(vhds.baothanhhoa.vn) - Là 2 trong số 18 chiến tướng tham gia Hội thề Lũng Nhai năm 1416 và tham gia khởi nghĩa Lam Sơn năm 1418, Trương Lôi - Trương Chiến đã góp phần quan trọng giúp Lê Lợi đánh đuổi quân Minh lập nên vương triều Hậu Lê tồn tại trong suốt 361 năm (1428-1789).

Chuyện hai cha con họ Trương ở phường Hải Hòa

Là 2 trong số 18 chiến tướng tham gia Hội thề Lũng Nhai năm 1416 và tham gia khởi nghĩa Lam Sơn năm 1418, Trương Lôi - Trương Chiến đã góp phần quan trọng giúp Lê Lợi đánh đuổi quân Minh lập nên vương triều Hậu Lê tồn tại trong suốt 361 năm (1428-1789).

Chuyện hai cha con họ Trương ở phường Hải HòaĐền thờ khai quốc công thần thời Hậu Lê, Lê Trương Lôi - Lê Trương Chiến, di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Nói về công trạng của đại tướng quân Trương Lôi (1385–1462), trong sách “Đại Việt thông sử”, nhà sử học Lê Quý Đôn có chép những việc làm: Ông đã đẩy Lê Lợi vào lỗ thân cây để nấp khi quân Minh lùng bắt; đã mang hài cốt của cha mẹ Lê Lợi giấu đi tránh sự phá hủy của giặc Minh và đã dự tất cả những trận lớn khi phải chống cự hoặc khi đánh úp, hay phản công tại địa phận Thanh Hóa, Nghệ An và dọc sông Đáy. Cuối cùng đánh nhử Liễu Thăng vào thung lũng Chi Lăng (Lạng Sơn) và được vua sai đem mấy bại tướng và cờ biển của Liễu Thăng sang phía Tuyên Quang báo tin Liễu Thăng tử trận cho Mộc Thạch biết”.

Dưới triều Lê Thái tông, Trương Lôi giữ chức Tuyên phủ đại sứ Thái Nguyên hạ bạn. Tháng 7 năm Đinh Tỵ (1437), ông được phong Xa kỵ Đồng tổng quản kiêm Đô tổng quản phủ lộ Thanh Hóa. Ông còn làm đến chức Vệ đại tướng quân, hàm Thái bảo, tước Triều quận công. Khi mất được truy tặng Thái phó, Thượng tướng quân, thụy Trực Nghi.

Số người tham gia Hội thề Lũng Nhai chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với tổng số những người tham gia khởi nghĩa lúc bấy giờ, nhưng với vị trí thứ 6 trong danh sách, sau: Lê Lai, Lê Thận, Lê Văn Linh, Lê Văn An, Trịnh Khả (theo Lam Sơn thực lục) điều đó cho thấy vai trò của ông trong cuộc khởi nghĩa này rất lớn. Sau này, trong danh sách 35 người được phong danh Bình ngô khai quốc công thần, thái phó Mộc quận công Trương Lôi xếp ở vị trí thứ 13.

“Tôi là phụ đạo Lê Lợi cùng với Lê Lai đến Trương Chiến, 19 người. Tuy họ hàng, quê quán khác nhau, nhưng kết nghĩa thân nhau như một tổ liền cành. Phận vinh hiển đều có khác nhau, mong có tình như cùng chung một họ” (theo Khởi nghĩa Lam Sơn, Phan Huy Lê – Phan Đại Doãn, NXB Hồng Đức, 2019). Trương Chiến, chính là con trai trưởng của Trương Lôi. Khi Lê Lợi lãnh đạo cuộc khởi nghĩa, ông được nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng, đã góp nhiều công sức, lập nhiều chiến công. Trong đó, rõ nhất là ở trận Bồ Ải (1424), ông cùng nhiều tướng khác chém quân Minh không sao kể xiết, thuyền quân Minh vứt ngổn ngang, xác chết nghẽn cả sông, khí giới vứt đầy rừng, đô đốc Chu Kiệt bị bắt sống, đô ty Hoàng Thành bị chém. Đến mùa đông tháng 10 năm Bính Ngọ (1426), Lý Triện, Đỗ Bí sau khi giao tranh với Vương Thông thất lợi, liền đốt cháy doanh trại, lui về giữ nơi hiểm yếu, cho người cầu cứu cánh quân tinh binh cho Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Trương Chiến chỉ huy.

