(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Một chiều cuối đông năm Bính Thân 2016, tôi đứng ở đầu núi Lạch Bạng, dưới chân núi là con lạch dạt dào sóng nước, tấp nập tàu thuyền. Biển trước mặt tôi mênh mông, một con tàu đang lao nhanh ngoài khơi. Con tàu đi ngang đảo Mê, hòn đảo suốt thời đánh Mỹ đã mang nhiều thương tích nhưng cũng lập nhiều chiến công đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Một vùng trầm tích và hiện đại

(VH&ĐS) Một chiều cuối đông năm Bính Thân 2016, tôi đứng ở đầu núi Lạch Bạng, dưới chân núi là con lạch dạt dào sóng nước, tấp nập tàu thuyền. Biển trước mặt tôi mênh mông, một con tàu đang lao nhanh ngoài khơi. Con tàu đi ngang đảo Mê, hòn đảo suốt thời đánh Mỹ đã mang nhiều thương tích nhưng cũng lập nhiều chiến công đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng.

Đảo Mê là một hòn đảo lớn trong quần đảo mà người xưa từng viết: "Ngọc Sơn trung tú vạn niên cơ". Có nghĩa là: Ngọc Sơn (tên cũ của Tĩnh Gia) tập trung cảnh đẹp có nguồn gốc vạn năm. Trong cái quần thể cảnh đẹp ấy của đất Tĩnh Gia thì quần đảo Biện Sơncòn được gọi là: "Thập bát mã sơn" (Mười tám hòn đảo như mười tám con ngựa đang phi trên biển như phi trước đồng cỏ xanh) mà Biện Sơn được tôn là đảo chúa. Đảo chúa Biện Sơn đầu đội trời cao, chân dầm biển sâu, chắn sóng cồn bão tố. Quần đảo đứng ở nơi này cùng vớithời khai sơn lập quốc. Trong khi tên các Châu, Trấn của Thanh Hóa thay đổi rất nhiều qua các thời kỳ lịch sử thì địa danh Biện Sơn tồn tại hàng ngàn năm. Mãi đến sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đảo Biện Sơn mới đổi thành thôn Nghi Sơn, rồi xã Nghi Sơn. Và bây giờ Nghi Sơn là cái tên chung của một khu kinh tế rộng lớn kéo dài suốt 12 xã phía Nam Tĩnh Gia - là một trong bốn trung tâm kinh tế phát triển (gọi là Tứ Sơn) của tỉnh Thanh Hóa.

Sử Việt Nam ghi: Cuối thế kỷ thứ X, Lê Hoàn mở cuộc Nam chinh giữ gìn bờ cõi. Qua đất Cổ Chiến (tên Tĩnh Gia thời tiền Lê), đường bộ chật hẹp, hiểm trở, người ngựa mệt nhọc vất vả. Đường biển thì sóng to gió lớn, nguy hiểm vô cùng. Thời ấy việc giao thông đi lại chủ yếu và thuận lợi nhất vẫn là đường sông. Sông tự nhiên của nước ta tuy nhiều nhưng hầu như đều phát nguyên từ vùng núi phía Tây đổ về biển Đông, dòng chảy cắt theo chiều ngang của đất nước. Làm sao để có được đường sông thuận lợi từ Bắc vào Nam? Một ý tưởng vĩ đại nảy ra trong đầu óc sáng suốt của đấng minh quân: mở đường thủy nội địa từ kinh đô Hoa Lư vào miền Thuận Hóa. Trước đó, năm 982, Người hạ chiếu đào kênh, dòng kênh nối Lạch Ghép với Lạch Bạng được khởi đào từ đó. Cùng thời, dòng Lãnh Khê cũng được khơi sâu, mở rộng nối liền với dòng kênh từ Lạch Ghép chảy vào tại sông Bạng tạo thành con đường thủy chạy dọc đất Cổ Chiến xưa với cái tên khởi thủy là Kênh Trầm. Kênh Trầm được các vương triều phong kiến kế tiếp đào sâu, mở rộng đổi thành Kênh Mông, kênh Hòa Lạc rồi Kênh Than (tên gọi cho đến bây giờ). Sông Kênh Than chỉ dài trên dưới 40km. Nhưng nó được nối với Kênh Nga, Kênh De, Kênh Choán, Kênh Nhồi ở phía Bắc và Kênh Xước, Kênh Gấm, Kênh Ngò, Kênh Me, Kênh Sắt, Kênh Xã Đoài ở phía Nam, tạo thành một con đường thủy từ Nam Định đến Kỳ Anh (Hà Tĩnh), dài tới 500km. Con đường giao thương huyết mạch giữa đồng bằng châu thổ Sông Hồng và vùng Hoàng Sơn của miền Trung, con đường gắn kết sự an toàn của đất nước.

