(vhds.baothanhhoa.vn) - Văn hóa là một khái niệm “đa chiều”, bởi nhìn ở bề rộng hay chiều sâu, không gian hay thời gian, nó đều lấp lánh những giá trị đặc sắc. Vấn đề là làm thế nào để văn hóa thấm sâu vào đời sống, trở thành nguồn lực nội sinh cho phát triển bền vững?

Kéo gần khoảng cách “lượng” - “chất” các danh hiệu văn hóa (Bài cuối): Để văn hóa thấm sâu vào đời sống

Văn hóa là một khái niệm “đa chiều”, bởi nhìn ở bề rộng hay chiều sâu, không gian hay thời gian, nó đều lấp lánh những giá trị đặc sắc. Vấn đề là làm thế nào để văn hóa thấm sâu vào đời sống, trở thành nguồn lực nội sinh cho phát triển bền vững?

Kéo gần khoảng cách “lượng” - “chất” các danh hiệu văn hóa (Bài cuối): Để văn hóa thấm sâu vào đời sống

Lễ hội văn hóa - du lịch Bàn Bù (huyện Ngọc Lặc). Ảnh: P.V

Đánh giá thực chất

Theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, quá trình triển khai Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17-9-2018 của Chính phủ về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, sở đã hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương thực hiện xét công nhận các danh hiệu văn hóa theo đúng quy định. Theo đó, năm 2020, toàn tỉnh có 862.043/957.825 hộ gia đình đăng ký phấn đấu để xét công nhận danh hiệu văn hóa, chiếm tỷ lệ lên đến 90%; có 3.704/4.357 thôn, bản, tổ dân phố đăng ký xét công nhận danh hiệu văn hóa, chiếm tỷ lệ 85%. Đồng thời, tính đến tháng 8-2020, toàn tỉnh có 2.228/4.412 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa cấp huyện (chiếm tỷ lệ 50,5%); 754/4.412 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa cấp tỉnh (chiếm tỷ lệ 17,1%).

Thế nhưng, khách quan nhìn nhận, những thành tựu và tiến bộ đạt được trong các phong trào văn hóa vẫn chưa thật vững chắc, khiến cho văn hóa chưa hội đủ sức mạnh để tác động tích cực đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là việc giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống. Từ việc coi thường luật pháp trong tham gia giao thông, đến sự “vô cảm” trước nỗi đau của con người; từ vấn nạn bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, đến các tai tệ nạn xã hội... Đó đều là biểu hiện của sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận người dân, nhưng đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tinh thần và môi trường văn hóa lành mạnh. Thực trạng đáng buồn ấy đang gọi tên văn hóa, đòi hỏi văn hóa cần đóng góp nhiều hơn hay có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc điều chỉnh sự lệch lạc trong nhận thức và hành vi của con người, thông qua các giá trị cốt lõi là các giá trị thẩm mỹ, tư tưởng nhân văn và hướng thiện trong truyền thống dân tộc. Trong khi đó, không thể phủ nhận, “bệnh hình thức” và chạy theo thành tích trong các hoạt động và báo cáo kết quả xây dựng đời sống văn hóa vẫn còn tồn tại. Chính vì vậy, việc đánh giá hiệu quả một phong trào hay giá trị một danh hiệu văn hóa, thiết nghĩ, cần vượt lên những con số thống kê để nhìn sâu vào bản chất.

Lỗ hổng chính sách hay năng lực thực thi trong thực tiễn của đội ngũ cán bộ, đều là những vấn đề đáng bàn. Bởi suy cho cùng, chính sách và con người có mối quan hệ hữu cơ, khi chính sách hướng đến sự thụ hưởng của con người và con người tác động trực tiếp đến hiệu quả chính sách. Cho nên, cần đề ra giải pháp chính sách phù hợp và cách thức thực thi hữu hiệu để công tác bình xét danh hiệu văn hóa thật sự đi vào chiều sâu. Trao đổi về vấn đề này, ông Trương Quốc Huy, phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hậu Lộc cho rằng, cần nâng tầm các danh hiệu văn hóa thành danh hiệu thi đua. Có như vậy mới tạo ra cơ chế cho việc kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng các tiêu chí. Đồng thời, để việc xét tặng danh hiệu có ý nghĩa, giá trị và tạo động lực, khí thế, niềm tự hào để từng gia đình, từng thôn làng ra sức phấn đấu mong được “đề tên bảng vàng”.

Quá trình triển khai Nghị định 122 tại xã Nga Tiến (Nga Sơn) thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã, thì một “nguyên tắc cứng” khi xét tặng các danh hiệu văn hóa là “bảo đảm khách quan, công bằng, chính xác và công khai”. Qua đó, các danh hiệu đi vào thực chất, tránh tình trạng trao danh hiệu đại trà, chạy theo thành tích. Bởi lẽ, nếu coi nhẹ việc bình xét hay nới lỏng tiêu chí để “cả làng cùng vui”, thì vô hình chung đã làm “thui chột” tinh thần nỗ lực phấn đấu của người dân. Đồng thời, các danh hiệu cũng mất đi ý nghĩa hay giá trị tôn vinh. Với “kim chỉ nam” ấy, hiện cả 7/7 thôn trên địa bàn xã đều đạt và giữ vững danh hiệu văn hóa.

