(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong không gian, cảnh sắc ngày xuân, về vùng đất nơi sinh ra đức vua Lê Đại Hành, kẻ du xuân không chỉ được lắng nghe những câu chuyện về vị vua nổi danh “Phá Tống, bình Chiêm”, mà còn được khám phá những nét đẹp, tập tục lâu đời vẫn được duy trì, gìn giữ qua thời gian ở làng quê Trung Lập ngày nay: “Nung bánh chưng”; “ăn tết lại”; “làm xôi nén, bánh lá răng bừa”...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ngày Xuân về ăn Tết lại trên quê hương Hoàng đế Lê Đại Hành

Trong không gian, cảnh sắc ngày xuân, về vùng đất nơi sinh ra đức vua Lê Đại Hành, kẻ du xuân không chỉ được lắng nghe những câu chuyện về vị vua nổi danh “Phá Tống, bình Chiêm”, mà còn được khám phá những nét đẹp, tập tục lâu đời vẫn được duy trì, gìn giữ qua thời gian ở làng quê Trung Lập ngày nay: “Nung bánh chưng”; “ăn tết lại”; “làm xôi nén, bánh lá răng bừa”...

Làng Trung Lập có lẽ là một trong số ít những làng quê truyền thống mà những tục lệ ngày tết từ xa xưa vẫn được duy trì cho đến tận ngày nay. Và không khí tết ở Trung Lập tự bao đời nay, vẫn thường chộn rộn trong lòng những người dân nơi đây, bắt đầu từ ngày 15 tháng Chạp, gắn liền với “tục chạp lăng”. Đó là lễ tưởng nhớ ngày mất hai vị thân sinh ra đức vua Lê Đại Hành. Do không biết chính xác ngày mất của cha mẹ vua nên thay vì làm lễ giỗ (kỵ) thì người dân Trung Lập đã chọn ngày 15 tháng Chạp để duy trì tục “chạp lăng” với câu ca “mười lăm chạp lăng, hai mươi chạp làng”.

Theo đó, vào ngày này các thôn trong làng sẽ cử người ra đền, nấu nước thơm, lau rửa đồ thờ (lễ mộc dục). Cũng trong ngày hôm đó, người dân sẽ cùng nhau ra lăng Quốc mẫu (mộ mẹ vua) và Hoàng khảo (mộ bố vua) để đắp dọn cho gọn gàng, tinh tươm, sạch sẽ. Tục chạp lăng được người dân Trung Lập duy trì, gìn giữ suốt cả nghìn năm qua với tất cả sự tôn kính dành cho những người đã sinh ra vị vua sáng lập ra nhà Tiền Lê.

Di tích Quốc gia đặc biệt đền thờ Lê Hoàn tại làng Trung Lập là nơi diễn ra những nghi lễ quan trọng trong năm của người dân địa phương.

Cũng ăn tết nguyên đán như bao làng quê trên khắp dải đất hình chữ S. Tuy vậy, kỳ nghỉ tết nguyên đán đầu năm với làng quê Trung Lập dường như còn độc đáo và kéo dài hơn với tục “ăn tết lại”. Đó là khi những tưởng tết đã khép lại thì người dân làng Trung Lập, xã Xuân Lập (Thọ Xuân) lại tiếp tục đầm ấm, chung vui cùng nhau trong tết lại.

Nói về nguồn gốc tục ăn tết lại ở Trung Lập, đến nay vẫn có khá nhiều ý kiến khác nhau. Trong khi nhiều người cho rằng, tết lại ở Trung Lập xuất phát từ khi vua Quang Trung tiến quân ra Bắc đánh đuổi quân Thanh, giải phóng Thăng Long. Theo đó, ngày 30 Tết Kỷ Dậu năm 1789, trên đường ra Bắc, nhà vua đã cho quân dừng lại ở phòng tuyến Tam Điệp, tổ chức khao quân “ta với các ngươi hãy tạm sửa lễ ăn tết trước, hẹn đến năm mới thì vào Thăng Long mở tiệc ăn tết lại”. Từ đây về sau, tục ăn tết lại được người dân ở nhiều vùng miền trong cả nước ghi nhớ và duy trì.

Tuy vậy, lại có không ít người dân làng Trung Lập cho rằng tục ăn tết lại ở địa phương có nguồn gốc từ xa xưa. Trong cuốn sách “Vua Lê Đại Hành và quê hương Trung Lập” xuất bản năm 2013 có nhắc đến tục ăn tết lại ở làng Trung Lập với đại ý: ngày mùng 7 tháng Giêng là ngày làng Trung Lập “Khai giá” tục gọi là ăn tết lại. Từ ngày mùng 6, trong làng đã mổ lợn, làm giò chả, nem chua, gói bánh chưng (có năm Khai giá to hơn tết cổ truyền). Ngày Khai giá có ba nội dung: tế lễ bên Nghè (đền thờ Vua), lễ mừng thọ các cụ trong làng và lễ trình làng xin Nhiêu. Lễ trình làng xin Nhiêu là những gia đình có con trai đến tuổi 18 làm lễ để được tham gia công việc của làng, nước.

Làm bánh răng bừa tại làng Trung Lập. (Ảnh: internet)

Ông Đỗ Huy Nhất, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lập cho biết: tục ăn tết lại ngày nay diễn ra, bên cạnh những ý nghĩa xa xưa thì còn là dịp để những người đi xa, bạn bè, anh em... vì điều kiện công việc không thể gặp nhau trong ba ngày tết có cơ hội để hội ngộ, vui vẻ. Sau ngày “tết lại” thì người dân địa phương lại sẵn sàng khai hạ, xuống đồng, cùng nhau hăng say sản xuất.

Dù có những giải thích cũng như quan niệm khác nhau về nguồn gốc “tết lại”, tuy nhiên tựu chung, tục ăn tết lại ở Trung Lập dù không phải độc đáo duy nhất trong cả nước song đó thực sự là nét đẹp văn hóa mà khi ta có cùng hòa mình chung vui với người dân địa phương thì mới cảm nhận hết được ý nghĩa của tập tục truyền thống.

Tháng Giêng ở Trung Lập còn có một ngày lễ cũng vô cùng quan trọng, đó chính là ngày giỗ cụ Lê Đột - bố nuôi của vua Lê Đại Hành ở làng Mía (Xuân Tân). Cậu bé Lê Hoàn lúc lên 5 tuổi, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên đã được gia đình phú hộ tên là Lê Đột ở làng Mía nhận làm con nuôi, chăm sóc nên người.

Trung Lập không chỉ có không gian di tích đền thờ Lê Hoàn vô cùng trang nghiêm, linh thiêng. Nơi đây còn nức lòng du khách phương xa với những món ngon ẩm thực. Trong đó, cổ truyền và lâu đời nhất phải kể đến tục nung bánh chưng, “xôi nén”, bánh lá răng bừa góp phần làm nên phong vị ẩm thực địa phương trong những ngày lễ, tết truyền thống.

Ngày Xuân về Trung Lập, chắp tay trước ngực, thả mình trong không gian thiêng đền thờ vua Lê, thưởng thức chút ẩm thực làng quê. Cảm giác thật nhẹ nhàng và bình yên.

Thu Trang


Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]