(vhds.baothanhhoa.vn) - Có thể khẳng định, các dự án đầu tư kinh doanh có thể ví như “chất xúc tác” đặc biệt, có khả năng tạo ra “phản ứng hóa học” mạnh mẽ, làm bùng nổ tăng trưởng du lịch. Tuy nhiên, điều đó đúng khi và chỉ khi, các dự án được triển khai theo kế hoạch, tiến độ và mang lại hiệu quả tích cực khi đưa vào vận hành, khai thác.

Du lịch Thanh Hóa trên “đường băng” phát triển: Hiệu quả đầu tư các dự án kinh doanh du lịch - Vẫn là “hoa trong gương...”

Có thể khẳng định, các dự án đầu tư kinh doanh có thể ví như “chất xúc tác” đặc biệt, có khả năng tạo ra “phản ứng hóa học” mạnh mẽ, làm bùng nổ tăng trưởng du lịch. Tuy nhiên, điều đó đúng khi và chỉ khi, các dự án được triển khai theo kế hoạch, tiến độ và mang lại hiệu quả tích cực khi đưa vào vận hành, khai thác.

Du lịch Thanh Hóa trên “đường băng” phát triển: Hiệu quả đầu tư các dự án kinh doanh du lịch - Vẫn là “hoa trong gương...”

(Ảnh minh họa)

Số lượng lớn, quy mô nhỏ

Để du lịch có thể bật dậy, hay tạo ra một cuộc “lột mình thoát xác” cả về diện mạo, tỉnh Thanh Hóa đã sớm xác định, xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đồng thời, đề ra nhiều chương trình, đề án và thu hút các nguồn lực đầu tư, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu và kỳ vọng của ngành “công nghiệp không khói”. Đặc biệt, để thu hút các nhà đầu tư, tỉnh đã tập trung xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch có trọng tâm, có địa chỉ và bám sát nhu cầu thực tế; tích cực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn. Nhờ đó, giai đoạn 2016-2020, Thanh Hóa đã thu hút được 25 dự án đầu tư kinh doanh du lịch, với tổng vốn đăng ký khoảng 29.411 tỷ đồng và diện tích sử dụng đất khoảng 18.945 ha.

Điều đáng ghi nhận là bước đầu, Thanh Hóa đã thu hút được một số dự án quy mô lớn, với hệ thống dịch vụ đồng bộ, chất lượng cao, đã đưa vào khai thác. Điển hình như Sầm Sơn golf links và Khu đô thị sinh thái FLC giai đoạn 2 (6.218 tỷ đồng); Khu Du lịch sinh thái biển Tiến Thanh của Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch biển Hải Tiến (3.200 tỷ đồng)... Ngoài ra, có 3 dự án đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục đầu tư, gồm Khu đô thị sinh thái ven biển Quảng Nham và Quảng Thạch của Tập đoàn ORG; Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp Bến En (4.960 tỷ đồng) và đặc biệt là “đại dự án” Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp và du lịch biển Sầm Sơn (giai đoạn 1, có tổng vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng) của Công ty CP Tập đoàn Mặt Trời. Cùng với đó, việc thu hút các dự án đầu tư cơ sở lưu trú du lịch đạt kết quả khả quan, khi trong 5 năm trở lại đây, có thêm 200 cơ sở lưu trú được đầu tư mới, nâng tổng số cơ sở lưu trú trên địa bàn toàn tỉnh lên 925 cơ sở/41.300 phòng (năm 2020).

Tuy nhiên, bên cạnh một số dự án quy mô lớn thì đa phần các dự án đầu tư kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ. Chẳng hạn, trong số 925 cơ sở lưu trú, số khách sạn xếp hạng từ 3 - 5 sao chỉ có 42 cơ sở (chiếm tỷ lệ 4,54%), với trên 4.400 phòng (chiếm tỷ lệ 10,6%). Các cơ sở lưu trú còn lại là các khách sạn 1 - 2 sao và các cơ sở quy mô nhỏ, rất nhỏ. Đó là chưa kể, cơ cấu đầu tư mất cân đối về vùng miền - sản phẩm, dẫn đến tình trạng “kẻ ăn không hết, người lần không ra”. Cụ thể, hầu hết các dự án kinh doanh du lịch đều tập trung ở khu vực biển; trong khi các khu vực giàu tiềm năng khác (đặc biệt là miền núi) thì rất ít dự án.

“Ẩn ức” sau những con số

Thông thường, con số là một cách thức để định lượng hay đúc kết thành quả phát triển. Song, đối với việc thu hút các dự án đầu tư kinh doanh du lịch, ẩn sau các con số ấy là không ít vấn đề đáng để trăn trở. Trong Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020, có 15 nhiệm vụ đầu tư kinh doanh du lịch. Theo đó, đã và đang triển khai 15/15 nhiệm vụ, gồm 62 dự án, với tổng số vốn đầu tư là 13.125,9/32.910 tỷ đồng, đạt 39,88% kế hoạch đề ra. Con số này phần nào phản ánh một thực trạng, đó là hầu hết các dự án triển khai đều chậm tiến độ so với đăng ký và chủ trương đầu tư. Trong đó, có cả các dự án đã triển khai và cá biệt, có những dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư từ rất nhiều năm trở về trước, nhưng đến nay thậm chí còn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng và thực hiện hồ sơ, thủ tục để khởi công xây dựng.

