Vô số thách thức đặt ra đối với sự tồn tại, phát triển của văn hoá đọc trong thời đại kỷ nguyên số là vấn đề đã được những “người trong cuộc” khẳng định tại Hội thảo “Văn hóa đọc trong kỷ nguyên số - Thực trạng và giải pháp” do Bộ VHTTDL tổ chức hôm qua 28.8 tại Hà Nội.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nếu không muốn “gục ngã”, các thư viện phải thay đổi

Vô số thách thức đặt ra đối với sự tồn tại, phát triển của văn hoá đọc trong thời đại kỷ nguyên số là vấn đề đã được những “người trong cuộc” khẳng định tại Hội thảo “Văn hóa đọc trong kỷ nguyên số - Thực trạng và giải pháp” do Bộ VHTTDL tổ chức hôm qua 28.8 tại Hà Nội.

Kỷ nguyên số kỳ thực chẳng «làm gì» văn hoá đọc. Xu thế phát triển tất yếu này chỉ là đang mở ra nhiều cơ hội và đương nhiên, sẽ có nhiều thách thức nếu chính các chủ thể quản lý sự phát triển của văn hoá đọc không biết chớp thời cơ và nỗ lực thay đổi chính mình.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ chủ trì hội thảo.

Tài liệu điện tử, tài liệu số còn rất nghèo

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ khẳng định, bối cảnh khoa học công nghệ phát triển đã và đang đặt ra nhiều cơ hội, thách thức cho phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam. Làm thế nào để phát triển văn hóa đọc trong điều kiện Internet và công nghệ truyền thông đang ngày càng phát triển? Để trả lời câu hỏi này chính là lý do Bộ VHTTDL tổ chức hội thảo về văn hoá đọc trong kỷ nguyên số.

Đánh giá thực trạng nhu cầu đọc, xu hướng đọc hiện nay, trên cơ sở đó đưa ra giải pháp phát triển văn hóa đọc, đặc biệt trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin và cuộc cách mạng công nghệ 4.0 là nội dung cốt lõi tại hội thảo. Theo bà Vũ Dương Thuý Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL), sự phát triển của công nghệ trong những năm qua đã mở ra nhiều cơ hội để người đọc tiếp cận thông tin và tri thức. Tài nguyên thông tin mà các thư viện xây dựng, phát triển cũng đã vượt ra ngoài phạm vi của các bức tường thư viện cùng với sự hỗ trợ của Internet. Trong xu thế đó, bên cạnh thuận lợi là vô vàn thách thức. “Thói quen đọc và tiếp cận của độc giả đã có nhiều thay đổi. Thay vì trực tiếp đến thư viện, họ có thể đọc mọi nơi, mọi lúc, chỉ với chiếc máy tính hoặc thiết bị thông minh”, bà Ngà nhấn mạnh.

Một giải pháp quan trọng chính là sự chuyển động, chủ động kết nối thông tin của hệ thống thư viện, năng động tiếp cận với công nghệ số nhằm phục vụ đông đảo bạn đọc của thời đại 4.0. Hiện nay, nhiều thư viện còn bị động, cần phải thay đổi từ tư duy đến phương thức phục vụ. Xem bạn đọc như khách hàng để hết lòng đáp ứng. (Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ)

Một khảo sát do Bộ VHTTDL tiến hành trong năm 2018 trên 100 thư viện công cộng, thư viện đại học, trường học và thư viện Bộ, ngành cho biết, 88% thư viện được khảo sát trả lời lượng bạn đọc có xu hướng tăng nhờ việc đa dạng hoá các dịch vụ thư viện và tổ chức các hoạt động thu hút bạn đọc. 10% cho rằng số bạn đọc của họ đang giảm do tác động của nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến sự phát triển của công nghệ, Internet. Bạn đọc thư viện giờ đây không còn như những thập kỷ trước, họ chỉ cần ở nhà cũng có thể tra cứu, tìm kiếm bất cứ thông tin nào mà không nhất thiết phải đến thư viện.

Nếu không muốn “gục ngã”, cách thức duy nhất là các thư viện phải thay đổi, nhiều đại biểu khẳng định. Trong những năm qua, hầu hết các thư viện đã đặc biệt chú trọng đến ứng dụng CNTT và thực hiện số hoá các nguồn tài liệu. Dự án Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và Internet công cộng được triển khai đã đưa hơn 7.700 máy tính và đường truyền Internet vào sử dụng, trang bị cho hơn 900 thư viện thuộc 40 tỉnh, thành.

Tuy nhiên, một thách thức cơ bản cũng được chỉ rõ là vốn tài liệu điện tử/ tài liệu số của các thư viện ở Việt Nam hiện nay còn rất nghèo nàn. Gần 20% thư viện công cộng chưa có tài liệu số, số còn lại có nhưng cũng còn rất hạn chế. Một số thư viện trường tỉnh, thư viện đại học vẫn còn sử dụng các phương tiện thô sơ để số hoá tài liệu.