Cùng với dòng chảy của thời gian, dòng sông Kênh Than tuy bé nhỏ nhưng cũng chở đầy huyền tích. Huyền tích "Chim Ngọc Cưu" kể rằng: ở đoạn Kênh Mông gần nơi cửa Bạng, có hòn đá Thần, ban ngày chìm dưới đáy sông, ban đêm nổi lên mặt nước, đó là tổ ấm của đôi chim Ngọc Cưu tu luyện hàng ngàn năm thành thần. Năm Quang Thuận thứ 10 (1469), vua Lê Thánh Tông thống lĩnh đạo quân đi dẹp loạn phương Nam. Đoàn thuyền Nam chinh trải dài suốt Kênh Mông. Đêm ấy, ngồi trong lâu thuyền ở nơi cửa Bạng ngắm trời đêm mờ ảo, nhà Vua bỗng thấy hai vệt sáng tựa hai ngọn đèn lồng vẽ lên bầu trời hai vòng sáng lung linh rồi bay về phía biển. Mới hay đó là vệt sáng của đôi Ngọc Cưu. Người bèn hạ chỉ từ nay đất Cổ Chiến đổi thành huyện Ngọc Sơn (tiền thân của huyện Tĩnh Gia bây giờ).

Cùng với đó, Tĩnh Gia được biết đến là vùng đất có lịch sử văn hóa lâu đời, quê hương của nhiều danh nhân văn hóa, nhiều nhà khoa bảng nổi tiếng như Khuông Việt đại sư Ngô Chân Lưu thời Đinh - Tiền Lê, Khai quốc công thần Lê Văn An (Lê Nhân Trung), Đông các đại học sỹ Lê Nhân Quýthời Hậu Lê; Hoàng Giáp, Tham tụng, Thượng thư Lương Chí thời Lê Trung hưng; Lộc Khê hầu Đào Duy Từ - Đệ nhất khai quốc công thần của nhà Nguyễn, nhà chính trị, nhà quân sự, nhà văn hóa nổi tiếng của đất nước; Nhân dân với truyền thống hiếu học, năng động, sáng tạo trong lao động xây dựng quê hương, kiên cường, anh dũng trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Là một huyện đồng bằng ven biển nhưng địa hình khá đa dạng, có cả đồi núi, trung du, đồng bằng, biển và hải đảo, thiên nhiên đã ban tặng cho Tĩnh Gia bức tranh sơn thủy hữu tình. Bờ biển Tĩnh Gia dài 42 km, nằm ven Quốc lộ 1A. Biển Tĩnh Gia nông, có bãi rộng và thoải với những dải cát trắng, phẳng, nước biển xanh trong, không có sóng lớn; phong cảnh hữu tình tạo nên những bãi tắm đẹp hấp dẫn du khách. Tĩnh Gia có 3 con sông chính là sông Yên, sông Lạch Bạng và sông Hà Nẫm đều đổ ra biển tạo thành 3 cửa lạch lớn: Lạch Ghép, Lạch Bạng, Lạch Hà Nẫm; có cảng biển nước sâu Nghi Sơn tạo nên tiềm năng và lợi thế vượt trội để thu hút đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của quê hương Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh lân cận. Địa bàn huyện Tĩnh Gia là nơi hội tụ của phần lớn các loại hình giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy với nhiều tuyến đường huyết mạch của quốc gia chạy qua, đó là Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam, đường Tỉnh lộ 12 từ xã Tân Dân đi huyện Nông Cống; đường 8 liên huyện từ Chợ Kho xã Hải Ninh đi huyện Nông Cống; đường tỉnh lộ Nghi Sơn đi Bãi Trành nối với đường Hồ Chí Minh, sắp tới là tuyến đường từ Khu kinh tế Nghi Sơn đi Cảng Hàng không Thọ Xuân, và tuyến giao thông thủy nội địa khu vực Thanh - Nghệ với hệ thống sông đào nhà Lê.

