(vhds.baothanhhoa.vn) - Thực chất, khó khăn của các lĩnh vực nghệ thuật là câu chuyện xưa nay vẫn thế. Bởi rất ít người có thể sống được bằng nghề, đặc biệt với nghệ sĩ tỉnh lẻ. Sân khấu cả năm vài lần sáng đèn, khán giả đến thưởng thức... miễn phí, nghệ sĩ nếu không làm nghề tay trái, chỉ nhờ lương thì nuôi sống mình còn chưa đủ, nói gì đến gia đình.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nghệ thuật truyền thống - "Mờ tỏ" ánh đèn: Chuyện mưu sinh của các nghệ sĩ trẻ

Thực chất, khó khăn của các lĩnh vực nghệ thuật là câu chuyện xưa nay vẫn thế. Bởi rất ít người có thể sống được bằng nghề, đặc biệt với nghệ sĩ tỉnh lẻ. Sân khấu cả năm vài lần sáng đèn, khán giả đến thưởng thức... miễn phí, nghệ sĩ nếu không làm nghề tay trái, chỉ nhờ lương thì nuôi sống mình còn chưa đủ, nói gì đến gia đình.

Nghệ thuật truyền thống - “Mờ tỏ” ánh đèn: Chuyện mưu sinh của các nghệ sĩ trẻNhờ vai diễn Thị Màu, nghệ sĩ Trịnh Tuyết Anh đã được nhận danh hiệu Diễn viên trẻ nhất tại Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên Chèo toàn quốc năm 2020.

“Chảy máu”... tài năng trẻ nghệ thuật

15 em được đào tạo theo đề án của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tốt nghiệp, đang độ tuổi mười tám đôi mươi, vừa hào hứng ra với sân khấu thì bị áp quy định mới không được ký hợp đồng dài hạn, chỉ được ký hợp đồng thời vụ bằng nguồn thu ngoài ngân sách. Vì thế, chỉ 3 em xin ở lại với đoàn, cố bám trụ nơi mình xuất phát. Lý giải điều đó chỉ có thể bằng 2 chữ: Say nghề.

Trong số đó phải kể đến Trịnh Tuyết Anh. So với bạn bè, em có đủ cả nhan sắc, giọng hát và hơn hết, điều kiện kinh tế gia đình tốt, lại có bố là người làm trong ngành. Hơn 2 năm kể từ ngày về Nhà hát Nghệ thuật truyền thống, em chia sẻ: “Ở đây em được học hỏi từ các cô chú, anh chị đi trước, đồng thời cũng rất được tạo điều kiện. Tính đến thời điểm này, em đã được tham gia 2 vở và nhiều trích đoạt, hoạt cảnh. Đặc biệt, em được giao vai Thị Màu trong vở “Thị Màu lên chùa” tham gia Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên Chèo toàn quốc 2020 và đã được trao danh hiệu Diễn viên Chèo trẻ nhất”. Tuy nhiên, có ai thấu hiểu trong 2 năm vừa qua, Trịnh Tuyết Anh đã phải chật vật đi hát đám cưới, hội nghị để có tiền mưu sinh. Khi không có show thì “chầu chực” đợi nhà hát gọi. 12 người bạn khác hiện đã được các đơn vị nghệ thuật ở Quảng Ninh và Hưng Yên đón chào với mức lương từ 5-8 triệu đồng/tháng.

Trước đó, nữ nghệ sĩ chèo Thu Hà- người rất thành công với vai Thị Màu, sau 5-6 năm về Đoàn Chèo Thanh Hóa (đã sáp nhập vào Đoàn Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa), lương ít ỏi, không đủ trang trải cuộc sống cũng đành dứt áo ra đi. Hay trường hợp của nghệ sĩ kèn Vũ Văn Linh, được đào tạo bài bản, là một trong những tay kèn được đánh giá cao, nhưng anh cũng không thể duy trì cuộc sống thuê nhà thành phố, với mức lương gần 2 triệu đồng/tháng. Chính vì thế, Linh quyết định bỏ Đoàn Nghệ thuật Tuồng (nay đã sáp nhập vào Đoàn Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa), về làm “chân” đóng kiện hàng cho một xưởng may ở thị trấn Quán Lào (Yên Định). Anh chia sẻ: “Tôi đành gác lại những ước mơ và niềm vui của mình, vì biết rằng mình còn phải lấy vợ, rồi nuôi con. Nếu chỉ trông chờ vào lương là có lỗi với những người thân yêu mình”.

