(vhds.baothanhhoa.vn) - Một số dân tộc thiểu số như: Thái, Mông... có kinh nghiệm đặc biệt trong dự báo thời tiết. Khi nhìn vào một số loài cây hay động vật sinh sống xung quanh, họ có thể dự báo được thời tiết sắp tới sẽ như thế nào.

Người dân tộc thiểu số dự báo thời tiết dựa vào thiên nhiên

Một số dân tộc thiểu số như: Thái, Mông... có kinh nghiệm đặc biệt trong dự báo thời tiết. Khi nhìn vào một số loài cây hay động vật sinh sống xung quanh, họ có thể dự báo được thời tiết sắp tới sẽ như thế nào.

Người dân tộc thiểu số dự báo thời tiết dựa vào thiên nhiên

Ảnh minh họa.

Nhìn cọ đoán thời tiết

Cuộc sống lao động, sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên đã giúp người dân tộc thiểu số đúc rút ra những kinh nghiệm dân gian quý báu để dự báo thời tiết.

Theo bà Tào Thị Lý, thôn Điền Giang, xã Điền Lư, huyện Bá Thước: Bà con dân tộc Thái thường quan niệm, nếu năm nào cọ được mùa, trĩu quả thì năm đó mùa đông sẽ rét đậm, rét hại. Ngoài ra, người dân còn quan sát đàn kiến trên những cây cọ, khi đàn kiến đóng tổ ở những tán lá thấp thì năm đó sẽ nhiều mưa và gió bão. Ngược lại, nếu thấy đàn kiến vàng làm tổ ở những ngọn cây cao, thì đó sẽ là một năm ít mưa và gió bão.

Người Thái cũng cho rằng, khi đàn kiến đen ở dưới đất di chuyển nhiều và theo hướng đi lên, những ngày sau đó sẽ có mưa lớn, mưa lâu dài. Bởi kiến là côn trùng sống bầy đàn, chúng rất nhạy cảm với sự biến đổi của thời tiết, chúng trốn, tránh theo bản năng sinh tồn và đó là biểu hiện mà con người có thể nhận thấy được.

Cũng giống như kiến, loài ong cũng sống bầy đàn và rất có tổ chức. Ong có cảm quan tốt về thời tiết, khi chúng không bay đi hút mật mà chỉ lấp ló ở cửa tổ thì thường mưa bão sắp diễn ra.

“Kinh nghiệm nhìn vào cây cọ để dự đoán mùa đông, bão gió là một trong những quan niệm và kinh nghiệm dân gian khá chính xác của đồng bào dân tộc Thái. Từ những dự báo, người dân chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm và các vật dụng thiết yếu cho người lẫn vật nuôi, sẵn sàng khi thời tiết có sự thay đổi tiêu cực. Cũng nhờ vào đó, nhiều gia đình trong bản tránh được tổn thất do giá rét, mưa bão đem lại”, bà Lý nói.

Nhìn bon bo đoán bão

Nếu như người Thái dựa vào mùa cọ để dự đoán thời tiết, thì người Mông lại nhìn quả của cây bon bo để biết nắng mưa.

Theo ông Lâu Văn Đua, bản Pha Đén, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát: Từ xa xưa tổ tiên người Mông đã truyền miệng rằng, muốn biết trời mưa hay nắng chỉ cần nhìn vào quả cây bon bo mọc tự nhiên trên rừng. Đây là loại cây sống trên các vùng núi cao, thích hợp với khí hậu lạnh, tuy nhiên không phải năm nào chúng cũng cho mùa quả như nhau.

Ông Đua “bật mí”: Nếu năm nào nhìn thấy cây bon bo sai quả, mọc dày từ đầu đến cuối thì năm ấy chắc chắn sẽ có mưa lớn. Ngược lại, nếu chúng ra quả ở 2 đầu dày mà ở giữa có một khoảng trống thì thời tiết nắng nóng. Còn khi loại cây này cho quả đều nhưng không dày, thì thời tiết thuận lợi, mưa nắng ôn hòa, mùa màng tốt tươi.

Nhờ có cách đoán biết thời tiết, người Mông xưa kia đã chủ động trong lao động sản xuất, tránh được những tổn thất đáng tiếc từ mưa lũ, thiên tai.

Ngày nay, bằng sự phát triển của khoa học công nghệ và các phương tiện kỹ thuật tiên tiến, việc dự báo thời tiết trở nên thuận tiện và chính xác hơn. Song, nhiều kinh nghiệm quan sát tự nhiên để dự đoán thời tiết của cha ông xưa vẫn thể hiện tính chính xác và được lưu truyền. Tuy nhiên, do môi trường đang dần bị hủy hoại, văn hóa truyền khẩu bị thất truyền, cộng với nhiều hiện tượng tự nhiên có sự thay đổi hoặc mất đi, vì vậy, việc truyền lại kinh nghiệm dân gian trong dự báo thời tiết cũng ngày một mai một.

Tăng Thúy


Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]