(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Không chỉ là mảnh đất địa linh nhân kiệt, xứ Thanh còn được xem là cái nôi sản sinh ra những giá trị văn hóa độc đáo. Đến thời điểm này, Trò diễn Xuân Phả (Thọ Xuân); Lễ hội Pôồn Pôông (Ngọc Lặc); Lễ hội Trò Chiềng (Yên Định) và Lễ Hát múa ăn mừng dưới cây bông - Kin chiêng bọoc mạy (Như Thanh) của Thanh Hóa đã chính thức nằm trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được Bộ VH,TT&DL công nhận. Tuy nhiên, việc bảo tồn các di sản thế nào, đang là câu hỏi được đặt ra cho không chỉ ngành văn hóa, mà còn với toàn xã hội.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia: Niềm vui từ sự cố gắng (Kỳ 1): Niềm vui di sản

(VH&ĐS) Không chỉ là mảnh đất địa linh nhân kiệt, xứ Thanh còn được xem là cái nôi sản sinh ra những giá trị văn hóa độc đáo. Đến thời điểm này, Trò diễn Xuân Phả (Thọ Xuân); Lễ hội Pôồn Pôông (Ngọc Lặc); Lễ hội Trò Chiềng (Yên Định) và Lễ Hát múa ăn mừng dưới cây bông - Kin chiêng bọoc mạy (Như Thanh) của Thanh Hóa đã chính thức nằm trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được Bộ VH,TT&DL công nhận. Tuy nhiên, việc bảo tồn các di sản thế nào, đang là câu hỏi được đặt ra cho không chỉ ngành văn hóa, mà còn với toàn xã hội.

Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Thanh Hóa cần nhắc đến đầu tiên là trò diễn Xuân Phả xã Xuân Trường - một trò diễn mang màu sắc cung đình được lưu truyền và dân gian hóa trở thành nét văn hóa riêng có của một vùng đất hai vua. Bởi vậy mà trong hai đại lễ lớn hàng năm của huyện Thọ Xuân: lễ hội Lê Hoàn và lễ hội Lam Kinh thì nhất định không thể thiếu trò diễn Xuân Phả.

Chúng tôi tìm gặp anh Bùi Văn Hùng - một trong hai nghệ nhân dân gian của trò diễn Xuân Phả đã được Chủ tịch nước tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian. Anh cũng chính là người có công lớn trong việc khôi phục lại trò diễn Xuân Phả suốt hơn 25 năm qua.

Trò diễn Xuân Phả vốn nức tiếng chốn cung đình trải qua các triều đại phong kiến là vậy nhưng cũng chẳng thể tránh khỏi sự gián đoạn trong giai đoạn đạn bom. Để khi hòa bình lập lại, cuộc sống đi qua nhiều khó khăn, người ta mới giật mình nhớ về những giá trị văn hóa đang dần bị mai một, thất truyền. Với sự hỗ trợ tài liệu, thông tin cùng sự giúp sức của các cụ cao tuổi trong xã xưa kia từng tham gia diễn trò Xuân Phả, năm 1990 anh Bùi Văn Hùng cùng một số người trong xã đã quyết định khôi phục lại trò diễn. Nghĩ là làm, song thực tế vốn không phải điều đơn giản, nhất là việc khôi phục lại một trò diễn đã gần như biến mất. Nhưng khó khăn cũng chẳng thể làm nhụt chí những người đam mê với văn hóa truyền thống. Cứ như vậy, với sự nỗ lực không mệt mỏi, trò diễn Xuân Phả từng bước được khôi phục để cho thật gần với nguyên bản vốn có, để những giá trị văn hóa dân gian được sinh ra trong đời sống ông cha không bị vô tình lãng quên.

Với những giá trị văn hóa đặc sắc đã được khẳng định, năm 2016, trò diễn Xuân Phả trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đầu tiên của tỉnh được công nhận. Đó là niềm tự hào của người dân trong tỉnh. Và với những nghệ nhân đặt viên gạch đầu tiên cho việc khôi phục lại trò diễn như nghệ nhân Bùi Văn Hùng thì đó còn là “trái ngọt”. Anh chia sẻ: “Quá trình khôi phục trò diễn chưa bao giờ tôi nghĩ tới chuyện sẽ được phong tặng nghệ nhân hay bất kì danh hiệu nào. Và đến giờ, việc trò diễn Xuân Phả trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, chính là sự khẳng định xứng tầm cho một giá trị văn hóa”.

