(vhds.baothanhhoa.vn) - Làng Hồ Nam trước đây thuộc tổng Hồ Nam, huyện Vĩnh Lộc, phủ Quảng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Hồ Nam là một làng (thôn) lớn, thuộc loại “nhất xã, nhất thôn”. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Hồ Nam được đổi là xã Hạnh Phúc, sau đổi là xã Vĩnh Khang. Ngày 1-12-2019, xã Vĩnh Khang và xã Vĩnh Ninh được sáp nhập thành xã Ninh Khang. Hiện nay làng Hồ Nam có 4 thôn.

Về làng Hồ Nam tìm hiểu tục hát ghẹo

Làng Hồ Nam trước đây thuộc tổng Hồ Nam, huyện Vĩnh Lộc, phủ Quảng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Hồ Nam là một làng (thôn) lớn, thuộc loại “nhất xã, nhất thôn”. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Hồ Nam được đổi là xã Hạnh Phúc, sau đổi là xã Vĩnh Khang. Ngày 1-12-2019, xã Vĩnh Khang và xã Vĩnh Ninh được sáp nhập thành xã Ninh Khang. Hiện nay làng Hồ Nam có 4 thôn.

Về làng Hồ Nam tìm hiểu tục hát ghẹoNgôi đình cổ làng Hồ Nam, xã Ninh Khang (Vĩnh Lộc).

Làng Hồ Nam nằm ở nơi hợp lưu của sông Bưởi và sông Mã. Trên đất Hồ Nam có di tích khảo cổ học Phà Công, các nhà khảo cổ học cho biết đây là vùng đất cổ, có cư dân sinh sống cách ngày nay khoảng chừng 2.300 năm. Làng có đủ đình, chùa, nghè. Đình làng Hồ Nam thuộc loại đình to 5 gian được xây dựng năm 1832, làm bằng gỗ lim, chạm trổ tinh xảo. Trong đó có bức chạm đặc sắc vua cày ruộng bằng voi kéo.

Đời sống văn hóa tinh thần của người dân Hồ Nam xưa kia rất phong phú với nhiều hội, hè, lễ tục, như: lễ bách tính (lễ trăm họ), kỵ Thành hoàng làng, tục mừng thọ, tục kết chạ, hội đua thuyền, hội thả diều, tục cầu mưa,... Trong đó nổi bật nhất là tục hát ghẹo.

Hát ghẹo còn gọi là hát đúm, hát trống quân, hát qua sông. Các học giả gọi hát ghẹo là hát đối đáp nam nữ. Ở Hồ Nam có hát ghẹo giữa trai gái trong làng, hát trong lao động sản xuất (khi cấy lúa, làm cỏ lúa, sáo cỏ bông) và hát ghẹo giữa trai gái trong làng với các làng: Phù Hưng (Yên Định) hoặc Phi Bình (Vĩnh Lộc). Hát ghẹo được diễn ra lúc nông nhàn, thường vào tháng Giêng, tháng 8 (âm lịch), hoặc những đêm trăng sáng vào mùa hạ, như một sinh hoạt văn nghệ của trai, gái trong làng.

Sách Địa chí Thanh Hóa (tập II), viết: “Trong xã hội xưa, việc quan hệ trai gái hôn nhân và gia đình còn bị ràng buộc khắt khe trong lễ giáo phong kiến. Tình cảm trai gái vốn bị giám sát chặt chẽ trong sinh hoạt hằng ngày, thậm chí từ một câu nói, một cái liếc mắt, một lời chào thưa, một cử chỉ thân thiện giữa một đôi trai gái còn được cả họ, cả làng bình giá, xem xét, phê phán. Trong hát ghẹo trai gái “tha hồ nói lên tiếng nói của trái tim mình”, tha hồ ân ái bằng lời, thề non hẹn biển hoặc bỡn cợt, bông lơn mà không hề bị phê phán gì cả”...

Hát ghẹo giữa hai làng ở hai bờ sông gọi là hát qua sông, nhưng lại dùng làn điệu hò sông Mã. Những câu hát đối đáp chủ yếu là mỗi bên tự đặt, nhưng có lúc vận dụng các câu trong Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Nhị Độ Mai, Lưu Bình - Dương Lễ và chỉ sử dụng làn ngang hay là trống quân. Chính vì vậy mà mỗi nhóm hát qua sông có một số người tuổi trung niên cùng đi để “làm thầy” giúp cho nhóm hát gỡ bí khi có những câu hát khó của đối phương.

Về hát ghẹo của nam nữ trong làng với nhau: Ban đêm con gái tụ tập tại một gia đình nào đó, có khi con gái ngồi quay tơ đánh sợi, con trai đứng ngoài ngõ hát vào. Nam nữ thi nhau lời ca tiếng hát, vận dụng những làn điệu quen thuộc phổ biến như hát làn ngang, hát làn trống quân. Ví dụ câu hát: “Thuyền than lại đậu bến than/ Thấy em vất vả cơ hàn anh thương”; Hát làn ngang: “Thuyền than (thời) lại (á) đậu bến (á) than/ Thấy em (thời) vất vả (chứ) cơ hàn (a à) anh (a) thương”; Hát làn trống quân: “(Thời) lại đậu (í) bến than (chứ) thuyền than (thời)/ Lại đậu (í) bến than (a)/ (Mà) thấy em vất vả (í) cơ hàn (a) anh (a) thương (ìi)”.

