(vhds.baothanhhoa.vn) - Được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1994, công trình gỗ nghè Vẹt (xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc) đặc sắc không chỉ bởi những giá trị kiến trúc nổi bật, mà còn là nơi ghi dấu những câu chuyện lịch sử thời kỳ Lê trung hưng.

Về thăm Nghè Vẹt

Được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1994, công trình gỗ nghè Vẹt (xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc) đặc sắc không chỉ bởi những giá trị kiến trúc nổi bật, mà còn là nơi ghi dấu những câu chuyện lịch sử thời kỳ Lê trung hưng.

Về thăm Nghè Vẹt

Vùng đất Biện Thượng (Bồng Thượng) bên bờ sông Mã (nay là xã Vĩnh Hùng) từ xa xưa vẫn được biết đến là nơi đất tốt, cụ tổ 4 đời của Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm đã chọn làm nhà, lập nghiệp.

Đây cũng là thời kỳ quyền thần họ Mạc tiếm ngôi nhà Lê. Trung thần Nguyễn Kim với những nỗ lực chính trị bắt đầu sự nghiệp trung hưng nhà Lê. Ở đất Biện Thượng, Trịnh Kiểm sau khi biết Nguyễn Kim vì đại nghĩa, đã tìm cách dò la, liên lạc để tìm về dưới trướng đầu quân. Trong thời gian Trịnh Kiểm không có nhà, mẹ ông là bà Hoàng Thị Dốc chẳng may gặp nạn, xác trôi trên sông. Nhưng điều kỳ lạ, khi đó có một đàn vẹt lớn hàng nghìn con tạo thành “tán che” không cho ánh mặt trời chiếu vào thi thể. Người dân thấy sự lạ, thương cảm cho người đàn bà xấu số đã cùng nhau bàn việc lo hậu sự. Song, chỉ thoáng chốc, mối đã đùn ra tận dòng sông, lấp kín thi thể, tạo nên ngôi mộ lớn. Trịnh Kiểm về sau biết chuyện đã âm thầm cho người đào lấy mộ thân mẫu và bí mật tìm chỗ chôn cất.

Tương truyền, nhớ ơn loài chim vẹt nên khi sự nghiệp thành công, Chúa Trịnh đã xem vẹt là loài chim quý, mang lại may mắn, bình an. Đó cũng là nguyên do ông đặt tên cho ngôi nghè bề thế ở đất Biện Thượng là nghè Vẹt. Thời Chúa Trịnh, loài chim này được xem như linh vật trong thờ tự. Chim vẹt được chạm khắc trên các vật dụng, đồ thờ, kiệu rước nhà Chúa và đặc biệt, đôi vẹt gỗ cỡ lớn được đặt chính giữa gian tiền đường nghè Vẹt là minh chứng cho vị trí quan trọng của loài chim này.

Nghè Vẹt, từ xa xưa được người dân trong vùng lập dựng để thờ Thành hoàng làng Quản gia Đô bác Đại vương Trịnh phủ quân Trịnh Ra. Theo lưu truyền dân gian và một số tài liệu để lại, Trịnh Ra nổi tiếng là người thông minh, mẫn tiệp và trung tín, dù làm quan nhưng ông thường mang của cải để cứu giúp dân nghèo. Sau khi mất, ông được truy phong là “Đương giang quản gia thần vương”. Các đời vua, chúa về sau cũng thêm nhiều lần ban sắc phong. Để khắc ghi công đức của ông, Nhân dân ở nhiều làng ven bờ sông Mã đã lập đền thờ, tôn Trịnh Ra làm Thành hoàng làng. Và nghè Vẹt là một trong số đó.

Đến thời Chúa Trịnh Kiểm, di tích chính thức được gọi tên nghè Vẹt và xây dựng với quy mô vô cùng lớn, bao gồm những “tòa ngang, dãy dọc” bề thế. Di tích với hậu cung bên trong để ngai thờ và bài vị cụ Trịnh Ra. Cùng với đó, các gian bên ngoài thờ bà Hoàng Thị Dốc- mẹ Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm và 12 đời Chúa Trịnh.

Nghè Vẹt tọa lạc trên khu đất rộng khoảng 2.000m2. Trước sân hiện còn chiếc khánh đá treo trên giá đỡ, trên khánh đá có chạm khắc hoa văn tinh xảo, gõ vào nghe tiếng kêu trầm bổng ngân nga như chuông. Giữa sân là bình phong và đôi rùa đá quỳ chầu hai bên để ngăn chặn tà khí bên ngoài len lỏi vào bên trong, tạo sự linh thiêng của nghè.

Nghè ngoảnh hướng Nam, lưng tựa vào núi, mặt hướng ra sông, tiền đường có 11 gian nối dài, kiến trúc các vì theo kiểu đăng đối. Tại đây có bàn thờ và bài vị của các chúa Trịnh. Vật liệu chính làm nghè là gỗ, mái lợp ngói. Theo người dân địa phương, nghè Vẹt được dựng lên từ bàn tay, khối óc của hàng trăm người thợ lành nghề trong khắp cả nước lúc bấy giờ. Tương truyền, chúa Trịnh khi đó đã “giao” cho mỗi “tỉnh, huyện” làm một “vì”, đến hạn thì cùng đưa về Biện Thượng để lắp ghép, dựng lên. Với mong muốn công trình bền vững, vật liệu dựng nghè khi đó được chọn hoàn toàn từ gỗ lim lớn, loại tốt nhất. Khác với nhiều di tích cùng thời, nghè Vẹt không nặng về tiểu tiết hoa văn chạm khắc mà chú trọng sự đăng đối, tạo nên vẻ đẹp bề thế, vững bền cho di tích.

Bên trong di tích cũng lưu giữ nhiều hiện vật, như: đại tự, phỗng vòng tay trong tư thế quỳ, kiệu rước, 4 ngựa gỗ (2 trắng, 2 nâu). Đặc biệt, đôi vẹt gỗ tương truyền do chính chúa Trịnh Kiểm cho người tạo tác ngay sau khi thắng trận trở về nhằm khắc ghi công ơn của loài chim. Ông Lê Văn Dùng, người nhiều năm trông coi di tích cho biết: “Xưa kia các nhà Chúa cho tạo tác rất nhiều vẹt, cứ một cột gỗ là 1 vẹt... Nhưng đến nay, chỉ còn đôi vẹt lớn, được xem như “biểu tượng” của di tích, là niềm tự hào về truyền thống uống nước nhớ nguồn của cha ông xưa”.

Hàng năm, vào ngày lễ quan trọng (18 tháng 2 giỗ Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm và 14 tháng 11 giỗ cụ Trịnh Ra) người dân khắp vùng cùng nhau trở về nghè dâng lễ, tỏ lòng thành kính, tạo thành nét đẹp văn hóa truyền thống.

Nằm trong quần thể Khu Di tích Phủ Trịnh, nghè Vẹt với nét đẹp cổ kính, thâm nghiêm, nhiều giá trị văn hóa được lưu giữ là điểm đến chiêm bái hấp dẫn trong hành trình về nguồn của Nhân dân và du khách gần xa.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]