(vhds.baothanhhoa.vn) - Hình ảnh những chiếc xe ô tô trên đường nối dài, nhúc nhích di chuyển hoặc phải dừng lại. Hình ảnh những chiếc xe máy, ô tô của phụ huynh đỗ dưới lòng lề đường khi đón con... Hình ảnh học sinh vừa đi vừa giơ tay cao báo hiệu xin sang đường dù trước mặt vẫn nhiều phương tiện giao thông lại qua... không còn xa lạ. Và vẫn còn nhiều điều đáng nói ở đằng sau đó, đằng sau giờ tan học của học sinh. Lộn xộn. Giao thông ùn tắc cục bộ..., nhất là ở khu vực đô thị. Chuyện đã cũ, lặp đi lặp lại trong nhiều năm qua. Nhưng xem ra, cũ vẫn còn nóng.

Ùn tắc giao thông trước cổng trường học: Chuyện cũ vẫn còn nóng

Hình ảnh những chiếc xe ô tô trên đường nối dài, nhúc nhích di chuyển hoặc phải dừng lại. Hình ảnh những chiếc xe máy, ô tô của phụ huynh đỗ dưới lòng lề đường khi đón con... Hình ảnh học sinh vừa đi vừa giơ tay cao báo hiệu xin sang đường dù trước mặt vẫn nhiều phương tiện giao thông lại qua... không còn xa lạ. Và vẫn còn nhiều điều đáng nói ở đằng sau đó, đằng sau giờ tan học của học sinh. Lộn xộn. Giao thông ùn tắc cục bộ..., nhất là ở khu vực đô thị. Chuyện đã cũ, lặp đi lặp lại trong nhiều năm qua. Nhưng xem ra, cũ vẫn còn nóng.

Ùn tắc giao thông trước cổng trường học: Chuyện cũ vẫn còn nóngÙn tắc giao thông trước cổng Trường Tiểu học Điện Biên 1.

Đấy là câu chuyện của thực tiễn, đang diễn ra hàng ngày. Và sự ùn tắc ấy, nguyên nhân có khách quan, chủ quan. Vấn đề đặt ra, để bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) trước cổng trường học phải cần có giải pháp. Tất nhiên, từ phía các trường học và lực lượng chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp, cách làm nhưng chưa thể giải quyết triệt để vấn đề.

Do nằm ở trung tâm, nên lượng học sinh ở các trường tương đối lớn, có những trường trên 1.500 học sinh. Đơn cử như Trường Tiểu học Điện Biên 1, nằm trên đường Phan Chu Trinh (phường Điện Biên). Đây là tuyến đường tập trung nhiều cơ quan, đơn vị làm việc, chỉ tính riêng ngân hàng đã có trên 10 cái tên. Ưu điểm của tuyến đường là có mặt đường rộng. Tuy nhiên, do phần lớn các cơ quan không thể sắp xếp khu vực để xe nên hầu hết xe ô tô đỗ dưới lòng đường. Vì vậy, vào giờ tan học, phụ huynh đến đón con thường phải đứng vào làn thứ 2. Trong khi đó, lượng xe lưu thông trên tuyến đường này không phải ít.

Thực tế, đây là tuyến đường còn nhiều bất cập. Và lực lượng để giải quyết vấn đề ATGT tại Trường Tiểu học Điện Biên 1 vào giờ tan học cũng rất hùng hậu: Đội cờ đỏ, đội tự quản, bảo vệ, cựu chiến binh, công an phường... Ngoài cổng chính, nhà trường đã mở thêm cổng phụ bên phía đường Đông Lân 2. Đồng thời, bố trí các lớp tan học lệch giờ. Dù vậy, vẫn không thể tránh được việc ùn tắc giao thông cục bộ.

