(vhds.baothanhhoa.vn) - Từ bao đời nay, dệt thổ cẩm đã trở thành nét văn hóa trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa. Đến các bản làng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh các bà, các mẹ tỉ mỉ thêu họa tiết hoa văn, hay ngồi khung cửi dệt nên những tấm thổ cẩm. Cùng với sự thay đổi của đời sống hiện tại, quan niệm thẩm mỹ, dịch bệnh cũng tác động không nhỏ đến việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thủ công truyền thống. Tuy vậy, dệt thổ cẩm - tinh hoa văn hóa dân tộc vẫn luôn được trân trọng gìn giữ và nỗ lực bảo tồn.

Giữ gìn nghề dệt thổ cẩm: Tự hào những sắc màu thổ cẩm

Từ bao đời nay, dệt thổ cẩm đã trở thành nét văn hóa trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa. Đến các bản làng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh các bà, các mẹ tỉ mỉ thêu họa tiết hoa văn, hay ngồi khung cửi dệt nên những tấm thổ cẩm. Cùng với sự thay đổi của đời sống hiện tại, quan niệm thẩm mỹ, dịch bệnh cũng tác động không nhỏ đến việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thủ công truyền thống. Tuy vậy, dệt thổ cẩm - tinh hoa văn hóa dân tộc vẫn luôn được trân trọng gìn giữ và nỗ lực bảo tồn.

Giữ gìn nghề dệt thổ cẩm: Tự hào những sắc màu thổ cẩm

Các sản phẩm thổ cẩm của người dân huyện miền núi Bá Thước bước đầu tiếp cận với khách du lịch. Ảnh: TƯ LIỆU

Nét đẹp truyền thống

Khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa có 6 dân tộc thiểu số chủ yếu, đó là: Mường, Thái, Thổ, Dao, Mông, Khơ Mú. Hiện nay, khi đến bất kể bản làng nào, đều dễ bắt gặp hình ảnh que phơi những bộ quần áo sặc sỡ sắc màu thổ cẩm. Bởi, đồng bào nơi đây xem thổ cẩm là những vật phẩm không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày, đặc biệt trong những ngày lễ, ngày hội, ngày vui của đôi lứa.

Vốn là nghề truyền thống, nên rất nhiều người già, trung niên, bé gái biết dệt, biết thêu. Nghề dệt thổ cẩm ra đời khi nào có lẽ không ai trả lời được, chỉ biết rằng bao nhiêu thế hệ người Mường, Thái, Mông, Dao... sinh ra và lớn lên bằng lời ru bên tiếng lạch cạch của khung cửi, tuổi thơ gắn liền với tiếng đạp chân dệt vải của bà, của mế. Để làm ra một sản phẩm dệt truyền thống, người phụ nữ các dân tộc thiểu số phải qua một quy trình lao động bền bỉ và đòi hỏi sự khéo léo, sáng tạo. Bà Lê Thị Tiền, dân tộc Mường, ở bản Chiềng Khạt, xã Đồng Lương (Lang Chánh), cho biết: Nguyên liệu chủ yếu được sử dụng để dệt thổ cẩm chính là các sợi bóng, sợi lanh được lấy từ trên rừng gai đã được nhuộm sắc, các hoa văn để dệt, chỉ dệt cũng được nhuộm bằng phẩm màu tự nhiên, cho ra những sản phẩm truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc.

Để tấm thổ cẩm đẹp đòi hỏi bàn tay khéo léo, sự tinh tế, tỉ mẩn của phụ nữ. Đây cũng chính là tiêu chuẩn chọn vợ của các chàng trai. Vì thế, các cô gái dân tộc thiểu số được mẹ dạy cho cách dệt thổ cẩm từ thuở nhỏ. Khi thành thạo nghề cũng là lúc đến tuổi lập gia đình, họ có thể tự chuẩn bị cho bên nhà chồng mỗi người một bộ váy, áo để thể hiện tấm lòng của cô dâu. Chăn, màn, đệm, gối cho phòng tân hôn cũng do họ tự tay dệt với ngụ ý rằng, đôi bàn tay khéo léo sẽ biết chăm lo, vun vén cho gia đình êm ấm. Dần dần, thổ cẩm còn có trong cuộc sống thường ngày tại gia đình như: làm ga trải giường, khăn trải bàn, túi đeo, ví cầm tay, khăn quàng cổ, đội đầu... Những tấm thổ cẩm cứ thế hiện diện trong đời sống và trở thành nét đẹp truyền thống không thể phai nhòa.

Thổ cẩm, liệu có nhạt phai?

