(vhds.baothanhhoa.vn) - Là nghệ sĩ tạo hình nói chung, các nhà điêu khắc, họa sĩ trong tâm thức sâu thẳm, họ nhận thức rằng chỉ có con đường giải phóng dân tộc, thoát khỏi chế độ nô lệ của thực dân Pháp thì mới được tự do, người dân mới có cơm ăn, áo mặc, học hành như lời Bác Hồ mong muốn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mỹ thuật trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam

Là nghệ sĩ tạo hình nói chung, các nhà điêu khắc, họa sĩ trong tâm thức sâu thẳm, họ nhận thức rằng chỉ có con đường giải phóng dân tộc, thoát khỏi chế độ nô lệ của thực dân Pháp thì mới được tự do, người dân mới có cơm ăn, áo mặc, học hành như lời Bác Hồ mong muốn.

Dân tộc ta đã trải qua một thời kỳ oanh liệt trong lịch sử dựng nước và giữ nước, nhân dân ta vừa phải lao động sản xuất vừa phải đấu tranh với ngoại xâm mà nhất là bá quyền Trung Hoa, rồi sau này là cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước. Trong thời kỳ chống Pháp ở đầu thế kỷ XX, nhiều nhà cách mạng đi tìm đường cứu nước như Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng,... nhưng những cuộc du ngoại Đông Kinh Nghĩa Thục,... đều không thành công. Đến thời kỳ Đảng ta ra đời năm 1930 và tiếp đó là một cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi đã làm thay đổi cục diện chiến lược thôn tính nước ta lâu dài của thực dân Pháp. Mọi người dân Việt Nam trong đó có văn nghệ sĩ cách mạng yêu nước đã thấy rất rõ sự tàn bạo nham hiểm của thực dân Pháp với chính sách ngu dân, đói nghèo bằng cách bắt người dân phải bần cùng để lao động khổ sai cho thực dân Pháp. Những tài nguyên quý hiếm, như than đá, quặng, đồng, vàng,... đế quốc Pháp khai thác đưa về chính quốc làm giàu, còn người dân thì bị đánh đập, tù đầy bóc lột dã man. Những hành động vô lương tri độc ác ấy đã khắc sâu trong lòng mỗi người dân trong đó có giới mỹ thuật yêu nước. Là nghệ sĩ tạo hình nói chung, các nhà điêu khắc, họa sĩ trong tâm thức sâu thẳm, họ nhận thức rằng chỉ có con đường giải phóng dân tộc, thoát khỏi chế độ nô lệ của thực dân Pháp thì mới được tự do, người dân mới có cơm ăn, áo mặc, học hành như lời Bác Hồ mong muốn.

Hội nghị quyết định thành lập Đảng bộ Thanh Hóa ngày 29/7/1930 tại Yên Trường, Thọ Lập, Thọ Xuân, Thanh Hóa (tranh sơn dầu của họa sỹ Hoàng Hoa Mai).

Quả thật, Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng ta đã có nhiều quyết sách mới trong đó có công tác văn hoá văn nghệ, chỉ ra lối đi sáng tác cho giới mỹ thuật nước nhà, vững tay bút, vững niềm tin cách mạng để sáng tạo nghệ thuật. Ngày đầu của Cách mạng Tháng Tám, Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra nhiều chủ trương về vấn đề dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội cho đất nước phát triển, đồng thời Đảng ta cũng chỉ rõ vừa phải kiến quốc chống đói nghèo, diệt giặc dốt nhưng không ngừng đề cao cảnh giác chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc. Nước nhà mới tuyên ngôn độc lập thì thực dân Pháp lại trở mặt tiến hành chiến tranh xâm lược nước ta một lần nữa. “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Tư tưởng ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là kim chỉ nam, là dòng máu đỏ chảy vào trái tim mỗi người Việt Nam trong đó có văn nghệ sĩ.

