(vhds.baothanhhoa.vn) - 28 nghệ nhân vừa được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân (NNND), Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT). Ngoài 3 NNND thì trong số 25 NNƯT có tới 22 người thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, 3 người thuộc loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng.

Năm mới, thăm nhà các nghệ nhân dân gian

28 nghệ nhân vừa được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân (NNND), Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT). Ngoài 3 NNND thì trong số 25 NNƯT có tới 22 người thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, 3 người thuộc loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng.

Năm mới, thăm nhà các nghệ nhân dân gianNghệ nhân Nhân dân Đỗ Đình Tạ, người đánh trống trò hay nhất trong đội trò Xuân Phả.

Năm nay, NNND Đỗ Đình Tạ ở xã Xuân Trường (Thọ Xuân), đã sang tuổi 88. Ông có 30 năm từ một người hát chèo chải nổi tiếng rồi chuyển sang gắn bó với đội trò Xuân Phả.

Theo người dân làng Xuân Phả, xã Xuân Trường thì trò Xuân Phả có từ đời Đinh Tiên Hoàng, đã được các thế hệ ông cha gìn giữ lưu truyền từ đời này qua đời khác. Kể từ khi trò Xuân Phả được khôi phục, phát huy và được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cũng là từng ấy năm, NNND Đỗ Đình Tạ tâm huyết dành thời gian và sức lực của mình trong vai người đánh trống trò. Đối với các bộ môn khác trống chỉ đơn thuần là nhạc cụ, nhưng với trò Xuân Phả, người đánh trống điều hành trò múa từ việc ra vào, đến đường đi, lối lại. “Là người nắm vững các tri thức và kỹ năng trò Xuân Phả, bản thân tôi phải lo giữ gìn, hướng dẫn, truyền bá đánh trống, động tác của 5 nước trò cho lớp sau, đời sau; góp sự hiểu biết của mình để động viên, cổ vũ già trẻ, trai gái, bà con tập luyện và hiểu biết về trò Xuân Phả”, NNND Đỗ Đình Tạ cho biết.

Ban đầu chỉ là đội trò chung của xã, nhưng kể từ năm 2003 đến nay, mỗi thôn ở xã Xuân Trường đều thành lập được một đội trò. Ông Đỗ Đình Tạ cùng các thành viên đã về từng thôn để dạy múa, đánh trống cho người dân biểu diễn. Bản thân ông còn đi truyền dạy trò Xuân Phả ở nhiều địa phương, trường học trên địa bàn huyện Thọ Xuân.

Đến nay tiếng trống của ông vẫn là hay nhất và là thứ “của hiếm” trong trò Xuân Phả. Ông cho biết: Đánh trống trò không quá khó nhưng phải nhớ được trò, biết được trò, vì nhạc trống không chỉ cất cánh cho múa mà còn điều khiển điệu múa. Nhịp trống lỗi thì điệu múa lỗi. Nói đến trống trò, đừng chỉ nghĩ về việc sử dụng những đạo cụ đơn giản như trống lớn, mõ tre, thanh la, mà phải hiểu, khi nổi trống thì mở ra các trò và có sức hút lạ thường. 5 nước trò có nhịp phách, trường độ, cao độ khác nhau. Tiếng trống là cả một nghệ thuật. Tôi giờ nằm nhà cũng đánh được trống, trống miệng thôi bởi tôi thuộc điệu trò, ông nói vui nhưng đó cũng là thực tế.

NNƯT Hoàng Bồng là người có nhiều năm theo đuổi nghệ thuật hát chèo truyền thống. 68 năm, kể từ năm 1952 đến 2020, chèo như một thứ duyên nghiệp của ông. Hát chèo yêu cầu kỹ thuật dùng hơi ngoài, giọng thật tự nhiên, không sử dụng giọng giả, không cộng minh như lối hát phương Tây, hát phải tròn vành, rõ chữ của ca từ, các nguyên âm i, a, ơi, ư phải khép kín khẩu hình. Chèo có nhiều làn điệu khác nhau theo từng hệ thống như vỉa, ngâm, vịnh; sắp hề mồi, hề gậy, đường trường, văn thảm, đối đáp trữ tình. Đặc biệt độc đáo ở chỗ: cùng một điệu hát, nếu đem lồng vào hai câu thơ có dấu bằng trắc khác nhau thì giai điệu cũng khác nhau. Thấu hiểu kỹ thuật của chèo mà đến nay, NNƯT Hoàng Bồng đã hát được gần 100 làn điệu chèo cổ và đi truyền dạy cho nhiều học trò có niềm đam mê loại hình nghệ thuật này.

Sinh năm 1942, NNƯT Lê Thị Liên ở thôn 1, xã Đông Khê (Đông Sơn) có 64 năm thực hành nghệ thuật trình diễn dân gian Ngũ trò Viên Khê. Đặc biệt, trong đó bà “mê mẩn” trò Thủy Phường. Vì vừa hát, vừa múa, nên trò ít nhất cần từ 8 đến 12 người lớn tham gia; nhạc cụ gồm trống, phách; trang phục gồm quần áo bà ba, khăn thắt lưng, khăn tròn đội đầu cỡ nhỏ và mái chèo.

