(vhds.baothanhhoa.vn) - Đó là một quần thể di tích bề thế đã được khởi dựng cách đây gần 350 năm trên vùng đất Quả Nhuệ, huyện Lôi Dương xưa, nay là xã Nam Giang (Thọ Xuân).

Di tích Điện Càn Long

Đó là một quần thể di tích bề thế đã được khởi dựng cách đây gần 350 năm trên vùng đất Quả Nhuệ, huyện Lôi Dương xưa, nay là xã Nam Giang (Thọ Xuân).

Di tích Điện Càn LongTấm bia hộp đá 4 mặt với tên gọi Công Đức Trường Lưu.

Vua Lê Huyền Tông và giai đoạn lịch sử nhiều biến động

Như là quy luật của tạo hóa, vương triều Hậu Lê do đức vua Lê Thái Tổ gây dựng và truyền ngôi cho con cháu sau thời gian thịnh trị đã không tránh khỏi những dấu hiệu suy yếu. Đánh dấu bằng sự nghiệp Trung hưng nhà Lê do An Thanh Hầu Nguyễn Kim đóng vai trò quan trọng. Nhưng đáng tiếc, ông lại bị kẻ ác mưu hại. Để rồi sau đó, “sứ mệnh” lịch sử được kế tục bởi người con rể Trịnh Kiểm.

Cũng từ đây, mở ra một thời kỳ vô cùng đặc biệt, có một không hai trong lịch sử chế độ quân chủ Việt Nam: Vua Lê - Chúa Trịnh. Như nhìn nhận của PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ, Phó Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam: “Từ năm 1600 trở đi, trong hệ thống chính trị Đàng Ngoài đã hình thành một định chế đặc biệt, đó là chế độ “cung Vua” - “phủ Chúa”. Gắn liền với định chế đó là những hoạt động của triều đường và phủ đường song song tồn tại và cùng nhau điều hành quản lý đất nước. Triều đường (triều đình) vốn là nơi vua Lê hội họp các quan văn võ đại thần bàn chính sự. Tuy nhiên, dưới thời Trung hưng, thực quyền gần như nằm cả trong tay chúa Trịnh, nên khi cần bàn quốc sự, điều hành guồng máy cai trị, các quan thường sang bên Phủ đường hội họp với Chúa Trịnh và triều đường chỉ còn là nơi các quan vào chầu vua theo nghi thức định kỳ”.

Từ việc không còn thực quyền, các vua Lê thời Trung hưng tồn tại như một biểu tượng tinh thần của quốc gia. Chính vì sự “lép vế” này dễ hiểu vì sao các tài liệu sử về vua Lê thời này được ghi lại khá ít, phần nhiều chỉ là những dòng nhận xét ngắn gọn.

Tôi nhớ, mình đã không thể nén tiếng thở dài khi lần đầu ghé thăm ngôi mộ hợp chất ngay trên cánh đồng bên con đường nối liền hai xã Xuân Phong và Nam Giang (thuộc huyện Lôi Dương xưa). Là bởi, không chỉ người dân địa phương tin, nhiều nhà nghiên cứu cũng xác định rằng đó là mộ phần của vua Lê Huyền Tông của vương triều Hậu Lê. Ông được các sử gia đương thời nhắc đến với những nhận xét giản dị, đại ý: vua tính nhân hậu, vẻ người đoan nghiêm, những năm ông làm vua, thóc lúa được mùa, cũng đáng gọi là bậc vua hiền vậy... Đáng tiếc, chỉ sau gần 9 năm ở ngôi và chưa đầy 20 tuổi ông đã qua đời.

Nói đến vua Lê Huyền Tông và di tích Điện Càn Long, không thể không nhắc tới mẹ vua - Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu, người quê gốc Quả Nhuệ.

Theo sử liệu, Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu vốn người tài sắc vẹn toàn, năm 19 tuổi vào cung sống cùng Hoàng đế Lê Thần Tông. Khi bà mới 27 tuổi thì nhà vua qua đời, con trai là Thái tử Lê Duy Vũ được triều thần tôn lên ngôi vua trị vì đất nước, bà trở thành Hoàng Thái hậu. Điều đáng nói, dù ở ngôi tuyệt đỉnh vinh quang song Hoàng Thái hậu họ Phạm vẫn luôn dành sự quan tâm cho quê nhà và đau đáu những âu lo. Và rồi, đang ở ngôi cao trọng vọng nhưng với tài trí và thấu hiểu chuyện trong cung, Hoàng Thái hậu đã có những tính toán của riêng mình về chuyện hậu sự yên nghỉ của chồng, con và của chính mình.

