(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong thời kỳ quốc gia phong kiến độc lập, đạo Phật từng được xem là Quốc giáo của Đại Việt (nhà Lý). Và đến thời điểm hiện đại, đây vẫn được xem là tôn giáo chính thống với sức lan tỏa, đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt. Tuy nhiên, sau những biến đổi, lệch lạc làm ảnh hưởng tới hình ảnh chốn thiền môn, việc đưa đạo Phật về với đúng ý nghĩa, giá trị vốn có đang nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của đại bộ phận công luận và người dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Dâng sao giải hạn: “Biến tướng” ở chốn thiền môn?

Trong thời kỳ quốc gia phong kiến độc lập, đạo Phật từng được xem là Quốc giáo của Đại Việt (nhà Lý). Và đến thời điểm hiện đại, đây vẫn được xem là tôn giáo chính thống với sức lan tỏa, đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt. Tuy nhiên, sau những biến đổi, lệch lạc làm ảnh hưởng tới hình ảnh chốn thiền môn, việc đưa đạo Phật về với đúng ý nghĩa, giá trị vốn có đang nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của đại bộ phận công luận và người dân.

Theo một số liệu thống kê, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có trên 500 đơn vị điểm chùa, trong đó có hơn 200 điểm chùa đã có sư trụ trì. Và bên cạnh một số không nhiều các di tích chùa cổ còn được lưu giữ, bảo tồn nguyên vẹn thì phần nhiều các điểm chùa thờ tự đã được trùng tu, tôn tạo, phục dựng khá khang trang bề thế chủ yếu bằng nguồn xã hội hóa, là nơi thực hành tín ngưỡng thờ Phật của nhân dân và du khách. Đưa ra con số thống kê này để thấy được vai trò quan trọng của đạo Phật trong đời sống tâm linh người Việt nói chung, người dân xứ Thanh nói riêng.

Nhưng những ngày này, câu chuyện liên quan đến đạo Phật lại được nhắc đến nhiều với không ít lùm xùm và chỉ trích. Người ta nói đến việc “biến tướng” ở chốn thiền môn. Cùng với một số hủ tục như đốt vàng mã số lượng lớn thì việc tổ chức “dâng sao giải hạn” ở các điểm chùa chính là tiêu điểm thu hút ý kiến đánh giá, đóng góp của công luận, nhà nghiên cứu.

Vào dịp đầu xuân năm mới, du xuân tìm đến các điểm chùa trên địa bàn tỉnh, không khó để du khách cũng như phật tử tìm thấy những bàn ghi chép tiếp nhận việc đăng ký “dâng sao giải hạn” với những mức phí khác nhau, tùy vào mức độ “nổi tiếng” của chùa. Và trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thì chùa Thanh Hà; chùa Giáng; chùa Đại Bi... được xem là những điểm chùa thu hút số lượng lớn phật tử đăng ký “dâng sao giải hạn” lên đến cả ngàn người. Nắm bắt “nhu cầu” của người dân, ở những điểm chùa chiền khác, việc tổ chức dâng sao giải hạn cũng diễn ra khá sôi động với nhiều quy mô khác nhau. Việc dâng sao giải hạn ở chùa phổ biến đến mức “tìm một điểm chùa không tổ chức cúng dâng sao giải hạn” còn khó hơn.

Người dân đi cúng dâng sao giải hạn. (Ảnh: internet)

Nếu nhìn nhận dưới góc độ quan điểm tín ngưỡng tôn giáo thì việc cúng dâng sao giải hạn chưa hẳn đã là xấu hoàn toàn (quan điểm của Lão giáo). Và tổ chức cúng dâng sao giải hạn cũng diễn ra ở nhiều địa điểm tâm linh, thờ tự khác (đền, phủ, điện). Vậy nhưng tại sao, việc tổ chức cúng dâng sao giải hạn tại các điểm chùa lại bị chỉ trích mạnh mẽ như vậy?

“Đến chùa để làm gì?”, đã có bao nhiêu người trong chúng ta trước khi đến chốn thiền môn tự vấn mình câu hỏi đó. Đến chùa, hẳn nhiên là chiêm bái, cầu khấn. Vậy ta cầu khấn gì ở đức Phật trên cao? Ngoài cầu bình an thì đó thường là rất nhiều thứ: may mắn, làm ăn thuận lợi, buôn năm bán mười... Nói về niềm tin, văn hóa của người đi lễ chùa hiện nay, Đại đức Thích Trúc Thông Tánh, trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng cho biết: “nhiều người đi lễ chùa nhưng không phải ai cũng hiểu hết về giáo lý của nhà Phật. Nói thì rất dài nhưng tựu chung, quan điểm của đức Phật là đề cao triết lý Nhân - Quả, gieo nhân nào thì gặp quả ấy. Mọi việc xảy ra ngày hôm nay đều là “quả” của “nhân” ta gieo hôm qua, và mỗi hành động của ngày hôm nay lại được hiểu là “nhân” cho “quả” ngày mai”. Ví dụ, nếu ở thời điểm hiện tại bạn uống rượu mà ngay sau đấy lại điều khiển phương tiện tham gia giao thông thì “nhân - quả” là nhãn tiền. Điều này cũng là giải thích thấu đáo cho tình trạng tai nạn giao thông tăng cao vào những dịp lễ, tết.

