(vhds.baothanhhoa.vn) - Làng cổ Phú Điền ngày nay thuộc xã Triệu Lộc (Hậu Lộc) có Khu Di tích Quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu. Chính nơi đây, hơn 1.700 năm về trước, Bà Triệu đã chọn làm căn cứ đánh giặc Ngô xâm lược. Tên gọi Phú Điền được hiểu là đất tốt - ruộng tốt và rộng hơn, gắn liền với ước vọng cuộc sống ấm no, đủ đầy.

Không gian văn hóa làng cổ Phú Điền

Làng cổ Phú Điền ngày nay thuộc xã Triệu Lộc (Hậu Lộc) có Khu Di tích Quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu. Chính nơi đây, hơn 1.700 năm về trước, Bà Triệu đã chọn làm căn cứ đánh giặc Ngô xâm lược. Tên gọi Phú Điền được hiểu là đất tốt - ruộng tốt và rộng hơn, gắn liền với ước vọng cuộc sống ấm no, đủ đầy.

Không gian văn hóa làng cổ Phú ĐiềnĐình Phú Điền tọa lạc ở trung tâm làng, là điểm tựa tâm linh, nơi người dân gửi gắm ước vọng bình yên, no đủ, làng quê trù phú.

Làng Phú Điền khi xưa còn có tên gọi Kẻ Bồ - trang Bồ Điền. Trong đó, Kẻ Bồ là tên gọi làng thời Việt cổ. Theo sách Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX, Phú Điền là đơn vị hành chính kiểu “nhất xã nhất thôn” thuộc tổng Đại Lý, huyện Phong Lộc, phủ Hà Trung, trấn Thanh Hóa, về sau tổng Đại Lý được “trả” về huyện Hậu Lộc. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, làng Phú Điền thuộc xã Phú Điền. Và từ năm 1954 đến nay, làng Phú Điền là đơn vị hành chính của xã Triệu Lộc. Tên xã Triệu Lộc được lấy từ tên của người nữ tướng đánh giặc Ngô và chữ “Lộc” trong tên huyện (Hậu Lộc).

Theo nội dung sách “Thanh Hóa kỷ thắng” của tác giả Vương Duy Trinh khi viết về Bà Triệu và cuộc khởi nghĩa, đại ý: Có người con gái họ Triệu, tên húy là Trinh, lúc nhỏ có tên tự là Ẩu, em gái của Triệu Quốc Đạt ở Trung Sơn, Nông Cống. Triệu Thị Trinh có dung nhan đẹp, lại thêm sức khỏe, võ nghệ cao cường. Bất bình trước ách đô hộ của nhà Ngô tàn bạo, Triệu Trinh Nương cùng anh trai Triệu Quốc Đạt đã tập hợp lực lượng, từ núi Quân Yên phất cờ khởi nghĩa, chỉ trong thời gian ngắn đã chiêu mộ được hàng vạn tướng sĩ. Khi anh trai Triệu Quốc Đạt đột ngột qua đời, Triệu Trinh Nương được tôn lên làm chủ tướng.

Từ núi Quan Yên, nghĩa quân Bà Triệu đã tiến xuống đồng bằng, ra phía Bắc và chọn đất Kẻ Bồ - trang Bồ Điền làm nơi đóng quân, giao tranh với giặc. Giặc Ngô ban đầu khinh thường Bà Triệu là phận “liễu yếu đào tơ”. Đến khi xung trận, bà chỉ huy quân sĩ, lao vào trận đánh như chốn không người.

Tại trang Bồ Điền, Bà Triệu và nghĩa quân được sự giúp sức của ba anh em danh tướng họ Lý. Theo thần tích còn lưu truyền tại làng Phú Điền, gia đình họ Lý có ba người con trai từ nhỏ đã ham đọc sách, lại chăm chỉ luyện tập võ nghệ, lớn lên văn võ toàn tài nổi tiếng khắp vùng. Cảm phục trước uy danh, nghĩa khí của vị nữ tướng, ba anh em họ Lý ở trang Bồ Điền đã quyết chí cùng nhau hợp về dưới trướng, nguyện lời thề “ra chiến trường chiến đấu, khi chết lấy da ngựa bọc thây mà trở về” (theo thần tích ghi trong sách chữ Hán Sự tích quyển lưu truyền lưu giữ tại địa phương). Ngày nay, địa điểm ba anh em họ Lý lập lời thề còn đó dấu tích “Miếu bàn thề”. Di tích nằm trên khoảng đất rộng, gần chân núi Tùng, được người dân xây theo hình thức lộ thiên.

Tại căn cứ trang Bồ Điền, chủ tướng Bà Triệu cùng ba ông tướng họ Lý đã chọn địa thế trong vùng, chia thành các khu, đưa toàn bộ đại quân đến đây đồn trú. Chỉ trong vòng vài tháng, nghĩa quân Bà Triệu và giặc Ngô đã diễn ra hơn 30 trận chiến lớn, nhỏ. Dù anh dũng chiến đấu song tương quan lực lượng quá lớn khiến cho nghĩa quân Bà Triệu không thể giành thế chủ động, bị tổn thất nặng nề. Không muốn bị rơi vào tay giặc, nữ chủ tướng đã tuẫn tiết trên đỉnh núi Tùng (ngày 24 tháng 2 âm lịch).