Chuyện hai cha con họ Trương ở phường Hải HòaÔng Lê Trương Hương, hậu duệ đời thứ 23 của tướng quân Lê Trương Lôi, giới thiệu về sơ đồ phả hệ dòng họ.

Như vậy, Trương Chiến cùng cha là Trương Lôi luôn bên cạnh Lê Lợi từ những ngày chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa, thực hiện ý đồ của Lê Lợi trong việc tập hợp lực lượng, xây dựng căn cứ và địa bàn hoạt động của nghĩa quân. Hai cha con ông còn đặc biệt có tài huấn luyện voi chiến và nổi tiếng trong việc cầm quân lấy ít thắng nhiều.

Năm Thuận Thiên thứ 2, Vua Lê Thái tổ ban biển ngạch công thần cho 93 viên, Trương Chiến được phong tước Đình thượng hầu cùng 14 vị khác, ban quốc tính họ Lê, vì thế sử sách thường ghi tên ông là Lê Chiến và cha ông là Lê Lôi.

Là hậu duệ đời thứ 27, ông Lê Trương Được, Chủ tịch UBND phường Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn) giới thiệu với chúng tôi về ngôi đền, nơi thờ hai cụ Lê Trương Lôi và Lê Trương Chiến: Trước đây, đền thờ được xây dựng khang trang. Hầu hết là dựng lên từ những cây gỗ mít. Nhưng vì thời gian quá lâu, đền xuống cấp vì mối mọt, nhiều hiện vật bị mất đi. Đến năm 1996, đền được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Từ năm 2015 nhờ nguồn kinh phí của tỉnh mà đền thờ được tu sửa. Và đến năm 2022, với sự đóng góp của bà con trong dòng họ, hệ thống cổng, khuôn viên, sân, tường... đã được xây dựng lại.

Đến nay, trong đền còn lưu giữ một số di vật nguyên mẫu thời Lê: 2 sắc phong (đều ghi ngày 2 tháng 7 niên hiệu Cảnh Hưng thứ 14 (1753) 1 bát hương gốm, 1 hương án và 1 mâm bồng bằng gỗ sơn son thếp vàng...

Ông Lê Trương Hương (sinh năm 1945), là hậu duệ đời thứ 23 của cụ Lê Trương Lôi tự hào cho biết: “Gốc gác của chúng tôi là họ Trương, nhưng được vua ban quốc tính mà đổi sang họ Lê. Đến đời Hồng Đức, Vua Lê Thánh tông đã cho phép con cháu các bậc khai quốc công thần được trở lại họ gốc của mình để thờ phụng tổ tiên. Vì thế, các chi nhánh ở Hưng Yên, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thừa Thiên Huế đều quay về họ Trương. Duy nhất ở Hải Hòa vẫn giữ họ Lê Trương suốt 6 thế kỷ nay.

Con cháu dòng họ Lê Trương đã đi khắp nơi làm ăn sinh sống, riêng trên địa bàn phường Hải Hòa còn khoảng hơn 30 hộ. Vào những dịp trung thu, con cháu thường xuyên tổ chức tế tổ. Riêng đêm 14, tất cả mọi người đều đến đền phá cỗ trung thu, nghe ban trị sự đền công bố thành tích học hành và trao thưởng cho con cháu.

Ngoài đền thờ ở tổ dân phố Tiền Phong, phường Hải Hòa, thị xã Nghi Sơn, mộ hai ông hiện đang ở Hữu Lũng, Lạng Sơn; riêng tướng Trương Chiến còn được tôn vinh ở nhà thờ họ Trương Việt Nam ở Hoa Lư, Ninh Bình.

Bài và ảnh: HUYỀN CHI



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]