Trò diễn Xuân Phả vinh dự là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đầu tiên của tỉnh Thanh được công nhận.

Cũng như trò diễn Xuân Phả, Lễ hội Trò Chiềng ở làng Trịnh Xá (Yên Ninh, Yên Định) mới đây đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã đem đến niềm vui cho không ít người dân địa phương. Tương truyền lễ hội Trò Chiềng có từ thời nhà Lý. Sau thời gian thất truyền hơn nửa thế kỷ, năm 2007 mới chính thức được khôi phục. Và để khôi phục lại trò diễn đặc sắc trong quá khứ, thực sự phải cần đến những con người say mê, trân trọng văn hóa truyền thống. Với Trò Chiềng, thì đó chính là cụ Nguyễn Cộng Hòa, người có công lớn trong việc phục dựng 12 trò diễn cổ truyền trong Trò Chiềng. Ở tuổi ngoài 90, cụ vẫn minh mẫn và đầy xúc cảm khi kể cho chúng tôi nghe về lễ hội, cùng với đó là số lượng lớn tài liệu về Trò Chiềng mà cụ đã sưu tập, gìn giữ. Và theo lời cụ thì “để con cháu khi cần còn có cái mà tìm hiểu”. Câu nói tuy đơn giản nhưng đằng sau đó là ý thức, trách nhiệm, tâm huyết của một công dân với những giá trị văn hóa của dân tộc.

Lễ hội Pôồn Pôông không chỉ là lễ hội độc đáo và quan trọng bậc nhất, mà còn là niềm tự hào của người Mường ở Ngọc Lặc. Về với lễ hội, du khách được đắm chìm trong không gian văn hóa lễ hội linh thiêng và sôi động được tổ chức hàng năm vào dịp đầu tháng giêng. Theo tiếng Mường thìPôồn Pôông được hiểu là múa hát quanh cây bông. Với người Mường ở Ngọc Lặc, lễ hội gắn liền với câu chuyện tình bi thương giữa nàng Ờm và chàng Bồng Hương. Đôi trai gái yêu nhau nhưng bị gia đình quyết liệt ngăn cấm cuối cùng đã tìm đến cái chết để được sống bên nhau trọn đời. Khi chết, máu của họ thấm lên chiếc khăn trắng vắt trên cây chạng bạng nở thành dây hoa bông trắng. Từ đó hoa bông trắng nở vào tháng ba, gặp mưa thì hoa có màu trắng, gặp nắng thì hoa biến thành màu đỏ. Vì vậy, người Mường chọn cây hoa chạng bạng có hoa Bông trắng nở quanh để cắt tỉa thành hoa, mà dựng Cây Bông, mở hội “Pôồn Pôông".

Khi lễ hội Pồôn Pôông diễn ra thì Trung tâm của lễ hội chính là cây Bông. Cây Bông bao giờ cũng là tâm điểm cho mọi hoạt động vui chơi. Đây là sản phẩm văn hóa độc đáo, kết tinh những giá trị thẩm mỹ, thể hiện khả năng sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của người Mường. Bên cạnh đó, cây Bông còn thể hiện ý nghĩa xã hội sâu sắc. Nhìn vào cây Bông người ta thấy cả xã hội Mường xưa được thu nhỏ. Bên cạnh những bông hoa rực rỡ sắc màu (với các màu chủ đạo xanh, đỏ, vàng, tím), còn có những con vật thân thuộc: trâu, bò, lợn, gà, rùa, cá... cùng với những vật dụng hàng ngay: quốc, xẻng, cày, bừa, nồi, niêu, chõ, miếng, dao, rìu... Tất cả những sinh hoạt bình dị thường ngày của xã hội Mường đều được thể hiện trên cây Bông, nó như một bức tranh toàn cảnh tái hiện lại toàn bộ đời sống của người dân Mường.

Với những giá trị văn hóa mang bản sắc độc đáo, lễ hội Pồôn Pôông đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Điều đó không chỉ khẳng định nét độc đáo, tầm quan trọng của lễ hội trong đời sống cộng đồng người Mường ở Ngọc Lặc mà còn là niềm tự hào của người Mường Trong nói chung.

Việc 4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Thanh Hóa được công nhận không chỉ là niềm tự hào của người dân các địa phương có di sản, đây còn là căn cứ cơ sở để các cấp chính quyền, cơ quan chức năng có sự nhìn nhận, đánh giá đúng tầm đối với các di sản.

Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]