(vhds.baothanhhoa.vn) - Chỉ mới hơn 10 năm làm tranh đồ họa, nhưng họa sĩ Bùi Thị Ngoan (sinh năm 1983), quê ở xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa), đã khẳng định sự lựa chọn đúng đắn của mình. Liên tục giành các giải thưởng trong tỉnh và khu vực, chị là một trong những gương mặt họa sĩ trẻ sáng giá của xứ Thanh.

Họa sĩ Bùi Thị Ngoan với tranh đồ họa

Chỉ mới hơn 10 năm làm tranh đồ họa, nhưng họa sĩ Bùi Thị Ngoan (sinh năm 1983), quê ở xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa), đã khẳng định sự lựa chọn đúng đắn của mình. Liên tục giành các giải thưởng trong tỉnh và khu vực, chị là một trong những gương mặt họa sĩ trẻ sáng giá của xứ Thanh.

Họa sĩ Bùi Thị NgoanHọa sĩ Bùi Thị Ngoan.

Vừa gặp tôi, Bùi Thị Ngoan khoe đề tài nghiên cứu khoa học “Thiết kế hệ thống lịch tết sử dụng hệ thống chạm khắc truyền thống đình làng Thanh Hóa” do chị hướng dẫn các sinh viên đã đạt Giải Nhất Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) Thanh Hóa. Chị còn cho biết thêm: “Đã có vài đơn vị đặt hàng chúng tôi làm lịch tết. Đối với sinh viên đây chính là động lực lớn nhất để các em phấn đấu. Nhìn bọn trẻ vui mừng thế này, tôi lại nhớ về lần đầu tiên mình đạt giải thưởng”.

Tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp năm 2006, năm 2010 chị về công tác tại Khoa Mỹ thuật, Trường Đại học VH,TT&DL Thanh Hóa. Nhờ một lần học “ké” tiết dạy vẽ tranh khi theo học chương trình thạc sĩ mà từ đó chị thấy yêu thích và đam mê tranh đồ họa. Chị có thể kết hợp giữa sự tỉ mẩn của một người làm thiết kế với sự bay bổng của một nghệ sĩ. Từ những bức tranh đầu tiên, chị đã ít nhiều bộc lộ cá tính nghệ thuật của mình.

Chị là một trong số ít những người được nhận học bổng thực tập sinh đi đào tạo ở nước ngoài khi trở về phát huy hết khả năng học tập và sáng tạo. Một năm (2015) học tập ở Ba Lan, “đó là năm giá trị vì tôi được làm tranh và được trau dồi kiến thức. Tôi thoải mái làm theo cách của mình và làm điều mình muốn”. Ngày nào cũng làm việc nên khi kết thúc chương trình thực tập sinh chị đã có triển lãm cá nhân với hơn 30 bức tranh. Đây là nền móng vững chắc để chị tự tin bước đi trên con đường nghệ thuật.

Nhắc lại lần đầu tiên được nhận giải Tác giả trẻ của Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (năm 2017) với bức tranh “9h sáng - 9h tối” (chất liệu in đá), chị nói: “Tôi vốn chỉ vẽ những cái mình thích. Tôi đặc biệt thích cỏ cây hoa lá, động vật hay côn trùng. “9h sáng - 9h tối” là sự ngưỡng mộ của tôi với thiên nhiên. Một cái cây có thể không có lá nhưng vẫn sống qua mùa đông lạnh giá để sang mùa xuân lại đâm chồi nảy lộc. Ngoài ấn tượng thị giác, người xem còn hiểu thêm sức mạnh của thiên nhiên". Cũng nhờ giải thưởng này mà năm 2018 chị lại tiếp tục nhận được học bổng đào tạo ở Ba Lan 6 tháng.

Tranh của Bùi Thị Ngoan không chỉ đẹp về màu sắc mà còn có sự ấm nồng ý tưởng. Mặc dù vẽ thiên nhiên nhưng không đơn thuần là sự miêu tả thiên nhiên tươi đẹp hay khắc nghiệt, điều chị muốn gửi gắm chính là mối quan hệ với con người. Xem tranh “Hẹn ước”, chỉ với hình ảnh cây đa và bát hương cũng đủ gợi lên sự mất mát. Lời hẹn gặp lại năm nào của những người ra chiến trường có thể không thực hiện được, nhưng người thân nơi hậu phương vẫn luôn khắc khoải chờ đợi. “Hôm qua - hôm nay - ngày mai” là tranh kể câu chuyện đời cây, đời người. Hôm qua tôi là chồi non nho nhỏ, nhưng hôm nay đã trưởng thành và là một cái cây khỏe mạnh, có nhiều con, nhiều cháu. Ngày mai cái cây có thể cằn cỗi, già nua nhưng vẫn là chỗ dựa để con cháu vươn lên. Một ý tưởng được biểu đạt rất đơn giản, và ngay lập tức nhận được nhiều lời khen trong Triển lãm mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung năm 2018. Còn “Khoảng giữa của sự bất an” ra đời đúng thời điểm đại dịch COVID-19, khi mọi thứ đang biến đổi từng ngày và con người luôn có cảm giác bất an, hoang mang. Có những sự bất bình thường như con mèo cuộn tròn trong lòng con cá, cái cốc chông chênh không đứng vững, và con chuột vốn xưa nay thích đục khoét thì lại trở nên rụt rè, nhưng rồi chúng ta vẫn phải chấp nhận và sống chung với tất cả những điều đó.