Đồng hành với lực lượng văn học, âm nhạc, nghệ thuật, sân khấu, nhiếp ảnh..., giới mỹ thuật nước nhà đã cùng cả nước xông pha ra mặt trận, về hậu cứ để tuyên truyền cách mạng, động viên nhân dân tham gia kháng chiến kiến quốc, đánh giặc, đấu tranh chống lại thế lực phản cách mạng trong nước kể cả một số văn nghệ sĩ lầm đường lạc lối. Lịch sử mỹ thuật đã chứng minh “Cách mạng Tháng Tám” là ngọn đuốc chỉ lối đưa đường cho biết bao nghệ sĩ tạo hình khoác ba lô xông ra mặt trận.

Những năm 1945 - 1954 đã dấy lên một khí thế mới trong quá trình sáng tạo của giới mỹ thuật nước nhà, nhiều tác phẩm có giá trị cao, nhiều tranh cổ động “Diệt giặc thù” ký họa, biếm họa đậm đặc lột trần xảo trá tàn bạo củagiặc Pháp đối với dân tộc, nhiều tranh sơn dầu sơn mài... cổ vũ sức chiến đấu củaquân dân ta ở hậu phương và tiền tuyến.

Những năm 1950 - 1954 sức sáng tạo nhiều tác phẩmvới nhiều chất liệu, nhiều phong cách, thôi thúc đoàn quân ra trận, ca ngợi sức chiến đấu củaquân dân ta ở hậu phương và tiền tuyến, dấy lên một khí thế mới trong quá trình sáng tạo của giới mỹ thuật nước nhà. Trong giai đoạn này cũng đã xuất hiện những nhà lý luận phê bình nghệ thuật vị nghệ thuật, hay nghệ thuật vị nhân sinh. Vừa sáng tác vừa đấu tranh không những trong ngôn luận diễn đàn mà còn trên báo chí. Các họa sĩ như Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung,... đã có những tiếng nói quan trọng về vấn đề mỹ thuật với cách mạng như thế nào là đúng với đường lối văn nghệ của Đảng. Có thể nói các chặng đường sáng tác củamỹ thuật Việt Nam chia làm ba giai đoạn: từ năm 1945 đến năm 1954;năm 1954 đến năm 1975 và từ năm 1975 đến nay. Thời kỳ đầu là thời điểm mà lực lượng mỹ thuật của ta đã tiếp cận và nhận thức sâu sắc về tinh thần Cách mạng Tháng Tám thông qua nhiều chủ trương đường lối củaĐảng và cũng là thời kỳ vàng son cho xu thế phát triển mỹ thuật nước nhà. Tiếp thu được phương pháp sáng tác hiện đại của phương Tây với chất liệu đặc thù là sơn dầu, các hoạ sĩ của ta đã sáng tạo để biểu đạt cho nội dung mới phục vụ cách mạng. Trong cùng thời gian này chất liệu sơn ta lụa và tranh sơn mài bộc lộ những thế mạnh vượt trội, đánh dấu bước phát triển mới của nghệ thuật tạo hình Việt Nam.

Là một nhà nước còn non trẻ, đòi hỏi, văn nghệ sĩ phải chung sức, chung lòng cho công cuộc kiến quốc, phản đế, phản phong kiến ra sức tăng gia sản xuất tiết kiệm tất cả để đánh giặc. Khác với văn học, người ta biểu đạt bằng ngôn ngữ và hình tượng, âm nhạc là giai điệu, âm thanh còn mỹ thuật là đường nét, màu sắc và hình khối. Với cách thức biểu đạt ấy, nhiều tác phẩm của các họa sĩ đã phản ảnh một cách sống động cuộc chiến chống Pháp của quân dân ta và đã được phổ biến rộng rãi từ hậu phương đến tiền tuyến. Phần lớn các họa sĩ đã miêu tả chân thật sức sống mãnh liệt, chiến đấu, lao động dũng cảm của quân dân ở chiến trường cũng như hậu phương. "Hành quân" ký họa của Tô Ngọc Vân, "Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ" (sơn mài) của Nguyễn Sáng, "Bát nước" (sơn mài) của Sĩ Ngọc, "Múc nữa đi con"(sơn dầu) của Văn Đa,... đã phản ảnh một cách chân thực của mối quan hệ quân dân trong kháng chiến.

