(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhằm chung tay xây dựng cộng đồng dân tộc Thổ ngày càng phát triển, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội trên địa bàn huyện Như Xuân, phóng viên (PV) Báo Thanh Hóa cuối tuần có dịp trao đổi với các ông, bà: PGS.TS. Lê Ngọc Thắng, Nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc, Ủy ban Dân tộc của Chính phủ; Lê Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân; Lê Thị Năng, bí thư kiêm trưởng thôn Liên Hiệp, xã Hóa Quỳ (Như Xuân) xoay quanh chủ đề trên.

Chung tay xây dựng cộng đồng dân tộc Thổ ngày càng phát triển

Nhằm chung tay xây dựng cộng đồng dân tộc Thổ ngày càng phát triển, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội trên địa bàn huyện Như Xuân, phóng viên (PV) Báo Thanh Hóa cuối tuần có dịp trao đổi với các ông, bà: PGS.TS. Lê Ngọc Thắng, Nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc, Ủy ban Dân tộc của Chính phủ; Lê Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân; Lê Thị Năng, bí thư kiêm trưởng thôn Liên Hiệp, xã Hóa Quỳ (Như Xuân) xoay quanh chủ đề trên.

PGS.TS. Lê Ngọc Thắng: Đừng đánh mất các giá trị văn hóa truyền thống

Chung tay xây dựng cộng đồng dân tộc Thổ ngày càng phát triển

PV: Là một nhà sử học, nhà nghiên cứu về Dân tộc học và Nhân học, ông đánh giá thế nào về đóng góp của đồng bào dân tộc Thổ trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS)?

PGS.TS Lê Ngọc Thắng: Đồng bào Thổ thuộc nhóm ngôn ngữ Việt – Mường (Việt, Mường, Thổ, Chứt), sinh sống chủ yếu ở 2 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Riêng đồng bào dân tộc Thổ ở Thanh Hóa được phân bổ chủ yếu ở 2 huyện Như Thanh và Như Xuân. Địa bàn cư trú hiện nay của người Thổ vốn là giao điểm của các luồng di cư xuôi ngược. Trong quá trình giao lưu, tiếp nhận văn hóa, người Thổ nơi đây vừa tiếp nhận những giá trị văn hóa của người Mường, người Kinh, cũng như sắc thái văn hóa khác nhau của các dân tộc anh em, đồng thời loại bỏ những hủ tục và không ngừng bảo tồn, sáng tạo nên những giá trị văn hóa mới, tích cực phát huy những thuần phong mỹ tục. Hiện nay, đồng bào dân tộc Thổ gìn giữ tiếng nói (người Thổ không có chữ viết), trang phục truyền thống, một số phong tục ma chay, cưới hỏi văn nghệ dân gian… làm nên bản sắc văn hóa riêng, tạo sự thống nhất đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và xứ Thanh.

PV: Việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống trong đồng bào dân tộc Thổ đang đứng trước khó khăn, thách thức. Xin ông chia sẻ một vài giải pháp nhằm xây dựng cộng đồng dân tộc Thổ ngày một phát triển?

PGS.TS Lê Ngọc Thắng: Văn hóa các DTTS là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền văn hóa Việt Nam. Trong xu thế phát triển hiện nay, các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS nói chung, dân tộc Thổ nói riêng đang dần bị mai một, trong đó có tiếng nói, trang phục, kiến trúc... Nguyên nhân chủ yếu là do tốc độ đô thị hóa, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự du nhập mạnh mẽ của các yếu tố văn hóa ngoại lai. Dù vô thức hay ý thức đều có tác động “lặng lẽ” đến từng gia đình, cá thể, nhất là thế hệ trẻ, ảnh hưởng lớn đến công tác bảo tồn. Bên cạnh đó, chính quyền cấp cơ sở đang còn xem nhẹ vai trò của văn hóa trong phát triển KT-XH.

Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thổ, theo tôi, các cơ quan quản lý Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương, cộng đồng dân tộc cần nhìn nhận, đánh giá lại các giá trị văn hóa truyền thống, từ đó xác định các giải pháp cụ thể, trọng tâm để bảo tồn. Tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc trong thế hệ trẻ để không đánh mất các giá trị văn hóa mà cha ông để lại. Nâng cao năng lực chuyên môn, lãnh đạo quản lý của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, đồng thời thể chế hóa, cụ thể hóa hơn đối với các đề án, chính sách, kế hoạch liên quan đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Tổ chức các lớp tập huấn bảo tồn giá trị văn hóa cho cộng đồng với sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, am hiểu trong lĩnh vực lịch sử, văn hóa. Nhà nước cần tiếp tục quan tâm tạo điều kiện và có chính sách tôn vinh các nghệ nhân bởi họ là “kho tàng sống” giữ và truyền lửa cho thế hệ mai sau những giá trị văn hóa cốt lõi. Có kế hoạch cụ thể, khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống tạo dựng sản phẩm “du lịch cộng đồng” mang đậm bản sắc tộc người, thúc đẩy du lịch phát triển.

