(vhds.baothanhhoa.vn) - Về làng Viên Khê, xã Đông Khê (Đông Sơn) hỏi thăm gia đình bà Nguyễn Thị Cốc, hầu như ai cũng biết. Biết là bởi, bà không chỉ là Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) của nghệ thuật trình diễn Dân ca, dân vũ (DCDV) Đông Anh (Ngũ trò Viên Khê), mà trong gia đình bà ai cũng đam mê và biết trình diễn trò.

Một gia đình say mê Dân ca, dân vũ Đông Anh

Về làng Viên Khê, xã Đông Khê (Đông Sơn) hỏi thăm gia đình bà Nguyễn Thị Cốc, hầu như ai cũng biết. Biết là bởi, bà không chỉ là Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) của nghệ thuật trình diễn Dân ca, dân vũ (DCDV) Đông Anh (Ngũ trò Viên Khê), mà trong gia đình bà ai cũng đam mê và biết trình diễn trò.

Một gia đình say mê Dân ca, dân vũ Đông AnhNghệ thuật trình diễn DCDV Đông Anh trong gia đình NNƯT Lê Thị Cốc được con cháu say mê, kế thừa và trao truyền cho nhau.

DCDV Đông Anh là hệ thống trò diễn đi kèm các bài dân ca, điệu múa, động tác, phản ánh đời sống sinh hoạt, tâm tư tình cảm, kinh nghiệm sản xuất, văn hóa ứng xử… của người dân làm nông nghiệp, nên rất gần gũi và quen thuộc với hầu hết mọi người. Đương nhiên, sự ra đời và phát triển hoàn chỉnh của hệ thống trò diễn trong DCDV Đông Anh không phải câu chuyện của ngày một ngày hai, mà là sự chắt chiu, góp nhặt, trao truyền những tinh hoa, cùng sáng tạo nghệ thuật của cha ông xưa.

Cũng như nhiều di sản văn hóa phi vật thể, dù có nguồn gốc ra đời từ rất sớm song DCDV Đông Anh cũng không tránh khỏi những thăng trầm, gián đoạn và bị mai một trong suốt một thời gian khá dài. Năm 2002 là mốc thời gian quan trọng của việc khôi phục di sản với dự án do Viện Âm nhạc Việt Nam chủ trì, phối hợp với chính quyền và người dân xã Đông Anh thực hiện. Sau gần 10 năm sưu tầm, nghiên cứu, các trò diễn thuộc DCDV Đông Anh đã cơ bản được khôi phục, với sự hỗ trợ đắc lực của người dân địa phương, mà bà Nguyễn Thị Cốc là gương mặt tiêu biểu. Bà Cốc cũng là một trong những người được vinh danh NNƯT đầu tiên của nghệ thuật trình diễn DCDV Đông Anh.

Ở tuổi ngoài 85, NNƯT Nguyễn Thị Cốc vẫn khá minh mẫn trong câu chuyện kể về việc biểu diễn DCDV Đông Anh cách đây nhiều thập kỷ: “Cho đến năm 1946, cứ 3 năm một lần sẽ có cuộc tổng diễn DCDV Đông Anh ở nghè Sâm, thu hút người dân khắp cả tổng cùng về tham gia. Năm 1951 tôi được lựa chọn vào đội hình tập luyện để đi biểu diễn, đến năm 1952 lại theo đoàn đi biểu diễn DCDV Đông Anh ở Hà Bắc (nay là các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh) rồi về Hà Nội… Sau đó, vì chiến tranh kéo dài, đất nước khó khăn khiến cho DCDV Đông Anh dần bị mai một”.

Dù vậy, DCDV Đông Anh vẫn như “mạch ngầm” cứ âm thầm chảy trong huyết quản mỗi người dân Viên Khê. Tại gia đình NNƯT Nguyễn Thị Cốc, cả 7 người con của cụ đều biết hát và biểu diễn DCDV Đông Anh. Trong số đó, đặc biệt hơn cả là vợ chồng anh Lê Công Trưởng - chị Lê Thị Cảnh.