Theo Đại Việt sử kí toàn thư: “Sau khi vua Lê Huyền Tông qua đời, linh cữu Hoàng đế được rước về quê mẹ là Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu, chôn ở lăng Quả Thịnh (còn gọi là lăng Nhuệ Doanh), lập điện Càn Long để thờ tự”. Còn tài liệu khắc gỗ ở nhà thờ tổ dòng họ Phạm Lê thì ghi chép: “Lúc bấy giờ bà Hoàng Thái hậu đã lấy vua Lê Thần Tông, sinh ra được Lê Huyền Tông. Sau khi vua Lê Huyền Tông lên ngôi, bà Hoàng Thái hậu đã về thôn Kim Bảng cho xây dựng Điện Càn Long để thờ vọng Tiên đế"...

Trong Hội thảo khoa học Lịch sử hình thành và việc bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích Điện Càn Long (tại xã Nam Giang, tháng 1-2020), các nhà nghiên cứu đa phần đồng thuận với quan điểm chính Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu với uy tín và tầm ảnh hưởng của mình khi đó đã trực tiếp điều hành việc xây dựng Điện Càn Long để thờ chồng (vua Lê Thần Tông) và con trai Lê Huyền Tông. Nhờ việc biết lo xa từ trước của vị Hoàng Thái hậu mà Điện Càn Long mới được triều đình nhà Lê chính thức cho lập ở vùng đất Quả Nhuệ để bà thờ chồng, con và gia tộc họ ngoại ở thôn Kim Bảng (Nam Giang ngày nay). Khu miếu Điện Càn Long xây quy mô và theo kiến trúc phổ biến triều Lê Trung hưng lúc bấy giờ.

Giá trị của một khu di tích

Trải qua thời gian với những biến động lịch sử, đến nay khu di tích miếu Điện Càn Long phần nhiều chỉ còn là phế tích với một số di vật và hiện vật: nền móng, gạch ngói, thềm bậc, chân tảng bằng đá cùng hai con chó đá ở vị trí tam quan... và quan trọng nhất có lẽ là tấm bia hộp bằng đá bốn mặt độc đáo vẫn được gọi là bia Công Đức Trường Lưu. Nội dung văn bia mặt thứ nhất ghi tóm tắt về Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu; mặt thứ hai ghi công đức trường lưu (công đức lưu mãi); mặt thứ ba liệt ghi các vị ngoại tổ và mặt thứ tư ghi rõ việc chế định chi phí, ngày tháng, nghi thức tế lễ đối với vua Lê Huyền Tông...

Cũng tại Hội thảo khoa học Lịch sử hình thành và việc bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích Điện Càn Long, các nhà nghiên cứu dẫn tư liệu của một học giả (sử học) người Pháp Louis Bazacier khi đến vùng đất này: “Ở Kim Bảng tôi có vẽ lại được vị trí ngôi đền thờ Lê Huyền Tông gọi là Càn Long Điện... Trước cửa tam quan có hai con chó đá canh giữ... Trong chính tẩm có xây ba cái bệ, ở giữa đặt tượng Lê Huyền Tông, bên phải là tượng vua cha Lê Thần Tông, bên trái là bàn thờ mẹ vua Đoan Thuần Hoàng Thái hậu sinh ra ở làng Quả Nhuệ”... Từ đây, hậu thế có thể nào mường tượng rõ hơn về kiến trúc, quy mô của khu di tích Điện Càn Long.

Từ việc xác định được đặc điểm kiến trúc cũng như giá trị tâm linh của khu di tích Điện Càn Long, theo ý kiến của Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa Thanh Hóa: “Cần đặt khu di tích Điện Càn Long và khu lăng mộ của Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Hậu, lăng mộ của đức vua Lê Huyền Tông trong mối quan hệ mật thiết với toàn bộ cảnh quan thiên nhiên và các di sản lịch sử - văn hóa trong một khu vực rộng lớn của Quả Nhuệ xưa để xây dựng một quy hoạch bảo tồn và tôn tạo toàn diện, lâu dài với kế hoạch triển khai từng bước một theo lộ trình nhiều giai đoạn”.

Ông Lê Văn Niệm, Bí thư Đảng ủy xã Nam Giang, cho biết: “Năm 2013, Điện Càn Long đã được xếp hạng Di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh. Hiện nay, xã đang đấu mối với Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thọ Xuân lập hồ sơ chi tiết cho việc mở rộng khu di tích với diện tích quy hoạch 0,8ha. Còn việc tôn tạo di tích, đó là vấn đề lớn, rất cần có sự quan tâm của các cấp, ngành”.

Bài và ảnh: Trang Bùi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]