(vhds.baothanhhoa.vn) - Chiều 29/8, tại Nhà hát Lớn - TP Hà Nội diễn ra Lễ phong tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) vinh danh 391 nghệ sĩ đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa của dân tộc theo Quyết định của Chủ tịch nước. Trong đó, Thanh Hóa có 3 nghệ sĩ được trao tặng danh hiệu NSND và 9 nghệ sĩ được phong tặng NSƯT. Phóng viên Báo VH&ĐS đã có dịp gặp gỡ, trò chuyện với các NSND của tỉnh Thanh Hóa mới được phong tặng danh hiệu cao quý này.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Gặp gỡ những NSND mới được phong tặng

Chiều 29/8, tại Nhà hát Lớn - TP Hà Nội diễn ra Lễ phong tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) vinh danh 391 nghệ sĩ đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa của dân tộc theo Quyết định của Chủ tịch nước. Trong đó, Thanh Hóa có 3 nghệ sĩ được trao tặng danh hiệu NSND và 9 nghệ sĩ được phong tặng NSƯT. Phóng viên Báo VH&ĐS đã có dịp gặp gỡ, trò chuyện với các NSND của tỉnh Thanh Hóa mới được phong tặng danh hiệu cao quý này.

NSND Nguyễn Thị Mai Lan:

Chẳng khi nào tôi muốn buông bỏ

NSND Mai Lan (người đứng giữa).

Nói đến bà là nói đến một người nghệ sĩ luôn cháy hết mình vì nghệ thuật như bà chia sẻ: “Với tôi, tất cả là vì nghệ thuật. Được đến với Tuồng, được sống với Tuồng là tôi vui rồi”. Năm nay, thật vinh dự, bà được đón nhận danh hiệu NSND dù đã ở tuổi 77.

NSND Nguyễn Thị Mai Lan của những năm tháng tuổi thơ vẫn vừa xay lúa vừa hát, đã từng trốn gia đình để đi biểu diễn văn nghệ ở xã... Về sau này, bà theo học khoa Tuồng tại Trường Ca kịch Dân tộc (nay là Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh). Năm 1962, bà về công tác tại Đoàn Nghệ thuật Tuồng Thanh Hóa. Cũng từ đây, đánh dấu thêm nhiều thành công của bà với bộ môn nghệ thuật này.

Với những khán giả yêu bộ môn nghệ thuật Tuồng, hẳn vẫn không thể quên được những vai diễn để đời của NSND Mai Lan, đó là vai nữ chúa trong “Ngọn lửa Hồng Sơn”, vai Triệu Trinh Nương trong “Lời thề Trinh Nữ”, cô giáo Thanh Loan trong “Đôi dòng sữa mẹ”.... Những vai diễn đã lấy đi nhiều nước mắt của khán giả. Bà diễn đến đâu được khán giả ủng hộ đến đó bởi phong cách và bởi chất giọng trong, khỏe của bà.

Suốt những năm tháng công tác tại Đoàn Nghệ thuật Tuồng Thanh Hóa, NSND Mai Lan chưa lúc nào cho bản thân được ngơi nghỉ, bà cứ mải miết làm việc và cống hiến, kể cả khi cuộc sống nghèo khó, bà vẫn không cho phép được dừng bước. “Đã có những thời gian tôi địu con đi diễn... Với nghệ thuật Tuồng, tôi không bao giờ chán và càng không tính toán đến chuyện kinh tế. Tôi vào nghề, bố mẹ, các anh chị không ai đồng ý nhưng tôi vẫn theo đến cùng” - NSND Mai Lan chia sẻ.

Dù vậy, sau này khi bà kết hôn với đạo diễn, diễn viên Vũ Trọng Quang thì 3 đứa con của ông bà đều theo bố mẹ làm nghệ thuật. Trong nhà đã có đến 3 NSND và 2 NSƯT.

29 năm hoạt động với nghệ thuật Tuồng, NSND Mai Lan đã giành được 4 HCV, 1 HCB. Về nghỉ chế độ đã nhiều năm nay nhưng bà vẫn đau đáu với niềm yêu nghề mà ở đó là những khao khát được truyền nghề cho lớp trẻ. “Tôi từng ao ước được chỉ cho các con, các cháu từng điệu múa, giọng hát,tôi lúc nào cũng sẵn sàng truyền dạy nhưng vì điều kiện sức khỏe không cho phép nên tôi đã không thể thực hiện” - NSND Mai Lan cho biết.

Được Nhà nước phong tặng NSND ở tuổi 77 là niềm tự hào đáng trân trọng sau những năm tháng cống hiến vì nghề, hy sinh vì nghề như bà đã từng nói: “Tôi thấy hạnh phúc và mừng vui. Cuộc đời làm nghệ thuật của tôi, cứ đam mê, cứ gắn bó với Tuồng, chẳng khi nào tôi muốn buông bỏ, ngay cả lúc này”.

NSND Nguyễn Ngọc Quyền:

Tôi vẫn tiếp tục ngọn lửa đam mê này

Hơn 40 năm đam mê, gắn bó, trưởng thành từ sân khấu Tuồng truyền thống và 25 năm làm Trưởng Đoàn Nghệ thuật Tuồng (Sở VH,TT&DL), NSND Nguyễn Ngọc Quyền luôn rèn luyện, học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trăn trở cùng đồng nghiệp, chèo lái vượt qua mọi khó khăn để lưu giữ được nghệ thuật Tuồng ở xứ Thanh.