Ông Lê Anh Tuấn: Nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội

Chung tay xây dựng cộng đồng dân tộc Thổ ngày càng phát triển

PV: Xin ông cho biết vai trò, đóng góp của đồng bào dân tộc Thổ trong phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh - quốc phòng trên địa bàn huyện Như Xuân?

Ông Lê Anh Tuấn: Như Xuân là huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Thanh Hóa. Dân số toàn huyện là 71.383 người, 16.930 hộ, với 4 dân tộc Thái, Thổ, Mường, Kinh sinh sống, trong đó dân tộc Thổ chiếm 15,6% dân số. Hiện nay đồng bào dân tộc Thổ sinh sống chủ yếu ở thị trấn Yên Cát và một số xã như: Hóa Quỳ, Cát Tân, Cát Vân, Xuân Bình, Bãi Trành. Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước có nhiều chương trình, chính sách dự án hỗ trợ đồng bào DTTS, trong đó có đồng bào dân tộc Thổ, giúp cho đời sống vật chất và tinh thần người dân được cải thiện, cuộc sống ấm no, hướng tới làm giàu cho gia đình và xã hội, giữ vững an ninh trật tự, bảo vệ Tổ quốc.

Đồng bào dân tộc Thổ ở huyện miền núi Như Xuân có những nét đặc sắc riêng trong đời sống sinh hoạt, hoạt động phát triển KT-XH, văn hóa, văn nghệ. Những nét văn hóa này đang được phát huy, bảo tồn, gìn giữ. Bà con dân tộc Thổ chủ yếu canh tác nương, rẫy trồng ngô, khoai, sắn và lúa nước với trình độ thâm canh cao, phục vụ cuộc sống hằng ngày, từng bước xóa đói, giảm nghèo. Văn hóa, văn nghệ dân gian khá đa dạng, các bài đồng dao, ca dao, tục ngữ vẫn được lưu truyền góp phần tạo nên bản sắc văn hóa miền núi xứ Thanh.

PV: Nhằm chung tay xây dựng cộng đồng dân tộc Thổ ngày càng phát triển, huyện Như Xuân đã và đang đề ra các giải pháp như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Anh Tuấn: Huyện Như Xuân đang tiếp tục triển khai các kế hoạch chuyên đề, lồng ghép các chương trình, chính sách dự án hỗ trợ đồng bào DTTS nói chung, đồng bào dân tộc Thổ nói riêng; nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phát triển KT-XH. Quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ tổ chức các hoạt động sinh hoạt cộng đồng của dân tộc Thổ. Lựa chọn xây dựng các mô hình về truyền dạy tiếng nói, chữ viết, may, dệt trang phục và giới thiệu, quảng bá trang phục truyền thống cho đồng bào các dân tộc thiểu số; xây dựng mô hình bảo tồn làng nghề truyền thống phục vụ phát triển du lịch. Tiếp tục đẩy mạnh công tác sưu tầm, lưu giữ những nét văn hóa truyền thống, thông qua việc tổ chức, phục dựng những lễ hội, làn điệu dân ca, dân vũ, phát huy vai trò của các nghệ nhân, các đội văn nghệ quần chúng tại các địa phương. Qua đó, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa Thổ, thúc đẩy KT-XH của huyện Như Xuân ngày càng phát triển.

Bà Lê Thị Năng: Cần sự chung tay của cộng đồng để giữ gìn những nét văn hóa truyền thống dân tộc Thổ

Chung tay xây dựng cộng đồng dân tộc Thổ ngày càng phát triển

PV: Là bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Liên Hiệp và cũng là người con dân tộc Thổ, bà có thể cho biết cụ thể những việc làm của người dân trong thôn để gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc Thổ?

Bà Lê Thị Năng: Thôn Liên Hiệp, xã Hóa Quỳ có 101 hộ, 447 nhân khẩu, với 80% đồng bào dân tộc Thổ sinh sống. Những năm qua đời sống của người dân thôn Liên Hiệp dần nâng cao. Bà con chăm chỉ, đoàn kết phát triển kinh tế, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thổ. Bên cạnh những kết quả đạt được, một số nét văn hóa đang dần mai một như: ngày càng ít sử dụng tiếng Thổ, ít người duy trì nghề dệt, mặc trang phục truyền thống... Để gìn giữ các giá trị văn hóa của đồng bào Thổ, theo tôi cần có sự chung tay của cấp ủy, chính quyền và người dân, nhất là chính quyền địa phương, ngành văn hóa mở thêm các lớp tập huấn về tổ chức các lớp truyền dạy nghề dệt, thêu hoa văn truyền thống dân tộc. Tổ chức hội thi trình diễn trang phục dân tộc Thổ, các sự kiện văn hóa, hội thi văn nghệ dân gian để tuyên truyền, quảng bá và bảo tồn giá trị trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Thổ trên địa bàn toàn huyện. Trong mỗi gia đình của người Thổ để thế hệ trẻ nói tiếng dân tộc thì ông bà, cha mẹ phải làm gương và truyền dạy lại tiếng nói cho con, cháu của mình.

Ngọc Huấn (Thực hiện)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]