(vhds.baothanhhoa.vn) - Những ngày đầu xuân, cùng với vạn vật đang hòa vào sắc xuân, thì những nét chữ thư pháp như “phượng múa rồng bay” để đón chào năm mới, cũng chính là món quà tinh thần biểu thị cho ước vọng ngày xuân. Chính vì vậy, tại nhiều địa phương, hay một số di tích trên địa bàn tỉnh đều tổ chức hoạt động cho chữ đầu xuân.

Giữ gìn nét đẹp văn hóa cho chữ đầu năm

Những ngày đầu xuân, cùng với vạn vật đang hòa vào sắc xuân, thì những nét chữ thư pháp như “phượng múa rồng bay” để đón chào năm mới, cũng chính là món quà tinh thần biểu thị cho ước vọng ngày xuân. Chính vì vậy, tại nhiều địa phương, hay một số di tích trên địa bàn tỉnh đều tổ chức hoạt động cho chữ đầu xuân.

Giữ gìn nét đẹp văn hóa cho chữ đầu năm

“Ông đồ” Hoàng Trọng Tuyển cho chữ đầu xuân.

Đến chùa Vồm, phường Thiệu Khánh (TP Thanh Hóa) du khách đã quen với hình ảnh “ông đồ trẻ” Hoàng Trọng Tuyển bày chiếu, bút mực để cho chữ phục vụ du khách hành hương. Cầm trên tay chữ “Tâm” vừa viết ráo mực, “ông đồ” Tuyển cho biết: Cho chữ đầu năm không chỉ để các “ông đồ” có dịp trổ tài, múa bút, mà còn là nơi để mọi người có thể đến thưởng thức, chiêm nghiệm những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp trong những ngày đầu năm. Các “ông đồ” không chỉ đơn giản là viết chữ, câu đối cho người xin chữ, mà qua mỗi chữ viết ra còn có ý nghĩa giáo dục đạo đức, đạo làm người. Bởi vậy, hàng năm từ ngày mùng 1 Tết Nguyên đán tôi lại chuẩn bị đồ nghề để đến chùa Vồm cho chữ. Trung bình mỗi ngày có cả trăm lượt người xin chữ. Người xin chữ luôn tâm niệm chữ xin được sẽ mang đến cho họ may mắn, ứng với những mong ước thành tâm, những ước vọng về một năm mới nhiều thuận lợi, may mắn và bình an. Ngoài cầu may mắn, nhiều người còn muốn xin cái đức độ, tài năng của ông đồ và lấy chữ để răn mình.

Là một trong số những người đang chờ xin chữ của ông đồ Hoàng Trọng Tuyển, bà Nguyễn Thị Hoa ở huyện Hà Trung cho biết, hàng năm vào mùng 3 tết, gia đình bà đều đến chùa Vồm để tham quan, thắp hương cầu bình an và xin chữ đầu năm. Bà thường xin chữ “bình an” với mong muốn năm mới cả gia đình luôn được bình an, hạnh phúc.

Giữa không khí nắng ấm của tiết trời xuân, “cô đồ trẻ” Dương Thị Thu Dung miệt mài với những nét bút uyển chuyển, mềm mại tại chùa Đại Bi (TP Thanh Hóa). Cô chia sẻ: Những ngày đầu năm mới tôi thường mang đồ nghề đi cho chữ ở nhiều đền, chùa trong tỉnh. Nghề viết chữ trông thì đơn giản nhưng thực ra lại rất công phu. Với tôi thì việc đầu tiên là phải chuẩn bị cho mình một bộ đồ nghề thật tươm tất, đầy đủ. Bộ đồ nghề bao gồm rất nhiều thứ như bút lông, nghiên mực, hộp chứa mực, giấy, nẹp tre để treo chữ, trong đó bút lông là vật dụng quan trọng nhất. Và để cho ra đời một tác phẩm thư pháp đẹp, người viết thư pháp phải nắm được tiêu chí cơ bản về đường nét, bố cục. Quan trọng hơn, bức thư pháp phải chuyển tải được cảm hứng, giá trị văn hóa của nó đến với người chơi. Ngoài ra, người cho chữ cũng phải thuộc nhiều câu đối, thơ, tục ngữ, thành ngữ để minh họa cho phù hợp với từng đối tượng xin chữ. Điều đáng mừng hiện nay là người tìm đến thư pháp ngày càng nhiều, nhất là các bạn trẻ. Đó chính là động lực để tôi tiếp tục duy trì niềm đam mê và lưu giữ lại nét văn hóa truyền thống của cha ông trong mỗi dịp tết đến, xuân về.

Thời gian gần đây phong trào xin chữ về treo trong nhà ngày càng thịnh hành. Không chỉ những người có kinh nghiệm chơi chữ hay các gia đình đi xin câu đối tết, mà giới trẻ cũng rủ nhau đi xin chữ. Trong số những người đang chờ xin chữ tại chùa Đại Bi (TP Thanh Hóa), chúng tôi có dịp trò chuyện cùng em Nguyễn Minh Anh, học sinh lớp 8, em cho biết năm nào cũng vậy, đầu xuân em thường đến một số ngôi chùa ở TP Thanh Hóa để xin chữ với mong muốn học hành giỏi giang và cầu sức khỏe cho cả gia đình. Chữ xin về thường được em treo ở nơi trang trọng nhất không chỉ nhằm trang trí cho ngôi nhà, mà còn thể hiện ước vọng về một năm mới bình an, thuận lợi và may mắn.

Trân trọng và giữ gìn nét đẹp xin chữ, cho chữ ngày xuân, nhiều địa phương trong tỉnh, điển hình là TP Thanh Hóa hàng năm đều tổ chức chương trình nghệ thuật thư pháp. Thông qua chương trình các nhà thư pháp có dịp trình diễn nghệ thuật thư pháp, với các câu đối, lời chúc mang nhiều ý nghĩa và giá trị nghệ thuật đặc sắc. Những người tham dự cũng có dịp xin các nhà thư pháp những bức tranh chữ cho riêng mình..

Một mùa xuân nữa đã về, trong nhịp sống hối hả, khẩn trương, nhưng tục xin và cho chữ vẫn được giữ gìn và phát huy, trở thành một phong tục đẹp của dân tộc Việt Nam. Nét đẹp đó như một “sợi chỉ” vô hình gắn kết giá trị văn hóa tinh thần, hướng con người ta đến các giá trị của “chân - thiện - mỹ".

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]