(vhds.baothanhhoa.vn) - Trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, hành trình “hồi sinh” và tỏa sáng của loại hình dân ca dân vũ (DCDV) Đông Anh đầy gian nan, thách thức. Trên hành trình ấy ghi nhận sự đóng góp lớn lao của 9 Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) (hiện chỉ còn 4 người) nói riêng và Nhân dân, chính quyền xã Đông Khê nói chung.

Nghệ nhân làng Viên Khê giữ gìn di sản

Trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, hành trình “hồi sinh” và tỏa sáng của loại hình dân ca dân vũ (DCDV) Đông Anh đầy gian nan, thách thức. Trên hành trình ấy ghi nhận sự đóng góp lớn lao của 9 Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) (hiện chỉ còn 4 người) nói riêng và Nhân dân, chính quyền xã Đông Khê nói chung.

Nghệ nhân làng Viên Khê giữ gìn di sảnĐiệu Múa Đèn.

Lên chùa bẻ một cành sen/ Ăn cơm bằng đèn đi cấy sáng trăng...”, những câu dân ca Đông Anh đã trở nên quen thuộc với nhiều người Việt từ thuở còn nằm nôi. Và “cái nôi” của câu ca ấy là vùng đất cổ Viên Khê, ngày nay thuộc xã Đông Khê (Đông Sơn). Dân ca Đông Anh với tên gọi đầy đủ là DCDV Đông Anh (hay còn gọi là Ngũ trò Viên Khê) là hệ thống trò diễn xướng đi kèm các bài dân ca, điệu múa, động tác phản ánh tâm tư tình cảm, đời sống sinh hoạt, kinh nghiệm sản xuất, văn hóa ứng xử... của nền văn minh lúa nước người Việt xưa. Với nhiều trò diễn tiêu biểu, như: Múa Đèn, Tiên Cuội, Tô Vũ, Trống Mõ, Thiếp, Vằn Vương (Hùm), Thủy (thủy phường), Leo Dây, Xiêm Thành (Chiêm Thành), Hoa Lan, Tú Huần, Ngô Quốc... Trong đó, Múa Đèn là trò diễn đặc sắc, độc đáo được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, trước sự biến động, thăng trầm của lịch sử cùng sự biến mất của những không gian văn hóa xưa khiến cho nhiều loại hình văn hóa truyền thống dần bị mai một, lãng quên trong đó có DCDV Đông Anh.

Nhưng với các nghệ nhân, những người từ trước đến nay luôn nặng lòng với nghệ thuật truyền thống thì họ xem đây chỉ là sự “ngủ đông” và luôn chờ cơ hội để “hồi sinh”. Chính vì thế, năm 2002, khi có đề án khôi phục di sản DCDV Đông Anh do Viện Âm nhạc Việt Nam chủ trì, phối hợp cùng với chính quyền và người dân Đông Khê thực hiện thì các nghệ nhân là những người tiên phong đi đầu. Họ không ngại “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, bỏ công sức và thời gian cùng với các nhà nghiên cứu nỗ lực tìm tòi, khôi phục các trò diễn sao cho giống với nguyên bản nhất. Bên cạnh đó là công tác vận động, khơi dậy niềm tự hào quê hương. Cứ như vậy, sự chung tay của toàn thể Nhân dân trong xã, cùng trách nhiệm cao của các nghệ nhân đã đưa DCDV Đông Anh trở lại với đời sống của người dân Đông Khê và trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

“Giữa gánh nặng cuộc sống và nhiệm vụ của một nghệ nhân, tôi chọn vế thứ hai” - đó là lời khẳng định của NNƯT Lê Bá Tuất khi biết chính quyền có chủ trương khôi phục DCDV Đông Anh. Ông Tuất là một trong những người đầu tiên và dành nhiều tâm huyết cho việc phục dựng DCDV Đông Anh. Ông Tuất có biệt danh là “cuội chót”, tức thằng cuội cuối cùng của Tiên Cuội. Mỗi lần nghe gọi như vậy ông vừa buồn vừa xót. Như cái “nghiệp”, từ năm 10 tuổi ông được chọn đóng vai cuội, tình yêu và lòng đam mê với nghề mới nhen nhóm thì vào năm 1946 là lần tổng diễn cuối cùng của DCDV Đông Anh tại sân đình Nghè Sâm. Sau đó, các trò diễn dân gian bị lãng quên, đến ông là “cuội chót”. Cái danh khiến ông trăn trở, day dứt cùng nỗi dằn vặt “chả có lẽ đến đời mình Tiên Cuội phải khép lại”. Bởi thế, khi biết tin DCDV Đông Anh được phục dựng, ông hào hứng đi đầu và dành nhiều tâm huyết cho trò diễn dân gian này.