Chị Lê Thị Cảnh cũng là gương mặt quen thuộc với người yêu DCDV Đông Anh. Chị thường xuyên được xã (Đông Khê) và huyện Đông Sơn lựa chọn tham gia biểu diễn DCDV Đông Anh ở các sự kiện văn hóa trong tỉnh. Nói về việc “bén duyên” với di sản văn hóa của ông cha, chị Cảnh cho biết: “Năm 1988 tôi về làm dâu mẹ Cốc. Do bố mẹ chồng trước đây từng làm “con trò” nên trong sinh hoạt gia đình những lúc nông nhàn tôi được trực tiếp truyền dạy từng làn điệu, câu hát, điệu múa. Còn chồng thì được dạy kéo nhị, đánh trống, gõ phách… Bởi đam mê nên càng học càng say, càng hát càng hay”.

Và nếu không say mê, anh chị sẽ chẳng nhiệt tình đến như vậy. Đấy là khi chúng tôi đề nghị vợ chồng chị Cảnh biểu diễn một làn điệu ngay tại nhà mình. Không đắn đo, chị bảo: “Đợi chị một lát”. Trong thoáng chốc, người phụ nữ trung niên chân lấm tay bùn đã hóa thân trong bộ váy áo sặc sỡ; còn anh Lê Công Trưởng cũng biến hình thành chú Cuội. Cứ như vậy, chồng kéo nhị, vợ vừa gõ phách, con trẻ đánh trống. Họ hát say sưa vô cùng. Điều đáng nói, trong hệ thống các trò diễn của DCDV Đông Anh, chị Cảnh tự tin cho biết mình có thể biểu diễn gần hết. Từ tình yêu với di sản, không chỉ dành thời gian, gia đình chị Cảnh còn đầu tư tiền để mua trang phục biểu diễn. Vừa nói, chị vừa “khoe” với chúng tôi những bộ váy áo sắc màu được mua sắm trong nhiều năm qua.

Khi huyện Đông Sơn có chủ trương truyền dạy DCDV Đông Anh vào các trường học và cho Nhân dân các xã trên địa bàn huyện, chị Lê Thị Cảnh được trực tiếp tham gia. Chị cho biết: “Mỗi lần đi truyền dạy là thêm một lần tự hào vì được “khoe” di sản văn hóa của ông cha, rồi lan tỏa đến mọi người, nhất là thế hệ trẻ”.

Vợ chồng chị Lê Thị Cảnh - anh Lê Công Trưởng đều là lao động tự do, cũng nặng gắng mưu sinh, nhưng vì niềm đam mê, trách nhiệm với di sản mà họ đã vượt lên. Chị Cảnh chia sẻ: “Với văn hóa truyền thống nếu không say mê, cứ toan tính thiệt hơn sẽ chẳng thể gắn bó lâu dài. Có thể việc tham gia phong trào văn hóa, văn nghệ, biểu diễn DCDV Đông Anh không mang lại tiền, thậm chí còn tốn tiền (mua sắm trang phục, mất thời gian) nhưng đổi lại là niềm vui, là tình yêu với di sản được thắp lên. Đó là những giá trị không thể đong đếm bằng tiền bạc”. Và không biết có phải, chính sự vô tư, hồn hậu và say mê không toan tính với việc gìn giữ, trao truyền di sản văn hóa phi vật thể DCDV Đông Anh, nên đổi lại chị Lê Thị Cảnh có một “sắc vóc” tươi tắn, trẻ hơn tuổi ngoài 50 của mình.

Ông Lê Bá Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Khê, cho biết: “Ở Đông Khê, người dân rất có ý thức trong việc khôi phục, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể DCDV Đông Anh. Trong đó, tiêu biểu là gia đình NNƯT Nguyễn Thị Cốc và các con, cháu”.

Tự hào và tự nhận về một phần trách nhiệm trong việc gìn giữ, trao truyền DCDV Đông Anh là câu chuyện đang diễn ra ở gia đình NNƯT Nguyễn Thị Cốc. Điều đó cho thấy, trong cộng đồng cần nhiều hơn nữa những con người đắm mình với văn hóa dân gian, không tính toán thiệt hơn, để bắc những nhịp cầu trao truyền di sản văn hóa phi vật thể của cha ông qua từng thế hệ.

Bài và ảnh: Trang Bùi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]