(vhds.baothanhhoa.vn) - Hơn 30 phác thảo chân dung về những con người Thanh Hóa thành danh trên nhiều lĩnh vực đã được tác giả Kiều Huyền tập hợp trong cuốn sách vừa mới xuất bản: “Thức với lửa đèn”.

“Thức với lửa đèn” - Thao thức cùng người xứ Thanh tài hoa

Hơn 30 phác thảo chân dung về những con người Thanh Hóa thành danh trên nhiều lĩnh vực đã được tác giả Kiều Huyền tập hợp trong cuốn sách vừa mới xuất bản: “Thức với lửa đèn”.

“Thức với lửa đèn” - Thao thức cùng người xứ Thanh tài hoa

Nếu đọc sách, bạn sẽ có thêm nhiều chất liệu, nhiều câu chuyện để hiểu hơn con người Thanh Hóa đáng yêu, đáng mến và đáng quý đến độ nào.

Có hai điều gợi lên trong tâm trí, đó là tại sao tác giả lại đặt tên sách là “Thức với lửa đèn”? Câu hỏi thứ hai là, nếu viết về những người đã nổi tiếng, đã quá quen thuộc với mọi người, thì đâu là lối đi riêng của tác giả Kiều Huyền.

Khi đọc bài viết: “Nữ anh hùng và một thời khói lửa”, chính tôi đã tự trả lời được 2 câu hỏi này. Chuyện về nữ dân quân Ngô Thị Tuyển thì các báo, nhiều bài viết đã khai thác. Song bài viết lại đem đến nhiều chi tiết vừa mới mẻ, vừa chân thực. Đó là ngôi nhà số 310 trên đường Trường Thi giản dị không bán và không cho ai thuê, vì đây là địa chỉ rất nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế đến tìm hiểu về chứng nhân lịch sử Hàm Rồng huyền thoại. Những câu chuyện 8 ngày làm vợ, 10 năm chờ chồng, và cuộc hôn nhân sau này với người khác, những chi tiết ấy khiến nữ anh hùng trở nên gần gũi, “đời” hơn. Không quá lời để nói rằng, tác giả Kiều Huyền luôn có lối đi riêng để phác họa chân dung. Đọc “Thức với lửa đèn”, chắc chắn không có cảm giác khô khan, cũng không quá lời khi gọi tên, định vị phẩm cách, đóng góp của từng nhân vật. Bút pháp văn học, cách dẫn chuyện, gợi mở, dẫn dắt người đọc duyên dáng mà sang trọng khiến từng chân dung hiện lên đều có sức hút riêng.

Có thể tìm thấy điều đó qua những trang viết về nhà nghiên cứu Hoàng Anh Nhân mà tác giả gọi tên là “hình ảnh con ong cần mẫn một đời tìm hoa tạo mật”; là nhạc sĩ Đồng Tâm - người nhạc sĩ của những nẻo đường quê Thanh, gọi tên những thanh âm sông Mã; là cụ Lê Đức Nghi một đời cần mẫn biên soạn sách. Mỗi một phác thảo chân dung, có lúc tựa như bức ảnh chụp, gợi nên cái thần của mỗi người Thanh Hóa; lại cũng có lúc như đoạn phim ngắn, dựng cả một chặng đường hoạt động nghệ thuật sáng tạo, có khi xen lẫn cả đàm thoại thủ thỉ, hiểu cả nỗi lòng người hoạt động nghệ thuật.

Bài viết “Nhà thơ Mường chẳng tắt mùa hoa” đã thể hiện tiêu biểu cho tinh thần ấy. Viết về nhà thơ người Mường - Vương Anh, tác giả còn nhìn ra cả một nỗi niềm “lo âu văn hóa dân gian Mường” trong ông. Những câu chữ cứ xô nhau tự nhiên hiện ra dưới trang giấy, trong lời tự sự của nhà thơ Vương Anh. Là kỷ niệm về người bố, những ngụm rượu thủa nhỏ đến những vật dụng trong không gian sinh hoạt của đồng bào Mường. “Từ đó mới có thêm ước mơ làm thơ, viết văn để vững tin rằng bếp lửa của người cầm bút chẳng bao giờ lụi tàn”; “Gặp ông mo thích thuốc lào thì ông mang sẵn bánh thuốc lào thơm ngon đến, người thích rượu chẳng bao giờ ông quên dắt một chai rượu theo, các bà thích ăn trầu thì ông kiếm trầu cau”; “Ông có vẻ khá dễ dãi trong đời sống nhưng cách làm thơ, làm nghiên cứu thì ông luôn cẩn trọng”.

Đọc những phác thảo chân dung của tác giả Kiều Huyền, thấy điểm thú vị là chất văn, chất báo quyện hòa. Có những chi tiết có thể làm nên bài báo đắt giá, lại có những câu viết thả mượt như thơ, trong mỗi phác thảo đều có cả.

“Thức với lửa đèn” không chỉ là hình ảnh những người thành danh, người nghệ sĩ, nhà báo, nhà giáo có tên tuổi quê Thanh Hóa đau đáu cống hiến cho nghề, cho đời, mà còn chính là thao thức của chính tác giả Kiều Huyền: đóng góp những câu chuyện đẹp về những tâm hồn mang cốt cách xứ Thanh.

Mạc Danh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]