Bà không quên cách đây 20 năm với dấu mốc thời gian quan trọng của việc khôi phục lại các trò diễn dân ca, dân vũ Đông Anh với dự án do Viện Âm nhạc Việt Nam chủ trì, cùng phối hợp với chính quyền và Nhân dân xã Đông Anh (nay là xã Đông Khê).

Nhớ lại những ngày tháng cả làng Viên Khê nói riêng và cán bộ, Nhân dân xã cùng chung sức đồng lòng, quyết tâm khôi phục lại toàn bộ các trò diễn dân ca, dân vũ Đông Anh, bà Liên tự hào nói: “Khi có chủ trương của xã về việc giao nhiệm vụ cho 7 thôn, mỗi thôn phải khôi phục được một tích trò cũ và sáng tạo, xây dựng một tiết mục văn nghệ với chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, người dân hưởng ứng nhiệt tình, không khí làng, xã lúc bấy giờ sôi nổi như chuẩn bị bắt đầu hội diễn lớn, đâu đâu cũng tập luyện hăng say”.

Không dừng lại ở đó, ngay sau khi khôi phục được một trò diễn, xã cũng động viên các nghệ nhân truyền dạy lại cho Nhân dân trên địa bàn. Đến nay, 8 thôn trong xã đều có câu lạc bộ dân ca với đủ các lứa tuổi tham gia. Từ năm 2008 đến nay, dân ca đã được đưa vào hệ thống trường học ở Đông Sơn để giáo viên và học sinh học, tìm hiểu, khám phá và phát huy giá trị văn hóa của địa phương.

Năm mới, thăm nhà các nghệ nhân dân gianNghệ nhân Ưu tú Lê Thị Hương trong tiết mục biểu diễn xường giao duyên.

Về làng Viên Khê – nơi được mệnh danh là “cái nôi” hình thành và phát triển dân ca, dân vũ Đông Anh, chúng tôi không chỉ được gặp NNƯT Lê Thị Liên mà còn gặp NNƯT Lê Công Trưởng. 31 năm gắn bó, ông có khả năng trình diễn thuần thục “Ngũ trò Viên Khê” đặc biệt như các trò: Múa đèn, Trống mõ, Tiên cuội, Ngô, Thủy. “Trong những năm qua, tôi đã sưu tầm và biên soạn các trò diễn của dân ca dân vũ Đông Anh; hướng dẫn và tập luyện cho các câu lạc bộ của làng, xã. Tôi thường xuyên tổ chức hát múa và truyền dạy các trò tại địa phương và trong tỉnh như: Múa đèn, Trống mõ, Tiên cuội; trò Ngô; trò Thủy. Hiện nay tôi cũng còn lưu giữ nhiều tài liệu, hình ảnh, video và các kịch bản biểu diễn ngũ trò Viên Khê”.

Tuy nằm trong số ít các nghệ nhân thuộc thế hệ 7X, nhưng NNƯT Lê Thị Hương (sinh năm 1975) cũng có gần 35 năm thực hành nghệ thuật Xường giao duyên nơi mảnh đất chị sinh ra lớn lên là thôn Minh Nguyên, xã Minh Sơn (Ngọc Lặc).

Từ khi còn nhỏ đã nghe bà nội hát, đến 8 tuổi là lần đầu tiên chị đứng trên “sân khấu làng” và năm 2002 chị đã được đi diễn trên huyện. Nghe, thấm và yêu xường không chỉ bởi chị là người Mường mà còn là cách chị thêm yêu cuộc sống. Hiện chị đang là trưởng thôn kiêm công an viên thôn Minh Nguyên, nhưng nhà nào làm nhà mới, làm vía cuối năm... chị đều nhiệt tình tham gia. Thôn Minh Nguyên ngoài chị còn hơn 20 người biết hát xường. “Trước đây, tôi rất trăn trở vì hát xường chỉ truyền miệng cho nhau. Gần đây, khi thành lập câu lạc bộ văn hóa dân gian Mường, huyện Ngọc Lặc đã tập hợp lại thành cuốn xường giao duyên để diễn viên vừa tự luyện hát vừa có thể hướng dẫn cho người khác. Đặc biệt từ khi xường giao duyên của người Mường được công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia thì chúng tôi tự tin rằng xường sẽ không bao giờ mất đi”. Truyền dạy cho rất nhiều bạn trẻ hát xường, chị Hương cho biết: Các em hiện nay thuộc lời rất nhanh nhưng phát âm kiểu tiếng Mường lại chưa chính xác, bởi tiếng Mường chủ yếu là thanh sắc. Ngoài ra, trong quá trình dạy hát, tôi chú ý tới kỹ thuật lơi, cách ngắt nhịp, các điệu hẩm, hỷ, ý, ới… sau đó mới truyền dạy nội dung chính của bài xường. Đây có thể xem là kỹ thuật quan trọng nhất của xường mà ai cũng phải thành thạo thì mới gắn bó được.

28 nghệ nhân được vinh danh chỉ là những con số nhỏ trong rất nhiều những nghệ nhân đang thực hành và giữ gìn những giá trị nghệ thuật trên mảnh đất xứ Thanh. Đón nhận tin tốt vào những ngày cuối năm 2022 chính là thêm một sự ghi nhận để họ bước vào năm mới 2023 thật nhiều niềm vui, sự hứng khởi tiếp tục cống hiến, truyền dạy để không làm mai một bản sắc văn hóa truyền thống.

Bài và ảnh: Bảo Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]