(vhds.baothanhhoa.vn) - Nằm dưới chân núi Báo, hướng nhìn ra dòng sông Mã, chùa Báo Ân xã Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc) ở vào địa thế sơn thủy hữu tình. Tại đây, còn có lễ hội rước nước đặc sắc, chứa đựng ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng văn hóa dân gian được lưu truyền từ xa xưa.

Chùa Báo Ân và lễ hội rước nước đặc sắc

Nằm dưới chân núi Báo, hướng nhìn ra dòng sông Mã, chùa Báo Ân xã Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc) ở vào địa thế sơn thủy hữu tình. Tại đây, còn có lễ hội rước nước đặc sắc, chứa đựng ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng văn hóa dân gian được lưu truyền từ xa xưa.

Chùa Báo Ân và lễ hội rước nước đặc sắc

Lễ hội rước nước chùa Báo Ân chứa đựng nhiều giá trị văn hóa tâm linh đặc sắc.

Xã Vĩnh Hùng được biết đến với nhiều tên gọi cổ xưa như: Biện Thượng, Bồng Báo, Hùng Lĩnh... cùng lời ngợi ca: “Núi sông hun đúc khí hùng/ Sáo Sơn, Biện Thượng một vùng Thanh Hoa”. Nơi đây còn là đất quý hương của các nhà Chúa - Chúa Trịnh trong lịch sử phong kiến: “Đất quý hương Bồng Báo ngựa xe về”...

Đi qua thời gian, lịch sử, trở về Vĩnh Hùng hôm nay, còn đó một không gian văn hóa - lịch sử - tâm linh giàu giá trị với 8 di tích đã được xếp hạng. Một Phủ Trịnh uy nghiêm, bề thế; nghè Vẹt linh thiêng, độc đáo... và di tích chùa Báo Ân có tháp Viên Quang mang trong mình nhiều chuyện kể, truyền thuyết.

Ngoài tên gọi chùa Báo Ân, người dân trong vùng thường gọi di tích là chùa, phủ Báo Ân. Bởi bên cạnh thờ Phật, còn cả thờ Mẫu. Không ai biết đích xác lịch sử khởi dựng chùa Báo Ân. Chỉ có người dân địa phương tin rằng, chùa Báo Ân có từ thời Lý - Trần (?) khi đạo Phật phát triển cực thịnh ở nước ta. Ban đầu, chùa có tên gọi Lộc Sơn tự, về sau mới đổi thành Báo Sơn tự, gắn liền với câu chuyện về nhà sư họ Bùi, cũng chính là người được thờ trong tháp Viên Quang.

Theo nội dung văn bia “Viên Quang tháp nội bi kí” tại chùa Báo Ân được tri huyện Minh Chính Cao Lạc Hiển Lỗ Vương soạn dưới thời vua Tự Đức, tháp Viên Quang dựng năm 1852 do bậc tôn thiền sư Thích Thủ - hiệu Diệu Trì xây dựng. Người được thờ trong tháp họ Bùi, tên húy Tại Tâm, hiệu Diệu Chấn vốn người huyện Thanh Miện, được một gia đình ở đất Bồng Thượng nuôi dưỡng 15 năm. Vốn là người có tư chất thông minh, ông từng tìm đến vùng đất Yên Sơn thuộc tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc ngày nay)- quê hương của Khổng Tử để tầm sư học đạo suốt nhiều năm liền. Sau đó, trở lại chùa Lộc Sơn, đổi tên thành Báo Ân tự với ý nghĩa “Báo đáp phải báo đáp” đó là “Ân” vậy. Sinh thời, nhà sư Tại Tâm được ngợi ca là người không ngại khó, ngại khổ, dốc lòng cho việc tu tập, danh thơm xa gần đều biết.

Cuối thế kỷ 19, hưởng ứng phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp xâm lực, khởi nghĩa Hùng Lĩnh do tiến sĩ Tống Duy Tân khởi xướng và lãnh đạo lúc bấy giờ đã chọn chùa Báo Ân là một trong những địa chỉ thường xuyên diễn ra gặp gỡ, luận bàn quân cơ. Về sau, khi cuộc khởi nghĩa thất bại, cụ Nguyễn Sử Trí - một nhân sĩ tham gia khởi nghĩa Hùng Lĩnh đã lui về ở ẩn tại chùa, ông để lại cho đời những câu thơ ngợi ca cảnh sắc, nét đẹp kiến trúc: “Ai muốn coi lên phủ Báo mà coi/ Đường đục, đường chạm, đường soi rành rành/ Hoa rủ tán liễu buông mành/ Nước non thiên trúc cung đình Bồng Lai”.