Nam nữ trong làng hát với nhau gọi là hát lẻ, loại hát tự do không thành chặng như hát cuộc. Ví dụ mở đầu bên nam hát: “Hôm nay mát trời tôi đi chơi xuân/ Ở đây có hội trống quân tôi vào”. Bên nữ đáp: Ba anh em lạ cả ba/ Bốn anh lạ bốn biết là quen ai”; Bên nam hát: “Bây giờ trước lạ sau quen /Trước đứng ngoài ngõ sau len vào nhà”. Ngoài ra còn có hát đố, hát trách, hát dặn...

Riêng hát qua sông giữa trai gái làng Hồ Nam với trai gái làng Phù Hưng (Yên Định) rất thú vị. Hai làng cách nhau bởi con sông Mã, trai gái hai làng ngồi hai bên bờ sông nơi gần nhất để hát, gọi là hát qua sông. Mỗi đêm làng Hồ Nam có hai nhóm hát, một nhóm nam và một nhóm nữ, mỗi nhóm có 10 đến 15 người, nhóm ngồi cách nhau khoảng sáu bảy chục mét. Nhóm con trai làng Hồ Nam hát với nhóm con gái làng Phù Hưng và nhóm con gái làng Phù Hưng hát với nhóm con trai làng Hồ Nam. Đặc biệt, trong cuộc hát qua sông, hát qua cánh đồng phải sử dụng một làn điệu của hò sông Mã với giọng cao vút, ngân vang để tiếng hát đến được với nhau. Ví dụ câu hát: “Yêu nhau vì thuốc vì trầu/ Vì đôi mắt liếc, vì đầu ngón tay”. Làn điệu hò như sau: (ơ ơ ơ... ớ ớ ớ... hò hò hò) Yêu nhau vì thuốc (mà) vì (ớ ớ) trầu/ Vì đôi mắt liếc, vì đầu (mà) tay ngón tay (ớ là).

Nam nữ hò qua sông cơ bản có ba chặng. Chặng thứ nhất gồm hò dạo đầu, rồi hò mừng cho cuộc gặp gỡ và hò thăm hỏi nhau về hoàn cảnh gia đình; về tình duyên đã có lời ước hẹn với ai. Chặng thứ hai gồm có hò đối, hò đố nhau và hò se kết. Trong đó, hò đối là mỗi bên hò một câu cùng một đề tài và bên nữ là người hò trước; hò đố nhau là bên nữ đố, bên nam giải đố, đề tài rất rộng rãi; hò xe kết là lời hát hò thể hiện gắn bó yêu thương nhau. Chặng thứ ba có hát hò thề nguyện thể hiện lòng chung thủy với nhau; hò dặn nhau, và hò tiễn nhau ra về kết thúc cuộc hát.

Theo các cụ bà, cụ ông đi hát, dù có quy định về trình tự cuộc hát ghẹo song cũng không cứng nhắc, không khắt khe, tùy từng buổi hát có thể bỏ qua phần nào đó trong chặng hát. Ví dụ chặng thứ hai chỉ có hát đố và hát xe kết, không hát đối.

Không chỉ có ở Hồ Nam, hát ghẹo còn có ở nhiều làng quê khác ở xứ Thanh. Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Văn Dị quê ở làng Thọ Vực, nay cũng thuộc xã Ninh Khang, trong cuốn hồi ký của mình xuất bản năm 1999, phần viết về nét đẹp văn hóa quê hương có nói đến hát ghẹo giữa trai gái làng Thọ Vực với trai gái làng Đại Hải (Yên Định): “Tôi có một kỷ niệm trong sáng khó quên thời niên thiếu. Hồi tôi còn bé, hằng năm cứ đến mùa trăng từ trung tuần tháng 7 âm lịch trở đi, sau bữa cơm tối, thanh niên nam nữ quê tôi thường tổ chức hát ghẹo qua sông dưới ánh trăng thu ở vị trí đôi bờ gần nhau nhất. Ở ghềnh Đông bên tôi là nhóm nam, đối diện với bãi cát bên kia là nhóm nữ. Ngược lại ở ghềnh Đoài bên tôi là nhóm nữ thì ở bên kia lại là nam.

Trong một khung cảnh thiên nhiên tuyệt vời trăng thanh gió mát, với núi non sông nước, giọng hát cất lên làm say đắm lòng người, không những đối với thanh niên mà cả một số trung niên hoặc thiếu niên như tôi mỗi buổi tối đều nhập cuộc. Thường những người trung niên đi cùng là vì thích “chơi trăng” và “làm thầy” cho người trẻ giúp gỡ bí mỗi khi phải tìm nội dung câu hát cho thật đắt nghĩa, đúng vần. Và mỗi buổi hát kéo dài cho đến tận đêm khuya mà không thấy buồn ngủ. Cứ mỗi tối cảnh ấy lại tiếp diễn chỉ trừ những đêm trăng thượng tuần quá sớm, hoặc hạ tuần quá muộn và tiếp diễn cho đến cuối tháng 10 âm lịch, bắt đầu đêm đông giá lạnh mới đành phải chịu để gián đoạn mối tình thanh khiết tưởng tượng ấy đến mùa trăng thu năm sau”.

Đi hát ghẹo là đi chơi, nhằm mục đích vui đùa làm cho tâm hồn sảng khoái và có thêm bạn bè; một số người đi hát mà nên vợ nên chồng. Nam thanh nữ tú hò hẹn nhau đi hát vừa là thú vui thư giãn vừa là nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của người dân làng Hồ Nam xưa.

Bài và ảnh: Lê Khắc Tuế



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]