, Trưởng Ban Quản lý di tích lịch sử đền thờ Trần Lựu, cho chúng tôi biết: Tài liệu về cụ đã được ông Trần Quang Nhịp, con cháu dòng họ, tập hợp trong cuốn Hồ sơ lý lịch di tích - Những bài viết và các sắc phong nói về gia đình khai quốc Trần Lựu thời Lê thế kỷ XV, ghi rất rõ công lao của cụ, nhất là ở giai đoạn sau.
Từ năm 1425, tướng Trần Lựu đã chỉ huy một đội quân thiết đột hoạt động ở Nghệ An. Cuối 1426, ông cùng Lê Bôi, Trịnh Khả chỉ huy đạo quân đánh chiếm Hồng Châu, Bắc Giang, Lạng Giang, Lạng Sơn. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” cũng cho biết, năm 1427, trong thời gian đánh thành Khâu Ôn (Lạng Sơn), Trần Lựu đã được Lê Lợi phong chức Nhập nội Thiếu bảo, tổng tri coi việc quân dân Lạng Sơn và An Bang, cho quyền tiền trảm hậu tấu, toàn quyền huy động quân dân ngăn chống quân Minh ở vùng biên giới Đông Bắc.
Tháng 7/1427, ông lập chiến công xuất sắc đánh tan đạo quân viện binh (gồm 5 vạn quân, 5 nghìn ngựa) do tướng Trấn Viễn hầu Cố Hưng Tổ chỉ huy tiến vào cửa ải Pha Lũy (Hữu nghị quan). Khi ấy, “chính Trần Lựu, Lê Bôi đón ngay tại cửa ải, phá tan quân giặc, chém trên 3 nghìn thủ cấp, bắt được hơn 500 ngựa, Hưng Tổ thua to phải chạy về nước”.
Tháng 9/1427, vua Minh cử 20 vạn binh, 3 vạn ngựa, chia làm hai đường sang cứu viện thành Đông Đô, trong đó Liễu Thăng dẫn 10 vạn binh, 2 vạn ngựa đánh vào ải Pha Lũy. Bấy giờ Trần Lựu, trấn giữ cửa ải Pha Lũy được lệnh chặn đánh viện binh của Liễu Thăng theo kế hoạch “vừa đánh vừa rút lui, nhử địch”.
Nhận định về chiến thuật của Trần Lựu, các tác giả sách “Khởi nghĩa Lam Sơn” có nhận xét: “Trần Lựu đã nhử địch rất tài tình, Liễu Thăng thực sự đã “thua kế” quân ta. Với số quân rất ít, Trần Lựu vừa chống đỡ, vừa “thua chạy” liên tiếp rút lui. Các trận đánh nhử địch của Trần Lựu diễn ra từ Pha Lũy đến ải Chi Lăng, trên quãng đường độc đạo hiểm trở dài trên 60km, hai bên là núi đá dựng đứng. Liễu Thăng cứ thúc quân ào ạt đuổi theo, những trận rút lui tài tình của Trần Lựu thật sự đã mở đường cho đại thắng Chi Lăng ngay sau đó”.
Cuối tháng 12/1427, Lê Lợi cùng một số tướng lĩnh, gồm cả Trần Lựu có mặt tại Hội thề Đông Quan chứng kiến Tổng binh Vương Thông nhà Minh quỳ gối đầu hàng, xin tha tội chết và được rút quân về nước.
Bia ca ngợi sự nghiệp phò giúp nhà Lê giữ nước của Trần Lựu và việc tu sửa nhà thờ được dựng năm 1864 do Đốc học Thanh Hóa Nhữ Bá Sĩ soạn.
Đến nay, các tài liệu chính sử cũng như gia phả dòng họ không thấy chép về các hoạt động của Trần Lựu trong giai đoạn từ sau năm 1427 đến năm 1436. Kể từ năm 1436, “Đại Việt sử ký toàn thư” có 5 lần nhắc đến những hoạt động của Trần Lựu. Trong đó có sự kiện khi ông đang làm Kim ngô vệ đồng Tổng quản kiêm Đô tổng quản lộ Thanh Hóa (năm 1436); rồi làm quan Nhập nội Đô đốc Bình chương sự, trông coi việc an ninh trong kinh thành (năm 1456); hay việc ông đi đánh giặc ở Bồn Man vùng Tây Bắc...