Tranh của Bùi Thị Ngoan thường có kích thước nhỏ. Bộ tranh “Khoảng giữa của sự bất an” (giải B, Triển lãm mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung 2021), mỗi bức chỉ có kích thước 20cm x 20cm. Bức to nhất chị vẽ cũng chỉ 40cm x 60cm. Tuy vậy, với nghệ thuật kích thước hay chất liệu chỉ là công cụ, là phương tiện để hỗ trợ cho nghệ sĩ thể hiện ý tưởng. Ý tưởng dẫn dắt phương tiện, bởi thế, đứng trước tác phẩm của Bùi Thị Ngoan người ta thường phải dừng lâu hơn, nghĩ sâu hơn để từ đó có mong muốn được thưởng thức. Kích thước nhỏ nhưng mang ý tưởng lớn.

Khi tôi hỏi, chị thích những tranh dòng tranh nhỏ, chị cười: “Trong kỹ thuật đồ họa có một phần liên quan đến máy in. Nếu muốn in được những bức tranh to thì phải đi thuê máy ở các trung tâm lớn, thậm chí gửi ra Hà Nội. Để phù hợp với việc mình đang làm và điều kiện kinh tế, tôi chủ yếu làm tranh khổ 40cm x 60cm. Còn để không phụ thuộc vào máy in thì tôi phải thay đổi vật liệu như có thể làm tranh in lưới. Trên thế giới, bức tranh đồ họa nổi tiếng chỉ có kích thước 2cm x 2cm. Điều đó để nói, kích thước không thể hiện nội dung và giá trị bức tranh”.

Tranh in kích thước nhỏ (mini prints) đang được giới sáng tác và người yêu tranh trên toàn thế giới quan tâm. Gần đây nhất, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Triển lãm Hanoi Print 2019 thu hút các họa sĩ đồ họa trẻ tham gia. Sáng tác tranh in mini luôn là thách thức không nhỏ, bởi nó đòi hỏi sự độc đáo về ý tưởng tạo hình và những kỹ năng, kỹ thuật điêu luyện trong thể hiện hình tượng nghệ thuật. Nhưng với họa sĩ Bùi Thị Ngoan đó không phải là thách thức mà là chủ ý: “Hiện tại, tôi chỉ muốn làm những bức tranh vừa phải, đủ nhìn, đủ treo, đủ trưng bày. Còn trong thời gian tới, nếu có điều kiện và thời gian, biết đâu tôi cũng muốn thử nghiệm làm những dòng tranh có kích thước lớn”.

Bùi Thị Ngoan có cái hồn nhiên của sự tự tin nhưng lại khá nghiêm ngắn so với nhiều họa sĩ tranh giá vẽ. Mỗi bức tranh của chị đều được thực hiện rất kỹ, rất lâu. Chị chia sẻ: “Tôi thích kỹ thuật khắc mica vì sự tỉ mẩn, tiện lợi, đi đâu cũng có thể mang đi, ngồi lọ mọ làm, và dưới ngòi bút sắt, những nét vẽ li ti của tôi trở nên vừa thuần thục nhưng cũng vừa là sự khám phá. Sử dụng chất liệu này, không hóa chất độc hại môi trường, không tốn kém về vật tư... tiết kiệm tiền bạc, và không gian làm việc".

“Có bao giờ chị thấy những chất liệu này làm hạn chế phần nào ý tưởng sáng tạo không?”, Bùi Thị Ngoan trả lời: “Kỹ thuật đồ họa có thể dùng chất liệu khắc khô, khắc mica, in đá, in độc bản, khắc gỗ, li tô, in lưới... Tôi có thể kết hợp nhiều kỹ thuật khác nhau chứ không nhất thiết dùng một kỹ thuật. Chất liệu không quyết định tư duy sáng tạo. Vấn đề là sáng tạo đến đâu, và có đạt được đúng mục đích không? Điều này lại phụ thuộc vào việc người nghệ sĩ có tận dụng và phát huy các kỹ thuật đang dùng”.

Trở về với nghề nghiệp chính, giảng viên bộ môn Đồ họa của khoa Mỹ thuật, Trường Đại học VH,TT&DL Thanh Hóa, Bùi Thị Ngoan sẵn sàng truyền lửa cho các sinh viên của mình. Bởi theo chị, đây là ngành học phù hợp với xu thế thời đại, vì vừa là ngành vừa là nghề, nên sinh viên ngay khi đang học vẫn có thể đi làm thêm và ra trường dễ xin việc.

Chỉ với hơn 10 năm trong nghề, nhưng với nội lực và tư duy sáng tạo, Bùi Thị Ngoan đã có 2 lần tham dự Triển lãm mỹ thuật toàn quốc, cùng nhiều giải thưởng khu vực và trong tỉnh. Tranh chị không có màu sắc bắt mắt, đèm đẹp, dễ nhìn, nhưng lại hấp dẫn ở chính những câu chuyện ẩn sau những từng đường nét.

Bài và ảnh: Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]