(vhds.baothanhhoa.vn) - Hai chữ “Hạc Oa” được người dân địa phương lý giải có nghĩa là tổ của chim hạc. Và làng Hạc Oa, phường Đông Cương (TP Thanh Hóa) là vùng đất cổ với nhiều dấu tích lịch sử, nét đẹp văn hóa còn lưu giữ.

Làng cổ Hạc Oa

Hai chữ “Hạc Oa” được người dân địa phương lý giải có nghĩa là tổ của chim hạc. Và làng Hạc Oa, phường Đông Cương (TP Thanh Hóa) là vùng đất cổ với nhiều dấu tích lịch sử, nét đẹp văn hóa còn lưu giữ.

Làng cổ Hạc OaTheo các tài liệu lưu giữ tại địa phương, muộn nhất vào thời Lý, làng Hạc Oa đã có con người đến sinh sống.

Làng Hạc Oa nằm ở phía Đông Bắc phường Đông Cương. Ngoài Hạc Oa, làng còn được biết đến với những tên gọi khác như: Thổ Sơn, Đông Thổ. Nơi đây có núi Đông Thổ (Thổ Sơn) từng được người xưa ngợi ca là danh thắng. Cũng theo các tài liệu lưu giữ tại địa phương, muộn nhất vào thời Lý con người đã đến Hạc Oa khai hoang, sinh cơ nghiệp. Đến thời Trần, Lê... về sau thì nơi đây đã phát triển thành một làng quê trù phú.

Làng trước kia nằm trên thế đất cao thuộc núi Đông Thổ, bởi vậy mà tên núi cũng được dùng để đặt cho tên làng. Từ Đông Thổ nhìn ra phía Nam là đồi Quyết Thắng; phía Tây giáp làng cổ Đông Sơn; phía Bắc giáp phường Thiệu Dương. Có lẽ do đất tốt tươi, con người lại hiền hòa nên đến khoảng thế kỷ 18, làng quê trù mật Đông Thổ trở thành nơi tìm về trú ngụ của nhiều loài chim như cò, hạc. Theo các cụ cao niên trong làng, khi trấn thành từ Dương Xá chuyển về Thọ Hạc thì Đông Thổ được đổi tên thành Hạc Oa - được hiểu là tổ của chim hạc.

Cũng theo thần tích làng Hạc Oa còn lưu truyền đến ngày nay, khi Bình Định Vương Lê Lợi những ngày đầu phất cờ khởi nghĩa đã phải trải qua nhiều gian khó. Trong một lần qua làng Hạc Oa để liên hệ với các hào trưởng trong vùng thì bị giặc Minh phát hiện và truy đuổi. Trước tình thế nguy cấp, Bình Định Vương Lê Lợi đã được thần hoàng làng Hạc Oa che chở, nhờ đó mới thoát khỏi kiếp nạn. Sau khi lên ngôi, vua Lê Thái tổ đã ban sắc phong cho thần duệ hiệu là “Chiêu Hồng đồng súy dực vận tôn thần”.

Làng cổ Hạc OaTrên nền móng cũ, Di tích lịch sử văn hóa nghè Thổ Sơn đã được người dân Hạc Oa tôn tạo.

Trải qua thời gian hàng trăm năm phát triển, đến nay dù làng Hạc Oa đã có nhiều đổi thay song trong không gian vùng đất cổ vẫn còn lưu giữ nhiều dấu tích là những di sản văn hóa gắn liền với đất và người nơi đây, như: Nghè Thổ Sơn, chùa Tăng Phúc, cùng nhiều văn bia. Các di tích đều nằm xung quanh chân núi Thổ Sơn.

Nhắc đến di tích còn lại trên đất Hạc Oa, không thể không nhắc đến nghè Thổ Sơn - di tích phối thờ nhiều vị thần được người dân Hạc Oa tôn kính. Trong đó, nhân vật được thờ sớm nhất ở nghè Thổ Sơn là Tham Xung Tá Quốc Chàng Ất Đại Vương - tức chàng Út (con trai của Thái thú quận Cửu Chân Lê Ngọc). Chàng Út trong cuộc đối đầu với quân nhà Đường trên đất Cửu Chân đã chiến đấu anh dũng. Bởi vậy, sau khi mất đã được tôn thần, người dân nhiều nơi lập đền thờ phụng.