Cũng theo trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng thì đến chùa là để tu tập, chỉnh sửa chính mình. Vì thế, đến chùa, ta cầu xin đức Phật từ bi hỉ xả, nhưng thực chất là ta phải tự cầu xin chính mình, bởi đức Phật đã dạy “kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình”. ĐứcPhật không ban phúc, giáng họa cho con người. Bằng sự khổ luyện, tu tập của mình, Ngài để lại cho con người những lời khuyên răn, nó giống như ánh sáng dẫn đường, để ta theo đó mà thoát khỏi khổ đau. Ta nên chắp tay trước đức Phật như một sự biết ơn, chứ không phải để xin xỏ như nhiều người vẫn nhầm lẫn. Đức Phật dạy con người biết tin vào luật nhân quả, nhân quả do chính con người gieo trồng mà ra. Mọi thứ đều có nguyên do mà khi hiểu được điều đó, con người sẽ tự tu sửa được hành vi của mình, để tránh gieo những nhân xấu, tạo quả ác. Chính bởi vậy, trong giáo lý nhà Phật hoàn toàn không có chuyện cúng sao giải hạn, rồi đốt vàng mã, xem bói dưới mọi hình thức... tất cả những điều đó đều bị coi là mê tín dị đoan.

Không làm biến tướng giáo lý nhà Phật để chốn thiền môn thực sự là nơi tu tập, hướng con người đến những điều tốt lành.

“Cúng dâng sao giải hạn ở chùa là mê tín dị đoan” cũng là quan điểm của Thượng tọa Thích Nhật Từ - Phó Trưởng ban Phật Giáo Quốc tế - Giáo hội Phật giáo Việt Nam khi trả lời trên báo Lao Động. Vậy thì tại sao, việc tổ chức cúng dâng sao giải hạn lại vẫn diễn ra rầm rộ tại rất nhiều điểm chùa trong cả nước nói chung và xứ Thanh nói riêng. Có ý kiến cho rằng đó là do nhu cầu của Phật tử. Nói như vậy là chưa thực sự hiểu hết về vai trò, ý nghĩa của đạo Phật trong đời sống nhân dân. Bởi “bản chất của Phật pháp là phục vụ dân sinh, hướng dẫn tận tâm, tận tình, giúp con người vượt qua nỗi đau, sống lương thiện hơn...”. Vì vậy, thẳng thắn mà nói, việc tổ chức cúng dâng sao giải hạn ở các điểm chùa thờ tự hiện nay, bên cạnh việc “a dua” theo nhu cầu của người dân thì nó cũng mang lại một “nguồn thu” không hề nhỏ cho nhà chùa, đặc biệt với những chùa chiền có số lượng lớn phật tử.

Trước tình trạng biến tướng “dâng sao giải hạn” ở các nhà chùa, ngày 20/2/2019, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có văn bản gửi Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố về việc tổ chức nghi lễ nguyện cầu bình an cho phật tử và nhân dân tại các chùa nhân dịp đầu xuân năm mới với nội dung: “Nguyện cầu bình an, mong muốn sức khỏe, hạnh phúc, an lạc là nhu cầu của con người. Cầu nguyện là bản năng của con người, là khuynh hướng chủ đạo của tất cả các tôn giáo từ thuở sơ khai... Việc các chùa tổ chức nghi lễ cầu quốc thái dân an, mong muốn đem lại bình an cho mọi người là việc làm có ý nghĩa đem lại sự lạc quan trong cuộc sống. Tuy nhiên, trong thời gian mấy năm trở lại đây đã tồn tại một thực tế là có sự sai lệch trong cách tổ chức nghi lễ cầu an ở một số chùa như các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh. Nghi lễ dâng sao giải hạn không phải là nghi lễ của Phật giáo mà là tư tưởng triết học của Lão giáo... Ban Thường trực Hội đồng trị sự GHPGVN yêu cầu tăng, ni, nhất là chư vị lãnh đạo giáo hội cần gương mẫu trong việc tổ chức nghi thức cầu an đầu xuân tại các chùa bằng các pháp hội dược sư cầu quốc thái dân an. Việc tổ chức phải đảm bảo trang nghiêm, tiết kiệm, tránh mê tín dị đoan, không để xuất hiện yếu tố dịch vụ, trục lợi mà phải đúng chính pháp để mọi người hiểu luật nhân quả của Phật giáo”.

Trao đổi với phóng viên Báo VH&ĐS về văn bản của GHPGVN, Đại đức Thích Tâm Định - Phó Trưởng ban Thường trực BTS Phật giáo tỉnh Thanh Hóa cho biết: sau khi nhận được văn bản của GHPGVN thì BTS phật giáo tỉnh đã có công văn gửi xuống các điểm chùa để quán triệt quan điểm, triển khai văn bản của Trung ương giáo hội để các nhà chùa nắm rõ, nghiêm túc thực hiện.

Thu Trang


Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]