Theo đó, ông đã cùng với nhà nghiên cứu “đi từng ngõ, gõ từng nhà” tìm hiểu những tích trò, những ai đã từng làm diễn viên, từng đam mê trò trong làng và làng lân cận. Với các trò như Múa Đèn, Tiên Cuội, Trống Mõ... là những trò đặc sắc nhất trong DCDV Đông Anh, được biểu diễn nhiều, các trò đông người tham gia nên những ký ức về các trò diễn gần như nguyên vẹn, việc phục dựng điệu múa, lời hát theo đó không mất nhiều thời gian, công sức. Trong đó, trò Múa Đèn nổi tiếng khắp vùng, được nhiều người biết đến bởi giai điệu trữ tình, trong sáng kết hợp cùng các động tác múa khéo léo đã tạo nên một tổ khúc Múa Đèn vô cùng độc đáo.

Nhưng có những trò bị lãng quên lâu như “Thiếp” (theo ông Tuất đánh giá gần 60 năm), là điệu múa mang đặc trưng văn hóa tâm linh, phê phán thói mê tín dị đoan, dọa nạt của thầy cúng... Trò không được diễn thường xuyên tại các lễ hội, giao lưu văn nghệ, do vậy, ký ức về trò còn lại rất ít. Để khôi phục trò, ông Tuất tìm gặp những người đã từng làm cán bộ văn hóa, trên 80 tuổi và đang còn minh mẫn để hỏi chuyện. Từ những đoạn ký ức ít ỏi, rời rạc, ông về lắp ghép, chắp nối thành tư liệu. Phải mất khoảng thời gian dài thông tin về trò mới hoàn thiện. “Khi đã hoàn chỉnh về lời hát, điệu múa tôi mời hết những người đã cung cấp tài liệu đến nhà và trình diễn hoàn chỉnh điệu trò, để cùng họ tiếp tục chỉnh lại cho giống nguyên bản nhất”, ông Tuất cho biết.

Cùng mang tiếng là “vác tù và” như nghệ nhân Tuất, NNƯT Nguyễn Sỹ Lịch cũng đã dành nửa cuộc đời để giữ gìn và phát triển DCDV Đông Anh. Thời đó, xã giao nhiệm vụ cho mỗi thôn (có 7 thôn) phải khôi phục được từ 1 - 2 trò. Khắc phục khó khăn về kinh phí, nhân lực, trang phục... với vốn kiến thức, hiểu biết sâu về trò, ông cùng với các nghệ nhân đứng ra hướng dẫn, tổ chức cho câu lạc bộ văn nghệ của xã các trò diễn: Tiên Cuội, Đội Đèn, Trống Mõ, Hà Lan, trò Thủy... Đây cũng là đội hình nòng cốt tham gia trình diễn cho Viện Âm nhạc Việt Nam và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa lấy tư liệu, hình ảnh phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật DCDV Đông Anh.

Còn với NNƯT Nguyễn Thị Cốc (86 tuổi) dù tuổi đã cao, đã quên nhiều điều nhưng khi được hỏi về DCDV Đông Anh, bà vẫn kể nhiều chuyện gắn với mốc thời gian đáng nhớ: “Sau lần tổng diễn cuối cùng tại địa phương. Năm 1951, bà được lựa chọn vào đội hình tập luyện để đi biểu diễn, đến năm 1952, bà theo đoàn đi biểu diễn DCDV Đông Anh ở Hà Bắc rồi về Hà Nội...”. Theo bà, trong hệ thống trò diễn DCDV Đông Anh thì tổ khúc múa đèn đóng vai trò vô cùng quan trọng, nên được lựa chọn biểu diễn thường xuyên. Trong đó, mỗi câu hát, mỗi bước đi hay mỗi động tác múa đều mô phỏng lại những cảnh sinh hoạt lao động hàng ngày của người nông dân. Một chu trình sản xuất bắt đầu là thắp đèn, đến luống bông luống đậu, vãi mạ, đan lừ, nhổ mạ, đi cấy, kéo sợi, dệt cửi, se chỉ vá may và cuối cùng là đi gặt đã được tái hiện lại đầy màu sắc. Đã từng là cái trò từ khi 12, 13 tuổi, có kinh nghiệm đi biểu diễn nhiều nơi nên khi trò diễn được phục dựng, bà Cốc nhiệt tình tham gia truyền dạy, tiếp lửa cho thế hệ trẻ.

Theo các nghệ nhân, thời gian đầu phục dựng là lúc khó khăn nhất, song vì DCDV Đông Anh đã ngấm vào máu của mỗi người dân làng Viên Khê. Họ có thể quên nhưng không từ bỏ. Vì thế, khi xã có chủ trương khôi phục, mặc dù khó khăn trăm bề nhưng người dân lại rất háo hức, chờ đợi. Để đến bây giờ “người dân làng Viên Khê ai cũng biết diễn ít nhất từ 1 đến 2 trò”, đó là lời khẳng định của các nghệ nhân. Song song với đó, việc truyền dạy cho thế hệ sau không những được các nghệ nhân chú trọng mà mỗi người dân làng Viên Khê đều tự hào, nhắc nhở con cháu luôn nỗ lực giữ gìn di sản - vốn quý của cha ông mình.

Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]