Đến giờ, khó mà kể hết những thành tích ông đã đạt được trong suốt hơn 40 năm qua. Một quãng thời gian khá dài để ông “lăn” mình với nghệ thuật Tuồng truyền thống. Trong hơn 40 năm ấy, ông với vai trò vừa là đạo diễn, diễn viên, tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng như: "Lời thề trinh nữ" (2003), "Vòng tay núi rừng" (2010), "Hai người mẹ" (2013)...

Tác phẩm "Hai người mẹ" được xem là thành công lớn nhất của NSND Nguyễn Ngọc Quyền. Một tác phẩm đã làm cho người xem thấy được mối tình giữa 2 tỉnh Quảng Nam - Thanh Hóa. Một vở diễn hiện đại nhưng vẫn giữ được cốt cách của sân khấu Tuồng truyền thống. Với vở diễn này, ông đã được UBND tỉnh Quảng Nam trao tặng giải thưởng 5 năm về văn học nghệ thuật đất Quảng.

Nhiệt huyết, đam mê, NSND Nguyễn Ngọc Quyền còn luôn mang trong mình sự trăn trở của người làm lãnh đạo. Trong 25 năm làm Trưởng Đoàn Nghệ thuật Tuồng, để đoàn tồn tại, ông đã nghĩ ra nhiều chương trình nghệ thuật, trong đó phải kể đến biểu diễn nghệ thuật trống đồng; nghĩ và sáng tạo tại các lễ hội... Được biết, tới đây, ông được tỉnh giao chịu trách nhiệm tại Lễ hội Lam Kinh trong vai trò vừa là tác giả, tổng đạo diễn chương trình. Có một điều đặc biệt, khi chưa ai với tới thì ông đã làm được, đó chính là nghiên cứu hành văn để đọc chúc văn trong đại lễ.

Sau khi về nghỉ chế độ bảo hiểm xã hội, ông vẫn tiếp tục làm việc và đóng góp cho nghệ thuật Tuồng tỉnh Thanh. Không chỉ vậy, ông vẫn được nhiều tỉnh, thành mời dàn dựng, phục dựng, truyền dạy cho lớp trẻ các vở tuồng truyền thống, trong đó có cả đất tuồng Quảng Nam. Mới đây, ông cũng đã nhận lời mời tham gia làm giảng viên tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh.

“Hạnh phúc là tôi có sức khỏe, có đam mê và nắm chắc nghề. Tôi vẫn tiếp tục ngọn lửa đam mê này để truyền nghề, giữ gìn nghề dù thị hiếu khán giả không còn nhiều, nhưng đó là văn hóa phi vật thể của dân tộc” - NSND Nguyễn Ngọc Quyền xúc động nói.

NSND Trương Hải Thọ:

Không ngừng phấn đấu, tiếp tục đóng góp cho nghệ thuật

Với vai trò là Đạo diễn, Chỉ đạo nghệ thuật, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Thanh Hóa, NSND Trương Hải Thọ đã trực tiếp dàn dựng thành công nhiều vở diễn.

Ông đã có 42 năm hoạt động nghệ thuật. Dưới bàn tay và khối óc của ông, nhiều vở chèo nổi tiếng đã ra đời, đó là các vở chèo: "Kỳ nữ Ái Châu" (1996); "Cà phê chín đỏ" (2005); "Gươm báu truyền ngôi" (2013); "Tấm lòng vàng" (2016)... Trong đó, nhiều vở diễn đạt giải Vàng, Bạc tại các cuộc thi sân khấu Chèo toàn quốc; nhiều nghệ sĩ trong đoàn đạt HCV, HCB Quốc gia.

Không thể phủ nhận, trên con đường làm nghệ thuật của mình, NSND Trương Hải Thọ luôn tìm ra những hướng đi mới, sáng tạo và bản lĩnh. Bằng chứng là những vở diễn của ông luôn được đánh giá cao và ngay bản thân ông đã vinh dự 2 lần đoạt giải đạo diễn xuất sắc. Có thể kể đến vở chèo hiện đại “Cà phê chín đỏ”, một vở diễn đạt cả về nội dung tư tưởng và chất lượng nghệ thuật. Hay như vở chèo “Tấm lòng vàng”, được công diễn vào năm 2016 nhưng tiếng vang của vở này thì vẫn còn ngân mãi. Và ngay sau đó, 2 nhà hát chèo của tỉnh Hưng Yên và Bắc Giang đã mời ông dàn dựng lại để lưu diễn và làm công tác tuyên truyền, giáo dục.

Đạo diễn là một nghề. Nhưng để làm một đạo diễn giỏi lại cần có sự đam mê và tố chất. Mừng, là đạo diễn Trương Hải Thọ đã hội tụ được cả hai yếu tố này. Vậy nên, ông đã dàn dựng vở gì là thành công vở đó như ông đã từng chia sẻ: “Khi dàn dựng một tác phẩm chất lượng thì tôi phải yêu tác phẩm ấy. Có yêu tác phẩm ấy thì mới có sự đam mê, sáng tạo và đưa ra được các ngôn ngữ của đạo diễn, sắc sảo, độc đáo... Đồng thời, người đạo diễn phải có trách nhiệm dạy cho các nghệ sĩ, diễn viên diễn thế nào cho đúng với tính cách, đạt được chủ đề tư tưởng của vở diễn. Cái mà đạo diễn muốn gửi gắm qua nhân vật để truyền đến khán giả để họ cảm nhận được và quan trọng là phải gửi đến họ được giá trị của chân - thiện - mỹ... Sau khi đạt danh hiệuNSND, tôi sẽ không ngừng phấn đấu, tiếp tục đóng góp cho nghệ thuật để xứng đáng với danh hiệu cao quý mà Đảng và Nhà nước đã phong tặng cho tôi”.

Hoàng Việt Anh


Hoàng Việt Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]