(vhds.baothanhhoa.vn) - Ở độ tuổi xưa nay hiếm, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Cao Sơn Hải vẫn hàng ngày miệt mài với việc nghiên cứu văn hóa dân gian Mường. Bên những trang bản thảo về “Từ điển Mường” còn dang dở, ông trầm ngâm: “Cuốn từ điển dự kiến khoảng 400 trang, có khi phải sang năm, mà cũng không biết có kịp hoàn thiện không nữa"...

Người nặng lòng với văn hóa dân gian Mường

Ở độ tuổi xưa nay hiếm, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Cao Sơn Hải vẫn hàng ngày miệt mài với việc nghiên cứu văn hóa dân gian Mường. Bên những trang bản thảo về “Từ điển Mường” còn dang dở, ông trầm ngâm: “Cuốn từ điển dự kiến khoảng 400 trang, có khi phải sang năm, mà cũng không biết có kịp hoàn thiện không nữa"...

Người nặng lòng với văn hóa dân gian MườngNhà nghiên cứu văn hóa dân gian Cao Sơn Hải trò chuyện cùng cháu trai về văn hóa dân gian Mường.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Cao Sơn Hải sinh năm 1937 tại Mường Voong, xã Cẩm Tú (Cẩm Thủy). Trên hành trình nghiên cứu văn hóa dân gian, so với bạn bè trong giới, ông là người “xuất phát” muộn. Bởi, mãi cho tới tuổi nghỉ hưu, ông mới có thể toàn tâm toàn ý bắt tay vào công việc sưu tầm, khảo cứu, nghiên cứu chuyên sâu văn hóa dân gian, nhất là văn hóa dân gian Mường.

Đón chúng tôi ở nhà riêng tại phường An Hưng (TP Thanh Hóa), bên ấm trà nghi ngút khói, ông bộc bạch: “Tôi sinh ra, lớn lên cùng với những áng xường rạo rực, đắm say, ngậm ngùi, tình tứ của bà, của mẹ, những câu chuyện kể của cha, ông và cảnh sắc tuyệt đẹp của quê hương... Bởi vậy, tôi nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian Mường bằng tình yêu quê hương và muốn để lại cho con cháu, cho bạn đọc biết rằng người Mường có một nền văn hóa (dù chưa giới thiệu được hết) rất đáng kính, đáng trân trọng và rất đẹp. Cần phải gìn giữ và phát huy”...

Ông cho biết, sau khi nghỉ hưu ông vừa nghiên cứu vừa viết tác phẩm và đi điền dã đến các bản Mường xa xôi để gặp gỡ, trao đổi với các cụ già nhằm có thêm tư liệu. Cùng với đó, ông tích cực tham gia các trại sáng tác của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, hội thảo khoa học, đồng thời đọc nhiều sách, báo tham khảo.

Năm 2000, ông trở thành hội viên của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam. Cùng năm đó, ông tham gia trại viết do Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tổ chức tại Phú Yên, với bản thảo “Tục ngữ Mường Thanh Hóa”. Năm 2002, bản thảo này được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam liên kết với Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin ấn hành và được dùng làm tài liệu tham khảo cho tất cả hội viên. “Trái ngọt” đầu mùa ấy đã trở thành nguồn động lực to lớn thôi thúc ông nỗ lực không ngừng, mải miết dấn thân vào hoạt động nghiên cứu văn hóa dân gian Mường.

Gần 20 năm hoạt động bền bỉ trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa dân gian Mường, ông đã xây dựng được một “gia tài” đa dạng, phong phú ở các thể loại từ ngôn ngữ, văn học, lý luận văn học và giới thiệu tác phẩm, lễ tục và lễ hội, luật tục Mường. Tính đến thời điểm hiện tại, ông đã viết và công bố 25 tác phẩm thơ và nghiên cứu văn hóa dân gian, trong đó có 13 tác phẩm văn học và công trình nghiên cứu văn hóa Mường.

Một điều đặc biệt trong hầu hết các công trình nghiên cứu của ông đó là luôn được biểu đạt dưới hình thức song ngữ - điều mà không phải bất kỳ nhà nghiên cứu văn hóa nào cũng làm được. Chia sẻ về điều này, ông cho biết: “Tác phẩm văn vần của các dân tộc thiểu số, khi dịch ra tiếng phổ thông mà không có song ngữ là tác phẩm không có mấy giá trị”.

Đánh giá về những tác phẩm của ông, một số nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, đây thực sự là những công trình nghiên cứu có giá trị về mặt khoa học, văn hóa - xã hội. Thông qua việc khái quát lại, chỉ ra cách hiểu, cách nhìn nhận, cách tiếp cận đúng về ngôn ngữ, luật tục, văn hóa dân gian Mường, các tác phẩm đã thể hiện sự trân trọng tinh hoa văn hóa Mường, góp phần tôn vinh vẻ đẹp của đất và người xứ Mường. Qua đó, khơi dậy sự tự hào, ý thức bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bản sắc văn hóa Mường của cộng đồng trước dòng chảy thời gian.

Chính vì những ý nghĩa tốt đẹp ấy, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Cao Sơn Hải đã nhận được nhiều giải thưởng từ Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Hội Văn học - Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam và UBND tỉnh Thanh Hóa. Đặc biệt, tháng 10-2022, ông đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng “Giải thưởng Nhà nước” về văn học - nghệ thuật cho cụm tác phẩm: Những bài ca đám cưới Mường Thanh Hóa, Lễ Pồn Pôông Eng Cháng và Truyện Nàng Út Lót - Đạo Hồi Liêu.

Dù đã gần 90 tuổi, hàng ngày ông vẫn cặm cụi bên những trang bản thảo để tiếp tục cho ra đời những “đứa con tinh thần” về văn hóa Mường. Cầm trên tay những trang bản thảo về từ điển Mường và sáng tạo chữ Mường theo hướng La tinh hóa, tôi bất giác hỏi ông: Cuốn từ điển này khoảng bao lâu nữa có thể hoàn thiện? Ông trầm ngâm rồi nói: Từ điển dự kiến khoảng 400 trang, có khi phải sang năm, mà cũng không biết có kịp hoàn thiện không nữa...

Câu nói đầy chân thành, ẩn sâu trong đó là một tình yêu với quê hương, một sự lo lắng cho văn hóa Mường khi thời gian chẳng chờ đợi ai cả. Chia tay ông, tôi chỉ mong ông thật nhiều sức khỏe để hoàn thành tâm nguyện của mình.

Bài và ảnh: Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]