Ngoài nét đẹp kiến trúc và cảnh sắc mê đắm lòng người, chùa Báo Ân còn có lễ hội rước nước đặc sắc với những nghi lễ tâm linh - tín ngưỡng của cư dân bên bờ sông Mã. Lễ hội truyền thống rước nước chùa Báo Ân diễn ra từ ngày 27-29 tháng 2 (âm lịch) hàng năm thu hút đông đảo người dân cùng du khách về dâng hương, tham gia vui hội.

Chùa Báo Ân và lễ hội rước nước đặc sắc

Chùa Báo Ân nằm dưới chân núi Báo, hướng ra dòng sông Mã.

Lễ hội được bắt đầu bằng nghi lễ thả hoa đăng vào tối ngày 27-2 (âm lịch). Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc ánh sáng lấp lánh của hàng nghìn bông hoa đăng (nến) được thắp lên trong chùa Báo Ân. Mỗi người dự lễ sẽ nâng một ngọn hoa đăng ngang trước ngực với sự cung kính. Trong không gian tĩnh lặng, mỗi người gửi gắm riêng mình những mong muốn, ước vọng tốt đẹp và cùng nối chân nhau xuống bến sông Mã, thả trôi những ngọn đèn hoa đăng theo dòng nước.

Sau lễ thả hoa đăng, vào buổi sáng ngày hôm sau, cũng tại bến sông, 5 chiếc thuyền hội trang trí bắt mắt cập bến, bắt đầu cho nghi lễ rước nước. Đi đầu là thuyền Phật, rồi thuyền Mẫu, thuyền cô thuyền cậu, thuyền chỉ huy, thuyền giám sát... Đoàn người nối chân nhau cùng lên thuyền. Trong đó, có một người đội mâm lễ lớn, bên trên có đặt bình sứ để xin nước. Khi người cuối cùng đặt chân lên thuyền cũng là lúc tiếng đàn, tiếng nhạc của phường bát âm nổi lên huyên náo cả khúc sông. Cứ như vậy, đoàn thuyền ra giữa dòng nước, qua hòn đá Bàn, vượt hòn đá Ngốc để đến hòn đá Giữa, nơi nhà sư họ Bùi xưa kia thường ra đây lấy nước. Khi thuyền dừng ở hòn đá Giữa, một người có uy tín trong làng sẽ đại diện cho người dân cắm cây nêu đã chuẩn bị sẵn từ trước xuống dòng nước. Cây nêu mang ý nghĩa đây là trời, là đất của ta - khẳng định việc chinh phục chủ quyền, cũng như khát vọng sinh sôi, nảy nở của con người trước thiên nhiên.

Khi cây nêu được cắm xong, người có uy tín sẽ đại diện cho người dân làm nghi lễ “giao cảm” với thần linh, sau đó gạn sạch để lấy phần nước trong nhất (ở khu vực chỉ dấu cây nêu đã cắm) vào đầy bình sứ. Vào bờ, đoàn người rước nước cùng nhau qua xóm Vạn, xóm Bình, lên ngõ Chùa, qua di tích nghè Vẹt, đến nền Trời Đất, qua khe Mang Cá... rồi mới về chùa. Nước lấy về được mang lên tháp Viên Quang tưới xung quanh với hy vọng xua tan những xấu xa, không may mắn, cầu mong điều tốt đẹp, cuộc sống yên vui, no đủ...

Sau các nghi lễ, người dự cùng nhau hòa mình vào phần hội vui tươi với các trò chơi, trò diễn dân gian như cờ người, chơi bài điếm... Bà Lê Thị Tú, công chức Văn hóa - Xã hội xã Vĩnh Hùng, cho biết: “Lễ hội rước nước chùa Báo Ân chứa đựng những nghi lễ thiêng, là nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Vĩnh Hùng từ xa xưa duy trì đến ngày hôm nay. Ở vào địa thế dựa lưng vào núi, ngoảnh mặt ra sông, cách Quốc lộ 1A chưa đầy 20km và cách Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ khoảng 10km, chùa Báo Ân đã và đang trở thành điểm đến tham quan, dâng hương vãn cảnh hấp dẫn cho du khách gần xa về với đất cổ Biện Thượng”.

Bài và ảnh: Khánh Lộc


Bài và ảnh: Khánh Lộc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]