Bước sang giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Cách mạng Tháng Tám, Tuyên ngôn độc lập Quốc khánh 2/9 vẫn là tư tưởng xuyên suốt vì độc lập dân tộc, dân chủ đi lên chủ nghĩa xã hội để giới văn nghệ sĩ, mỹ thuật sáng tạo.Các bức tranh “Con trâu quả thực” (thuốc nước) của Tô Ngọc Vân, “Tát nước đêm trăng” (sơn mài) của Trần Văn Cẩn, “Ngoại thành Hà Nội”- sơn dầu của Ngô Tôn Đệ và nhiều tác phẩm có giá trị cao phục vụ cho lao động sản xuất sẵn sàng chiến đấu là minh chứng cho sự kế tiếp sáng tạo mang tính lịch sử của thời đại. Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước lại một lần nữa cha con của các nghệ sĩ tạo hình lại lên đường chiến đấu và sáng tác. Hầu như các họa sĩ đã được phân công đi các vùng có chiến sự ác liệt ở miền Bắc, người vào miền Nam chiến đấu và sáng tác với khí thế "đâu có giặc là ta cứ đi". Với chân lý "Không có gì quý hơn độc lập tự do" hào khí ấy vẫn thúc giục lớp cha anh của giới mỹ thuật, gác bút nghiên lên đường đánh Mỹ: “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” tranh cổ động củaHuy Oánh và Nguyễn Thụ, “Thừa thắng xông lên” của Huy Toàn, “Chung một ngọn cờ” của Huỳnh Phương Đông,... và nhiều tác phẩm mỹ thuật bằng nhiều chất liệu sơn dầu, bột màu, chì, thuốc nước, thạch cao, gò đồng, đất nung,... là một trong những vũ khí sắc bén cổ vũ động viên quân dân ta quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Nhiều tác phẩm điêu khắc về đề tài Bác Hồ, người lính, công, nông, binh trí thức của Diệp Minh Châu, Trần Văn Lắm, Tạ Quang Bạo, Lê Đình Quỳ,... đã minh chứng cho trí tuệ sáng tạo nghệ thuật của ngành điêu khắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong thời kỳ đất nước ta thống nhất, giang sơn quy về một mối, Bắc Nam một nhà, giới mỹ thuật Việt Nam lại bước vào chương mới điềm tĩnh hơn, suy ngẫm tìm tòi, sáng tạo có thời gian nghiên cứu lâu hơn để có một bức tranh, một pho tượng đẹp hơn kể cả về nội dung và hình thức. Nhiều nhà lý luận phê bình mỹ thuật cũng đã có những bài viết ca ngợi lòng dũng cảm hy sinh chiến đấu, hăng say trong lao động của nhân dân ta. Nhiều bài nghiên cứu lý luận phê bình tâm huyết cũng đã gợi mở, phê phán những khuynh hướng quá đà trong sáng tác mỹ thuật đối với một số họa sĩ. Nhìn lại chặng đường hoạt động có thể nói mỹ thuật nước nhà ngày nay rất hùng hậu kể cả số lượng họa sĩ và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ sáng tác. Nhiều công trình tượng đài, tranh hoành tráng, nhiều cơ sở đào tạo chuyên nghiệp, viện nghiên cứu mỹ thuật, bảo tàng, nhà triển lãm, tạp chí mỹ thuật... và họa sĩ cả nước có ngôi nhà chung là Hội Mỹ thuật Việt Nam, nơi hội tụ, mối quan hệ giữa họ với tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp là niềm tự hào rất trân trọng. Trên cơ sở định hướng của đường lối chính sách văn hóa văn nghệ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương của Đảng, lực lượng mỹ thuật Việt Nam với hào khí Cách mạng Tháng Tám vĩ đại đang từng bước vươn lên theo hướng tích cực và sáng tạo không ngừng.

Lịch sử xã hội ngày tháng sẽ trôi qua nhưng di sản tư tưởng của Cách mạng Tháng Tám vẫn là ngọn đuốc soi đường cho các tầng lớp nghệ sĩ tạo hình Việt Nam vượt mọi gian khó để sáng tạo nghệ thuật nhất là trong thời kỳ hội nhập.

