(vhds.baothanhhoa.vn) - Ở các huyện miền núi xứ Thanh, nghề thêu, dệt thổ cẩm vốn là nét đẹp văn hóa trong đời sống của người dân. Song việc bảo tồn và phát huy nghề truyền thống đã và đang là “bài toán” khó đặt ra cho nhiều địa phương.

Giữ gìn nghề dệt thổ cẩm: Để duy trì và phát triển nghề

Ở các huyện miền núi xứ Thanh, nghề thêu, dệt thổ cẩm vốn là nét đẹp văn hóa trong đời sống của người dân. Song việc bảo tồn và phát huy nghề truyền thống đã và đang là “bài toán” khó đặt ra cho nhiều địa phương.

Giữ gìn nghề dệt thổ cẩm: Để duy trì và phát triển nghề

Ông Lê Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân: Chú trọng phát triển nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch

Trong Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Như Xuân đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” chú trọng đến giải pháp gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Ông có thể cho biết riêng về việc duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của huyện Như Xuân?

Ông Lê Anh Tuấn: Huyện Như Xuân là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc anh em, như: Mường, Thái, Thổ, Kinh... tạo nên một bức tranh nhiều màu sắc về văn hóa xã hội. Điều đáng mừng là kể từ khi nghề thêu, dệt thổ cẩm được khôi phục, người dân xã Thanh Lâm và một số địa phương lân cận ngày càng có ý thức giữ gìn và phát triển nghề truyền thống. Việc khôi phục nghề thêu, dệt thổ cẩm cũng đã mở ra hướng để huyện đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng. Thực hiện, Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Như Xuân đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, huyện đặc biệt chú trọng đến giải pháp gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, trong đó có duy trì và phát triển nghề truyền thống.

Hướng tới mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng một cách bài bản và bền vững, việc xây dựng phương án giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu ngoài các trò chơi, trò diễn dân gian, nấu rượu men lá, đan lát... thì nghề dệt thổ cẩm được huyện đặc biệt chú trọng. Cùng các sản phẩm ẩm thực truyền thống, các loại hình văn hóa dân gian thì nghề truyền thống sẽ mang nhiều trải nghiệm cho du khách và tăng sức hấp dẫn cho du lịch địa phương.

Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh: Cần có thêm nhiều lớp tập huấn

Với trách nhiệm được giao trong thực hiện Đề án "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay" trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2019 - 2030, theo Kế hoạch số 130/KH-UBND ngày 7-6-2019 của UBND tỉnh, thời gian qua Trung tâm Văn hóa tỉnh đã thực hiện những giải pháp gì thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Mai Hương: Để khôi phục được nghề thêu, dệt thổ cẩm truyền thống tại các huyện miền núi đã khó, việc duy trì và phát triển nghề lại càng khó khăn hơn. Do đó, rất cần sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và sự vào cuộc của người dân để những giá trị truyền thống ấy dần được khôi phục, phát huy, phát triển. Việc duy trì và phát triển nghề thêu, dệt thổ cẩm không chỉ làm đẹp người, đẹp bản, mà còn là lợi thế, nguồn lực để các địa phương phát triển kinh tế gắn với phát triển du lịch trên địa bàn miền núi. Trong những năm qua, Trung tâm Văn hóa tỉnh thường xuyên tổ chức các liên hoan, hội thi, hội diễn trình diễn trang phục dân tộc. Đó cũng là một trong những giải pháp quan trọng góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị, tinh hoa văn hóa của nghề thêu, dệt thổ cẩm truyền thống. Riêng năm 2021, Trung tâm Văn hóa tỉnh đã mời một số nghệ nhân đến hướng dẫn kỹ thuật thêu, dệt thổ cẩm cho các lớp tập huấn trên địa bàn huyện Bá Thước và huyện Như Thanh, mỗi lớp có sự tham gia của 80 học viên. Thông qua các buổi tập huấn, người dân địa phương đã được truyền dạy, định hướng sản xuất ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường, làm quà tặng cho khách du lịch. Từ chỗ có thêm thu nhập, người dân địa phương sẽ có ý thức hơn trong việc bảo tồn và phát huy nghề truyền thống.