Chứng kiến sự hy sinh tiết liệt của nữ chủ tướng, ba anh em họ Lý đã cùng nhau lựa chọn hy sinh ngay dưới chân núi Tùng để giữ trọn lời thề, đó là ngày mùng 6 tháng 3 (âm lịch). Dân gian lưu truyền, ba ngôi mộ được côn trùng “bao” thành mộ thiêng, người dân đời sau khi có việc đến cầu đảo đều linh ứng. Và Nhân dân Phú Điền cũng tin rằng, cùng với Bà Triệu, ba ông tướng họ Lý cả ngàn năm qua luôn phù trợ để làng vượt qua tai ương, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lăng, giữ sự bình yên. Tại di tích mộ ba ông tướng họ Lý dưới chân núi Tùng, năm 1928, người xưa đã dựng văn bia “Kỷ niệm bia chí” có nội dung ca ngợi công đức Bà Triệu.

Cũng ở làng Phú Điền, có một di tích vô cùng linh thiêng, gắn với đó là sự hiển linh phù trợ của “Linh Quang Đại Vương” cho cuộc khởi nghĩa Bà Triệu. Đó là đền Đệ tứ - còn gọi là Nghè Eo, di tích tuy quy mô không lớn nhưng thâm nghiêm. Nơi đây, khi Bà Triệu đóng quân ở trang Bồ Điền với mong muốn được thần linh phù trợ, giúp đỡ đã lập đàn cầu đảo, khấn nguyện. Khi lời khấn vừa dứt, trời đất bỗng mịt mù, trong mây đen dày đặc hiện ra vị thần áo mũ rực rỡ, tay cầm thẻ bài vàng ghi hai chữ “Linh Quang”, thần tự xưng được thiên đình giao cai quản Nhân dân và vùng đất này, nay biết Bà Triệu mang quân đi đánh giặc nên ngầm phù trợ. Sau đó, Bà Triệu cưỡi voi trắng cùng ba ông tướng họ Lý tay cầm cờ chiến, xông hướng có giặc. Ở những trận đầu giao tranh đều giành thắng lợi, khiến kẻ thù hoảng sợ. Và người dân làng Phú Điền cũng tin rằng, bà đã lệnh cho dân làng lập đền thờ phụng thần quanh năm hương khói, ban hiệu “Linh Quang thần”. Qua các triều đại về sau, Linh Quang thần được phong Bản cảnh Thành hoàng Linh Quang hiển ứng Đại vương. Hiện tại, làng Phú Điền còn lưu giữ ba đạo sắc phong cho thần của triều Tây Sơn và triều Nguyễn.

Thăm làng cổ Phú Điền, sẽ là chưa trọn vẹn nếu không chiêm bái ngôi đình cổ bề thế, linh thiêng, tọa lạc ở vị trí trung tâm của làng. Đình Phú Điền khởi dựng năm 1772, niên hiệu Cảnh Hưng, đến năm 1812 (thời vua Gia Long) được trùng tu và nhiều lần tu bổ về sau.

Đình nhìn ra núi Tùng - nơi có lăng mộ Bà Triệu và mộ ba ông tướng họ Lý. Tòa đại đình cấu trúc theo kiểu chữ “Đinh”, quy mô to lớn, 5 gian 6 vì kèo. Dù trải qua nhiều lần trùng tu song di tích vẫn giữ được kiến trúc truyền thống. Không chỉ bề thế, ngôi đình làng còn nổi bật với các mảng chạm khắc công phu, tinh xảo (chạm bong, chạm lộng; chạm chìm; chạm nổi) đề tài phong phú, như: lá cúc cách điệu; vân mây; hình rồng; chim phượng... các đề tài chạm khắc vừa tuân theo đề tài truyền thống (nho giáo thời bấy giờ), lại bao hàm ý nghĩa dân gian như long, ly, quy, phượng; cá chép hóa rồng; hoa sen; hoa mai; chim sáo; gà trống; đặc biệt là hình tượng người phụ nữ và những hoạt cảnh dân gian trên các “bức cốn” đã thể hiện tư duy phong phú của người nghệ nhân xưa...

Về Phú Điền hôm nay, bên cạnh sự đổi thay phát triển của làng quê nông thôn, còn đó những di tích - dấu tích văn hóa trong quá khứ, lịch sử. Điều đặc biệt, các di tích đều gắn liền với tên tuổi và cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu. Dạo bộ trong không gian văn hóa làng truyền thống, cảm giác mỗi điểm đến nơi đây đều là một “địa chỉ” văn hóa, câu chuyện hàm chứa lịch sử...

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]