Điển hình là Khu biệt thự Hùng Sơn của Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Invest. Đây là dự án đấu giá quyền sử dụng đất theo Quyết định số 3743/QĐ-CT ngày 19-11-2004 của Chủ tịch UBND tỉnh về phê duyệt kết quả trúng thầu đấu giá quyền sử dụng đất, giao cho Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Invest triển khai Dự án biệt thự Hùng Sơn (thuộc địa phận các xã Quảng Hùng và Quảng Đại, huyện Quảng Xương, nay thuộc TP Sầm Sơn). Theo hợp đồng ký kết thì UBND huyện Quảng Xương có nhiệm vụ giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư trong vòng 30 ngày. Thế nhưng đến nay, công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn thành. Tính đến tháng 9-2019, ngoài một số tường rào được xây dựng, còn các hạng mục khác chưa đầu tư, đồng nghĩa với dự án gần như “dậm chân tại chỗ” ngót hàng chục năm.

Dự án Khu du lịch biển Golden coast resort của Công ty CP Xi măng Công Thanh, được UBND tỉnh đồng ý chủ trương đầu tư tại Công văn số 3081/UBND-CN ngày 25-7-2006. Dự án nằm trên địa phận xã Hải Hòa và xã Bình Minh, huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn). Năm 2008, UBND tỉnh đã duyệt phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ tái định cư tại Quyết định 672/QĐ-UBND ngày 24-3-2008, yêu cầu chủ đầu tư và chính quyền địa phương phải hoàn thành việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trong quý II-2008. Thế nhưng, sau 8 năm (tháng 6-2016) Công ty CP Xi măng Công Thanh lại có văn bản đề nghị và được UBND tỉnh chấp thuận cho giãn tiến độ thực hiện dự án. Sau đó, tỉnh đã yêu cầu nhà đầu tư phải hoàn thành giải phóng mặt bằng và hồ sơ sử dụng đất, xây dựng, môi trường để khởi công xây dựng vào tháng 10-2017 và hoàn thành dự án, đi vào hoạt động chính thức trong tháng 5-2019. Thế nhưng đến nay, dự án này vẫn tiếp tục “im hơi lặng tiếng”. Lý giải nguyên nhân khiến dự án này chậm tiến độ “bền vững”, một phần là do chủ đầu tư không chủ động hay không “mặn mà” với việc triển khai dự án; mặt khác là do trên mặt bằng dự án có 53 ha đất rừng phòng hộ và 1,2 ha đất lúa vẫn đang gặp vướng mắc về thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Tính bài “chắc rễ, bền cây”

Nêu trên chỉ là vài ví dụ điển hình cho nhiều dự án có “thâm niên” chậm lâu năm. Điều đáng nói, các dự án chậm kéo dài đã và đang gây lãng phí rất lớn nguồn tài nguyên đất đai và tài nguyên du lịch. Đồng thời, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân, cũng như góp phần “làm xấu” môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. Đặc biệt, các dự án chậm tiến độ cũng khiến cho hiệu quả khai thác dự án bị ảnh hưởng và theo đó, vai trò của các dự án kinh doanh du lịch như là động lực thúc đẩy tăng trưởng du lịch, hiện vẫn là “hoa trong gương, trăng đáy nước”. Nghĩa là, đếm được số lượng, nhưng thực chất chưa có thành phẩm, hay các dự án chưa tạo ra được nhiều giá trị kinh tế - xã hội như kỳ vọng.

Thực trạng này xuất phát từ nhiều nhân tố khách quan và chủ quan. Trong đó, các doanh nghiệp du lịch phần lớn có quy mô nhỏ, tiềm lực tài chính và năng lực quản trị hạn chế, dẫn đến khả năng và tính chuyên nghiệp không cao. Trong khi đó, tình trạng phát triển không theo quy hoạch ở một số khu, điểm du lịch diễn ra từ giai đoạn trước, đã để lại các sản phẩm du lịch kém chất lượng (điển hình là Khu du lịch biển Hải Hòa). Ngoài ra, không thể phủ nhận một thực tế rằng, năng lực chỉ đạo, quản lý, điều hành của một số ngành, địa phương, đơn vị còn hạn chế và thiếu tập trung, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Minh chứng rõ nhất cho điều đó là tình trạng chậm giải phóng mặt bằng, chậm bàn giao đất, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tiến độ triển khai dự án và việc hình thành các điểm đến du lịch mới.

Cũng vì lẽ đó mà vấn đề bức thiết được đặt ra lúc này là tìm giải pháp căn cơ, quyết liệt, nhằm cắt “khối u” dự án chậm, dự án treo “kinh niên”. Có như vậy thì mọi nỗ lực của tỉnh trong thu hút đầu tư các dự án kinh doanh du lịch mới không biến thành công dã tràng. Được biết, thời gian qua, UBND tỉnh đã yêu cầu các ngành, địa phương tiến hành rà soát và đề xuất chấm dứt hoạt động, thu hồi đất đối với các dự án vi phạm pháp luật đất đai, đầu tư trên địa bàn. Từ đó, loại bỏ các nhà đầu tư không bảo đảm năng lực; đồng thời, tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư có năng lực thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả, từ năm 2016 đến nay, UBND tỉnh chấm dứt hoạt động và thu hồi đất đối với 15 dự án.

Trước không ít vấn đề đang đặt ra trong thu hút, triển khai và hiệu quả triển khai các dự án kinh doanh du lịch; thiết nghĩ, cần tính đến bài “chắc rễ, bền cây”. Nghĩa là, thay vì thu hút được nhiều dự án nhưng quy mô nhỏ, khiến tài nguyên đất đai và du lịch bị xé lẻ; thì nên “chọn mặt gửi vàng” ở nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, năng lực và kinh nghiệm đã được chứng minh trong thực tiễn, bằng những dự án đã triển khai hiệu quả.

Lê Dung

Bài cuối: Tầm nhìn mới - quyết tâm cao.


Lê Dung

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]