Một thời gian dài, những khung cửi thưa tiếng, những bản làng vắng bóng sắc màu áo váy thổ cẩm. Nguyên do là những người biết dệt thổ cẩm hầu hết đã lớn tuổi, lại thêm sự phát triển của ngành may mặc, nhu cầu và thị hiếu của người sử dụng cũng đã thay đổi. Người trẻ lại thích sự tiện lợi, thời trang, và hơn hết giá thành của một bộ thổ cẩm cao hơn rất nhiều so với bộ trang phục “phố thị”.

Dù ban đầu nghề dệt thổ cẩm xuất phát chỉ là với mục đích để sử dụng riêng của gia đình, không tính đến việc buôn bán rộng rãi. Tuy nhiên, đứng trước những đòi hỏi và thách thức để nghề dệt thổ cẩm không bị mất đi, nhiều địa phương trong tỉnh đã kết hợp với việc làm du lịch cộng đồng, hoặc xây dựng thương hiệu trong Chương trình OCOP để bà con vừa có cơ hội giữ gìn được nét văn hóa truyền thống, vừa phát triển kinh tế gia đình.

Từ tiềm năng lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, năm 2020, bản Bút đã được xã Nam Xuân (Quan Hóa) chọn thí điểm làm du lịch cộng đồng. Theo bà Phạm Thị Nhị, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Xuân: “Để làm du lịch, cần phải có những điểm khác biệt. Bản Bút có 98% là người dân tộc Thái, nhiều gia đình vẫn duy trì nghề dệt thổ cẩm. Chính vì thế, chúng tôi mạnh dạn xây dựng chương trình phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã để động viên, khuyến khích các hộ dân tiếp tục với nghề dệt. Khách du lịch ngoài thăm bản, thưởng thức các món ăn truyền thống và đi thuyền trên hồ Pha Đay, còn có thể thực hành một số công đoạn dệt thủ công cùng với dân bản. Xã phấn đấu đến năm 2025, bản Bút phải đạt 45-50% thu nhập từ nghề dệt thổ cẩm; hằng năm giải quyết thêm từ 50-100 lao động có việc làm ổn định... Điều này sẽ mở ra hướng đi mới trong phát triển du lịch kết hợp làm kinh tế cho người dân ở bản Bút”.

Để đảm bảo cho nghề dệt truyền thống ở Ngọc Lặc phát triển, ông Phạm Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Những năm qua, huyện Ngọc Lặc đã có nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm. Huyện đã phối hợp với các ngành liên quan mở các lớp đào tạo nghề, trong đó chú trọng nghề dệt thổ cẩm. Cùng với đó, đẩy mạnh việc tuyên truyền vận động người dân mặc trang phục truyền thống của dân tộc trong các dịp lễ, tết. Thời gian tới, để các sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống có thể vươn xa tới nhiều thị trường trong nước và quốc tế, huyện Ngọc Lặc quyết tâm thực hiện các tiêu chí theo quy định để đưa sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống ở xã Cao Ngọc trở thành một trong các sản phẩm OCOP đặc trưng của huyện.

Lũng Niêm là xã có nhiều hộ làm nghề dệt thổ cẩm nhất ở huyện Bá Thước hiện nay. Riêng thôn Lặn Ngoài hiện có 81 hộ duy trì nghề dệt thổ cẩm với hơn 200 phụ nữ tham gia. Thu nhập trung bình của lao động dệt thổ cẩm khoảng 3 triệu đồng/người/ tháng. Ông Lê Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, cho biết: Ngoài xúc tiến thành lập làng nghề truyền thống, huyện cũng đang triển khai các thủ tục đề nghị công nhận thổ cẩm thành sản phẩm OCOP. Bá Thước cũng đã ban hành cơ chế hỗ trợ 30 triệu đồng/1 sản phẩm OCOP.

Một tin vui khác trong bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm là ngày 21-12-2021, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký Quyết định số 5261/QĐ-UBND công nhận nghề truyền thống dệt thổ cẩm bản Bút, xã Nam Xuân; công nhận làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm.

Phải khẳng định, việc duy trì, phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số không chỉ để lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mà còn giải quyết việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân. Tuy nhiên, để thổ cẩm “tươi màu” trở lại chắc chắn rất cần sự chung tay nỗ lực của người dân và chính quyền các cấp thông qua chính sách hỗ trợ, xây dựng được thương hiệu làng nghề gắn với những địa danh, địa chỉ văn hóa du lịch... Từ đó, loại sản phẩm đặc biệt này mới có đủ điều kiện để “đón khách”.

Bài và ảnh: CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]