Xã hội rất cần phải góp phần bảo tồn gìn giữ những giá trị mỹ thuật quý báu cao đẹp mà cha anh đã tạo dựng, qua đó nhằm phát huy truyền thống cách mạng dân tộc, khởi đầu từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Bảo tồn, lưu giữ, bảo vệ giá trị văn hóa mỹ thuật cũng có nghĩa, chúng ta tôn vinh một chuyên ngành đã và đang đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Với phương châm là một tác phẩm hay và đẹp bản thân nó phải được nhân dân yêu thích, cảm thụ và sống lâu bền trong xã hội.

Nhận thức rất rõ trong thời kỳ hội nhập văn hóa quốc tế là chúng ta phải tiếp nhận nhiều sản phẩm mỹ thuật khác nhau với các trường phái khác nhau ở nhiều quốc gia, nhiều dân tộc, nhiều quan điểm chính trị khác nhau; song dưới sự lãnh đạo của Đảng, nghệ sĩ yêu nước Việt Nam vẫn giữ vững quan điểm mỹ thuật “vị nhân sinh”, dù ở cách vẽ nào, trường phái nào, lập thể, trừu tượng, ấn tượng hay siêu thực,... mỹ thuật Việt Nam vẫn có đích cuối cùng là đưa tác phẩm đến công chúng và tự công chúng cảm thụ, nhận thức cái đẹp riêng có mỹ thuật của Việt Nam “đậm đà bản sắc dân tộc”.

Ở nước ta, sự giao lưu, trao đổi sản phẩm mỹ thuật còn rất yếu. Một mặt là do tính xã hội hóa về mỹ thuật còn rất đơn giản trong không gian hẹp, hơn nữa tính hàng hóa quốc tế về mỹ thuật ở ta cũng bất cập nhiều. Hầu như nhiều họa sĩ vẽ tranh ra triển lãm xong rồi, đưa về không biết làm gì? ấy là chưa kể chi phí vận chuyển tranh đi triển lãm còn cao hơn nhiều so với nhuận treo. Các bảo tàng mỹ thuật ở nước ta còn ít khách xem và trao đổi giao dịch, kể cả khách trong nước và quốc tế... Vì vậy để phát triển mỹ thuật không có cách nào hơn là phải gắn liền với phát triển du lịch xã hội, nhằm đưa các giá trị nghệ thuật tạo hình của ta phải được trao đổi ở thị trường quốc tế. Muốn làm được điều đó, ngoài sự nỗ lực sáng tạo tranh tượng đẹp của các nghệ sĩ rất cần có sự quan tâm của Nhà nước về cơ chế, chính sách cho việc sáng tạo mỹ thuật nước nhà.

Muốn phát triển mỹ thuật có chất lượng cao, Nhà nước cần có quy hoạch tổng thể và toàn diện kể cả kế hoạch chi tiết và lộ trình thực hiện một cách bền vững. Trước hết quy hoạch phát triển nhân tài, đào tạo chuyên sâu đúng năng khiếu sở trường,... và kèm theo đó là những thiết chế cần thiết cho hệ thống tổ chức phát triển mỹ thuật cả nước.

Đi đôi với việc đầu tư cơ sở vật chất cần phải có chế tài phát triển mỹ thuật cộng đồng thông qua sự quản lý nhà nước và chỉ đạo của Hội Mỹ thuật chuyên ngành. Nhiều năm nay Nhà nước đã quan tâm đến việc xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng nhưng quy hoạch lại không bền vững, nhiều địa phương, ngay cả thủ đô Hà Nội, quy hoạch tượng đài cũng bị giao thông, xây dựng, nhà máy phá vỡ cảnh quan gây phản cảm, bức xúc trong nhân dân.

Hội nhập để phát triển, hội nhập để góp phần làm rạng rỡ văn hóa dân tộc trong đó có mỹ thuật. Những nghệ sĩ chân chính Việt Nam lúc nào trong tâm thức của họ cũng là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, mà Cách mạng Tháng Tám đem lại cho nghệ sĩ để sáng tạo tác phẩm có nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật đẹp phục vụ nhân dân.

Họa sĩ Hoàng Hoa Mai


Họa sĩ Hoàng Hoa Mai

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]