Giám đốc Thư viện KHTH TP.HCM Bùi Xuân Đức cho biết, xây dựng và phát triển nguồn tài nguyên số để đáp ứng nhu cầu đọc và theo kịp xu hướng của thời đại là giải pháp then chốt cho sự phát triển của các thư viện trong bối cảnh hiện nay. Giải pháp này đã được kiểm nghiệm hiệu quả từ chính thực tế hoạt động của Thư viện KHTH TP.HCM, khi mà các nguồn tài liệu số hoá đã đáp ứng đa dạng và nhanh nhất nhu cầu của các đối tượng độc giả, từ văn nghệ sĩ, giới nghiên cứu khoa học đến bạn đọc là nông dân, người lao động...

“Nhưng cũng có một khó khăn rất lớn là có nhiều tài liệu đã cách thời đại ngày nay vài ba trăm năm. Việc số hoá sẽ vấp phải không ít rào cản như vấn đề bản quyền tác giả hay sự huỷ hoại của thời gian, khí hậu, côn trùng và cả ý thức con người...”, ông Bùi Xuân Đức chia sẻ.

Xem độc giả như khách hàng

“Tăng lượng thông tin kỹ thuật số đã khiến độc giả dành nhiều thời gian hơn để đọc trên các thiết bị di động. Kỹ năng số vì vậy cũng đã “đóng” dần thói quen đọc sách truyền thống, đặc biệt là ở giới trẻ...”, theo bà Hoàng Thị Thu Hương (Giám đốc phát triển sinh viên quốc tế, Trường Đại học FPT).

Đồng nhất với những đánh giá về thực trạng nói trên, bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ (Thư viện Tạ Quang Bửu, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) chia sẻ, một số thư viện tại Việt Nam tuy đã được cải thiện nhiều mặt nhưng ngày càng vắng bạn đọc. Đây là vấn đề khiến rất nhiều đơn vị lo lắng. Vấn đề thu hút bạn đọc đến với thư viện luôn có tầm quan trọng đặc biệt, quyết định sự tồn tại của mỗi thư viện. Thế nhưng, trong bối cảnh nhiều nơi đang phải lo lắng mà Thư viện Tạ Quang Bửu vẫn cần được “giải cứu” vì quá tải lượng bạn đọc tìm đến, bà Thuỷ bật mí: “Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ và quyết định phải tự thay đổi khi nhận thấy lượng bạn đọc có dấu hiệu giảm sút. Một trong những thay đổi cơ bản chính là tăng cường vốn tài liệu số, đồng thời liên kết với nhiều đơn vị khác để gia tăng vốn tài liệu...”.

Một thay đổi cơ bản nữa được Thư viện Tạ Quang Bửu chia sẻ là bí quyết xem bạn đọc như những khách hàng. “Xem bạn đọc của mình là những khách hàng, từ đó, chúng tôi có tổ chăm sóc khách hàng luôn quan tâm và đáp ứng mọi nhu cầu của họ. Trong đó, rất nhiều nhu cầu liên quan đến nguồn tài liệu số...”, bà Thuỷ chia sẻ.

Phòng đọc sách theo yêu cầu và tài liệu số tại Thư viện quốc gia.

Lắng nghe các ý kiến, bà Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh, hội thảo có chủ đề, ý nghĩa rất thiết thực. Theo bà Hoàng Thị Hoa, các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm rằng nội dung văn hoá đọc trong kỷ nguyên số sẽ được quy định như thế nào trong dự thảo Luật Thư viện tới đây. Những vấn đề liên quan như sở hữu trí tuệ, bản quyền tài nguyên số trong các thư viện điện tử... rõ ràng đã là câu chuyện không còn xa xôi mà rất gần gũi, thiết thân trong sự phát triển của mỗi thư viện.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ đánh giá cao những ý kiến tâm huyết của các đại biểu, các cán bộ thư viện khi cho rằng cần thẳng thắn nhìn vào thực tế để nhận thức rõ những khó khăn, thách thức đang đặt ra đối với sự tồn tại của các thư viện trong thời đại kỷ nguyên số. Theo Thứ trưởng, nếu cứ ngồi im, ôm ấp tư duy cũ kỹ thì các thư viện sẽ không thể tồn tại cũng như tạo nên sức hút đối với độc giả. Khi đó, sự quay lưng của bạn đọc là tất yếu.

“Một giải pháp quan trọng chính là sự chuyển động, chủ động kết nối thông tin của hệ thống thư viện, năng động tiếp cận với công nghệ số nhằm phục vụ đông đảo bạn đọc của thời đại 4.0. Hiện nay, nhiều thư viện còn bị động, cần phải thay đổi từ tư duy đến phương thức phục vụ. Xem bạn đọc như khách hàng để hết lòng đáp ứng”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Yêu cầu các thư viện tỉnh, thành phải chủ động hơn trong xúc tiến, phát triển thư viện điện tử; tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thư viện nhằm đảm bảo tiêu chuẩn nghiệp vụ, đủ khả năng kết nối các nguồn thông tin phục vụ bạn đọc, Thứ trưởng cũng đề nghị các thư viện cần tiếp tục quan tâm đẩy mạnh ứng dụng CNTT theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp và thân thiện.

Theo baovanhoa.vn


Theo baovanhoa.vn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]