Cơm áo không đùa với... nghệ sĩ

Rất nhiều nghệ sĩ hiện nay thành công và có thu nhập ổn định bằng nghề tay trái, đặc biệt là làm MC đám cưới, sự kiện, trong đó có rất nhiều nghệ sĩ, như: Nguyễn Hữu Chính, Khánh Vinh, Nhật Hóa... Họ là những gương mặt “vàng” của làng MC sự kiện hiện nay. Song, trước bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, họ bất đắc dĩ trở thành những MC thất nghiệp.

Tuy vậy, không phải ai cũng hoạt ngôn để làm MC, nhiều nghệ sĩ trẻ sống nhờ công việc bán hàng online, làm shipper… Tào Minh Dũng (SN 1984) là sinh viên K1, khóa 2005 - 2008 của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thanh Hóa. Ngay sau khi ra trường, anh về Đoàn Nghệ thuật Chèo làm nhạc công. Khi không đi biểu diễn, anh chủ yếu làm công tác hành chính. Những năm trước, không có dịch COVID-19, anh thường xuyên chạy show sự kiện, đám cưới. Gần 2 năm nay, thu nhập của anh từ việc đánh đàn organ cho các sự kiện giảm về số không. Anh Dũng chia sẻ: “May tôi còn có nghề tay trái thứ 2 là chụp ảnh. Thời gian này, các hoạt động văn hóa nghệ thuật và cả vui chơi giải trí đều tạm dừng, tôi tập trung đi chụp ảnh kết thúc năm học cho các cháu mầm non. Như thế đã là tốt hơn nhiều anh em nghệ sĩ khác. Làm đủ nghề đấy mà cuộc sống còn chưa ổn, vất vả lắm”.

Hoàng Văn Duy, còn rất trẻ (SN 1991) khi mới vào đơn vị, là diễn viên kiêm đạo cụ. Sau một thời gian, Duy chuyển sang làm kỹ thuật ánh sáng. Duy kể lại: “Bắt đầu công tác từ năm 2010, những tháng lương đầu tiên của tôi là 500.000 đồng, dần dần lên được 1,2 triệu đồng/tháng. Năm 2019, tôi được tuyển dụng viên chức, lương hiện tại khoảng 3,6 triệu đồng. Vợ làm công nhân, rồi sinh 2 đứa con, xoay xở kiểu gì cũng thiếu. Đó còn chưa kể, có thời kỳ phải đi thuê nhà trên thành phố để sinh sống. Cuối cùng, 2 vợ chồng quyết định xin ở chung với ông bà ở Hoằng Lưu (Hoằng Hóa), đi buổi về. Và cũng gạt những sĩ diện để làm thêm kiếm tiền”. Thấy nghề shipper vừa có thu nhập lại vừa linh hoạt về thời gian, vợ chồng Duy quyết định làm. 10 triệu đồng/tháng, tức là gấp 3 lần lương diễn viên. Khi không phải tập, nhà hát không dựng vở, anh băng băng trên đường với chiếc xe máy và thùng hàng. Khi tôi hỏi: Nghề phụ có ảnh hưởng đến nghề chính không? Duy cười cười: “Có đôi chút. Tuy vậy, nếu không làm nghề phụ, chắc chắn tôi phải bỏ nghề chính. Bố tôi thích và mê chèo lắm, nên tâm nguyện của ông là con phải giữ cái nghề, theo đuổi đến cùng với nghề”. Chăm chỉ, chịu khó, vất vả, vợ chồng Duy đang tích cóp để có được khoản tiền thực hiện ước mơ có ngôi nhà be bé của riêng mình.

Họ là những diễn viên chính tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa, ấy thế nhưng chưa thể được gọi là ổn định. Nghề phụ đem lại thu nhập chính. Còn những diễn viên hợp đồng, thỏa thuận, giấc mơ vào biên chế để ổn định, yên tâm làm việc cũng còn xa vời lắm. Tuy vậy, biên chế hay không biên chế thì việc kiếm thêm thu nhập lúc nào cũng là đòi hỏi thôi thúc với nghệ sĩ.

Chẳng biết “lửa nghề” có thể giữ chân các nghệ sĩ hay không khi mà thay vì chuyên tâm dành thời gian luyện thanh, luyện giọng, tập từng điệu múa thì họ còn phải lo cơm áo cho gia đình? Có những người mất 20 năm để học từ hệ trung cấp đến hết đại học, ra trường với bao hoài bão nhưng rồi cuối cùng vai cũng không được nhận, lương thì ít ỏi, cả tháng không bằng bữa đi hát ở nhà hàng, quán ăn. Đó thực sự là câu chuyện khi nhắc đến đều khiến cả những người làm nghề và người yêu nghệ thuật thật sự xót xa.

Bài và ảnh: Chi Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]