(vhds.baothanhhoa.vn) - Đó là những dòng ký ức của PGS Đặng Anh Đào trong hồi ký "Tầm xuân". “Sầm Sơn đối với tôi vẫn giống như một mối tình đầu. Biển Sầm Sơn khai sinh ra mọi thứ biển trên đời này. Là Sorriento của tôi. Đi tới bãi biển nào, tôi cũng vẫn tìm lại những nét của Sầm Sơn”. Những năm tháng ở Thanh Hóa, biển Sầm Sơn là nguồn cảm xúc kết nối các thành viên gia đình Giáo sư Đặng Thai Mai và đặc biệt với hai cô con gái là PGS Đặng Thị Hạnh và PGS Đặng Anh Đào.

“Sầm Sơn đối với tôi vẫn giống như một mối tình đầu”

Đó là những dòng ký ức của PGS Đặng Anh Đào trong hồi ký “Tầm xuân”. “Sầm Sơn đối với tôi vẫn giống như một mối tình đầu. Biển Sầm Sơn khai sinh ra mọi thứ biển trên đời này. Là Sorriento của tôi. Đi tới bãi biển nào, tôi cũng vẫn tìm lại những nét của Sầm Sơn”. Những năm tháng ở Thanh Hóa, biển Sầm Sơn là nguồn cảm xúc kết nối các thành viên gia đình Giáo sư Đặng Thai Mai và đặc biệt với hai cô con gái là PGS Đặng Thị Hạnh và PGS Đặng Anh Đào.

“Sầm Sơn đối với tôi vẫn giống như một mối tình đầu”Sầm Sơn đã được nhiều nhà văn thể hiện trong các tác phẩm hồi ký.

Sầm Sơn hiện ra trong ký ức của nhà văn Đặng Anh Đào, khi ấy là cô gái tuổi lên 10 qua hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp. “Nắng ở vùng biển Sầm Sơn mùa thu rực rỡ hơn bất kỳ nơi nao” [1, tr.45], cảnh sắc ấy hiện lên lung linh, “biến hóa” bởi “mặt cát trắng mịn, thật lạ lùng, vẫn xếp nếp theo đường vân như lặp lại làn sóng biển lăn tăn nhưng đều đặn hơn. Nơi ấy, chỉ có những vết chân dã tràng li ti là không bao giờ bị xóa hết. Là những cánh rừng thông, ổi, bạch đàn... Là thuyền bè nằm ngủ san sát trên cát chờ ra khơi”. Là những khu vạt rừng phi lao chắn gió vi vu, trước khi tới bãi cát trắng, rồi bãi cát ướt li ti dấu chân dã tràng, con bé cắt tóc bôm-bê càng chạy càng lún xuống cát đuổi theo những cây cỏ kim lăn lông lốc theo chiều gió” [2, tr.8].

Ở đó là những món ăn “nhớ đời” với “bữa cơm thanh đạm nhưng rất ngon, thức ăn biển lại tươi và rẻ”, là “những rổ cresson (cải xoong) rất đắng và một thứ rau xanh rêu sột soạt như giấy ni lông nhưng ăn rất giòn, còn đẫm nước biển, tên gọi là rau mứt, chúng vừa rứt ra từ những triền đá rêu trơn tuột”; những “dây me biển bò lên cát lá màu vàng hoe dày và giòn hơn lá me trên cây cao, mang về cho mẹ nấu canh chua”. Là những ngày mưa bão, mẹ đã trữ sẵn các loại cá kho, đặc biệt là cá cơm rang với mỡ, nước mắm, tỏi, đường thơm lừng [2, tr.13].

Còn với tác giả Đặng Thị Hạnh, hình ảnh biển Sầm Sơn gắn với màu lục nhạt: “Sầm Sơn vào mùa hè nắng chói chang vẫn ít khi đỏ ngầu hoặc nâu nhạt như ở Đồ Sơn”, mà thường “giao động giữa gam của màu lục, lục nhạt, lục sẫm... vào những ngày đẹp nhất, nó có màu xanh của ngọc lục bảo, trong vắt. Nếu chúng tôi đi tắm vào những hôm ấy thì mở mắt trong nước, chúng tôi có thể thấy cả bàn chân mình”. Chính biển xanh đến thế, cát trắng đến thế là căn cốt để trong hành trình dài của cuộc đời “không cho con người nghĩ quá xấu về nhau hoặc quá sâu về thực trạng xã hội” [3, tr.103].

Đặc biệt hơn, “Ôi, cái mùi của biển! Cái mùi mà từ Thanh Hóa chuyển sang Sầm Sơn, trên xe ô tô, càng đến gần tôi càng cảm thấy xanh tươi và mát rượi” [2, tr.16]. Không khí ở đó trong suốt đến nỗi - dù khoảng cách có thể đến 1km mà tôi vẫn nhìn thấy toàn bộ núi “Người đàn bà chết đuối” [2, tr.28].