Những tiềm năng và lợi thế đó cùng với những thành tựu đạt được trong thời kỳ đổi mới đang là điểm tựa để Tĩnh Gia vươn mạnh, khẳng định vị thế của mình trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, quyết tâm xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp, văn minh, Đảng bộ và nhân dân huyện Tĩnh Gia đã phấn đấu vượt khó, phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, lợi thế, tranh thủ sự chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và thu hút các nguồn lực từ bên ngoài, tạo ra động lực mới thúc đẩy phát triển KT-XH và đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa được đẩy mạnh, KT-XH phát triển nhanh và ổn định, QP-AN được tăng cường, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, nâng cao. Qua 8 năm xây dựng và phát triển, đến nay Khu kinh tế Nghi Sơn đã có trên 100 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 16 tỷ USD. Trong đó có nhiều dự án lớn và quan trọng, như dự án Liên hợp lọc hóa dầu, Trung tâm Nhiệt điện, Nhà máy Xi măng Nghi Sơn, Nhà máy Xi măng Công Thanh, khu công nghiệp luyện kim, Nhà máy chế biến hải sản, Nhà máy giày Annora, cảng nước sâu Nghi Sơn đã đón tàu 5 vạn tấn... Đặc biệt, dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn liên doanh giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Cô Oét (KPI), Công ty Idemitsu Kosan (IKC) và Công ty hóa chất Misui (MCI) Nhật Bản, có tổng vốn đầu tư trên 9 tỷ USD. Đây là dự án lớn của thế kỷ XXI, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương Tĩnh Gia - Thanh Hóa và khu vực Bắc Miền Trung. Như vậy, việc ra đời và phát triển của Khu kinh tế Nghi Sơn tạo ra sự tác động tích cực thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa mà trực tiếp là huyện Tĩnh Gia.

Sự kiện đánh dấu bước phát triển mới của huyện Tĩnh Gia, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức công bố Quy hoạch chung xây dựng đô thị trung tâm vùng huyện Tĩnh Gia đến năm 2035 và Quy hoạch chung xây dựng đô thị Hải Ninh đến năm 2025. Theo đó, đô thị trung tâm vùng huyện Tĩnh Gia dự kiến đến năm 2035 sẽ có dân số khoảng 250.000 người với tổng diện tích 7.718 ha, bao gồm 7 xã và 1 thị trấn; là trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của huyện Tĩnh Gia kết nối với KKT Nghi Sơn, có chức năng thúc đẩy phát triển và mở rộng Khu kinh tế Nghi Sơn với diện tích toàn huyện Tĩnh Gia và một số địa phương lân cận, hướng tới xây dựng đô thị trung tâm vùng huyện Tĩnh Gia thành đô thị loại 1 trong tương lai. Đô thị Hải Ninh có vai trò là đô thị tương hỗ cho các nhu cầu dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng, các sản phẩm nông nghiệp, ngư nghiệp kết nối với đô thị trung tâm huyện, được quy hoạch đến năm 2025 đạt tiêu chuẩn đô thị loại 4 với dân số khoảng 65.000 người, diện tích 5.210 ha bao gồm 7 xã phía Bắc huyện. Ngày 11/6/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 18 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế hoạt động của Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, diện tích Khu kinh tế Nghi Sơn được điều chỉnh tăng gần 6 lần, từ 18.611,8 ha lên 106.000 ha, bao gồm 66.497,57 ha đất liền và đảo, 39.502,43 ha mặt nước. Phần diện tích đất liền và đảo bao gồm toàn bộ diện tích thuộc địa giới hành chính của huyện Tĩnh Gia với 33 xã và 1 thị trấn (trong đó có 12 xã thuộc Khu kinh tế Nghi Sơn hiện hữu); 3 xã Yên Mỹ, Công Bình, Công Chính thuộc huyện Nông Cống; 3 xã Thanh Tân, Thanh Kỳ, Yên Lạc thuộc huyện Như Thanh. Mục tiêu phát triển từ nay đến 2025 của Khu kinh tế Nghi Sơn là hoàn thiện môi trường đầu tư và kinh doanh đặc biệt thuận lợi, triển khai một số công trình hạ tầng kinh tế, xã hội quan trọng và thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và sản xuất, kinh doanh. Sau năm 2025, phát triển đồng bộ về công nghiệp, dịch vụ, thương mại, tài chính, văn hóa - xã hội, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Gắn phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh. Đầu tư phát triển đồng bộ và hiện đại hệ thống kết cấu hạ tầng trong các khu đô thị sinh thái, thân thiện với môi trường, đạt tiêu chuẩn cao; phát triển theo mô hình đô thị xanh và bền vững; phấn đấu trở thành khu vực phát triển năng động và hiện đại.