Ngoài việc tổ chức các lớp dạy nghề, theo bà để giữ gìn nghề dệt truyền thống thì đâu là điều quan trọng nhất?

Bà Nguyễn Thị Mai Hương: Thực tế hiện nay, những nghệ nhân có tay nghề giỏi thì tuổi đã cao, nhiều người mất mà chưa kịp truyền hết những bí quyết trong nghề. Lớp trẻ theo được nghề của cha ông có sáng tạo còn rất ít. Điều đó đòi hỏi công tác đào tạo, dạy nghề, truyền nghề cần được quan tâm nhiều hơn nữa. Và điều quan trọng là hơn ai hết, thế hệ trẻ phải là người ý thức và có trách nhiệm trong việc giữ gìn nghề dệt truyền thống, bắt đầu từ việc sử dụng trang phục trong những dịp lễ tết, hiểu và tự hào về nét đẹp văn hóa dân tộc mình để từ đó dần hình thành ý thức, trách nhiệm trao truyền văn hóa tới các thế hệ tiếp theo.

Bà Lò Thị Mai, Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh Lâm (Như Xuân): Diện sắc phục thổ cẩm là để gìn giữ và tôn vinh giá trị văn hóa của dân tộc

Từ khi nghề dệt thổ cẩm được khôi phục, với bà đâu là điều vui nhất?

Bà Lò Thị Mai: Từ năm 2018, Câu lạc bộ thổ cẩm Thanh Lâm ra đời, với 28 thành viên và được Tổ chức Tầm nhìn Thế giới, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp hỗ trợ về vốn, tư liệu và thị trường tiêu thụ. Điều đáng mừng là đồng bào dân tộc Thái xã Thanh Lâm và các địa phương lân cận chú ý hơn cách ăn mặc theo trang phục truyền thống. Trong các ngày lễ như mừng lúa mới, ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, mừng năm mới... người dân thường diện sắc phục thổ cẩm như là cách để dân làng kết nối, gìn giữ và tôn vinh giá trị văn hóa của dân tộc mình.

Hiện tại khó khăn lớn nhất của Câu lạc bộ thổ cẩm Thanh Lâm là gì, thưa bà?

Bà Lò Thị Mai: Hiện tại, chính quyền địa phương và Câu lạc bộ thổ cẩm Thanh Lâm đã nỗ lực duy trì nghề truyền thống, vừa giúp người sản xuất có thu nhập ổn định, vừa góp phần gìn giữ, bảo tồn những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc. Câu lạc bộ vẫn duy trì hoạt động, tuy nhiên, vẫn chỉ ở quy mô nhỏ, vì chưa có sự đầu tư. Nếu có sự hỗ trợ về máy móc, thiết bị, chúng tôi có thể tạo được thêm những sản phẩm mới chứ không chỉ dừng ở việc dệt vải và khăn. Từ đó mới có thể phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống và từng bước đưa sản phẩm mang bản sắc địa phương vươn ra thị trường.

Thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” theo Quyết định số 209/QĐ-BVHTTDL, ngày 18-1-2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngày 7-6-2019, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch số 130/KH-UBND triển khai trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2019 - 2030. Theo đó, giai đoạn 2019 - 2025, sẽ tiến hành bảo tồn, khôi phục và phát huy di sản văn hóa phi vật thể về trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số, thông qua việc tổ chức liên hoan, mở lớp tập huấn về phương pháp bảo tồn, kỹ năng và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến nghề thêu, dệt thổ cẩm, nghệ thuật thêu hoa văn liên quan đến trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số... Qua đó mở ra hướng để nghề thêu, dệt thổ cẩm truyền thống được duy trì và phát triển trong tương lai.

Hoài Anh (thực hiện)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]