(vhds.baothanhhoa.vn) - Hà Trung sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy ngành du lịch phát triển, trong đó việc gắn liền với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị của di tích, danh thắng, giá trị phi vật thể là nền tảng quan trọng để làm được điều đó.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hà Trung bảo tồn các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch

Hà Trung sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy ngành du lịch phát triển, trong đó việc gắn liền với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị của di tích, danh thắng, giá trị phi vật thể là nền tảng quan trọng để làm được điều đó.

Hà Trung bảo tồn các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch

Huyện Hà Trung có 72 di tích, danh thắng đã được Nhà nước công nhận, trong đó có 9 di tích cấp quốc gia và 63 di tích cấp tỉnh. Đây cũng là địa phương hiện còn giữ được số lượng đình làng cổ nhiều nhất với 27 đình, nằm rải rác trên địa bàn các xã. Tuy vậy, hầu hết số đình làng cổ nói trên đã và đang trong quá trình xuống cấp nghiêm trọng nhiều năm nay.

Ông Phạm Xuân Quyền, cán bộ văn hóa xã Hà Vân cho biết: Trên địa bàn xã có hai đình Vân Điền và Phạm Xá có tuổi đời trăm năm, đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh nhưng đều trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng 4-5 năm nay. Nhiều bộ phận như cột, xà, rui, mè đã hư hỏng, mái ngói cũng thường xuyên trong tình trạng tương tự, dẫn đến việc cứ mưa là bị dột. Theo ước tính, để trùng tu, sửa chữa 1 đình cần từ 1,5 đến 2 tỷ đồng. Với khả năng của xã, để có nguồn kinh phí như trên là điều bất khả thi trong bối cảnh đời sống, thu nhập của người dân còn khó khăn. Xã cũng đã tranh thủ các nguồn lực, kêu gọi sự đóng góp của người dân, nhà hảo tâm để sửa chữa, khắc phục nhưng chỉ mang tính vá víu tạm thời. Chỉ được một thời gian ngắn lại hư hỏng.

Theo số liệu từ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hà Trung: Trong tổng số 27 đình trên địa bàn thì có 16 đình hiện đang trong tình trạng cần sửa chữa, trùng tu khẩn cấp. Trong đó phần lớn là các đình có tuổi đời trên 100 năm trở lên. Đình Thiên Phú (xã Hà Đông) có tuổi đời trên 600 năm đã xuống cấp nghiêm trọng, cần khoản kinh phí gần 2 tỷ đồng để trùng tu, sửa chữa. Mặc dù tỉnh đã có sự hỗ trợ 500 triệu nhưng địa phương không dám nhận vì không biết lấy đâu ra số kinh phí còn lại. Một số đình khác trong tình trạng “kêu cứu” có thể kể thêm như đình Bình Lâm (xã Hà Lâm), đình Chánh Lập (xã Hà Giang), đình Đô Mỹ (xã Hà Tân)... Không chỉ có hệ thống các đình cổ, nhiều di tích đền, chùa đã được xếp hạng trên địa bàn huyện Hà Trung cũng trong tình trạng tương tự.

Đền Trần (xã Hà Dương) đang trong quá trình hoàn thành việc trùng tu, tôn tạo.

Ông Nguyễn Văn Tùng - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hà Trung cho biết: “Đối với các di tích quốc gia, huyện đã thành lập các ban, tiểu ban quản lý, còn các di tích cấp tỉnh giao cho UBND các xã, thị trấn quản lý. Tuy nhiên, do số lượng cán bộ chuyên trách có trình độ chuyên môn còn ít, phần lớn là kiêm nhiệm; các xã thị trấn thiếu nguồn kinh phí để trùng tu, sửa chữa; công tác xã hội hóa huy động các nguồn lực chưa hiệu quả, do đó việc trùng tu, sửa chữa các di tích lịch sử - văn hóa hiện nay của huyện gặp rất nhiều khó khăn. Huyện cũng đã tiến hành rà soát, đánh giá hiện trạng để lập hồ sơ các di tích trọng điểm, lập dự án trùng tu, tôn tạo các di tích danh thắng trên địa bàn, trong đó ưu tiên những di tích đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Đây cũng là giải pháp để bảo tồn các giá trị văn hóa, là nền tảng để huyện tập trung phát triển du lịch”.

Thực hiện chủ trương đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Huyện ủy Hà Trung đã ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết 03 ngày 21/12/2016 về bảo tồn và phát huy giá trị di sản, văn hóa gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025, trong đó công tác quản lý các di tích, danh thắng, việc tập trung bảo vệ, tu bổ và phục hồi các di sản vật thể trên địa bàn là một trong những giải pháp hàng đầu. Mục tiêu của huyện Hà Trung là đến năm 2020, 70-80% các di tích đã được xếp hạng các cấp sẽ được khoanh vùng bảo vệ, lập hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đến (năm 2025 tỷ lệ này là 100%); 40-45% di tích đã xếp hạng các cấp được trùng tu, tôn tạo chống xuống cấp, hoàn thành việc trùng tu, tôn tạo các di tích trọng điểm.

Từ năm 2015 đến nay, huyện đã tập trung các hướng các tuyến điểm du lịch trên địa bàn, điển hình như: tuyến du lịch từ di tích Đò Lèn chiến thắng - Đền Trần - đền thờ Lý Thường Kiệt; chùa Linh Xứng - đền Cây Thị - Đền Hàn Sơn - Đền Cô Bơ gắn với du lịch dọc sông Lèn, rừng sến Tam Quy; vùng trang trại Đông - Phong - Ngọc; kết nối tuyến du lịch dọc sông Mã của tỉnh; tuyến đền Trần - Lăng Miếu Triệu Tường; đình Gia Miêu - đền Rồng - đền Nước (xã Hà Long)... Song song với đó là phát triển các sản phẩm du lịch về tâm linh như lễ hội đền Hàn, lễ hội Đình Cơm Thi, lễ khai ấn đền Trần, lễ khai ấn đền Lý... UBND huyện cũng đã đầu tư trên 15 tỷ đồng, UBND các xã đầu tư trên 20 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo các di tích trên địa bàn, đồng thời phục dựng các lễ hội truyền thống ở các địa phương và các di tích, danh thắng trọng điểm nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của từng di tích, thu hút đông đảo khách thập phương, đáp ứng nhu cầu về tín ngưỡng và văn hóa tâm linh của các tầng lớp nhân dân.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Trung Nguyễn Xuân Dũng cho biết: Trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy ngành du lịch phát triển, trong đó việc gắn liền với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị của di tích, danh thắng, giá trị phi vật thể là nền tảng quan trọng để làm được điều đó. Tăng cường công tác quảng bá, tuyên truyền về thế mạnh du lịch của địa phương gắn với việc kêu gọi đầu tư. Huyện Hà Trung luôn xác định, du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030”.

Thảo Nguyên


Thảo Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]