Tôi dời Lạch Bạng trở về Đảng ủy xã Hải Thanh để trao đổi với các anh lãnh đạo về nghề cá. Tĩnh Gia, như mọi người biết: Đó là một huyện có nhiều xã chuyên nghề biển, mà Hải Thanh có truyền thống đánh cá và chế biến hải sản lâu đời.

Anh Trần Hùng Vương, bí thư xã Hải Thanh nói với tôi:

- Xã chúng tôi truyền thống là nghề đánh cá biển. Có nhiều loại lưới được trang bị trên mỗi con tàu. Chúng tôi có lưới vây, giã đôi, câu mực. Mấy năm nay bà con xã tôi ra khơi không tùy hứng như trước nữa. Bây giờ ra khơi như đi ra mặt trận. Mà là một mặt trận lúc nào cũng nóng bỏng, gay go và phức tạp. Ngoài việc bà con phải lo tìm cá, đánh cá để có thu nhập, tránh gió tránh sóng, lại phải đối phó với tàu lạ. Cho nên từng đôi tàu của chúng tôi đều được tổ chức theo từng nhóm, từng tổ để hỗ trợ nhau ngoài khơi.

Thực ra đối với những người đi biển, nghề đánh giã đôi là một trong những loại nghề gian nan. Tôi đã từng theo bà con ngư dân ra khơi đánh giã đôi. Các bạn có thể hình dung vào một buổi sáng mùa đông, thường là những ngày biển động. Nghề đánh giã đôi chỉ bội thu khi biển động, bởi giã đôi kéo sát đáy, biển động sóng lừng sẽ thôi thúc các loại cá đáy nổi dậy. Đôi tàu ra tận khơi xa, trên mỗi con tàu, sẽ giữ một đầu dây níu từ một cánh giã. Hai cánh giã ném xuống biển như hai càng cua quắp lấy những con cá đáy. Nhất là cá dưa, cá hồng, cá mối. Mỗi lượt giã như vậy một đôi tàu thường phải kéo suốt một chặng đường dài đến vài chục hải lý. Một khi túi giã đã đầy ắp, đôi tàu sẽ kéo giã lên để chuẩn bị cho một lượt giã khác.

Tôi hỏi anh Vương: - Tàu đánh cá rải rác khắp các ngư trường. Nếu bị tàu lạ tấn công thì bà con biết làm thế nào? Anh Vương bảo tôi: - Đấy là mối lo chung. Nhưng bây giờ thì có thể yên tâm. Anh thấy đấy, trên các con tàu ra khơi đều có bộ đàm, máy nicom, điện thoại. Hiện nay cảnh sát biển và các đội tàu kiểm ngư của ta cũng đã thường trực ngoài khơi, họ có trách nhiệm hỗ trợ cho những con tàu đánh cá. Chính vì thế mà bà con ngư dân rất yên lòng bám biển.

Tôi nghe anh Vương nói cũng đã yên tâm. Từ cửa Lạch Bạng, giữa đêm trăng từng đôi tàu đang rẽ sóng lao ra khơi. Tôi nghe ai đó cất tiếng hát, lời hát vang lên trên sóng: Thuyền anh ra khơi khi chân mây ửng hồng/ Thuyền anh ra khơi có ngại chi sóng gió...

Nhà văn Nguyễn Văn Đệ



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]