Ở nơi đó, 2 chị em nhà văn Đặng Thị Hạnh và Đặng Anh Đào được ngắm nhìn những ngôi biệt thự xinh đẹp “trồng toàn tường vi, bạch đàn mới lớn”, nhìn “những người đàn bà đẹp hay thẩn thơ bên vệ đường và mấy ông cẩm Tây gặp ngoài đường hay mỉm cười”. Xung quanh đó, “những đứa bé con dân chài mi mắt, tóc vàng hoe vì không bao giờ đội mũ, da đỏ như đồng”, “những mái tóc vàng hoe chỉ sậm hơn màu nắng một chút” và “những người lớn ngồi thành từng nhóm, chuyện trò, đàn hát” [1, tr.152].

Cái không gian và khung cảnh ấy đã trở đi trở lại trong nhiều trang hồi ký như một niềm nuối tiếc khôn nguôi. Ký ức tuổi thơ, nơi trở về tận sâu trong mỗi tâm hồn con người chắc chắn là những ngôi nhà. Ở đó dung chứa những gì tươi đẹp, hạnh phúc nhất trong cái nhìn đầu tiên của mỗi đứa trẻ. “Ngôi nhà đầu tiên tôi nhớ ở Rừng Thông của Sầm Sơn... nằm ở vị trí cuối Sầm Sơn Le Bas (Sầm Sơn Hạ) đối cực với khu Độc Cước và bãi tắm Trường Lệ, đầu mút của Sầm Sơn Le Haut (Sầm Sơn Thượng) theo lối gọi của Pháp thời ấy hình như đã có từ khi họ khai thác Sầm Sơn thành bãi tắm”, đó là ngôi nhà vuông vức lợp lá gồi... Khung cảnh đẹp nên thơ của bãi biển đẹp nhất miền Bắc lúc bấy giờ chính là lý do mà “năm nào ba tôi cũng mang cả nhà ra biển Sầm Sơn, thuê biệt thự, ở liền ba tháng hè” [2, tr.6].

Cuối cùng cảm xúc về thời hoa niên đẹp nhất, tươi mát đến vô ngần vẫn là miền thương nhớ. Nếu không có những cảm xúc ấy, chắc gì các nhà văn có cả một cuộc đời phía sau? Những ký ức đẹp về Sầm Sơn được nhà văn Đặng Thị Hạnh và Đặng Anh Đào gửi gắm hết trong quãng thời gian trước Cách mạng Tháng Tám 1945, khi ấy Tây không còn ở Sầm Sơn, là giai đoạn Nhật Pháp đánh nhau: “Thị xã còn lại vắng ngắt, đẹp lạ lùng với trời biển như càng rộng hơn và những biệt thự không người, hoa quả đầy vườn, cây cối xum xuê” [3, tr.118].

Sầm Sơn hôm nay có đổi khác không? Chắc chắn là đã có nhiều thay đổi. Sự đổi thay ấy đã bắt kịp với nhu cầu của đời sống hiện đại. Còn với những nhà văn, người thích hoài niệm, người luôn truy tìm thời gian đã mất, thì Sầm Sơn luôn là thiên đường, là mối tình đầu, là biển thứ nhất của đời tôi. Ký ức của người này, có thể là hiện tại của người khác, những con sóng cuộc đời cứ thế đẩy xô nhau, nhưng chắc chắn rằng: “Đi tìm không gian đã mất làm thanh tân hóa những phế tích của kỷ niệm mà thời gian đã bào mòn, xóa nhòa ở nhiều người khác. Kỷ niệm đã cho đi và nhận lại trên cái nền của lãng quên, của tro bụi thời gian con người” (PGS.TS Đào Duy Hiệp). Qua những dòng hồi ức, kỷ niệm buồn rồi cũng trở thành hạnh phúc, “hễ nhắc đến Sầm Sơn là cùng một lúc ùa vào trong tôi cả mùi mặn ẩm ướt của biển, mùi của rong rêu thỉnh thoảng trôi dạt từ đâu đó về trong làn nước màu lục trong veo, cả khí trời bị nắng nóng nung đốt đến mức khô như có thể kêu tanh tách, cả tiếng thông reo và cả dáng những cây cỏ kim gai đâm tua tủa khô cong lại, cứ quay tròn chạy vèo vèo trên cát mỗi lần gió thổi...” [3, tr.127].

  1. Đặng Anh Đào (2005), Tầm xuân, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.

  2. Đặng Anh Đào (2019), Hoài niệm và mộng du, Nxb Phụ nữ, Hà Nội.

  3. Đặng Thị Hạnh (2008), Cô bé nhìn mưa, Nxb Phụ nữ, Hà Nội.

Bài và ảnh: Kiều Chi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]