Trường Tiểu học Ba Đình (phường Ba Đình) nằm trên đường Đinh Công Tráng, đường hẹp, học sinh đông (1.487 học sinh). Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh đưa đón con bằng ô tô nên vào giờ cao điểm cũng dẫn đến việc giao thông bị ùn tắc. Theo chia sẻ của Phó Hiệu trưởng nhà trường, cô giáo Lê Thị Huyền: Nhiều biện pháp đã được đưa ra, về cơ bản cũng đã giảm được sự ùn tắc này. Trong đó, phải kể đến sự ra đời của tổ cựu chiến binh tự quản ATGT trước cổng trường học. Phó Hiệu trưởng Lê Thị Huyền cho biết: “Tổ cựu chiến binh hoạt động rất tích cực. Tổ hướng dẫn, phân làn cho xe ô tô khi đi qua cổng trường trong giờ cao điểm, hướng dẫn phụ huynh xếp, dựng xe máy lên vỉa hè khi chờ đón con, dẫn học sinh qua đường để bố mẹ đón... Tất nhiên, chưa chấm dứt được vấn đề ùn tắc nhưng cơ bản đã hạn chế được tình trạng này”.

Những giải pháp tích cực nhưng vẫn còn nhiều trăn trở. Quay trở lại vấn đề nguyên nhân. Hãy khoan bàn đến câu chuyện hạ tầng giao thông. Trước mắt hãy nói đến vấn đề ý thức. Ý thức của phụ huynh, học sinh, giáo viên. Khi phụ huynh đỗ xe dưới lòng lề đường là câu chuyện của ý thức. Ô tô của giáo viên chen đường cùng học sinh là cả vấn đề. Vậy nên, mới có chuyện, hiệu trưởng một trường tiểu học đã từng bị phụ huynh bức xúc vây quanh ô tô khi cho xe ra cổng đúng vào giờ học sinh tan học.

Ùn tắc giao thông trước cổng trường học: Chuyện cũ vẫn còn nóngThành viên tổ cựu chiến binh tự quản ATGT trước cổng Trường Tiểu học Ba Đình dẫn học sinh qua đường.

Được biết, hiện một số trường học trên địa bàn thành phố có quy định, xe ô tô của cán bộ, giáo viên không được đỗ trong trường vào những ngày học của học sinh. Đó cũng là 1 trong những giải pháp tránh ùn tắc giao thông trước cổng trường mà Trường THCS Trần Phú đã thực hiện. Giáo viên có ô tô để nhờ xe ở nhà người dân hoặc thậm chí là thuê địa điểm đỗ xe. Trời mưa cũng gửi xe, đi bộ vào trường. Hiệu trưởng nhà trường, cô giáo Phạm Thị Hoa cho hay: “Trong điều kiện khuôn viên trường chật, học sinh đông, trường lại nằm trên tuyến đường giao thông lớn nên cần thiết có sự chia sẻ cũng như ý thức của giáo viên, phụ huynh và học sinh”.

Nói về vấn đề ATGT trước cổng trường học, ông Lê Thành Đồng, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Thanh Hóa cho rằng: Tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường học lặp đi lặp lại trong nhiều năm trở lại đây. Sự việc gây bức xúc cho người tham gia giao thông, ảnh hưởng đến trật tự mỹ quan đô thị... Nhiều năm qua các ngành chức năng, ngành giáo dục, các nhà trường đã nỗ lực nghiên cứu, áp dụng nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng trên. Mặc dù đã có nhiều cải thiện nhưng việc giải quyết triệt để, bảo đảm hiệu quả bền vững vẫn còn gặp phải những khó khăn nhất định”.

Vấn đề đã cũ, như chia sẻ của ông Lê Thành Đồng là lặp đi lặp lại trong nhiều năm trở lại đây. Dù vậy, chuyện đã cũ vẫn còn nóng.

Trung tá Hoàng Văn Sơn, Đội trưởng Đội cảnh sát Giao thông trật tự, Công an TP Thanh Hóa: “Vấn đề bảo đảm ATGT trước cổng trường học, hiện không gây ùn tắc kéo dài mà ùn tắc cục bộ. Tuy nhiên, không tránh được việc ùn tắc vì số lượng học sinh lớn, ô tô quá tải so với hạ tầng. Hiện vẫn chưa có giải pháp nào hoàn hảo. Vẫn phải tiếp tục tuyên truyền giáo dục ý thức chấp hành của phụ huynh, học sinh, của người tham gia giao thông. Tới đây, nếu tình trạng ùn tắc quá thì đoạn gần cổng trường ở một số trường học phải cấm đỗ xe trong giờ cao điểm để lấy lòng đường cho các phụ huynh dừng đưa đón con. Cần có giải pháp lâu dài về hạ tầng, về bố trí các lối đi cho hợp lý...”.

Bài và ảnh: Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]