Tiệm cận giá trị mới

Thôn Thuần Nhất, xã Phú Lộc (Hậu Lộc) đang trong những ngày bận rộn thu hoạch hoa màu. Trục đường bê tông chính trải dài đến chân ruộng cho những công nông, ô tô thương lái chờ sẵn gom hàng. Những vạt hoa màu, rau củ vừa dời khỏi tay người nông dân đã biết địa chỉ cần đến. Bà con có thể nhẩm ra ngay thu nhập và dự tính việc gối vụ mới cho mảnh đất ngay dưới chân họ... Nhịp sống dẫu tất bật nhưng không phải là nỗi vất vả lo toan vốn dĩ là đặc trưng cố hữu của những làng quê thuần nông. Ngược lại, bức tranh ngày mùa lại phác họa sinh động dáng dấp nông thôn mới trù phú và yên bình. Đến nỗi, được hít thở dưới bầu không khí ấy thôi, ta như chợt nhận ra “mùi của hạnh phúc”.

Không phải chuyện kể xưa cũ khiến con người đắm chìm trong những mơ tưởng, có đôi khi hão huyền. Câu chuyện cổ tích ngày mới được dệt trên nền cuộc sống đang “đổi thịt thay da”, khi làng quê đã bứt mình khỏi sự kìm hãm của đói nghèo lạc hậu. “Biên độ” cuộc sống không còn bó hẹp sau lũy tre, khi cánh cổng làng luôn rộng mở để đón lấy luồng gió mới của đổi thay và phát triển. Trong những thôn xóm san sát nhà cửa, con đường rộng rãi tinh tươm cũng là con đường đã được người ta dự tính cho cả thế hệ sau đi ra từ làng. Họ dành cái vị thế đắc địa nhất của làng để dựng nhà văn hóa, mở sân bóng chuyền, kéo điện cao áp. Để khi chiều buông xuống và màn đêm căng lên, những “nghệ sĩ Nhân dân” tạm ngơi tay cấy tay cày để lên sân khấu, cất tiếng hát ngợi ca cuộc sống tươi đẹp.

Có lẽ, dáng dấp của “miền quê đáng sống” cũng đến vậy mà thôi. Bởi suy cho cùng, khi kinh tế phát triển và văn hóa đồng hành, thì cuộc sống mới vươn đến sự hài hòa, hay mới tạo ra những giá trị chung nâng đỡ và cố kết cộng đồng. Thế nhưng, ngay cả khi cuộc sống khó khăn mà văn hóa vẫn âm thầm chảy xuôi và thấm sâu vào đời sống; thì nó cũng đã “đôn sẵn” cái nền bền vững cho mọi sự phát triển. Vậy nên, từ đòi hỏi của cuộc sống và nhu cầu của chính chủ thể sáng tạo - hưởng thụ văn hóa, các phong trào văn hóa đã ra đời, ví như việc xây dựng “làng văn hóa” mà không phải “làng kinh tế”. Trở lại với câu chuyện của Phú Lộc - xã đầu tiên của huyện Hậu Lộc đang trên hành trình hiện thực hóa mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện xã có 8/8 thôn văn hóa và 94,8% gia đình văn hóa (năm 2020). Đây là con số rất cao, song không phải là “tỷ lệ vĩnh viễn”, nếu các tiêu chí bị rơi rớt. Đồng thời, Phú Lộc đang được định vị trên những thang bậc, tiêu chí, tiêu chuẩn rộng hơn về lượng và cao hơn về chất. Điều đó đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc xây dựng, duy trì và nâng cao chất lượng từng tiêu chí. Đặc biệt, việc đặt người dân vào trung tâm - vừa hưởng thụ và gìn giữ, vừa sáng tạo và trao truyền văn hóa - nhằm tạo sợi dây gắn kết bền chặt giữa văn hóa - con người - kinh tế, cũng chính là “thế chân kiềng” nâng đỡ để Phú Lộc tiệm cận đến những giá trị “kiểu mẫu”. Để từ Phú Lộc, mong rằng rồi đây sẽ có ngày càng nhiều làng quê nông thôn mới vừa văn minh vừa đậm đà bản sắc, đáng là nơi để con người sinh sống - hưởng thụ và “neo đậu” tâm hồn.

Khi bàn về văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra một quan niệm giản dị mà sâu sắc và mang tính nguyên lý, rằng “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Nội hàm sâu xa của nguyên lý phản ánh ý nghĩa và giá trị bao trùm của văn hóa trên tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để văn hóa thấm sâu vào đời sống và trở thành nguồn lực nội sinh cho phát triển bền vững? Đây vốn là điều không dễ lý giải, song không phải không thể lý giải. Suốt nhiều thập kỷ qua, để văn hóa thực sự đóng vai trò như “ngọn đuốc Đanko”, Đảng ta đã hoạch định nhiều chủ trương quan trọng, phù hợp với từng giai đoạn lịch sử. Song, tất cả đều hướng đến xây dựng hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam, mà trọng tâm là xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa - tinh thần lành mạnh. Bởi suy cho cùng, văn hóa là hướng đến phát triển con người. Và do đó, chỉ khi khơi dậy được nguồn lực con người, với sức mạnh trí tuệ và tinh thần trách nhiệm, thì khi ấy văn hóa mới có thể thấm sâu trong đời sống và tiệm cận đến những giá trị nhân văn của hcân - thiện - mỹ.

Hoàng Xuân - Nguyễn Đạt


Hoàng Xuân - Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]