(vhds.baothanhhoa.vn) - Làng Lễ Nghĩa (xưa gọi là làng Trầu), xã Xuân Thành trước đây thuộc Tổng Nam Cai, sau đổi là Tổng Nam Dương, huyện Thọ Xuân. Sau nhiều lần sáp nhập rồi chia tách, làng Lễ Nghĩa xưa nay là thôn Lễ Nghĩa 1, xã Xuân Hồng (Thọ Xuân) vẫn giữ được nét trù phú của cảnh quê hồn làng.

Đình làng Lễ Nghĩa ở Xuân Hồng

Làng Lễ Nghĩa (xưa gọi là làng Trầu), xã Xuân Thành trước đây thuộc Tổng Nam Cai, sau đổi là Tổng Nam Dương, huyện Thọ Xuân. Sau nhiều lần sáp nhập rồi chia tách, làng Lễ Nghĩa xưa nay là thôn Lễ Nghĩa 1, xã Xuân Hồng (Thọ Xuân) vẫn giữ được nét trù phú của cảnh quê hồn làng.

Đình làng Lễ Nghĩa ở Xuân HồngBiểu tượng hổ phù trên kiến trúc của đình làng Lễ Nghĩa.

Dẫn chúng tôi đi tham quan thôn, ông Lê Viết Huy, trưởng thôn Lễ Nghĩa 1 giới thiệu: Nằm ở vị trí giáp sông Chu, có cánh đồng phù sa màu mỡ, vì thế từ xa xưa nơi đây tập trung dân cư sinh sống và phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Ngoài ra, đây còn là nơi khai thác khoáng sản, đặc biệt là cát. Hơn 100 năm trước, cũng trên địa bàn này có chợ Vực nổi tiếng khắp vùng, bà con thuận lợi để kinh doanh buôn bán, đời sống nhộn nhịp trên bến dưới thuyền. Đến nay bà con vẫn tập trung trồng lúa, chăn nuôi và xây dựng các trang trại lợn, bò, gà...

Ông Huy dẫn chúng tôi đến thăm đình Lễ Nghĩa, trung tâm và nơi hội tụ của dân làng. Ngôi đình to ​rộng với diện tích khoảng 800m2 có kiến trúc hình chữ Nhất, là kiểu kiến trúc cổ xưa của các đình làng Việt. Đình có mái cong 4 phía, toàn bộ cấu kiện chủ yếu bằng gỗ lim, được chạm khắc hoa văn tinh xảo, mang tính nghệ thuật cao. Cấu trúc đình gồm 7 gian, trong đó có 5 gian chính và 2 gian phụ, có 8 hàng chân cột, mỗi hàng có 4 cột gồm cột cái (đường kính khoảng 43cm), cột quân (đường kính 32cm); kết cấu khung vì dạng con chồng, cột trốn, kẻ truyền liền bảy. Nền công trình cao hơn sân trước khoảng 20cm (tương đương 1 bậc), xung quanh xây tường bao che, mái lợp ngói đất nung đỏ, đỉnh mái đắp đôi rồng chầu. Theo tài liệu ghi chép lại, đình hiện nay thờ Lôi thần là một trong tứ thượng đẳng thần trong quan niệm của dân gian Việt Nam (bao gồm: Vân, Vũ, Lôi, Điện). Thời kỳ Cách mạng Tháng 8-1945, đình làng là nơi các đảng viên thường về hoạt động; sau này trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp nơi này nuôi dưỡng thương binh và giữ tù binh.

Chứng kiến nhiều thăng trầm của đình, đặc biệt là giai đoạn đình làng nhiều lần tu sửa, ông Hà Ngọc Liễn (86 tuổi) không khỏi xúc động, cho biết: "Tôi có 22 năm trông coi đình. Đình làng có ảnh hưởng lớn tới đời sống văn hóa, sinh hoạt hàng ngày của Nhân dân xã Xuân Thành xưa và Xuân Hồng hiện nay. Đặc biệt, từ lần sửa chữa gần đây nhất, năm 2000, đình làng luôn là địa chỉ để bà con lui tới vào những ngày lễ tết”.