Cùng với việc thờ Tham Xung Tá Quốc Chàng Ất Đại Vương thì nghè Thổ Sơn còn thờ Thuần Lễ hầu Nguyễn Vĩ - một người con xuất chúng của làng Hạc Oa. Căn cứ theo sử liệu và sắc phong còn lưu giữ tại nghè Thổ Sơn, hậu thế được biết, ông sống và làm quan dưới thời Lê Trung hưng, có nhiều công trạng với triều đình nhà Lê. Sinh thời khi làm quan, Thuần Lễ hầu Nguyễn Vĩ trải qua nhiều chức vụ khác nhau, ông nổi tiếng thanh liêm chính trực, đức trị tỏa sáng khắp vùng. Vì vậy sau khi mất, đã được triều đình sắc phong và người dân Hạc Oa tôn làm Phúc thần của làng. Bác Nguyễn Ngọc Thông - người dân làng Hạc Oa trông coi di tích nghè Thổ Sơn cho biết thêm: “Ngoài ra, nghè Thổ Sơn còn thờ Đức Thánh Lưỡng Trần Khát Chân, danh tướng thời Trần”.

Chưa có tài liệu nào khẳng định chính xác thời gian khởi dựng nghè Thổ Sơn. Song theo người dân địa phương, nghè Thổ Sơn xưa kia quy mô bề thế, nổi tiếng to đẹp. Tuy nhiên qua thời gian, đặc biệt trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ, di tích bị bom khiến hư hỏng nặng. Chỉ còn lại một số đạo sắc phong, chân tảng và thân rồng bằng đá... Với những dấu tích, hiện vật còn lưu giữ, năm 2000, nghè Thổ Sơn đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Và năm 2016, với sự chung tay đồng lòng của người dân địa phương, nghè Thổ Sơn đã được tôn tạo khang trang.

Nằm trên sườn núi Thổ Sơn, cách nghè Thổ Sơn chỉ một quãng ngắn là ngôi chùa Tăng Phúc. Khởi đầu, chùa được xây dựng ở đầu làng, về sau thì chuyển đến sườn núi Thổ Sơn cho đến ngày nay. Căn cứ theo một số tài liệu, văn bia, chùa Tăng Phúc được khởi dựng trước năm Cảnh Hưng thứ 36 (1776). Thời bấy giờ, có ông Lê Huy Vạn và người vợ họ Nguyễn không có con, với tấm lòng hướng Phật nên đã dành tài sản, xuất tiền để xây dựng nên ngôi chùa Tăng Phúc, đồng thời cúng ruộng cho nhà chùa lo việc hương hỏa, tế tự được đời đời.

Làng cổ Hạc OaVăn bia cùng một số hiện vật đá còn lưu giữ tại Di tích lịch sử văn hóa chùa Tăng Phúc.

Chùa Tăng Phúc nằm trên sườn núi, “ngoảnh” mặt hướng Nam với địa thế và cảnh quan hài hòa, tươi đẹp. Lịch sử chùa Tăng Phúc còn gắn liền với cuộc chiến tranh vệ quốc của Nhân dân ta. Theo đó, trong thời gian từ năm 1964-1972 chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, làng Hạc Oa nằm trong khu vực bắn phá của kẻ địch. Lúc này, chùa Tăng Phúc trở thành địa điểm hậu phẫu của mặt trận Hàm Rồng - Nam Ngạn. Tại đây, hàng trăm bộ đội, dân quân bị thương đã được các tăng ni, phật tử cứu thương, chăm sóc. Cùng với đó, nhiều chiến sĩ sau khi hy sinh đã được nhà chùa và người dân an táng cẩn thận.

Với những dấu tích còn lưu giữ và giá trị lịch sử văn hóa, chùa Tăng Phúc đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Về sau trên nền móng cũ chùa đã được tôn tạo bề thế. Ngày nay, chùa Tăng Phúc là điểm đến chiêm bái, dâng hương, vãn cảnh được đông đảo người dân, du khách tìm về với đất cổ Hạc Oa.

Tự hào về bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời của làng Hạc Oa, ông Lê Văn Thi - Trưởng tiểu ban quản lý di tích và các công trình phúc lợi khu vực Hạc Oa, cho biết: “Hạc Oa là vùng đất cổ, điều này đã được sử liệu minh chứng. Người dân Hạc Oa còn rất coi trọng việc kế thừa, gìn giữ các giá trị, nét đẹp văn hóa ông cha để lại. Trong sự phát triển của xã hội ngày nay, những di tích, di vật còn hiện hữu trong không gian làng Hạc Oa không chỉ là sự khẳng định truyền thống văn hóa, văn vật của đất và người Hạc Oa, mà còn là “điểm tựa” để những thế hệ người dân Hạc Oa cùng nhau tự hào vun đắp, xây dựng quê hương, đất nước”.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]