Những binh biến lịch sử có thể làm gián đoạn các sự kiện, song Trần Lựu vẫn là một “người lính”, một “lưu quan” trên mặt trận quân sự bảo vệ Tổ quốc, nhất là ở vùng Đông Bắc. Ông còn là một người khí khái, bộc trực sẵn sàng từ chối bổng lộc. Lý do là “Thần đã thấy dân chúng khốn khổ quẫn bách, dẫu một đồng nhỏ nhoi cũng coi bằng 10 đồng. Do vậy, thần xin không nhận tiền lương hàng năm. Bệ hạ không coi thần có tội, ban riêng cho thêm 50 hộ, lại thêm tiền lương bổng 1 năm, thì thu nhập tất lại tăng rất nhiều. Nay đương cấp tiền lương hàng năm cho các quan, thần xin được từ chối không nhận”.
Cả cuộc đời ông gắn với binh nghiệp, từ một vị tướng tài có nhiều công lao trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, ông đã kinh qua 4 đời vua: Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông.
Giới thiệu với chúng tôi về đền thờ tướng quân Trần Lựu, ông Trần Quang Đạt cho biết thêm: Khoảng hơn 90 năm trước, đền được chuyển từ phía bờ sông về đây (hiện là thôn Chí Cường 3). Dù con cháu trong dòng họ Trần rất quan tâm đầu tư tôn tạo, song trải theo thời gian đền thờ tướng quân Trần Lựu đã bị hư hỏng nặng. Chúng tôi rất mong được các cấp chính quyền và bà con dòng họ quan tâm để đền thờ được tôn tạo và trùng tu khang trang xứng với công trạng của cụ.
Trong không gian rộng thoáng, đền thờ mang vẻ đẹp của kiến trúc và văn hóa. Bên cạnh thần phả, sắc phong, hoành phi, câu đối, cửa võng, chuông, đại tự, khánh văn bia, ngựa thờ, đồ gốm sứ..., chúng tôi khá ấn tượng với bia đền thờ Thái phó Điểm Quốc công Trần Lựu dựng năm 1864 do Đốc học Thanh Hóa Nhữ Bá Sĩ soạn nhằm ca ngợi sự nghiệp phò giúp nhà Lê giữ nước của Trần Lựu và việc tu sửa nhà thờ. Ngoài ra, tại đền thờ vẫn còn lưu lại nhiều câu đối đã được phiên dịch nhằm ca ngợi tướng quân Trần Lựu, người con của mảnh đất Lỗ Tự xưa (nay thuộc xã Thiệu Quang) với chiến công oanh liệt nhất trong việc trấn giữ cửa ải Pha Lũy. Như: “Giếng đời Lỗ Tự truyền ơn rộng/ Sử sách Lam Kinh chép tiếng nhà”; “Thần tại Lam Sơn ngàn ngọn biếc/ Công ghi Pha Lũy lưỡi gươm hùng”...
Anh Trần Quang Trung, người đang trực tiếp trông coi đền thờ, tự hào nói với chúng tôi: Sau tướng Trần Lựu, con trai cụ là Trần Lạn cũng có nhiều công trạng trong triều đại nhà Lê. Hiện tại ngoài đền thờ, mộ tướng quân Trần Lựu ở xã Thiệu Quang, cụ còn được thờ tự tại Xuân Bái (Thọ Xuân); đền Thanh Hà ở Hà Nội...
Bài và ảnh: HUYỀN CHI
{name} - {time}
-
2024-11-19 17:17:00
Cô giáo Nguyễn Thị Hiền - người kiến tạo “ngôi trường hạnh phúc ”
-
2024-11-18 14:26:00
Còn sức khỏe, còn hiến máu cứu người
-
2024-09-16 08:46:00
Gương sáng “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”
Danh quan Hoàng Hối Khanh
Những người luôn hết mình với công việc
Trạng nguyên Lê Nại
Triệu phú trên vùng đất sình lầy
Tham tụng Lê Hy
Thượng tướng thống lĩnh quân Khằm Ban
Đinh Công Tráng: “Tài lưu thiên hạ, nổi danh Bắc kỳ”
[WOW! THANH HOÁ] Nhà Mẹ Tơm – Biểu tượng về sự kiên cường của người mẹ Việt Nam
Phó trưởng bản 9X nhiệt huyết với công việc tập thể