Không ai khẳng định được ngôi đình cổ xây dựng trên nền đất này cụ thể vào năm nào, nhưng đến lần sửa chữa cuối cùng thì đình chỉ còn một số hoa văn, đầu hổ phù, cột đình vẫn còn nguyên vẹn, những đồ thờ cúng gần như đã bị lấy mất, hoặc bị tiêu hủy. Sau này, với nhu cầu tâm linh và mong muốn khôi phục ngôi đình cũ, nhiều người trong làng ở khắp xa gần đều về đây cung tiến. Điển hình nhất là hai cây đa ngay trước cửa đình, cùng với thời gian đã sum suê tỏa bóng.

Đình làng Lễ Nghĩa ở Xuân HồngĐình làng Lễ Nghĩa.

Hơn 20 năm kể từ lần sửa chữa cuối cùng, đến nay đình mỗi ngày một xuống cấp, đặc biệt là phần mái đình đang có xu hướng dốc về phía trước và đang dần đổ nghiêng. Hiện nay, phần mái ngói đã tụt, vỡ, thấm dột mái ảnh hưởng trực tiếp tới các cấu kiện gỗ bên trong, hệ thống rui luồng, hoành tải, xà liên kết đã mục mọt, đứt gãy phải gia cố tạm thời. “Nếu để lâu dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến an toàn cho công trình và cả người đến đình”, ông Hà Ngọc Liễn khẳng định. Ngoài ra, hệ thống cột do thời gian khá dài phải chống đỡ nên một số cột đã có dấu hiệu mục chân, tiêu tâm, một số cột quân đã gần như hư hỏng cần phải khắc phục để bảo tồn và tăng tuổi thọ cho công trình. Nền của đình hiện nay chỉ cao bằng đường giao thông phía ngoài xóm; sân trước, sân vườn, hệ thống cây cổ thụ ít được chăm sóc nên cảm giác đình khá hoang tàn, chưa xứng tầm với một di tích cấp tỉnh đã được xếp hạng từ năm 2011.

Ông Lê Bá Oánh, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hồng cho biết: ​“Để đáp ứng mong mỏi tu bổ, tôn tạo lại đình và khuôn viên đình nhằm lưu giữ, bảo tồn các hoạt động văn hóa tâm linh của Nhân dân trong thôn Lễ Nghĩa 1 nói riêng và xã Xuân Hồng nói chung, chúng tôi đã có văn bản trình huyện, tỉnh chấp thuận chủ trương tu bổ, tôn tạo di tích kiến trúc nghệ thuật đình làng Lễ Nghĩa”.

Xuân Hồng ngày nay sau khi sáp nhập từ 3 xã Xuân Khánh, Thọ Nguyên và Xuân Thành, hiện đang xây dựng và quyết tâm về đích nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2023. Người dân 16 thôn trong xã cùng thi đua sản xuất, kinh doanh, đặc biệt các hộ dân đã hiến hàng nghìn mét vuông đất mở rộng đường, trồng hoa, cây bóng mát 2 bên đường góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn.

Chia sẻ niềm vui với chúng tôi, ông Lê Viết Huy, trưởng thôn Lễ Nghĩa 1 cho biết: “Qua bao nhiêu sự đổi thay, từ cảnh làng chỉ toàn đường đất, lầy lội khi mùa tháng 8 về, nhưng đến nay với sự phát triển của xã hội, đường trong thôn đã được bê tông; nhà tầng, nhà cấp 4 thay thế cho nhà tranh vách đất, con em đi vào những nhà máy, xí nghiệp. Đặc biệt vui mừng nhất là con em trong thôn giữ được truyền thống lễ nghĩa như tên gọi của làng. Vì thế, trong thời gian tới, lãnh đạo xã và Nhân dân trong thôn đang hướng tới việc khôi phục lễ hội làng. Có cây đa, bến nước sân đình, có tiếng trống, tiếng hát, tiếng nhạc truyền thống, ấy là vẻ đẹp của làng quê mà mỗi người dân thôn Lễ Nghĩa 1 chúng tôi luôn trân trọng giữ gìn và bảo tồn”.

Bài và ảnh: CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]